Monday, December 21, 2009

TÌNH HỮU NGHỊ là TÌNH ĐƠN PHƯƠNG ? (Phần I)

Tình hữu nghị là tình đơn phương? (phần 1)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-12-21
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Frienship-is-unilateral-love-Part1-12212009114035.html
Giới lãnh đạo Việt Nam và giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định chọn năm 2010 là “Năm hữu nghị Việt – Trung”.
Trước khi “Năm hữu nghị Việt – Trung” bắt đầu, Trân Văn tổng hợp và điểm qua một số sự kiện có liên quan đến quan hệ ngoại giao cũng như tình hữu nghị Việt – Trung.

Từ “sáng như rạng đông”...

Tại Diễn đàn Châu Á, diễn ra ở Bác Ngao, Trung Quốc, hồi tháng 4 năm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam và ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, tuyên bố, cả hai đã “nhất trí chọn năm 2010 làm Năm hữu nghị Việt – Trung”.
Hai ông giải thích, sở dĩ năm 2010 được chọn làm “Năm hữu nghị Việt – Trung” vì nó là mốc, đánh dấu quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc tròn 60 năm. Hai ông cùng cho rằng, đây là sự kiện quan trọng đối với cả hai quốc gia.
Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950. Nhiều người sống ở miền Bắc Việt Nam kể rằng, khoảng thập niên 1960, học sinh buộc phải thuộc và hát bài “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông” của Đỗ Nhuận, trước khi vào lớp – mời qúy vị cùng nghe lại: Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi,sông liền sông, chung một bỉển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông. Bên sông, tắm cùng một dòng, tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây, sớm sớm, chung nghe tiếng gà gáy cùng. A...a... a... nhân dân ta,chung một ý, chung một lòng, đường ta đi hồng màu cờ thắng lợi. A...a... a... nhân dân ta ca muôn năm: Hồ Chí Minh - Mao Trạch Đông... Chưa kể bài hát đó còn thường xuyên được phát trên hệ thống phát thanh công cộng và xuất hiện trong các chương trình văn nghệ cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, cùng với nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung tương tự.
Tuy nhiên, quan hệ và mối tình hữu nghị mà Việt Nam muốn củng cố, duy trì, phát triển với Trung Quốc không bền vững như giới lãnh đạo Việt Nam mong muốn.
Theo giới nghiên cứu lịch sử và bang giao quốc tế, quan hệ Việt – Trung bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt kể từ năm 1968. Nguyên nhân là vì Việt Nam muốn duy trì sự hữu hảo với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, trong khi mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc càng lúc càng gay gắt.

Đến “quân xâm lược dã man”...


Do Việt Nam không muốn tham gia vào liên minh chống Liên Xô, quan hệ Việt – Trung càng ngày càng xấu. Năm 1973, Trung Quốc bắt đầu gọi Việt Nam là “vô ơn”, “dã tâm”. Sau đó ít lâu, Trung Quốc tăng cường hỗ trợ cho Kh’mer đỏ. Tháng 5 năm 1975, Kh’mer đỏ tấn công các đảo Phú Quốc và Thổ Chu của Việt Nam, bắt cóc hàng trăm thường dân.
Tháng 7 năm 1978, Trung Quốc cắt toàn bộ viện trợ cho Việt Nam và tuyên bố chỉ viện trợ trở lại nếu Việt Nam từ chối nhận viện trợ của Liên Xô.
Tháng 11 năm 1978, Việt Nam ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô.
Bởi suốt giai đoạn 1977 – 1978, Kh’mer đỏ nhiều lần tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hàng chục ngàn thường dân sống tại khu vực biên giới Tây Nam, giáp Campuchia, tháng 12 năm 1978, quân đội Việt Nam tổng phản công Kh’mer đỏ trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, rồi đánh sang Campuchia, tiêu diệt chính quyền diệt chủng do Polpot lãnh đạo. Cùng thời điểm này, qua một cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp, ông Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc tuyên bố: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”.
Rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, sau khi liên tục nã đại bác vào lãnh thổ Việt Nam, khoảng 120.000 quân Trung Quốc tràn sang Việt Nam.
Vài ngày sau, Liên Xô dùng máy bay giúp Việt Nam chuyển quân từ Campuchia về miền Bắc để kháng cự với Trung Quốc. Viện trợ quân sự của Liên Xô và một số quốc gia khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bắt đầu đổ vào Việt Nam theo cả đường biển lẫn đường hàng không. Hai chiến hạm Liên Xô nhổ neo, tiến về hướng biển Đông.
Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Trung Quốc tuyên bố đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh”, đã “chiến thắng” và bắt đầu rút quân. Trong ngày này Việt Nam ban hành lệnh tổng động viên trên toàn quốc.
Tuy đã tuyên bố rút quân nhưng quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục bắn giết, tàn phá các khu vực mà họ chiếm đóng. Ngày 9 tháng 3, lính Trung Quốc đã dùng búa và dao giết 43 thường dân ngụ tại thôn Tổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Trong 43 thường dân này có 7 phụ nữ đang mang thai và 20 đứa trẻ. Thi thể các nạn nhân hoặc bị vứt xuống giếng, hoặc bị chặt thành nhiều khúc rồi vứt ra suối. Lính Trung Quốc còn phá hủy toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn, trường học, bệnh viện, nông trường, lâm trường, cầu, đường, thậm chí lột cả đường ray xe lửa để chở về Trung Quốc. Nhiều nơi như thị xã Lạng Sơn, thị xã Cao Bằng, thị trấn Cam Đường trở thành bình địa.
Ngày 18 tháng 3 năm 1979, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất việc rút quân ra khỏi Việt Nam song trên thực tế, Trung Quốc vẫn còn chiếm đóng khoảng 60 cây số vuông đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam. Cũng vì thế, giao tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam vẫn còn kéo dài cho đến năm 1988. Trong đó có khá nhiều trận đánh đẫm máu như đợt tấn công của Trung Quốc vào đồi 400 ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, đồi 1688 ở tỉnh Hà Tuyên cũ, vào năm 1981. Hoặc đợt tấn công vào Hà Tuyên và Lạng Sơn năm 1984,...
Trong giai đoạn này, những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật kiểu như bài hát “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông” không còn phù hợp với thực tế quan hệ Việt – Trung, nên không được dùng nữa. Thay vào đó là những vở kịch, bộ phim, truyện ngắn, bài thơ, bài hát lên án sự xâm lược, tội ác của Trung Quốc, kêu gọi người Việt, đặc biệt là thanh niên tham gia bảo vệ tổ quốc. Một vài bài như “Những đôi mắt mang hình viên đạn” của nhạc sĩ Trần Tiến, đến nay, vẫn còn in đậm trong tâm khảm nhiều người – mời qúy vị cùng nghe lại một đoạn, qua giọng hát của ca sĩ Khánh Duy: “... Đoàn quân lặng im, ngược dòng người đi một đôi mắt bao lần tiễn biệt, một đôi mắt bao lần ước hẹn, một đôi mắt sáng lên, cháy lên muôn vàn ánh lửa, kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân, người chiến sĩ hãy giữ lấy trút lên quân xâm lược dã man”...

Rồi “16” và “4”...

Đến cuối thập niên 1980, Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu xúc tiến việc “bình thường hoá quan hệ ngoại giao”. Năm 1992, quan hệ Việt - Trung chính thức được “bình thường hoá”. Kể từ lúc này, những vở kịch, bộ phim, truyện ngắn, bài thơ, bài hát lên án sự xâm lược, tội ác của Trung Quốc, kêu gọi người Việt, đặc biệt là thanh niên tham gia bảo vệ tổ quốc không được dùng nữa. Giới lãnh đạo Việt Nam bắt đầu nhắc đi, nhắc lại “phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt”.

Dù Việt Nam cố gắng thực hiện “phương châm 16 chữ vàng”“tinh thần 4 tốt” nhưng thực tế quan hệ Việt – Trung có thật sự là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và Trung Quốc có thật sự là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”? Mời qúy vị đón đọc bài kế tiếp.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: