Wednesday, December 9, 2009

TÔI và CHÚNG TA

Tôi và chúng ta
Nguyễn Ngọc
Thứ Tư, 09/12/2009
http://danluan.org/node/3584
Tôi không nghĩ và có lẽ không có khả năng làm "người đi trước", nhưng rất trân trọng và cảm phục những người như Lê Công Định, Trần Anh Kim, Lê Thị Công Nhân, Vũ Hùng v.v... hoặc mới nhất là nhà văn Phạm Đình Trọng. Họ - chính họ - là những "người đi trước", họ dám chấp nhận trả giá "cái tôi" để "chúng ta" có thể noi theo.

Từ khi trái đất được hình thành và vạn vật được sinh sống trên đó, mỗi sự vật và hiện tượng đã hình thành nét riêng biệt mà không ai có thể chối cãi và đó cũng là sự đa dạng của thế giới này.
Những hiện tượng tư nhiên như: Mưa, gió, sấm sét, bão tố, biển động v.v... đều có nét riêng của từng hiện tượng, vì thế từng hiện tượng được loài người đặt tên để phân biệt hiện tượng này với hiện tượng khác.
Xét ở loài vật cũng vậy, từ động vật bốn chân đến hai chân, từ loài bò sát cho đến loài xúc tu hoặc cỏ cây hoa lá, chim muông v.v... đều có nét riêng, trong từng họ lại cũng có nét riêng của từng loài, ví dụ cùng họ nhà mèo, nhưng sư tử sống thành bầy đàn, cọp lại sống riêng lẻ từng cá thể và còn nhiều dẫn chứng thực tế quanh ta để thấy rằng chỉ riêng trên trái đất - là nơi mà vạn vật đang sinh sống - chúng ta thấy các sự vật và hiện tượng rất đa dạng và phong phú. Ở loài người nói riêng cũng vậy, ngay như để phân biệt ban đầu giữa người này và người khác (nhất là khi công nghệ thông tin tiến bộ quá nhanh như hiện nay) chúng ta đã biết đặt tên, khi trùng tên chúng ta cũng vẫn biết tìm cách nào đó để vẫn có thể phân biệt người này và người khác. Song song đó, từ tính tình, cảm xúc, sở thích v.v... cho đến quan điểm, suy nghĩ, cách hành động v.v... cũng đều khác nhau rất nhiều và khác từng mức độ, những cái đó chúng ta gọi là cái TÔI.

Khái niệm đa nguyên và nhất nguyên không chỉ để áp dụng trong lĩnh vực chính trị mà còn để sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác.

Đa nguyên theo nghĩa tổng quát là sự xác nhận và chấp nhận tính đa dạng. Khái niệm này thường được dùng theo nhiều cách khác nhau trong nhiều vấn đề khác nhau. Trong chính trị, sự xác nhận tính phong phú về các mối quan tâm và niềm tin của toàn thể công dân là một trong số các đặc tính quan trọng của nền dân chủ hiện đại. Trong khoa học, khái niệm này thường miêu tả quan điểm cho rằng có vài, không phải duy nhất, phương pháp, lý thuyết hay quan điểm là hợp lý hoặc đáng tin cậy. Thái độ này được cho là một yếu tố quan trọng cho tiến bộ khoa học. Thuật ngữ đa nguyên cũng được dùng với một số nghĩa khác trong ngữ cảnh tôn giáo và triết học.

Quay trở lại với "cái tôi", khái niệm này nằm trong ý nghĩa phạm trù đa nguyên, hãy chấp nhận và xác nhận tính đa dạng của mọi sự vật, hiện tượng thì chúng ta mới có thể khách quan để đánh giá nó. Đa nguyên cũng là yếu tố thúc đẩy xã hội phát triển cũng như chấp nhận đa nguyên trong phạm vi khoa học thì giúp cho khoa học ngày càng tiến bộ hơn cho việc nghiên cứu để phục vụ loài người.

Ngoài ra, không có "cái tôi" thì không có "chúng ta". Trong "chúng ta" phải có từng "cái tôi", điều quan trọng "cái tôi" của từng người không xâm phạm lợi ích của cộng đồng, không làm hại đến cộng đồng đều nên được chấp nhận. Chính có "cái tôi" mới làm cho "chúng ta" phong phú.

Không có TÔI chắc chắn không có CHÚNG TA. Chúng ta cũng nên phân biệt rõ giữa "cái tôi" và sự vị kỷ, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.

Quốc gia, dân tộc CHẮC CHẮN phải là riêng biệt. Sống hòa bình, hữu nghị, chân thành không có nghĩa tôi "y chang" như bạn. Hình ảnh khối EU là một dẫn chứng sống động về "tôi và chúng ta". Họ chính là "Hòa hợp nhưng không hòa tan". Trong cái chung vẫn nổi lên cái riêng của mỗi thành viên EU.

Xin mượn tên vở kịch của kịch tác gia Lưu Quang Vũ để làm tựa cho bài viết này, trong vở kịch này kịch tác gia Lưu Quang Vũ đã đề cao "cái tôi" để có được "cái chúng ta" bằng hình ảnh cô thanh niên xung phong quyết xông ra cứu bộ đội đang bị thương và cô gái thốt lên khi bị ngăn cản :"Cần phải có một người đi trước chứ!".

Tôi không nghĩ và có lẽ không có khả năng làm "người đi trước", nhưng rất trân trọng và cảm phục những người như Lê Công Định, Trần Anh Kim, Lê Thị Công Nhân, Vũ Hùng v.v... hoặc mới nhất là nhà văn Phạm Đình Trọng. Họ - chính họ - là những "người đi trước", họ dám chấp nhận trả giá "cái tôi" để "chúng ta" có thể noi theo.

Vậy thì chúng ta hãy cùng họ tiếp tục cuộc hành trình tìm "đồng loại én" của chúng ta đi, tôi tin mùa xuân sẽ đến. Đừng thất vọng, bi quan, nản chí, cứ thong thả, đừng nôn nóng và tạo áp lực cho mình, đường đến mùa xuân không chắc là con đường ngắn nhưng nó cũng không phải là con đường vô vọng. Nếu không cho những con én như chúng ta thì sẽ cho thế hệ tiếp nối.

"Một con én không làm nên mùa xuân", nhưng nếu không có từng "con én - tôi" thì không thể có "đàn én - chúng ta".

Nguyễn Ngọc

Tham khảo:
http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90a_nguy%C3%AAn
http://vi.wikipedia.org/wiki/Thuy%E1%BA%BFt_nh%E1%BA%A5t_nguy%C3%AAn



No comments: