Wednesday, April 28, 2010

30-4-1975 : NHỮNG BÀI HỌC LỚN CỦA DÂN TỘC

Những bài học lớn của dân tộc

Lê Quế Lâm
Đăng ngày 27/04/2010 lúc 11:31:53 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4795

Cuộc chiến VN vốn mang nhiều bí ẩn, hàng ngàn quyển sách đã viết về nó. Mỗi người đều có cái nhìn riêng tùy theo nhận thức từng người. Hai thập niên trước, tôi đã viết quyển Việt Nam Thắng và Bại: Bản Nghiên cứu Chiến tranh VN trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Đây là bản nghiên cứu cuối cùng của một người lính VNCH đã được Quân đội giao phó trách nhiệm. Khi cuộc chiến đã tàn, tôi thấy có bổn phận phải tường trình đến các chiến hữu và đồng bào. Mục đích của tôi cũng vì đất nước ngày mai.

Bước ngoặt lớn trong chiến tranh VN là việc HK bắt tay với TC để hạ LX. Nhưng tôi không bao giờ có ý nghĩ vì thế HK đã giao MN tự do cho CS. Chiến tranh lạnh chấm dứt, HK trở thành siêu cường số một thế giới. Còn TC ngày nay là một cường quốc kinh tế sắp sửa vượt qua Nhựt, chỉ đứng sau HK. Sở dĩ được vậy là vì họ biết lợi dụng cuộc chiến VN vừa để thủ lợi và để xiễn dương chánh nghĩa của họ. Còn giới lãnh đạo VN, tôi phải nói thẳng: họ không biết nương theo thế cờ quốc tế để làm lợi cho dân tộc mà còn tự nguyện làm tay sai cho ngoại bang để duy trì quyền lực. Một điểm nữa, cả HK và TQ đều đặt lợi ích dân tộc của họ lên trên hết. Tôi tin tưởng rồi đây đất nước ta sẽ có dân chủ như Mỹ và kinh tế phát triển mạnh như Trung Quốc chớ không cần phải nhờ một cường lực nào cả, vận mạng dân tộc là do toàn dân VN chúng ta quyết định.

Tôi xin được đóng góp những cảm nghĩ của mình về bài học của dân tộc, song trước tiên xin tóm lược đôi điều về chiến tranh và kết thúc chiến tranh.

Chiến tranh VN và Chiến tranh lạnh

Nói đến chiến tranh VN (CTVN) mà không đề cập đến chiến tranh lạnh, thì chỉ hiểu CTVN một cách phiến diện mà thôi. CTVN khởi đầu cùng lúc với chiến tranh lạnh từ đầu năm 1947 và kết thúc năm 1989, hai năm sau chiến tranh lạnh chấm dứt. Chiến tranh lạnh là sự đối đầu giữa Thế giới Tự do do HK lãnh đạo và Quốc tế CS do LX dẫn đầu. Sở dĩ gọi chiến tranh lạnh, vì Nga Mỹ không đối đầu nhau tại chiến trường, trái lại còn “chung sống hoà bình”. Trong khi đó, chiến tranh nóng thực sự xảy ra ở VN, trải qua ba giai đoạn:

* Đầu tiên là giữa Việt Minh/CS và Pháp (1947-1954) kết thúc với HĐ Genève 1954.

* Sau đó là chiến tranh giữa CSVN và HK. Kết thúc năm 1975 sau khi hai bên ký kết Hiệp định Paris 1973.

* Cuối cùng là chiến tranh giữa CSVN (được LX ủng hộ) với CS Miên (tức Khmer Đỏ được TC ủng hộ). TC và CSVN đã có trận đánh lớn hồi tháng 2/1979, song chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Sau khi quân CSVN rút khỏi Miên, các phe phái người Cam Bốt ký HĐ Paris 1991 và tham dự cuộc Tổng tuyển cử do LHQ phụ trách.

Chiến tranh lạnh: Khi Thế chiến II chấm dứt, các đồng minh thắng trận chia nhau ảnh hưởng ở Châu Âu và Đông Á. Nhưng chỉ hơn một năm sau, từ đầu năm 1947 mầm móng chiến tranh xuất hiện. Quốc Tế Cộng Sản (QTCS) công khai kêu gọi các phần tử bất mãn, các lực lượng đối lập và các đảng CS khắp nơi trên thế giới phát động chiến tranh du kích và đình công phá hoại. LX không ngần ngại xử dụng bạo lực tại những nơi nào họ cảm thấy không thao túng được guồng máy chính trị làm lợi cho họ, điển hình là tại Ba Lan và Tiệp Khắc. Đối với những nơi thuận lợi như Hy Lạp, QTCS tích cực ủng hộ và yểm trợ các cuộc nổi loạn của du kích cộng sản chống lại chính quyền trung ương ở Athène.

Tháng 3/1946 khi cùng TT Harry Truman viếng thăm viện Đại học Fulton ở Missouri (HK) cựu thủ tướng Anh Winston Churchill kêu gọi sự hợp tác đặc biệt giữa hai nước để ngăn chận Cộng sản. Ông báo động: “Một bức màn sắt đã rơi xuống lục địa từ Steltin ở Baltic tới Trieste trên biển Adriatic. Điều nước Nga muốn chính là sự bành trướng quyền hành và học thuyết của họ một cách vô tận” (1).

Tại Hy Lạp, chính phủ Anh không đủ khả năng bảo vệ phần đất ảnh hưởng của mình nên cầu cứu HK. Ngoại trưởng George Marshall lập luận rằng Hy Lạp sụp đổ sẽ kéo nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ theo… và cuối cùng LX sẽ áp đặt ách thống trị lên toàn thể các nước ở Trung Đông và Châu Á. Đó khái niệm thuyết Domino, nếu HK không can thiệp kịp thời, các nước tự do sẽ lần lượt lọt vào tay CS. Ngày 12/3/1947 Truman ra trước Lưỡng viện Quốc hội trình bày tình trạng khẩn trương tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Truman, những hành động xâm lược nhằm áp đặt chế độ độc tài lên các dân tộc tự do là một sự thách đố, bắt buộc HK phải trả lời. Ông nói: “HK đã đóng góp 341 tỉ đôla để chiến thắng trong Thế chiến II, đó là sự đầu tư cho thế giới tự do và hoà bình”, nay ông “chỉ xin Quốc hội 1/10 của 1/100 số tiền đầu tư đó để tài trợ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ tự do, duy trì an ninh ở Trung Cận Đông”.

Truman đoan quyết trước Quốc hội: “Tôi tin rằng chính sách của HK phải là nâng đỡ các dân tộc tự do chống lại những mưu toan thống trị do các phần tử thiểu số có vũ trang hoặc các áp lực từ bên ngoài gây ra…Các dân tộc tự do trên thế giới nhìn về chúng ta để tìm một chỗ dựa để giữ gìn tự do của họ, nếu chúng ta do dự trong vai trò lãnh đạo của mình, chúng ta sẽ làm cho nền hoà bình thế giới bị lâm nguy và chắc chắn cuộc sống êm ả của chúng ta bị lâm nguy” (2).

Đây là lời cam kết đầu tiên của HK trong tư thế lãnh đạo Thế giới Tự do, mở màn trận chiến mới chống chế độ độc tài CS khuynh đảo. Dự luật viện trợ cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ được Quốc hội Mỹ thông qua, với sự có mặt của ba vị tổng thống sau này là Kennedy, Johnson và Nixon. Quyết định can thiệp của TT Truman theo nhận xét của TNS Edwin Johnson: “Đó là sự tuyên chiến với Liên Xô” (3).

Đông Dương vốn đứng ngoải ảnh hưởng của LX lẫn HK, nhưng năm 1950 khối CS ủng hộ VM/CS đánh Pháp sau khi Pháp đã ký Hiệp ước Elysée trao trả độc lập cho VN. Do đó cuộc chiến ĐD lần thứ nhất xảy ra, các cường quốc họp nhau ở Genève, chia cắt ảnh hưởng ba nước ĐD để bảo vệ hoà bình thế giới. Lào và Miên trung lập. VN bị chia đôi: miền Bắc thuộc ảnh hưởng khối CS, miền Nam VN thuộc ảnh hưởng TGTD. Từ đầu năm 1959, MB thành lập MTGPMN, phát động cuộc kháng chiến chống Mỹ để thôn tính MN.

Bất đắc dĩ, HK phải đưa quân vượt nửa vòng trái đất đến giúp Nam VN, đối đầu với một dân tộc chậm tiến hiền hoà nhưng tư tưởng bị đầu độc nặng nề bởi một uỷ viên CSQT già dặn hết sức cuồng tín và đầy thủ đoạn. Nhiều người ngoại quốc nói rằng chiến tranh VN là chiến tranh uỷ nhiệm. Đây là nhận định gán ép. HK không bao giờ uỷ nhiệm VNCH để chống khối CS. Họ viện trợ kinh tế giúp TT Ngô Đình Diệm phát triển quốc gia, viện trợ quân sự để VNCH tự vệ. Sau đó họ gởi cố vấn quân sự đến MN, giúp VNCH đối phó với chiến tranh du kích của CS. Đến khi MN lâm nguy họ trực tiếp can thiệp. Khi tình thế sáng sủa, họ rút quân. Và cuối cùng ký hiệp định hoà bình với BV, họ kỳ vọng VNCH sẽ giành thắng lợi chính trị trong cuộc tuyển cử dân chủ tự do. Kế hoạch bất thành vì TT Nguyễn Văn Thiệu chỉ có một suy nghĩ duy nhất: MN là tiền đồn của TGTD và HK phải bảo vệ tiền đồn này mãi mãi. Đối với HK, họ đến MN để ngăn chận làn sóng Đỏ tràn xuống ĐNÁ. Kế hoạch ngăn chận hoàn tất, các nước ĐNÁ không còn cần đến SEATO (Liên Phòng ĐNÁ), họ thành lập khối ASEAN (1967) và tuyên bố ĐNÁ là khu vực tự do hoà bình và trung lập (1971). Sau đó, HK rút khỏi MN chớ nơi đây chẳng phải là tiền đồn gì cả.

Còn LX cũng không hề uỷ nhiệm CSVN làm người uỷ nhiệm, bởi lẽ họ đã có “tay trong” tự nguyện làm việc đó rồi. Đó là ông HCM -một uỷ viên QTCS từ 1924. Khi LX và TC ủng hộ CSVN đánh Pháp, Trường Chinh Tổng Bí thư đảng Lao động VN lớn tiếng cho rằng: “Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới kéo dài từ Đông Âu đến Bắc Á sẽ hỗ trợ đắc lực cho CS Đông Dương -tiền đồn chống đế quốc ở Đông Nam Á”. Sau đó Chính cương của Đảng LĐVN được Đại hội Đảng lần II thông qua hồi tháng 2/1951 xác nhận “Việt Nam là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á” (4). Năm 1960, CSVN phát động chiến tranh giải phóng MN, Nghị quyết Đại hội III xác định rõ: “GPMNVN để thiết thực góp phần tăng cường hệ thống XHCN thế giới”.

Nhiều người còn cho rằng “chiến tranh VN là chiến tranh giải phóng dân tộc”, cũng không đúng. Theo HK, những lãnh tụ CS, đặc biệt ở Châu Á là những người phản bội quê hương của họ. Họ bị mê hoặc bởi một triết thuyết xa lạ của Châu Âu là chủ nghĩa Marx-Lenin và trở thành tay sai của LX. CSVN du nhập vào đất nước họ những thứ không phải là truyền thống của dân tộc VN như đấu tranh giai cấp, hận thù dân tộc, con tố cha, vợ tố chồng, chủ trương tàn sát người đồng chủng như Tố Hữu đã hô hào: “Giết, giết, giết không ngừng nghỉ”. Lansdale, người đã giúp ông Diệm xây dựng nền móng Cộng hoà đã viết: “Cái bi kịch của cách mạng VN để giành độc lập là ông HCM đã thay đổi mục tiêu của cuộc đấu tranh: thay vì một cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp để giành độc lập, đó lại là cuộc chiến đánh bại người Pháp để đưa VN vào đế quốc thực dân mới của Cộng sản”.

Tóm lại, chiến tranh VN, thực chất là sự đối đầu giữa HK (được các đồng minh TGTD là Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân và Đại Hàn tiếp sức) để đương đầu với một uỷ viên QTCS là ông HCM, chớ không phải chống nhân dân VN. Người dân VN vốn giàu lòng yêu nước nên đứng về phía HCM vì ông hô hào toàn dân vì “nghĩa vụ dân tộc thiêng liêng” phải chiến đấu chống Mỹ đến cùng để giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Về phần TC sau những bất đồng về đường lối QTCS, họ tách rời LX, thành lập một lực lượng riêng, dưới lá cờ dân tộc chủ nghĩa, bảo vệ các nước Thế giới thứ ba, chống cả LX và HK vì hai nước này đều là đế quốc xâm lược để thống trị thế giới. Vì thế họ ủng hộ CSVN “đánh Mỹ đến người VN cuối cùng” như nhận xét của tướng Mawxell Taylor (5).

HK không chống nhân dân VN vì họ chiến đấu vì nghĩa vụ dân tộc VN. Năm 1954 Hội nghị Genève kết thúc đưa đến việc chia hai VN, trong bản Tuyên bố riêng, HK đã nói rõ: “Nếu quyết định của các cường quốc phản lại ý muốn của người dân bản xứ, HK sẽ mưu tìm sự thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do có LHQ giám sát” (6). HK cũng không thể chống TQ khi họ ủng hộ CSVN thực hiện nghĩa vụ dân tộc. Vì thế HK phải thừa nhận vai trò lớn của BK. Từ 1971 HK không dùng quyền phủ quyết để ngăn chận TC gia nhập LHQ. Nhờ đó TC trở thành uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo An ngang hàng với LX và HK. Ngoài ra HK còn thừa nhận TC như là lãnh tụ các nước Thế giới thứ ba, để góp phần với Mỹ kết thúc chiến tranh VN. Tại Sài Gòn, Lực lượng thứ ba ra đời với thiện ý hoà giải hai phe Quốc Cộng, cả ba sẽ thành lập Hội đồng Quốc gia Hoà giải và Hoà hợp Dân tộc để tổ chức cuộc tuyển dân chủ tự do có quốc tế giám sát theo tinh thần HĐ Paris 1973. HK đã thực hiện lời hứa mà họ đưa ra hồi năm 1954.

Để thực hiện mục tiêu trên, HK đưa hơn nửa triệu quân vào MN nhưng không thủ thắng. Một tháng sau ngày nhậm chức, ngày 24/2/1981 TT Reagan trao gắn huy chương cao quý nhất nước Mỹ là Huân chương Danh Dự của Quốc hội cho một cựu chiến binh từng chiến đấu ở VN là Thượng sĩ Roy P. Benaridez. Ông tuyên bố: “Các anh chiến đấu trở vể không mang theo chiến thắng, không phải vì các anh bị đánh bại, mà vì người ta không muốn các anh chiến thắng”. Trong hiệp định hoà bình, HK không giành thắng lợi cho mình, cũng không gây tác hại nào cho CS, trái lại còn mở ra giai đoạn hợp tác mới rất có lợi cho họ. Đối với nhân dân Mỹ, TT Nixon đã đáp ứng nguyện vọng chấm dứt chiến tranh và hồi hương tù binh. Đối với VNCH, TT Nixon mong muốn được cộng tác với TT Thiệu và chính phủ VNCH trong nhiệm kỳ thứ hai “để bảo vệ tự do cho MN trong thời bình”. Và HĐ Paris sẽ “bảo vệ nền độc lập của Nam VN và cho phép nhân dân VN quyết định lấy tương lai chính trị của mình”.

Từ 35 năm qua, đồng bào mong mỏi được nghe tiếng nói chính thức của các vị lãnh đạo cao nhất VNCH về biến cố 30/4. TT Thiệu đã an giấc nghìn thu, các cộng sự thân cận như Thủ tướng Khiêm, Cố vấn An ninh Quốc gia Đặng Văn Quang, Bí thư Hoàng Đức Nhã… cũng không thấy ai lên tiếng. Chỉ có Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Tiến Hưng viết hai quyển Bí mật Dinh Độc Lập (1987) và Khi Đồng Minh Tháo Chạy (2005) đổ tội cho HK phản bội đồng minh. Năm nay Ts Hưng sẽ cho ra mắt sách viết về “Tâm tư TT Thiệu”. Cầu mong ông cung cấp cho đồng bào những dữ liệu mới có tính thuyết phục về sự phản bội của HK. Vì những lập luận của ông trong hai sách đã phát hành có vẻ quá ấu trỉ. Tôi xin nêu ba thí dụ:

* Ông trích dẫn câu hỏi của Erlichmann Đổng lý Văn phòng của TT Nixon hỏi Kissinger ngày 24/1/1973: “Theo ông, MNVN có thể được tồn tại bao lâu nữa?”. Kissinger trả lời: “Tôi nghĩ rằng nếu họ may mắn thì được một năm rưỡi”. Một học trò tiểu học cũng có thể trả lời như vậy huống chi là Kissinger. Vì sao? HK ký HĐ Paris là để chấm dứt chiến tranh, trong khi VNCH hoàn toàn tùy thuộc vào Mỹ lại muốn tiếp tục chiến đấu, thì lấy vũ khí ở đâu mà chiến đấu lâu dài? Viện trợ quân sự năm 1973 là 2,2 tỷ đôla, năm sau giảm chỉ còn một nửa. Số quân viện này để tự vệ trong thời bình, chớ không phải để tiếp tục chiến tranh. Vì thế “nếu may mắn thì được một năm rưỡi” vì đâu còn đủ vũ khí để chiến đấu!

* Ông nói rằng “Mỹ có thể chấp nhận một chính quyền cộng sản ở Sài Gòn”. Khi trích dẫn lời nói của ai, phải nói có đầu có đuôi. Thật ra trong cuộc đàm luận giữa Chu Ân Lai và Kissinger tại Bắc Kinh ngày 22/6/1972, hai bên đã thảo luận rất nhiều vấn đề. Khi đề cập đến cuộc tuyển cử về quyền tự quyết của nhân dân MNVN, Kissinger nói rằng: “Mặc dù chúng tôi không thể mang một chính quyền CS đến NVN, nhưng nếu nó là kết quả của một diễn biến chính trị thì chúng tôi phải chấp nhận kết quả đó”. Nguyên văn là như vậy. Khi tài liệu này được giải mật mấy năm trước. Kissinger tái xác nhận: “Nếu họ thoả thuận được một kết quả, một dàn xếp dân chủ, chúng tôi sẽ để nó phát triển theo tiến trình riêng của nó. Chấp nhận CS nắm quyền không có nghĩa là mong cho việc đó xảy ra”. Ý của Kissinger là nếu CS chấp nhận giải pháp chính trị, tham dự cuộc tuyển cử dân chủ, nếu họ thắng thì phải chấp nhận kết quả đó.

* Ông viết rằng “HK ký HĐ là để triệt thoái trong danh dự”. Trong điều 9 của HĐ ghi rõ: “Chính phủ VNDCCH và HK cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân MN là thiêng liêng bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng. Nhân dân MNVN tự quyết định tương lai chính trị của MNVN thông qua tuyển cử thực sự tự do dân chủ, có giám sát quốc tế. Các nước ngoài sẽ không áp đặt bất cứ xu hướng chính trị nào hoặc cá nhân nào đối với nhân dân MNVN”. Và điều 22 áp chót của hiệp định ghi rằng: “Việc thực hiện triệt để Hiệp định này sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới bình đẳng và cùng có lợi giữa VNDCCH và HK trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau và không can thiệp vào nội bộ của nhau. Đồng thời, những việc đó sẽ bảo đảm hoà bình vững chắc ở VN và góp phần giữ gìn hoà bình lâu dài ở Đông Dương và Đông Nam Á”. Như vậy HK ký HĐ là vì nhân dân MN, vì hoà bình ổn định ở VN, ĐD và ĐNÁ, vì muốn thiết lập bang giao với BV, chớ không phải chỉ để triệt thoái trong danh dự.

Trong khi chờ những dữ liệu mới của T/s Hưng viết về Tâm tư TT Thiệu, tôi xin tạm mượn lời nhận xét sau của ông Nguyễn Xuân Phong, cựu Trưởng phái đoàn VNCH tại hội nghị bốn bên ở Paris từ 1968 đến tháng 4/1975, đồng thời là Quốc Vụ Khanh đặc trách Hoà đàm: “TT Nixon đưa ra lời hứa một cách rất thành thật và đầy thiện chí. Ông cam kết duy trì một Nam VN chống Cộng và tin tưởng rằng sẽ thực hiện được điều đó với HĐ Ba Lê, chừng nào ông còn là tổng thống Hiệp Chúng Quốc HK và có đủ quyền uy của ‘Siêu cường hàng đầu’ trong một thế giới sẳn sàng ủng hộ ông. Ông Nixon có nhiều giải pháp để chọn lựa. Còn ông Thiệu thì chẳng còn cách nào khác hơn là tự xử bằng cách “hara kiri” (tự tử danh dự theo lối Nhựt Bổn) nếu như ông và những người cùng phe chống Cộng như ông muốn sống cho xứng danh với lý tưởng và lương tâm” (7).

Bài học lớn từ cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu

Mười tám năm trước, trong lời tựa quyển Việt Nam Thắng và Bại, tôi có viết: “Vì quyền lợi tối thượng của tổ quốc, vì thực tâm muốn rút tỉa bài học lịch sử, đôi khi chúng tôi có những phê phán gay gắt, song tận đáy lòng chúng tôi luôn ngưỡng mộ những nhân vật lãnh đạo.Vì tựu chung trong một bối cảnh lịch sử nào đó, tất cả đều làm hết chức năng của mình với sự thành tâm thiện chí mang lại những lợi ích tốt đẹp nhất cho đất nước… Nhưng hậu quả và chung cuộc hình như không đáp ứng với kỳ vọng của con người, vì dù có thiên tài như Marx hay Lenin, họ cũng không tiên liệu hết những gì sẽ xảy ra ở tương lai. Và họ cũng không thể cưỡng lại định mạng đã an bài. Đó là thiên cơ huyền diệu, là qui luật phát triển tất yếu của lịch sử”.

Không ai có thể phủ nhận, cố TT Thiệu là người chống Cộng kiên cường và triệt để. Thực sự, ông quyết tâm chiến đấu chống CS đến cùng, dù không còn lãnh đạo đất nước, ông cũng còn là một chiến sĩ VNCH. Đó cũng là quyết tâm của TT Trần Văn Hương “Nếu ý trời muốn cho nước VN này không còn nữa, thì thôi... Chúng ta sẽ cùng nhau với nước VN này mà chết”. Ông Hương hi vọng với lòng quyết tử của VNCH để bảo vệ phần đất tự do có thể làm lung lạc lương tâm TGTD.

TT Thiệu từng nói “Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn kỷ những gì CS làm”. Nó tàn ác lắm! Ý nghĩ này khắc sâu trong tâm khảm, khiến ông có ý nghĩ HK cũng như ông sẽ không bao giờ nhẫn tâm bỏ rơi MN tự do. Ngày từ chức, ông tuyên bố: “Nếu tôi cản trở hoà bình, tôi xin từ chức để có hoà bình”. Ông từ chức, CS vẫn tấn công, CS không bao giờ muốn hoà bình. Khi đó, ông tin tưởng HK sẽ trả đũa mãnh liệt, như lời hứa của TT Nixon hồi mấy năm trước. HK sẽ đổ bộ như họ đã làm ở Triều Tiên khi CS Bắc Hàn tràn ngập lãnh thổ Nam Cao Ly ngày 25/6/1950, hoặc hồi tháng 3/1965 ở Đà Nẵng. Những ngày cuối tháng 4/1975, toàn bộ lực lượng Cộng quân BV đã xuất đầu lộ diện chung quanh Sài Gòn chỉ cần B52 ra tay như hồi cuối tháng Chạp 1972 ở Hà Nội, là huỷ diệt toàn bộ. Do đó khi từ chức, ông Thiệu tuyên bố sẽ trở về Quân đội tiếp tục chiến đấu. Ông sẽ cùng các chiến hữu của mình phản công giành lại lãnh thổ đã mất, khi HK can thiệp trở lại.

Việc này chỉ có thể xảy ra khi con “diều hâu” Nixon còn tại chức. Nay ông ta đã ra đi, vì chiến lược lúc bấy giờ, HK không còn cần ông nữa. Sáu năm sau một Nixon thứ hai chống CS không nhân nhượng là TT Reagan tiếp nối con đường của ông. Về phần ông Thiệu, sau khi từ chức, ông thấy HK vẫn không trả đũa. Có lẽ lúc đó ông mới nhận thức được, những nhận định từ trước đến nay của mình chỉ là ảo tưởng nếu không muốn nói là sai lầm hay suy nghĩ nông cạn. Sai lầm hay ảo tưởng của người lãnh đạo sẽ làm đất nước suy vong: VNCH năm 1975, LX năm 1991, rồi đây sẽ đến Cộng hoà XHCN Việt Nam.


Ông đã vĩnh viễn ra đi nhưng để lại một bài học quý giá cho những người còn sống. Không bao giờ dựa dẫm vào bất cứ một thế lực nào để bảo vệ đất nước (VNCH) hay để bảo vệ quyền lực của mình (CSVN). Đó chỉ là ảo tưởng, chỉ mang lại khổ đau cho dân tộc và cuối cùng mình cũng trở thành nạn nhân. Phải dám nhận trách nhiệm và sự thật. Người đi trước đã ảo tưởng. Kẻ đi sau cũng tiếp tục mang ảo tưởng hay sao? Tương lai đất nước là do bàn tay, khối óc dân tộc dựng xây, phù hợp với trào lưu tiến hoá của xã hội, đó là qui luật phát triển tất yếu của lịch sử. Đi ngược lại sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát.

Bài học gì từ sự sụp đổ của Liên Xô?

Tháng 12/1976, Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ IV: “Thất bại của Mỹ trong chiến tranh xâm lược VN đã đánh dấu một bước đi xuống của đế quốc Mỹ. Từ chỗ là cường quốc đế quốc chủ nghĩa số một, Mỹ đã suy yếu nhiều về quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính, kéo cả thế giới tư bản lún sâu vào một thời kỳ tổng khủng hoảng toàn diện, không phương cứu chữa…Xu thế phát triển của lịch sử rõ ràng là không thể đảo ngược. Tình hình cách mạng thế giới ngày càng thuận lợi hơn bao giờ hết và đang đứng trước những viễn tượng vô cùng tốt đẹp” (8).

Phụ hoạ vào đó, tại diễn đàn Đại hội XXV Đảng CSLX (1976), Breznhev tuyên bố: “Sự bành trướng của chủ nghĩa CS trên toàn cầu là bước tiến bất phản hồi của lịch sử”. Sau ba nước ĐD đến lượt Mozambique năm 1975, Angola 1976, Ethiopia 1977, Nam Yemen 1978, Nicaragua 1979 lọt vào tay CS. Đến cuối 1979 đích thân LX đưa Hồng quân xâm lược Afghanistan. Tại Iran nhân dân Ba Tư nổi dậy lật đổ chính quyền thân Mỹ của Quốc Vương Palhavi, bắt giam toàn bộ nhân viên sứ quán Mỹ trong 444 ngày. Lần đầu tiên trong lịch sử, chủ nghĩa CS đã tràn đến Trung Mỹ, Trung Cận Đông và Phi Châu.

Trước sự lớn mạnh và khuynh đảo của LX, nhân dân Mỹ bầu Ronald Reagan lãnh đạo đất nước. Trước đó, Đức Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám mục địa phận Cracow (Ba Lan) được bầu làm Giáo Hoàng. Tháng 6/1979, Ngài trở về thăm quê hương. Câu giảng của Ngài: “Đừng sợ hãi, hãy đứng lên!” khiến giới lao động Ba Lan phấn khởi vùng lên thành lập Công Đoàn Đoàn Kết. Sự lớn mạnh của CĐĐK đe doạ quyền lãnh đạo của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, buộc LX phải điều động chiến xa dọc biên giới để sẳn sàng can thiệp như họ đã từng làm ở Hung năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968.

Các nước ký Định ước Helsinski về An ninh và Hợp tác toàn Âu, yêu cầu LX phải tôn trọng nguyên tắc bất can thiệp đối với vấn đề Ba Lan. Đức GH John Paul II cũng thông báo cho LX biết nếu họ xua quân vào Ba Lan, Ngài sẽ trở về quê hương để chịu đau khổ với đồng bào của Ngài. Riêng HK cho biết, đối với vấn đề Ba Lan, HK tôn trọng nguyên tắc bất can thiệp, nhưng nếu LX can thiệp bắt buộc họ phải hành động quyết liệt.

Xin nhắc lại, khi còn tại chức, TT Nixon đã thương thảo với Brezhnev về hai điểm nóng trên thế giới, đó là ĐD và Châu Âu, nơi có hai nước bị chia cắt (Đức và VN). Hai bên chấp nhận nguyên tắc bất can thiệp để duy trì hoà bình thế giới. LX đang ủng hộ CSVN thống nhất VN, nhưng họ sợ Tây Đức thống nhất nước Đức. Điều này đe doạ sự tồn tại của khối Đông Âu nên LX phải ký Định ước Helsinski (Thủ đô Phần Lan) với HK, Gia Nã Đại và toàn thể 30 nước Âu châu ngày 1/8/1975. Các nước cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không vi phạm đường biên giới và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau…

LX đành bất lực, điên đầu trước tình hình phát triển bất lợi ở Ba Lan. Chỉ hơn hai năm, ba lãnh tụ tối cao LX lần lượt qua đời: Brezhnev (10/11/1982), Andropov (9/2//1984) và Chernenko (10/3/1985). Gorbachev mới 57 tuổi đảm nhận trọng trách lãnh đạo LX. Đề cứu vãn chế độ, Gorbachev đành chấp nhận sự tan rã của khối Đông Âu, đồng thời đề ra các biện pháp cải cách chính trị sâu rộng như chế độ tổng thống chế được thành lập, vai trò độc quyền lãnh đạo của đảng CS bị huỷ bỏ, hệ thống đa đảng được chấp nhận ở LX. Kế hoạch cải cách của Gorbachev gặp sự chống đối của nhóm bảo thủ. Dựa vào quân đội, công an và mật vụ KGB là ba công cụ chính của nền chuyên chính vô sản, nhóm cực đoan tổ chức đảo chánh, tấn công Quốc hội nơi qui tụ giới lãnh đạo cải cách. Nhưng lực lượng KGB không tuân hành lịnh nổ súng vào đám đông dân chúng bao vây Quốc hội ủng hộ phe cải cách.

Cuộc đảo chánh thất bại, LX sụp đổ cùng với khối CS Đông Âu. Biến cố này là do ảo tưởng của giới lãnh đạo cuồng tín bảo thủ, tưởng rằng HK đã suy sụp trong thời kỳ sau VN. Khi lâm vào bế tắc, họ còn (ảo tưởng) tin tưởng vào ba lực lượng chính của nền chuyên chính vô sản. Nhưng khi người dân đã thấy thảm hoạ trước mắt, họ ủng hộ phe cải cách, khiến quân đội, công an và mật vụ phải thức tỉnh. Họ không thể tiếp tục phục vụ cường quyền, trấn áp những người yêu nước, phải quay về với dân tộc!

Bài học từ sự phát triển của Trung Cộng

Cuối tháng Hai/1972, TT Nixon đến Bắc Kinh. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên với Mỹ. Mao Trạch Đông đã tỏ ra thẳng thắng khi thảo luận tình hình thế giới. Nixon dò xét thái độ của Mao với câu hỏi: “Nước nào trong hai siêu cường hạt nhân là nguy hiểm hơn?” Mao khôn khéo giải toả ngay mối lo ngại của Nixon: “Hiện nay vấn đề xâm lược do Mỹ hay xâm lược do TQ gây ra là tương đối nhỏ, vì các ông muốn rút một phần quân đội của các ông về đất mình. Còn quân đội của chúng tôi thì không kéo ra nước ngoài”. Nixon hỏi: “Vậy đối với TQ, sự xâm lăng từ Mỹ hay sự xâm lăng từ LX, nguy cơ nào là nghiêm trọng nhất?”. Mao trả lời: “Nguy cơ từ Liên Xô”.

Cuộc đối đáp trên cho thấy TC đã trở thành đồng minh của Mỹ. Nhưng mãi đến cuối năm 1978, sau khi CSVN và LX ký Hiệp ước hữu nghị (3/11/1978) và CSVN đưa quân vào Cam Bốt lật đổ chế độ Pol Pot (25/12/1978). BK vội vã thiết lập bang giao với HK (1/1/1979). Tháng sau Đặng Tiểu Bình đến thăm Mỹ và tuyên bố TQ sẽ đánh VN cho Mỹ coi. Về đến BK ông ra lịnh mở cuộc tấn công “dạy cho VN một bài học”. Đây là sự khiêu khích LX vì trong Điều 6 của Hiệp ước hữu nghị Việt Xô có ghi, nếu một trong hai nước bị tấn công thì coi như hai nước đều bị tấn công.

Chấp nhận đối đầu với LX, Đặng kêu gọi HK, Tây Âu và Nhựt giúp TQ thực hiện “bốn hiện đại hoá’. Đầu năm 1980, Bộ trưởng QP Mỹ Harold Brown đến BK, ông công bố quyết định xoá tên TQ trong danh sách những quốc gia thù nghịch với Mỹ: HK hợp pháp hoá việc cung cấp vũ khí cho TC. Cuối 1985, khi Chủ tịch Nhà nước Lý Tiên Niệm đến Mỹ, Quốc hội HK chấp nhận việc trao đổi nguyên tử với BK, khởi đầu việc chuyển nhượng kiến thức khoa học kỹ thuật tối tân từ HK mà TQ rất cần.

Song song với việc hiện đại hoá, Đặng chủ trương kinh tế thị trường “áp dụng kinh tế tư bản để tối tân hoá xã hội chủ nghĩa”. Áp dụng kinh tế tư bản, TQ sẽ dần dần tiến đến thể chế dân chủ tự do vì Marx đã quan niệm: “Mọi cơ cấu chính trị của xã hội đều là sản phẩm của hệ thống kinh tế xã hội đó. Do đó thống trị về mặt kinh tế sẽ thống trị cả về mặt chính trị”. Cơ cấu chính trị của xã hội tư bản là sự phân quyền, đa đảng, dân chủ tự do. Cơ cấu chính trị của xã hội CS là tập quyền, độc tài độc đảng.

Những sự việc trên cho thấy sự phát triển của TQ là nhờ họ khôn ngoan biết nương theo thế cờ của Mỹ trong từng giai đoạn để tiến lên. Sức mạnh của TQ ngày nay là kinh tế, TT Obama nêu ra khái niệm G2: Mỹ và TC đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới, viện trợ giúp các nước thứ ba phát triển mà TQ từng tự nhận là lãnh tụ. Nếu TQ vẫn nuôi tham vọng bá quyền, khống chế biển Đông, ủng hộ CSVN độc tài độc đảng, HK sẽ cùng Nhựt, Singapore… đầu tư vào Ấn Độ -một nước có truyền thống dân chủ, giúp nước này phát triển kinh tế. Ấn sẽ cung cấp cho thế giới những mặt hàng tốt hơn, vì hiện nay hàng của TQ vừa thiếu chất lượng vừa nguy hại đến sức khỏe con người. TQ tuy mạnh nhưng lại yếu vì ngày nay HK không cần đến nữa. Cựu TT Bush (cha) từng cảnh cáo: Nếu như HK có thể nuôi TQ, thì HK cũng có thể giết TQ.

Bài học về mối quan hệ TC và CSVN

Sau khi LX sụp đổ, mối bang giao Việt Trung được tái lập dựa trên cơ sở mới do Giang Trạch Dân đề ra là “Hợp tác toàn diện”. Mục đích hợp tác của Hà Nội là tìm chỗ dựa bảo vệ quyền độc tôn lãnh đạo của Đảng CSVN. Vì thế BK đã ép Hà Nội ký các hiệp ước biên giới trên bộ và biển rất thiệt thòi cho VN. Nhưng nay, liệu TC có còn muốn hợp tác nữa hay không? Họ phải cân phân sự hợp tác này có tác hại đến mối bang giao với HK hay không? Thật sự, niềm tin của CSVN vào TQ cũng chỉ là ảo tưởng. Hà Nội từng lên án TC đã ba lần phản bội CSVN mà lần sau còn lớn hơn lần trước. Sau đó TC hợp tác với Mỹ để hạ LX. Không phải TC thù hận gì CSVN hay LX, mà chỉ vì quyền lợi dân tộc mà thôi. Nghị quyết Đại hội Đảng CSTQ lần thứ XII (9/1982) chủ trương “phi Mao” (bỏ Mao) dù Mao là biểu tượng của Đảng CSTQ. Họ cho rằng đường lối của Mao sai lầm (tả khuynh, củng cố quyền lực cá nhân) nên phải “phi Mao” để thực hiện lý tưởng của Mao: TQ trở thành cường quốc số 1 thế giới với lãnh thổ bao gồm các dân tộc Thanh, Tạng, Mông, Hồi, cả ĐNÁ và biển Đông.

Trái lại CSVN lấy tư tưởng HCM làm đường hướng chỉ đạo, đặt LX, TC và Đảng CSVN lên trên dân tộc. HCM từng nói: “Ai thì có thể sai chớ đồng chí Stalin và Mao thì không bao giờ sai”. Vì thế tư tưởng Mao được ghi vào điều lệ đảng Lao Động VN (CSVN) từ 1951. Năm 1975 sau khi hô hào toàn dân đánh thắng Mỹ, Lê Duẩn đưa cả nước vào quĩ đạo LX nên bị TC trừng phạt. Nay CSVN quay về thần phục TC chỉ vì Đảng CS chớ không vì lợi ích dân tộc VN. Liệu TC có ủng hộ không? Trước đây là đồng chí, là anh em mà còn phản bội, thì nay làm sao có thể ủng hộ một đảng lãnh đạo vừa phản bội dân tộc họ vừa phản bội mình đã từng cưu mang họ!

Con đường sống duy nhất hiện nay của VN là phải đứng ngoài, cùng các nước ASEAN tranh đấu, thì mới mong giành lại biển Đông, giúp đất nước độc lập phát triển trong dân chủ tự do.

Bài học về MTGPMN

Nhân ngày 30/4, đề cập đến các phe liên hệ đến cuộc chiến VN mà không nói đến MTGPMN là sự thiếu sót bất công. Nhân ngày 30/4 năm 2007, cố TT Võ Văn Kiệt đã nói với phóng viên Xuân Hồng đài BBC: “Tôi là người quốc gia yêu nước đi theo chủ nghĩa CS. Tôi từng coi đại đồng là lớn lắm nhưng nay tôi đặt dân tộc lên trên hết khi VN hội nhập với thế giới”. Ông là người quốc gia yêu nước theo CS nhưng trở về với dân tộc quá muộn màng. Chỉ hơn một năm sau ông từ giả cỏi đời trong khi Đảng CSVN đã cột chặt vận mạng đất nước vào tay TC.

Nhớ lại, có lẽ ông phải xót thương người đồng chí thân thiết Trần Bạch Đằng đã sớm tỉnh ngộ trước ông đến 40 năm. Trong thập niên 1960, cả hai đều là cán bộ lãnh đạo Khu uỷ Sài Gòn-Gia Định. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ, ông HCM mở ra cuộc TCK-TKN Tết Mậu Thân. Ông Đằng đã báo cho Đại sứ Bunker biết kế hoạch này. Có lẽ ông muốn tìm một sự thoả thuận trước với Mỹ. Nếu MTGPMN giành được chính quyền, Mỹ phải thừa nhận Liên Minh Dân tộc Dân chủ và Hoà bình như là chính phủ của MNVN bao gồm các trí thức MN chưa gia nhập MTGP như Luật sư Trịnh Đình Thảo, Giáo sư Nguyễn Văn Kiết… Nếu MTGP không thắng, họ sẽ tham gia hoà đàm để giải quyết vấn đề MN bằng hoà bình.

Trong tổng tấn công Tết Mậu Thân, theo hồi ký Soldier’s Report của tướng Westmoreland, 44 ngàn quân VC trong tổng số 84 ngàn đã bị chết. Sau đó trong mấy đợt tấn công trong năm 1968, hầu như Lực lượng võ trang MTGP đều bị tan rã, số còn lại phải chạy sang Miên. Trong hội nghị bốn bên ở Paris tháng 5/1969, Trần Bửu Kiếm -Trưởng đoàn đầu tiên của MTGP đưa ra đề nghị phù hợp với quan điểm của Mỹ: công việc MN sẽ do nhân dân MN quyết định, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Sau đó ông Trần Bửu Kiếm bị thay thế bởi bà Nguyễn Thị Bình. Người quốc gia yêu nước theo CS đã quay về với dân tộc từ bốn thập niên trước -Trần Bạch Đằng bị hạ bệ. Từ giữa thập niên 1960, ông đã là Bí thư Thành uỷ Sài Gòn, nhưng chưa bao giờ ông được bầu vào TƯ Đảng.

Bài học về thắng lợi của Mỹ

Việc kết thúc chiến tranh VN của Mỹ, sau đó đã ảnh hưởng nặng nề đến vận mạng các nước liên hệ đến cuộc chiến. Còn HK thắng chiến tranh lạnh, trở thành siêu cường duy nhất. Thắng lợi đó là vì HK là một nước dân chủ tự do. Cả nước từ tổng thống, quốc hội, toà án, tối cao pháp viện đến báo chí và người dân đều tham gia vào việc điều chỉnh chánh sách, phù họp với đường hướng chiến lược quốc gia. Nhiệm kỳ của tổng thống chỉ 4 năm, tối đa chỉ hai nhiệm kỳ. Khi tình thế đòi hỏi, Quốc hội có thể tìm một lỗi lầm nào đó, để truất quyền tổng thống. Báo chí công khai chỉ trích và truy tố chánh phủ vi phạm quyền tự do ngôn luận khi Nixon ra lịnh hai tờ New York Times và Washington Post ngưng phổ biến tài liệu Mật Lầu Năm Góc.

Kẻ thù đã lầm to, họ không hiểu sự chống đối của dân chúng Mỹ đối với chiến tranh VN là biểu hiện của nền dân chủ tự do đã đạt đến mức cao độ. Họ coi đó là dấu hiệu suy yếu của Mỹ, vì thế phải trả một giá đắc trong giai đoạn sau VN.

Quá khứ bi thảm, tương lai huy hoàng

Năm 1975 người QG đã buông súng, họ chỉ mong CS hoà giải dân tộc, để họ góp phần xây dựng đất nước thời hậu chiến. Nhưng người CS hẹp hòi, đào sâu mối hận thù dân tộc, áp dụng chế độ độc tài của kẻ chiến thắng, giam cầm và bần cùng hoá nhân dân MN. Bị dồn vào đường cùng, họ phải bỏ nước ra đi.

Đồng bào lại được trời thương. Cao uỷ Tị nạn LHQ đã sắp xếp đưa cả triệu người bất hạnh đến các nước văn minh tân tiến nhất thế giới, chớ không phải đến các nước nghèo ở Phi Châu. Nhờ đó, ngày nay Cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại có một đội ngũ trí thức đông đảo gần 400 ngàn tốt nghiệp đại học. Chỉ riêng 2 triệu người sống ở Mỹ, Úc, Gia Nã Đại, lợi tức bình quân GDP, tổng cộng lên đến khoảng hơn 80 tỉ đô la tương đương với GDP của cả nước. Ngoài ra nếu tính tích sản, thương vụ của họ có thể lên đến nhiều ngàn tỉ. Kiều bào hải ngoại sẵn sàng về giúp nước, đầu tư để phát triển quê hương bản quán của mình được sung túc giàu đẹp, chớ không như bọn tư bản ngoại quốc bóc lột nhân công VN, thu lợi nhuận mang về nước họ.

Thành phần tiên phong về nước là người già, đa số thuộc thành phần HO, dù đến Mỹ chậm trễ, nhưng nay trợ cấp chánh phủ dành cho họ mỗi tháng tương đương 20 triệu đồng VN, ở Úc đến 27 triệu. Còn người đã làm việc, hưu bổng của họ nhiều hơn 4, 5 lần. Chánh phủ Mỹ có dự định mở ngân hàng ở VN để trả tiền già và hưu cho số người này. Trong cuộc sống thoải mái đó, họ sẽ hướng dẫn con cháu kinh doanh theo kiểu Mỹ, tạo công ăn việc làm cho bà con xóm giềng nếu làm ăn ở qui mô nhỏ.

Tương lai đất nước tươi sáng đang bày ra trước mắt. Cầu mong CSVN thức tỉnh, quay về với dân tộc, từ bỏ quyền độc tôn lãnh đạo, thực hiện chế độ đa đảng, để người dân được hưởng dân chủ tự do thực sự.

Lê Quế Lâm
(Sydney 27/4/2010)

(1) Montgomery Hyde, Stalin-The History Of A Dictator. Rupert Hart-Davis, London, 1971, p.551
(2) Harry Truman, Memoirs. Doubleday & Co, Garden City, 1955, Vol II, p.106
(3) André Fontaine, History the Cold War: From The October Revolution To The Korean War 1917-1950. Pantheon Books, 1968, p. 293
(4) Trường Chinh, Cách mạng Dân tộc, Dân chủ nhân dân Việt Nam, Quyển II. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975
(5) Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979, tr.20
(6) The New York Times, The Pentagon Papers. Bantam Books, NY, 1971, p. 52
(7) Nguyen Xuan Phong, Hope And Vanquished Reality. A publication of Center for A Science of Hope, 2001, p.74 + Báo Sài Gòn Times Úc Châu ngày 18/2/2010: Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang, Bản dịch của Phan Quân.
(8) Lê Duẩn, Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của chúng ta. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1981, tr. 107.

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: