Tuesday, December 8, 2009

VIỆT NAM : ĐỐI NGOẠI và ĐỐI NỘI

Đối ngoại và đôí nôị
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-12-08
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-lawyer-Tran-Lam-about-his-new-article-focused-on-the-party-12082009154252.html
Luật Sư Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Toà Án Nhân Dân Tối Cao, nguyên trưởng ban tuyên giáo tỉnh và hiệu trưởng trường Đảng trong nhiều chục năm. Ông được biết đến trong các vụ tranh cãi có liên quan đến dân chủ nhân quyền trong nước. Luật sư Trần Lâm vừa có bài viết nhận định tình hình chính trị hiện nay với nhiều chi tiết đang gây sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước.

Luật sư Trần Lâm và Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang (từ trái sang phải). Photo courtesy nguyenthanhgiang.com
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-lawyer-Tran-Lam-about-his-new-article-focused-on-the-party-12082009154252.html/TranLam3-305.jpg

Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ông được chia làm hai phần. Phần đầu ông nói về cách hành xử của chính quyền trước các vấn nạn như Biển Đông, tình hình nông dân mất đất cũng như những hậu quả chính trị và xã hội xảy ra như thế nào.

Hợp tác với Trung Quốc là nắm dao đằng lưỡi

Mặc Lâm: Thưa ông, hiện nay mối lo ngại Trung Quốc đang âm ỉ và trong nội bộ Đảng có khuynh hướng chia ra nhiều ý kiến khác nhau. Một trong các ý kiến cho rằng nên hợp tác với Trung quốc để khai thác tài nguyên trong đó có cả quặng mỏ và dầu khí còn hơn là trực diện đối đầu với họ sẽ mang nhiều nguy hiểm hơn. Ý kiến của ông như thế nào thưa ông?
Luật Sư Trần Lâm: Nếu nói hợp tác thì phải thế này: Điều thứ nhất là phải có nhiều tiền. Bởi vì tôi với ông hợp tác với nhau để làm ăn thì vốn của hai người phải bằng nhau chứ! Không có vốn thì làm sao được? Thứ hai là phải có kỹ thuật. Người ta giỏi hơn mình còn mình thì kém hơn thì làm sao làm ăn? Thứ ba nữa là họ thông qua người cầm đầu của mình, họ chi phối. Điều này chỉ là cái vỏ thôi, còn bên trong thì người ta lấy hết rồi.
Thí dụ như đánh cá ở ngoài biển thì nó nguy hiểm như thế này: Ngay chính bây giờ tàu đánh cá của mình còn mang bán cá cho Trung quốc cơ mà! Và ở ngoài bể thì biết đâu mà chia? Còn dầu khí thì nó bí mật lắm, mình biết được ngày hôm nay là bao nhiêu, nói ra bằng ấy thôi nhưng vì họ đã chi phối được mình rồi thì họ công khai 10 mà họ lấy 20 thì làm sao mình biết? Tình hình như thế cho nên cùng kinh doanh thì chỉ là hình thức mà thôi vì người ta đã nắm người cầm đầu của mình rồi thì mặc sức mà tung hoành!
Bây giờ Trung quốc dùng những áp lực về quân sự, những áp lực về chính trị, những áp lực về kinh tế để nô dịch mình, để mà gậm nhấm mình tuy chưa thật rõ lắm, nhưng cái cách của họ là thế này: Họ chi phối người cầm đầu của mình. Thông qua người cầm đầu của mình họ đưa việc của họ vào, đấy là cách của họ ngày hôm nay như thế. Không phải dùng kinh tế, chính trị hay quân sự như người ta thường nghĩ.
Cách này thì các nhà nghiên cứu thế giới đã nói, nếu mà như thế thì sẽ khơi động sự chống đối ở trong nước đối với người cầm quyền chứ không phải chống đối Trung quốc. Bởi vì Trung quốc họ có hiện diện ở đây đâu mà mình chống đối được? Họ dùng người cầm quyền của mình thì mình phải trở lại chống người cầm quyền của mình, Thế hoá ra mình lại đánh mình! Tình hình hiện nay là như vậy đấy.

Nông dân bị bạc đãi, bóc lột

Mặc Lâm: Nông dân là thành phần đại đa số của xã hội Việt Nam và ông đã khẳng định trong bài viết của mình rằng thành phần này đã và đang bị bạc đãi một cách tồi tệ. Ông có thể cho thính giả biết một cách cụ thể hơn hay không?
Luật Sư Trần Lâm: Điều quan trọng nhất là mình không cho nông dân chuyển hoá ruộng đất, không cho họ làm gì cả họ vẫn như ngày xưa. Trên thực tế khi người ta làm nông nghiệp thì luôn luôn thừa nhân lực, lúc đó phải dạy nghề, hay đưa vào công trường, nhà máy thì mới cơ giới hoá, hiện đại hoá được. Thực ra một nước nông nghiệp chỉ có thể lấy nhân lực từ khu vực nông dân mà thôi. Thành phố có ít dân cư nên không thoả mãn được nhu cầu nhân lực. Lực lượng nhân lực từ nông dân rất lớn cho nên muốn đưa vào dầu khí, vào cơ khí hay khai mỏ…đều là con em của người nông dân chứ thành phố có mấy? Vì vậy không cải tạo nông nghiệp thì không rút được lao động ra.
Mà lao động muốn sử dụng được thì phải có học hành như thành thị. Nông dân cứ bị kềm hãm như thế là một việc sai về nguyên lý rất rõ ràng. Cái sai thứ hai là cứ giữ không cho nông dân chuyển động ruộng đất của họ. Tôi đã từng chứng kiến một hộ nông dân nọ có một cái bìa ruộng quy định theo nhà nước.
Có cái một trăm mét vuông có cái 50 mét vuông mà có hộ có đến hơn 10 mảnh đất lẻ tẻ như vậy mà từ mảnh nọ đến mảnh kia có khi cách nhau cả hai cây số! Thế thì còn làm ăn gì được nữa? Không cho người ta mua bán sang nhượng cứ giữ người ta như thế. Ung nhọt như thế, bức bối như thế kềm hãm người ta đến mức như thế!

Mặc Lâm: Theo những ghi nhận của nhiều tổ chức quốc tế thì người nông dân đã có đời sống tốt hơn vì sản xuất lúa gạo tăng trưởng mạnh và nhất là sau thời kỳ mở cửa thì tình trạng khá hơn rất nhiều…
Luật Sư Trần Lâm: Đến khi ông ấy mở cửa…Mở cửa thì phải có đất để mở mang xí nghiệp, công trường rồi các công xưởng rồi làm đường làm xá…vì vậy cần phải có diện tích đất. Thế thì lại lấy của nông dân…Nông dân đã không có đất rồi mà lại mất đất thêm nữa! Mà lại khổ như thế này, cứ có miếng nào ngon nằm chỗ tốt nhất thì lại lấy để làm công xưởng! Các nước trên thế giới có luật riêng của họ về trưng dụng đất. Nếu lấy đất để làm công nghiệp thì phải ở những chỗ không sản xuất được hoặc thật xa khu dân cư thì mới chấp thuận. Còn ở ta thì ông nhà nước ông ấy lấy gần Hà Nội, ông ấy lấy gần Hải Phòng…toàn những hạng ruộng đất phì nhiêu, màu mỡ để làm công trường trong và đuổi người nông dân ra khỏi đất!

Mặc Lâm: Dư luận báo chí cho rằng vần đề đất đai đã đẻ ra tình trạng tham nhũng hiện nay, ông có chia sẻ như vậy hay không?
Luật Sư Trần Lâm: Nếu chỉ có thế thôi thì đẻ ra kìm hãm nông dân nhưng đồng thời lại đẻ ra cái thứ hai nữa là sử dụng đất của nông dân vừa lãng phí vừa không hợp lý làm cho nông dân đói khổ. Nhưng không phải chỉ hai cái đó, nó còn có cái thứ ba là tham nhũng. Lấy đất của người ta một mét vuông trả cho người ta nửa đô la một mét nhưng đến khi mình bán thì giá lại thì từ 20 cho tới 100 đô la một mét! Thế là tham nhũng đất của nông dân và bán chác lấy tiến. Người nông dân mất đất, nhà nước trở thành tham nhũng. Tham nhũng đất đai là tham nhũng lớn nhất của ta hiện nay, làm đảo lộn xã hội, làm suy đồi chính quyền.

Chia rẽ giữa chính quyền và nông dân

Mặc Lâm: Và theo ông thì hậu quả chính trị dễ thấy nhất là gì khi tham nhũng tràn lan một cách không thể kiểm soát như vậy?
Luật Sư Trần Lâm: Việc này gây ra kẻ thù là người nông dân! Và đồng thời tự mình tha hoá. Tham nhũng thì hư đốn. Họ cướp bóc nên có tiền xây dựng nhà cửa ghê gớm lắm. Trước kia người ta vẫn nghĩ ai cũng là người Việt cả nhưng bây giờ thì không còn nữa, người Việt Nam chia ra rồi có còn như trước nữa đâu! Hai giai cấp rõ ràng giai cấp của tham quan có tiền thừa bạc để, giai cấp nông dân nghèo đói thê lương!
Bản thân chính sách và luật pháp cho nông nghiệp nó đã kìm hãm rồi. Thứ hai nữa khi mở cửa nó lại sinh ra việc lấy đất của nông dân vì thế cho nên mới xảy ra các vụ biểu tình. Những người trong Nam kéo ra Hà Nội để biểu tình. Từ các tỉnh kéo về…có lúc Hà nội một ngày có mấy cuộc biểu tình thành thử ra bây giờ chính trị cũng mất mà về kinh tế thì nông dân họ có muốn làm lụng gì đâu. Người nông dân còn bị những chuyện đau lòng ghê gớm nũa là vấn đề con cái.
Đặc điểm ở ngoài Bắc thì đa số đều muốn con cái có bằng cấp để có thể vào làm việc trong nhà nước, làm quan mà! Cái tư tưởng làm quan đã ăn sâu vào người Việt từ hàng ngàn năm rồi, đặc biệt là ở ngoài Bắc. Thế nên có bao nhiêu tài sản đều đổ vào cho đứa con nó đi học nhưng nền giáo dục nó suy sụp đến mức báo động rồi. Học thì học nhưng con cháu tôi nó dốt lắm cơ!
Chúng tôi học chẳng bao nhiêu nhưng thấy con cháu mình kém xa sự hiểu biết của thời chúng tôi đi học ngày xưa. Người nông dân bị đánh tứ phía, bị đánh đủ mọi mặt!

Tội phạm gia tăng

Mặc Lâm: Còn hệ quả xã hội thì theo ông có phải nó đang ăn mòn mọi giá trị đạo đức cũng như văn hoá theo như báo chí đánh động lâu nay hay không?
Luật Sư Trần Lâm: Người ta không có ăn vì thế mới đẻ ra là họ đi khắp nơi kiếm sống. Họ kiếm sống. Họ kiếm sống không được nên họ phá! Mà đã phá rồi thì trở thành tội phạm! Tôi cho một thì dụ: Người ta ngồi đọc báo Công An rồi người ta tỉ mỉ ghi dấu tất cả những vụ phạm tội thì thấy ra một điều, những kẻ phạm tội 95% đều đến từ nông thôn, đều từ nông thôn ra tỉnh hết.
Họ không có việc làm, họ đói nên phải bò đi. Không có nghề nghiệp mà lại đói thì bắt đầu phá! Phá thế cho nên tội phạm khắp nơi. Tại Hà Nội ngày nay người nông dân đổ về đông không kể xiết.
Hà nội không còn cái kiều gì của Hà Nội cả nó lai căng y như kiểu dân nhập cư tại châu Âu! Có người đến Paris than rằng khổ lắm da đen nằm ở khắp nơi…đại để nó như thế. Thế bây giờ cứ hỏi tại sao lại bán dâm, tại sao lại bán phụ nữ ra nước ngoài, tại sao lại bán trinh…bây giờ nhé, người ta bị ốm, ốm mà không có tiền mua thuốc. Nếu không có thuốc thì chết thế thì có gì mà chả bán? Việc bán con bây giớ rất thịnh hành ở Việt Nam, trước kia thì cũng có chứ không phải không nhưng mà nó rất lẻ tẻ không như bây giờ. Người không thuốc men sắp chết rồi thì đành phải bán con. Hay là có người nông dân chạy được một số tiền đem người nhà mình lên bệnh viện Hà Nội, người ta cho biết thuốc rất đắt phải hết bằng này tiền…thế nên người nông dân đành phải đưa người nhà mình về.
Đấy nó kéo theo hệ quả bao trùm tất cả, bởi vì nước ta bây giờ 75 tới 80% là nông dân mà tất cả 75% đều khốn đốn như thế thì có phải cả nước đang khốn đốn hay không?

Mặc Lâm: Xin cám ơn LS Trần Lâm.

Thưa quý thính giả LS Trần Lâm sẽ tiếp tục trình bày quan điểm của ông về việc chính quyền không coi trọng tự do ngôn luận cũng như cô lập các trí thức có phản biện. Ông cũng đưa ra lập luận làm cách nào để Đảng cầm quyền hiện nay hoạt động hiệu quả hơn, mời quý vị đón theo dõi phần hai cũng do Mặc Lâm thực hiện trong lần phát thanh tới.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: