Wednesday, December 2, 2009

UNG THƯ DAY DỨT KÝ

UNG THƯ DAY DỨT KÝ
Thanh Chung
guihuongchogio
02 Dec, 2009, 07:44
http://guihuongchogio.vnweblogs.com/post/4523/201080
Chưa bao giờ hai chữ "ung thư" lại xuất hiện với tần suất cao như những ngày vừa qua.

Tháng bảy mình về chơi, nghe phong thanh anh Đặng Ngọc Khoa bị phát hiện ung thư. Ghé qua Đà Nẵng không gặp được vì anh còn đang trên đường thiên lý với sứ mạng từ thiện ở những vùng xa xôi. Trưa nay vào trang ACE, đọc cảm nhận của anh Tống Hữu Hạnh viết lúc 20.13 (giờ VN): "Tôi vừa nhận được tin nhắn của Tiểu Yến báo rằng chắc anh Khoa không qua khỏi đêm nay. Bần thần! Khoa ơi! Sao bạn bỏ đi quá sớm? Không có phép lạ sao?". Khi mình đang gõ những dòng chữ này, gà bắt đầu gáy sáng bên bờ Đông. Nếu quỹ thời gian còn lại của anh chỉ được tính bằng mỗi vòng quay, mình ước cho mặt trời đừng đến vội.

Cách đây hơn một tuần, một người bạn vong niên cũng gửi đến cho mình một bài hoài niệm đầy nước mắt. Người anh em của anh ấy cũng vừa từ bỏ trái đất này tìm đến miền cực lạc. Cầu mong cho anh ra đi thanh thản. Kéo lê những ngày cuối cùng trong nỗi đớn đau thể xác của những khối u ác tính cũng là đày đọa.

Một chị bạn khác của mình cũng đã trở về bên cạnh người thân ung thư giai đoạn cuối. Bệnh viện đã bó tay. Đành chờ "trời gọi tên ai nấy dạ".

Mình nhớ giữa thập niên chín mươi, một chị bạn thở than, ở Bãi Cháy - Quảng Ninh, bình quân mỗi nhà nuôi một người nghiện. Bây giờ mình chợt nghĩ, liệu bình quân mỗi gia đình Việt Nam có một người ung thư? Nhà mình có hai bà chị gái, một bà chị dâu từng vào bệnh viện cắt khối u khi chúng chưa kịp "trở mặt"; Có ông cậu ruột "Tướng về hưu" bị phát hiện ung thư hạch cách đây gần bảy năm. "Có bệnh thì vái tứ phương". Ai mách thuốc gì, ở đâu cũng tìm đến. Có lẽ ngại đối đầu với ý chí của vị tướng cầm quân đánh đông dẹp bắc mà "Bắc đẩu, Nam tào" vẫn còn do dự chưa gạch tên ông trong sổ Thiên Tào. Nhà thơ - Họa sỹ Trần Nhương đã từng kêu lên: "Xin đừng gọi làng tôi là làng Ung thư". Nhưng làng của Trần Lão gia đâu phải làng Ung thư duy nhất.

Chị bạn đồng nghiệp của mình bỗng một ngày không lê được ra khỏi giường để gọi xe cấp cứu. Các dải xương sườn đã bị rời ra khỏi cột sống vì ung thư phổi di căn. Chị ấy không hút thuốc nhưng xung quanh thiếu gì khói bụi. Ấy là ở New York nơi mình làm việc, thuốc lá bị cấm trong nhà hàng, tàu điện ngầm, trong thang máy, trong trường học và trong công sở.

Ở nước mình hút thuốc lá vô tư, mọi nơi, mọi lúc: Khách sạn, nhà hàng, tàu xe, bến bãi. Các loại xe cơ giới nhả khói đen sì, vẫn vượt qua các kỳ đăng kiểm. Nhà chị chồng mình ở ngay cửa ngõ vào thành phố. Cửa kính che kín tất cả các ô thông gió. Vậy mà bàn ghế giường tủ lúc nào cũng phủ bụi trắng xóa. "Nhà máy xi măng khói tỏa ngang trời - trái tim Hải Phòng ta đó...". Ơn giời (à quên ơn các vị lãnh đạo thành phố), sau mấy mươi năm dân thị thành hít bụi căng hai lá phổi, khói công nghiệp được chuyển giao về cho bà con nông dân ở gần nơi khai thác đá. Hít khói mà được mặc quần áo đồng phục, đeo thẻ, đi làm theo ca, lĩnh lương theo tháng còn hơn lầm lũi theo đít con trâu, "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời".

Hồi tháng bảy mình vào Hội An. Mặc quần áo may ở Việt Nam; đi giày dép mua ở Hàng Dầu, Hà Nội. Vào cửa hàng thời trang vẫn bị cô bán hàng hét giá cao trên trời. Hỏi tại sao em nói giá bằng tiền Đô la. Cô ta lỏn lẻn cười, trông da chị em biết ngay là chị ở "bển". Chị sếp cũ của mình ở Việt Nam sang họp. Quần áo, giày dép, túi xách toàn đồ hàng hiệu. Chỉ có màu da mai mái, chì chì chính hiệu "made in Việt Nam". Hôm qua Bọ Vinh chính thức đưa tin, chị Mai đã bị chuẩn đoán ung thư da. Nguyên nhân có rất nhiều: môi trường, mỹ phẩm... Mình không tin một cô giáo ở Quảng Bình lại sử dụng nhiều mỹ phẩm đến độ ung thư.

Ngày nào đọc báo cũng thấy đưa tin: phát hiện cả làng tẩy trứng gà Trung Quốc bằng axit; kiểm tra cơ sở nước tinh khiết thấy có khuẩn mủ xanh; kiểm tra cơ sở rang hành khô, rang lạc, chảo dầu đen quánh, thực phẩm đặt ngay dưới nền nhà, cạnh khu vệ sinh; bánh phở có phooc môn, giò chả có hàn the; chân gà nướng tẩm ướp bằng hóa chất công nghiệp; thịt gà ôi thiu nhập hàng container được trộn lẫn với gà trong nước; rau có thuốc sâu; hải sản ướp phân u-rê; siêu thị bán hàng quá đát; gà vịt nhiễm bệnh được moi lên từ các hố chôn gia súc; nước tương đen, sữa trẻ em cũng chứa nhiều độc chất... Không biết ăn gì.

Cậu lái xe ôm chở mình đi thăm thác nước ở Sapa ân cần dặn dò: "Cô đừng bao giờ mua quýt Trung Quốc. Mấy tháng trước cháu làm cửu vạn ở biên giới. Quýt ngâm trong thùng thuốc bảo quản thấy mà ghê". Ra chợ Hàng Da, trái cây nào cũng xanh mát mắt. Chị bán hàng đon đả: "Hàng lấy từ miền Nam ra. Nhà chị tuyệt đối không buôn hàng biên giới". Mỗi sáng ở chân cầu Long Biên, hàng mấy chục xe hàng đổ xuống. Không ra các sạp hàng ở chợ thì chẳng lẽ thả hết xuống sông Hồng?

Quốc Hội họp các kỳ chất vấn đều để cập đến môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ trưởng nào cũng khóc thương dân. "Con dại cái mang!". Chưa thấy ai ra tòa vì hàng ngàn hecta rừng không cánh mà bay; vì nhiều dòng sông bị bức tử oan nghiệt như Thị Vải. Tây Nguyên sẽ có hàng trăm bể treo bùn đỏ; miền Trung còn hàng chục hàng trăm các hồ thủy điện lớn nhỏ. Lũ chưa về đến nơi, lụt đã lan tràn. Lan tràn ổ bệnh.

Không khí thế, nước ăn thế, thực phẩm thế, không ung thư mới là chuyện lạ!

------------------------------------
Một người bạn vừa gửi đến cho TC con số thống kê về bệnh ung thư ở VN từ năm 2000. Không biết ai có số liệu mới hơn không?
http://www.nci.org.vn/Vietnam/Thong_ke.htm

Còn đây là một bài viết từ năm 2006:
http://vietbao.vn/Suc-khoe/Benh-ung-thu-gia-tang-o-Viet-Nam/65078078/248/



No comments: