Sunday, December 6, 2009

Ý KIẾN CHUYÊN GIA NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT VỀ ĐIỆN HẠT NHÂN NINH THUẬN

Ý kiến chuyên gia người Mỹ gốc Việt về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Huy Phương
04/12/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-04-voa42.cfm
Việt Nam đã quyết định xây hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, giữa lúc có những lời ủng hộ và phản đối. Trong câu chuyện doanh nghiệp hôm nay, mời quý vị theo dõi các lời giải thích của một chuyên gia người Mỹ gốc Việt về dự án tiêu tốn 200 ngàn tỷ đồng, hoặc 11 tỷ 200 triệu đô la này.

Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, 70 tuổi, tốt nghiệp ngành vật lý và nguyên tử tại trường đại học công nghệ Massachusetts Institute of Technology (
MIT). Trước năm 1975, ông phục vụ tại Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt từ năm 1964 đến năm 1967. Hiện nay, ông là Tổng Giám Đốc công ty tư vấn Professional Analysis, Inc. (PAI) có văn phòng tại hai bang Tenessee và Nevada. Trong số khách hàng của công ty có Bộ Năng Lượng (DOE) và Cơ Quan Giám Định Luật Lệ Hạt Nhân (NRC) của Mỹ.

Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn đã tham gia thiết kế 4 nhà máy điện hạt nhân và viết hơn 100 khảo cứu và phúc trình về sự an toàn và giá thành của điện hạt nhân so với các nguồn tạo điện khác.

Ông Đoàn và gia đình đã dành nhiều tiền tiết kiệm và tiền nghỉ hưu để làm việc từ thiện ở Việt Nam.

Trong buổi trao đổi lần này, chúng tôi đã nhờ Tiến sĩ Đoàn giải thích một cách đơn giản những suy nghĩ của ông về dự án nhà máy điện hạt nhân trong tỉnh Ninh Thuận vừa được chính phủ Việt Nam quyết định tiến hành.
Dự án gồm 2 nhà máy, và nhà máy đầu tiên trong xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam sẽ được xây vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.

Trước tiên, TS Đoàn cho rằng ông rất tiếc khi thấy chính phủ Việt Nam đã sử dụng những giả thiết rất thô sơ để đưa tới một chính sách có thể nói là rất quan trọng cho một quốc gia. Ông nói tiếp:
“Lý do thứ hai, điện hạt nhân rất đắt đỏ, đắt gấp ba bốn lần cách làm ra điện tại Việt Nam bây giờ. Phải đầu tư bằng một món tiền rất lớn, bằng cả ngân sách toàn thể quốc gia của Việt Nam. Vậy mà 10, 15 năm nữa chưa chắc đã có điện dùng. Chính vì lý do đó nên rủi ro rất cao, ta sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền, không phải là 12 tỉ đô la giống như đã nói trên sách báo, mà sự thực là sẽ tới từ 30 đến 35 tỉ đô la cho các nhà máy điện hạt nhân như vậy.
Ngoài ra, vì lý do kỹ thuật của điện hạt nhân rất tinh vi, đòi hỏi rất nhiều nhân sự, thời gian, thiết bị đắt tiền; rủi ro cao có kiện cáo với các công ty ngoại quốc, mình phụ thuộc vào họ hầu như 100%, và sự kiện cáo sẽ rất lớn, cũng giống như các công ty hiện nay ở Mỹ, Phần Lan đều có những vụ kiện cáo, bởi vì cuối cùng vẫn là tranh chấp về tiền. Mình không đủ tiền để trả cho những đòi hỏi của họ, và họ đòi hỏi mình nhiều tiền hơn, thành ra hai bên hay kiện tụng nhau. Và khi có kiện tụng, mình phải ra trước tòa án quốc tế, chứ mình không thể đơn phương đứng ra xử, như xử các công ty Việt Nam.
Chính vì những lý do đó nên các rủi ro rất cao. Trong khi đó, sản phẩm cuối cùng vẫn chỉ là điện mà thôi, điện của nhà máy điện hạt nhân thì cũng giống điện của nhà máy thủy điện, nhà máy than; và chính phủ Việt Nam đã nói rõ là ta không muốn làm bom, tại sao ta lại tìm phương pháp khó khăn, bụi gai bụi rậm mà ta đi vô, thay vì đi bằng con đường dễ dàng, quang đãng để có điện cho người dân dùng.”

TS Đoàn nhấn mạnh đến vấn đề nhân lực:
“Chính Việt Nam cũng nói ta không có người. Chính ông Giám đốc các cơ quan nguyên tử của Việt Nam nói rằng nhân sự của Việt Nam trong hai ba chục năm qua thì những người đã được đào tạo bài bản thì họ đã già mất rồi, những người trẻ sau này thì đi theo những trào lưu dễ dàng hơn là đi làm điện nguyên tử hoặc đi khảo cứu về hạt nhân. Thành ra có thể nói rằng ta phải đào tạo từ đầu, và cái giả thiết của những người muốn xây nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam cũng rất thô sơ.
Họ nói rằng Việt Nam có nửa triệu sinh viên đậu đại học, chỉ cần gửi 5.000 người đi ngoại quốc, và trong 5.000 đó chỉ có 10% tức là 500 người quay trở về Việt Nam thì ta cũng đủ sức rồi. Nói như vậy thì quá thô sơ và dùng tài nguyên quốc gia phung phí quá bừa bãi. Họ đâu biết rằng làm như vậy là đưa chất xám Việt Nam đi học những chuyện không cần thiết, trong khi những việc rất cần thiết cho kinh tế Việt Nam thì không được chú trọng.
Gửi 5.000 người đi ngoại quốc là mất 250 triệu đô la, mình đâu đủ tiền mà làm như vậy, nhưng vẫn cứ làm và chấp nhận mất đi 90%. Đó không phải là một chính sách quốc gia.”


Các nhà khoa học bên trong Việt Nam cũng có nhiều người khuyên can là không nên tiến hành dự án này. Chúng tôi hỏi TS Đoàn các ý kiến của ông có khác nhiều so với ý kiến của các nhà khoa học bên Việt Nam hay không. Ông nói:
“Không, các nhà khoa học có trách nhiệm ở Việt Nam như
giáo sư Phạm Duy Hiển và một vài người khác mà tôi biết đều có cùng một quan điểm là nếu ta chỉ muốn sản xuất điện không thôi thì tại sao ta lại chọn cách đắt gấp ba gấp bốn lần cách ta có?
Tôi không thấy có sự hãnh diện nào cho Việt Nam cả, bởi vì ba bốn chục nước đã có điện hạt nhân rồi, ta không phải là nước duy nhất. Cái hãnh diện quan trọng nhất là làm sao cho người dân được sung sướng, hạnh phúc, và ngoại quốc kính nể sự thành thật, chính đáng, quân tử, tánh tình tốt của người dân mình; không phải chỉ hời hợt bên ngoài là tôi cũng có điện hạt nhân. Bởi vì ta đâu có làm ra cái đó, ta đi mua của người ta, đi vay của người ta. Thành ra những cái đó là những sự tiêu pha phung phí của một người mà Việt Nam gọi là ‘công tử bột,’ không biết gì nhưng cứ làm bừa đi để mà lấy làm hãnh diện, một thứ hãnh diện sai.”


Và sau đây là những ý kiến khác của TS Đoàn trước khi chấm dứt buổi trao đổi với VOA:
“Người Việt Nam trong và ngoài nước ai cũng muốn thấy dân giàu; nước mạnh; xã hội công bình, dân chủ, văn minh; giống hệt những điều mà chính phủ Việt Nam nói. Nhưng khi sử dụng ngân sách quốc gia cần phải có thứ tự, những gì quan trọng nhiều thì làm trước.
Điều quan trọng nhất ở Việt Nam bây giờ là làm sao xóa đói giảm nghèo, cứu trợ những người bị lụt lội, xây nhà thương cho bệnh nhân, trường học cho trẻ em là thế hệ tương lai. Làm điện hạt nhân là chuyện rất phí phạm. Tôi tiên đoán là trong 10 hay 15 năm nữa ta cũng chưa có điện hạt nhân đâu.
Những người làm chính sách nên suy nghĩ ngay từ bây giờ, giảm bớt những phung phí như đưa người đi khắp thế giới đi thăm nhà máy này nhà máy nọ; gửi người đi học điện hạt nhân một cách phung phí; trong khi những việc quan trọng nhất, ngay bên cạnh chúng ta - như xe cộ, vệ sinh công cộng, nước sạch cho người dân - đều không có hoặc chỉ có ít thôi. Thế thì ta nên chú trọng những chuyện đó, nó quan trọng hơn cho sự hãnh diện của quốc gia, và quan trọng hơn cho hạnh phúc của người dân.”


Phát biểu của TS Phùng Liên Đoàn có thể nghe qua đường dẫn bên mặt.
Quý vị có thể tìm hiểu thêm về những ý kiến chuyên môn của ông qua các bài tham luận được đăng trên trang
khoa học.net.


No comments: