Friday, December 18, 2009

XUẤT KHẨU của TRUNG QUỐC GÂY KHÓ CHO LÁNG GIỀNG

Xuất khẩu của Trung Quốc gây khó cho láng giềng
(Theo Far Eastern Economic Review)
Cập nhật lúc 04:28 - Thứ sáu, 18/12/2009
http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/dddn.com.vn/Xuat-khau-cua-Trung-Quoc-gay-kho-cho-lang-gieng/3634166.epi

Guồng máy công nghiệp hoạt động hết công suất của Trung Quốc đang gây khó khăn cho các nước láng giềng

Khủng hoàng kinh tế tác động đáng kể đến xuất khẩu của các nước Đông Nam Á. Đã vậy, họ còn khốn khổ vì sự cạnh tranh không sòng phẳng từ các công ty nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc.

Nhà máy kim khí Dunia Metal Works ở Indonesia lúc nào cũng ồn ào: tiếng máy dập chan chát, những cuộn thép bung ra rào rào, những lô đinh thép ầm ầm đổ xuống mặt bàn sắt chờ đóng gói… Nhưng dù có vẻ tất bật, nhà máy này đang trải qua một giai đoạn trì trệ, chỉ hoạt động khoảng 40% công suất. Doanh số bán đinh trên thị trường nội địa đang teo tóp, xuất khẩu thì tiêu vong – tất cả đều do sản phẩm đinh giá rẻ từ Trung Quốc. Giám đốc nhà máy, ông Juniarto Suhandinata, than thở: “Chúng tôi từng cạnh tranh với người Nhật Bản và người Hàn Quốc, nhưng với người Trung Quốc thì chẳng có cửa nào”.

Trung Quốc là đối thủ khó cạnh tranh nổi, và Dunia không phải là nhà máy duy nhất nhận ra điều đó. Tuy nhiên, lời than thở của ông Suhandinata có một hàm ý khác nữa: một cảm giác bất an trước tác động của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và dường như không giới hạn của Trung Quốc.

Từ lâu Trung Quốc tự coi mình là nhà lãnh đạo khối quốc gia đang phát triển, cho dù sức mạnh kinh tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều lần so với bất kỳ nền kinh tế đang phát triển nào khác. Và đáng chú ý là Trung Quốc chẳng những không tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để bảo vệ các “đồng đội” ở thế giới thứ ba nhằm đối phó với những o ép của thế giới phát triển mà ngược lại còn cạnh tranh quyết liệt với các lân bang nghèo khó hơn trong việc giành thị trường xuất khẩu đang teo tóp ở các nước công nghiệp. Với nhiều người châu Á, Trung Quốc đã trở thành một thế lực đe dọa mới.

Ansari Bukhara, người giám sát ngành sắt thép và máy móc của Bộ Công nghiệp Indonesia nhận định: “Trung Quốc 10 năm trước khác xa Trung Quốc bây giờ. Họ mạnh hơn và lớn hơn các nước khác. Thế thì tại sao chúng ta phải ưu đãi cho họ?”. Ở nhiều cấp độ khác nhau, các nước khác cũng đưa ra lời than phiền tương tự. Hãy lấy khối ASEAN với 600 triệu dân làm ví dụ. Chín tháng đầu năm nay, ASEAN bị thâm thủng 74 tỉ đô la Mỹ trong thương mại với Trung Quốc. Hiện tượng này trái ngược với mức thặng dư chút đỉnh mà ASEAN đạt được trong thương mại với Trung Quốc những năm gần đây. Điều này buộc mọi người phải suy nghĩ lại, sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc có phải là cơ may cho các nước láng giềng?
Việt Nam là nước bị thâm thủng nặng trong buôn bán với Trung Quốc. Tại Thái Lan, các nhà sản xuất công khai than phiền về việc họ không có khả năng cạnh tranh với “giá Trung Quốc”. Ấn Độ năm nay đã tiến hành nhiều cuộc điều tra về thương mại không công bằng đối với hàng hóa Trung Quốc, từ thép cán hình chữ I đến giấy in báo.

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng trước ở Singapore đã thúc giục các chính phủ châu Á áp dụng tỷ giá hối đoái “theo hướng thị trường”, rõ ràng là nhắm tới đồng nhân dân tệ mà theo nhiều nhà kinh tế học đã được Bắc Kinh định giá thấp hơn giá trị thực để đẩy mạnh xuất khẩu. Do Trung Quốc không có sự đáp ứng thích hợp, Indonesia đã bắt đầu xem xét lại hiệp định thương mại tự do ký kết giữa Trung Quốc và 6 nước đi trước của ASEAN. Dưới áp lực mạnh mẽ của các nhà sản xuất trong nước, từ sắt thép đến xe gắn máy, tuần trước Bộ Thương mại Indonesia cho biết họ sẽ đàm phán lại việc cắt giảm thuế hơn 350 mặt hàng mà lẽ ra sẽ bắt đầu có hiệu lực trong năm đầu tiên thi hành hiệp định, bắt đầu từ tháng 1/2010.

Thực ra, trước đây Nhật Bản và Hàn Quốc cũng từng bị coi là những cỗ máy xuất khẩu và cũng bị phê phán ở Đông Nam Á khi các doanh nghiệp của họ được nhà nước hậu thuẫn gia tăng xuất khẩu. Nhưng theo ông Jong-Wha Lee, kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thách thức lần này từ Trung Quốc rất khác. “Không chỉ quy mô mà tốc độ của sức mạnh đang nổi lên của Trung Quốc là hiện tượng chưa từng có trong khu vực này. Vì thế nó tạo ra rất nhiều vấn đề, không chỉ trong lĩnh vực thương mại và chính sách tỷ giá mà cả vai trò, vị trí của Trung Quốc trong tương lai”, ông Lee nói.
Nhận thức được sự khó chịu của các nước láng giềng, Trung Quốc đã có những bước xoa dịu dư luận. Hồi tháng 4/2009, nước này đề xuất một quỹ đầu tư trị giá 10 tỉ đô la Mỹ giúp xây dựng đường bộ, đường sắt và hải cảng ở Đông Nam Á và dành ra một quỹ tín dụng ưu đãi 15 tỉ đô la để cho các nước châu Á vay với lãi suất thấp. Nhưng Trung Quốc gần như không làm gì để đáp lại lời phàn nàn của các nước láng giềng về vấn đề giá trị đồng nhân dân tệ.

Do Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ tỷ giá hối đoái nên dẫn tới sự mất cân đối trong thương mại toàn cầu, kích hoạt sự sụp đổ của hệ thống tài chính năm 2008. Thế nhưng, nước này lại khăng khăng chống lại áp lực đòi dỡ bỏ việc ràng buộc đồng nhân dân tệ vào đô la Mỹ và để cho nó tăng giá. Kết quả là hoạt động xuất khẩu của các nước láng giềng sụp đổ.
Indonesia là nước dễ bị tổn thương nhất vì đây là nước đông dân nhất và kinh tế kém phát triển nhất trong số các quốc gia một thời là các “con hổ châu Á”. Trong vòng 4 năm qua, Indonesia đã chuyển từ một nền ngoại thương tương đối cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc sang thâm hụt thương mại. Hiện thâm hụt của Indonesia đã bằng một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và tỷ lệ này đang gia tăng.

Ngoài tỷ giá hối đoái có lợi cho xuất khẩu, Trung Quốc còn sử dụng hệ thống ngân hàng quốc doanh cung cấp cho các ngành công nghiệp những khoản vay tín dụng ưu đãi để xây dựng nhà xưởng, mua nguyên vật liệu và phát triển sản xuất. Việc các công ty thép Trung Quốc thâu tóm các nguồn quặng sắt càng khiến cho các nhà sản xuất thép Indonesia điêu đứng.

Các thị trường xuất khẩu của Indonesia đã gần như không còn. Cũng giống như nhà máy đinh Dunia, công ty dây thép Surabaya ở phía đông đảo lớn Java, đã từ bỏ hoạt động xuất khẩu. Sindu Prawira, Giám đốc điều hành của Surabaya than thở: “Ngày trước, tôi có tới 450 công nhân, bây giờ chỉ còn 170 người. Không chỉ công ty tôi mà ở đâu cũng vậy”. Khi số công nhân bị mất việc tăng nhanh, chính phủ Indonesia tìm cách giúp đỡ các nhà sản xuất bị thua thiệt. Hồi tháng 10, Indonesia quyết định áp thuế nhập khẩu 145% lên mặt hàng đinh nhập khẩu từ Trung Quốc với lý lẽ rằng các công ty Trung Quốc đã cạnh tranh không sòng phẳng.

Irvan K. Hakim, đồng Chủ tịch Hiệp hội Sắt thép Indonesia nói rằng, ông đã nhiều lần than phiền với các quan chức Trung Quốc trong nhiều năm và bây giờ ông không lạc quan chút nào về khả năng tìm được sự đồng thuận. “Trung Quốc là Trung Quốc, bạn biết đấy. Ngay cả Mỹ cũng không nói chuyện được với họ”, ông nói.

Thái Bình
(Theo Far Eastern Economic Review)




No comments: