Wednesday, December 9, 2009

Ý KIẾN CỦA MỘT SINH VIÊN về BAUXITE TÂY NGUYÊN

Ý kiến của một sinh viên: Bauxite Tây Nguyên, đôi điều suy ngẫm
Bài này được đăng lúc 00:40 ngày Thứ Tư, 09/12/2009
http://bauxitevietnam.info/c/20665.html
Ngày 09/4/2009, hội thảo khoa học về các dự án Bauxite Tây Nguyên đã được tổ chức tại Hà Nội với hơn 11 báo cáo khoa học và 23 ý kiến thảo luận do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì. Hội thảo đã khép lại với nhiều kết luận, tuy nhiên, với những kết luận lửng lơ này, điều căn bản được mọi người quan tâm nhất là liệu dự án Bauxite này sẽ được tiếp tục triển khai hay sẽ bị đình chỉ như theo nhiều khuyến nghị vẫn chưa có được lời giải đáp thỏa đáng.

Bauxite Tây Nguyên và những viễn cảnh
Việt Nam là một trong những nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú và đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau với trữ lượng tương đối lớn, trong đó khoáng sản là một thế mạnh riêng của Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực không thể so sánh được. Một trong những nguồn khoáng sản ngày càng được quan tâm đó là quặng Bauxite. Đây là nguồn nguyên liệu để chế biến sản xuất nhôm – một kim loại đang ngày càng trở nên quan trọng trong thế giới hiện đại, phục vụ từ các sinh hoạt đời thường cho đến yêu cầu của các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp điện tử. Ở Việt Nam, đặc biệt ở Tây Nguyên, việc khai thác Bauxite này khá thuận lợi do Bauxite ở Tây Nguyên có trữ lượng lớn (chiếm hơn 60% trữ lượng bô xít của cả nước) và có hàm lượng tinh quặng lên đến 50%, các mỏ Bauxite lại lộ thiên trên các quả đồi.
Thời gian qua, Việt Nam (trực tiếp là Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam) đã tập trung thăm dò, đầu tư khai thác và chế biến Bauxite ở Tây Nguyên với quy hoạch đầy tham vọng là đến năm 2025, những cơ sở khai thác Bauxite trên sẽ đưa Việt Nam trở thành cường quốc về nhôm và sản lượng khai thác hàng năm có thể đạt 1/5 sản lượng sản xuất nhôm của toàn thế giới (?!). Với đầu tư khai thác Bauxite hiện tại ở Tây Nguyên, các nhà hoạch định chính sách cũng hy vọng trong vài năm tới, các cơ sở khai thác này có thể đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng năm khoảng 1500 tỷ đồng; đồng thời, sẽ tạo được nhiều việc làm cho các người dân địa phương, góp phần phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ tại địa phương cũng như góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất ở địa phương và đem lại sức bật mới cho toàn vùng Tây Nguyên. Để hiện thực hóa hy vọng này, hiện tại, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đang đầu tư xây dựng thử nghiệm 2 tổ hợp Bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông). Dự kiến, đến năm 2011, công trình này sẽ hoàn thành và hằng năm sẽ sản xuất được tổng sản lượng nhôm vào khoảng 1,2 triệu tấn. Ngay khi cơ sở này hoàn thành vào năm 2011, một loạt các nhà máy khai thác Bauxite khác cũng sẽ được xây dựng ở Tây Nguyên, riêng tại tỉnh Đắc Nông, sẽ có 4 cơ sở khai thác Bauxite; đồng thời, các tuyến đường sắt phục vụ việc khai khoáng cũng sẽ được xây dựng ở đây.

Những phản ứng tích cực
Vấn đề khai thác Bauxite Tây Nguyên được các nhà hoạch định chính sách đánh giá là mang đầy tính tiềm năng trong việc phát triển kinh tế của vùng, của toàn quốc, đem lại sức sống mới về kinh tế cho Tây Nguyên, tuy nhiên, vấn đề này lại vấp phải khá nhiều phản ứng từ phía các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các nhà môi trường… và từ cộng đồng những người quan tâm. Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã có thư gửi những người có trách nhiệm trong dự án này với lời nhắc nhở “khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng”.
Mỗi nhà khoa học, đứng từ các khía cạnh chuyên môn khác nhau, đã phân tích vấn đề khai thác Bauxite Tây Nguyên một cách hết sức kỹ lưỡng ở các mặt nhu cầu, hiệu quả, hệ lụy và gần như đều đưa ra nhận định khá thống nhất là: không nên tiến hành tiếp tục dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên trong thời điểm hiện tại bởi những hệ lụy nó đem lại về kinh tế, môi trường, xã hội và an ninh, quốc phòng trước mắt và lâu dài đều lớn hơn hiệu quả kinh tế.

Bauxite Tây Nguyên và những hệ lụy

- Về kinh tế: Tham vọng biến những cơ sở khai thác Bauxite Tây Nguyên thành động lực thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển mạnh và dựa các cơ sở này để làm Việt Nam trở thành một cường quốc về nhôm là một tham vọng tốt, tuy nhiên lại là một tham vọng chưa có căn cứ vững chắc. Phần lớn các hạng mục trong dự án chỉ tập trung vào việc khai thác Bauxite để chế biến thành Alumina (quặng Bauxite tinh chế) chứ không phải để chế biến thành Nhôm (Aluminium). Như vậy, vô hình trung, việc khai thác Bauxite Tây Nguyên trở thành việc sơ chế Bauxite thành nhôm thô (Aluminium) phục vụ cho nền công nghiệp nhôm của các nước khác. Việc khai thác và sản xuất này vừa không đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa không giúp ngành công nghiệp nhôm ở Việt Nam phát triển hơn được chút nào về mặt kỹ thuật.
Hơn nữa, về tài chính, để tập trung làm một dự án lớn như vậy đòi hỏi lượng đầu tư khá lớn, chủ yếu là vay từ nước ngoài, trong khi đó, tỉ lệ hoàn vốn nội tại của việc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên lại không cao. Sản xuất nhôm đem lại giá trị kinh tế cao nhất ở khâu chế biến nhôm thô thành nhôm kim loại, tuy nhiên, nhu cầu và khả năng của Việt Nam ở khâu sản xuất nhôm kim loại đều không cao, do vậy nhôm thô phần lớn được xuất khẩu bán với giá rẻ cho các nước trong khu vực, giá trị kinh tế không thể gọi là cao được (!)

- Về môi trường: Một trong những vấn nạn của việc sản xuất Bauxite là bùn đỏ. Bùn đỏ là một chất thải không thể thiếu trong quá trình khai thác và xử lý Bauxite. Đây là một loại chất thải chưa có một nước công nghiệp hiện đại nào trên thế giới có thể xử lý được bởi thành phần của bùn đỏ bao gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, không biến chất và tồn tại mãi mãi như Hematit (Fe2O3), Natri silico aluminate, Canxi titanat, Monohydrate nhôm (Al2O3.H2O), Trihydrate nhôm (Al2O3.3H2O)… Bùn đỏ này chỉ có thể được chứa trong các hồ chứa nhân tạo và sẽ tồn tại mãi tại Tây Nguyên ngay cả khi việc khai thác Bauxite đã kết thúc; kèm theo đó là các nguy cơ vỡ hồ, tràn hồ gây tổn hại đến môi trường sinh thái địa phương và toàn vùng.
Phục vụ cho quá trình khai thác Bauxite và tuyển Alumina đòi hỏi một lượng nước khá lớn, tập trung nước phục vụ cho việc khai thác này nghĩa là nguồn nước cung cấp cho các nhu cầu sinh hoạt, các nhu cầu tưới tiêu cà phê, cao su sẽ bị hạn chế một lượng đáng kể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất.
Các chất thải khác nhau không thể tránh khỏi trong quá trình sản xuất quặng Bauxite không những ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tại chỗ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái trên quy mô rộng lớn, các thảm thực vật và động vật đều có nguy cơ bị thay đổi. Kèm theo đó sẽ là các biến đổi thời tiết và khí hậu dị thường, gây ra những tổn thất kinh tế nhất định.

- Về xã hội và văn hóa: Một trong những lợi ích của việc tiến hành dự án Bauxite mà người hoạch định chính sách hy vọng đó là sẽ tạo được nhiều công việc mới cho người dân địa phương. Tuy nhiên, thực tế, ngược với những nhận định đó, việc khai thác Bauxite không những không tạo thêm được công việc cho người dân địa phương mà còn đẩy họ vào thế không có công ăn việc làm. Bản chất là ở chỗ các cơ sở sản xuất alumina là các nhà máy hóa chất, do vậy, chúng đòi hỏi công nhân phải được đào tạo ở trình độ cao, với số lượng không cần nhiều. Khâu khai thác Bauxite thì cần có mức độ cơ giới hóa cao, càng không thể tạo ra việc làm cho dân cư tại chỗ. Không những vậy, việc khai thác Bauxite lại chiếm dụng lượng tài nguyên đất khá lớn, đẩy người dân trong vùng vốn chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi trên đất rừng vào thế không có tư liệu sản xuất, không có công việc làm để nuôi sống bản thân cùng gia đình. Kèm theo đó, các không gian sinh hoạt văn hóa của người dân trong vùng cũng dần bị chiếm dụng, phải thay đổi đến địa điểm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn không gian văn hóa của các dân tộc thiểu số đang sinh sống trong vùng.

Hướng đi nào cho Bauxite Tây Nguyên?

Những hệ lụy cơ bản trên là nhân tố thôi thúc việc sớm đình chỉ và xem xét kỹ lưỡng việc tiến hành các dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên. Rõ ràng, ở đây, những hệ lụy tiêu cực đem lại đã vượt xa những lợi ích kinh tế mà người hoạch định chính sách dự tính và hy vọng. Khai thác Bauxite ở Tây Nguyên không những không đúng thời điểm mà còn không đúng địa điểm. Không đúng thời điểm ở chỗ: hiện tại, nhu cầu về nhôm của Việt Nam không cao đến mức phải khai thác Bauxite trên một vùng rộng lớn ở Tây Nguyên để luyện nhôm; hơn nữa, công nghệ và khả năng của Việt Nam hiện tại chưa đủ sức để sản xuất thành nhôm tất cả lượng Bauxite khai thác ở Tây Nguyên, dẫn đến thừa và phải xuất khẩu với giá trị kinh tế không cao. Không đúng địa điểm ở chỗ: tuy Tây Nguyên là nơi có trữ lượng Bauxite cao và thuận lợi cho việc khai thác nhưng đây là nơi còn lưu giữ một môi trường sinh thái rừng đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái khu vực và toàn vùng, đây cũng là không gian sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên – một không gian văn hóa cần được bảo tồn dưới khía cạnh văn hóa, việc khai thác Bauxite ở vùng này sẽ ảnh hưởng đến sinh thái của toàn khu vực và phá vỡ không gian văn hóa của các cư dân sinh sống trong vùng.
Hướng đi đúng về phát triển kinh tế cho Tây Nguyên nên chăng tập trung vào việc khai thác các giá trị văn hóa, sinh thái vốn có của Tây Nguyên và để khai thác tốt các giá trị trên, đầu tư cho du lịch là một giải pháp khôn ngoan nhất.
Hy vọng sau cuộc hội thảo trên, các nhà chức trách sẽ có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về vấn đề Bauxite Tây Nguyên, cân nhắc kỹ lưỡng giữa nhu cầu, hiệu quả và hiểm họa để có cách giải quyết vấn đề một cách hợp tình, hợp lý với tinh thần lợi ích quốc gia là trên hết./.

Sài Gòn, 07 tháng 12 năm 2009
Nhà báo sinh viên




No comments: