Saturday, December 19, 2009

TÍN DỤNG ĐEN TRONG BỆNH VIỆN

Tín dụng đen trong bệnh viện
Thứ hai, 14/12/2009 09:15GMT+7
http://www.nld.com.vn/2009121412343662P0C1019/tin-dung-den-trong-benh-vien.htm
Nạn cho vay với lãi suất “cắt cổ” đã trở nên khá phổ biến ở các bệnh viện. Trong đó, nhiều người cho vay lại bằng tiền xin từ các tổ chức, cá nhân làm từ thiện

18 giờ 45 phút, ngày 2-12, như thường lệ, một người đàn ông khoảng 35 tuổi, đi xe máy biển số 54Y3-98... tấp vào quán cà phê trước cổng Bệnh viện Ung Bướu (đường Nơ Trang Long, phường 14, quận Bình Thạnh- TPHCM).
Móc từ trong túi ra một sổ tay, người đàn ông này bắt đầu công việc thường ngày của mình: Cho vay và thu tiền lãi từ những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong bệnh viện.
Trong vòng 20 phút, chúng tôi chứng kiến hàng chục bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân từ trong bệnh viện đi ra, mang tiền đến nộp cho người đàn ông này.


“Mạng lưới” cho vay nặng lãi
Hai ngày sau, chúng tôi gặp lại người đàn ông trên đi cùng một người đàn ông khác, trên tay cũng cầm một cuốn sổ nhỏ. Một bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu gần 3 năm nay, chỉ tay về phía hai người đàn ông, nói với chúng tôi: “Chủ cho vay đó. Cứ cách một ngày, ông ta vào bệnh viện thu tiền một lần. Nếu tìm ở khu vực hành lang không gặp thì bọn họ lên tận giường bệnh để thu tiền lãi”.
Nhiều ngày đeo bám tìm hiểu, chúng tôi được biết 2 người đàn ông trên, một người tên Hà (còn gọi là Hà đại ca), người còn lại, nhiều người thường gọi là Sáu râu.
Trước cổng ra vào Bệnh viện Ung Bướu còn có một phụ nữ tên Liên, cứ từ 8 giờ đến 10 giờ và 15 giờ đến 17 giờ hằng ngày, bà ta kê một chiếc ghế nhựa rồi ngồi chờ những người vay nợ trong bệnh viện mang tiền ra trả. Để ngụy trang, trên tay bà Liên luôn có một xấp vé số. Ngoài bệnh nhân và người nhà của họ, chúng tôi ghi nhận còn có cả hộ lý vay tiền của bà Liên.
Bên trong Bệnh viện Ung Bướu, tại lầu B, Khoa Nội cũng có hai người đàn bà tên Hường và Quế túc trực để đi thu tiền lãi từ các bệnh nhân. Còn lầu D là nơi hoạt động cho vay nặng lãi của bà Phượng. Bà Phượng hiện đang nắm trong tay danh sách khoảng 20 con nợ, người nợ ít thì 5 triệu đồng, có người nợ đến 40 triệu đồng.
Không riêng Bệnh viện Ung Bướu, ở TPHCM, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Chợ Rẫy... cũng có cả mạng lưới tín dụng đen hoạt động với lãi suất từ 10% đến 15%/ngày.
Trong số những người thường ngồi trước cổng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Phạm Ngọc Thạch chờ bệnh nhân mang tiền đến trả, chúng tôi nhận diện được hai người đàn bà có tên là Ánh và Hương mà trước đây Báo NLĐ đã đề cập trong loạt bài “Những kẻ hút máu người nghèo”, phản ánh tình trạng cho người bán máu vay với lãi suất “cắt cổ”.
Những đối tượng cho vay nặng lãi ở đây không “mặn” cho vay dài hạn mà chỉ quan tâm cho vay “nóng”. Nếu bệnh nhân vay 250.000 đồng, hai ngày sau phải trả 300.000 đồng, nếu quá 5 ngày thì phải chịu mức lãi 30.000 đồng/ngày.

Giả khổ để xin tiền
Vào sáng 2-12, từ một căn nhà nhỏ trên đường Dương Quảng Hàm, phường 15, quận Gò Vấp- TPHCM, chúng tôi theo chân một phụ nữ trong nhóm thường xuyên đi xin tiền các đoàn, cá nhân đến làm từ thiện ở Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Vừa bước xuống xe buýt, thấy một đoàn từ thiện đi vào Bệnh viện Ung Bướu, bà ta đuổi theo, một tay ôm bụng với khuôn mặt khắc khổ, tay còn lại chìa ra tờ giấy bệnh án: “Cô cho con chút ít tiền để chữa bệnh cho cháu. Cháu nó bị bệnh gần 10 năm nay, bán hết nhà mà không hết bệnh”.
Một ni cô xem qua bệnh án rồi rút ra 500.000 đồng đưa cho người đàn bà lừa đảo này. Lấy được tiền, bà ta liếc sang những “đồng nghiệp” xung quanh mỉm cười...
Trong suốt buổi sáng, với thủ đoạn trên, chúng tôi ước tính người đàn bà này xin được gần 2 triệu đồng, sau đó bà ta thong dong đi vào bệnh viện để thu tiền lãi từ các bệnh nhân.
Sau nhiều ngày lân la, chúng tôi được biết người đàn bà này tên là Nhi, những người vay nợ thường gọi là “mẹ” Nhi. Không chỉ hoạt động ở Bệnh viện Ung Bướu, “mẹ” Nhi còn đến Bệnh viện 175, Chợ Rẫy để xin tiền, sau đó cho bệnh nhân vay lại.
Ngoài “mẹ” Nhi, tại Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, Chợ Rẫy còn có một người đàn ông tên Hiếu và một phụ nữ tên Kim cũng thường xuyên “giả khổ” đi xin tiền từ thiện, sau đó cho bệnh nhân hay người đi nuôi bệnh vay lại với lãi suất cao.

Đủ cách bắt chẹt
Trong vai người nuôi bệnh, chúng tôi tìm đến “mẹ” Nhi để vay tiền. Sau một hồi thăm dò, bà ta ra giá: “Mối cũ vay 1 triệu đồng, trả lãi 100.000 đồng/tháng. Còn chú là khách mới lại không có hộ khẩu TP phải trả lãi 200.000 đồng/tháng”.
Chúng tôi cho biết cần vay 2 triệu đồng mới đủ tiền mua thuốc thì bà ta giả lả: “Hết tiền rồi chú ơi. Để chị vay lại của người em rồi cho chú vay nhưng lãi cao hơn chút đỉnh”.
Tôi hỏi lãi suất bao nhiêu thì bà cho biết nếu vay 2 triệu đồng, bắt đầu từ ngày mai phải trả lãi 22.000 ngàn đồng/ngày và kèm theo điều kiện: Để lại CMND, đưa lên xem chỗ nằm điều trị của người thân.
Khi bà ta quay đi lấy tiền, một người trong chúng tôi bám theo và phát hiện bà lấy tiền từ trong túi ra rồi quay về chỗ cũ ghé tai tôi nói: “Số chú đỏ như viên gạch, thằng em chị cũng còn từng này thôi, chú nhớ cho thêm vài chục uống nước...!”.

Kỳ tới: Vắt kiệt người cùng khổ
Thành Đồng - Hải Liên



TÍN DỤNG ĐEN TRONG BỆNH VIỆN
Vắt kiệt người cùng khổ
Thứ ba, 15/12/2009 09:00GMT+7
http://www.nld.com.vn/2009121512244677P1002C1005/vat-kiet-nguoi-cung-kho.htm
Một phụ nữ đứng trước mặt một người đàn bà rồi nói với giọng rụt rè: “Dạ, em mới được ngần này, số còn lại, khoảng 19 giờ em đưa cho chị”. Người đàn bà trừng mắt quát: “Mày nợ vốn là 50 triệu đồng. Riêng tiền lãi tháng này là 15 triệu đồng, 19 giờ phải có...”

Hầu hết những người mà chúng tôi gặp tại các bệnh viện đều rơi vào cảnh bần cùng vì lỡ phải vay nặng lãi. Họ ngày đêm lao động nhưng vẫn không đủ để trả lãi cho chủ nợ, đã có nhiều người nghĩ đến cái chết để thoát thân vì không có tiền trả.

Phải bán thân vì vay 5 triệu đồng
Ở một góc nhỏ bên cầu thang bộ của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, suốt nhiều năm nay, một phụ nữ và một đứa con nhỏ lấy hành lang bệnh viện làm nhà, sống bằng nghề nuôi bệnh để kiếm tiền trả lãi vay.
Chị là Nguyễn Thị H., quê Đồng Tháp. Hai năm trước, mẹ chị H. bị bệnh, lên bệnh viện này chữa trị nhưng không đủ tiền, chị H. đành phải tìm đến bà Nhi, một đối tượng chuyên cho vay ở khu vực này, để vay 5 triệu đồng với lãi suất 10%/ngày.
Sau khi mẹ xuất viện về quê, chị H. phải ở lại bệnh viện làm nghề nuôi bệnh nhưng vẫn không trả hết nợ. Từ 5 triệu đồng vay ban đầu, đến nay cả vốn lẫn lãi đã lên đến 30 triệu đồng.
Một lần, đến hạn nhưng không có tiền trả lãi, sợ bà Nhi gọi đàn em đến hành hung, cùng đường, chị H. nhắm mắt... làm liều. Lần một, lần hai... rồi mang thai ngoài ý muốn và một bé gái ra đời.
Để kiếm đủ 30 triệu đồng trả nợ, hy vọng thoát khỏi “vòi bạch tuộc”, chị đã “qua đêm” với nhiều người khác nhau và giờ đây, chị đang mang thêm một cái thai 3 tháng.
“Đã vay là không trả được chú ơi, dù ít hay nhiều cũng vậy. Thời gian đầu, họ cho mình thiếu, sau đó cộng vào vốn. Đến khi vốn và lãi tăng cao, họ không cho thiếu nữa, ngày nào phải trả lãi ngày đó!”- chị H. chua chát.
Tại sảnh B, Khoa Nội Bệnh viện Ung Bướu, một phụ nữ bế đứa con nhỏ đến trước mặt một người đàn bà miệng đang rít thuốc lá liên tục, lấy ra một ít tiền rồi nói với giọng rụt rè: “Dạ, em mới được ngần này, số còn lại, khoảng 19 giờ em đưa cho chị”.
Người đàn bà vứt điếu thuốc xuống nền nhà, trừng mắt quát: “Mày nợ vốn là 50 triệu đồng. Riêng tiền lãi tháng này là 15 triệu, 19 giờ phải có...”.
“Tiền lãi lên 9 triệu đồng/tháng đã đủ chết rồi nói gì đến vốn. Cứ thế này, chắc cả đời tôi cũng không trả hết”. Vừa lấy thùng rác, chị Nguyệt (tên nhân vật đã được thay đổi) cũng là con nợ, hiện đang làm hộ lý tại Bệnh viện Ung Bướu, nhìn tôi nói.
Cũng như bao người khác, vì hoàn cảnh quá khó khăn, chị Nguyệt phải vay với lãi suất cao. Với đồng lương ít ỏi của nhân viên hộ lý, chị Nguyệt cứ trượt dài không trả được.
“Chỉ có những người rơi vào cảnh bần cùng, đối mặt với cái chết mới tìm đến họ vay thôi, chứ ai dại gì bởi đã vay là không dứt ra được”- chị Lài, một bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nói như mếu với một bệnh nhân cùng phòng có ý vay nóng.

Bán nhà trả nợ
“Chắc phải vay 2 triệu đồng để lấy thuốc, ít ngày sau em trả lại”- tôi gợi ý với chị Minh - một bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy - để nhờ giới thiệu đến người mà chị từng vay tiền, chị Minh liền can ngăn: “Dù khánh kiệt đến mấy cũng đừng vay em ơi! Trước đây, tôi vay có 10 triệu đồng, lãi suất 10%/ngày, sau 3 năm, cả lãi lẫn vốn lên gần cả trăm triệu đồng, bí quá tôi phải bán cả nhà và đất mới trả hết”.
Từ trên lầu của Bệnh viện Ung Bướu, một người đàn ông đi xuống, rụt rè đưa tiền cho một thanh niên đầu trọc, đứng chờ sẵn. Sau khi thu tiền, người thanh niên đưa cho người vừa đưa tiền một mảnh giấy nhỏ, trong đó có ghi số nợ mà ông phải trả.
Lân la trò chuyện, tôi được biết người đàn ông tên là Cắc. Ông Cắc cho biết vào đây trị bệnh đã gần 2 năm. Ông có vay của một người tên là Giang 6 triệu đồng cách nay hơn một năm. Mới đây, ông Cắc phải bán căn nhà trị giá 300 triệu đồng mới trả hết nợ, lãi vay và tiền thuốc.
Dưới một cầu thang bộ của Bệnh viện Ung Bướu, Hà “đại ca”, một người khét tiếng về cho vay nặng lãi, đang đứng chờ. Một ông cụ đi lòng vòng mấy lượt, cuối cùng, ông cũng mạnh dạn đi đến chỗ Hà để xin khất nợ vì chưa có tiền trả lãi. Cũng có người xin được trả góp phần vốn, xin được miễn tiền lãi nhưng Hà dứt khoát: “Muốn không trả lãi thì phải trả vốn ngay”.

Kỳ tới: Đổ máu vì nợ
Thành Đồng - Hải Liên


TÍN DỤNG ĐEN TRONG BỆNH VIỆN
Đổ máu vì nợ
Thứ tư, 16/12/2009 09:00GMT+7
http://www.nld.com.vn/2009121601199476P0C1019/do-mau-vi-no.htm
Vay nợ, thiếu tiền trả, nhiều bệnh nhân - con nợ bị chủ nợ thuê người đánh đập dã man đến mức phải bỏ trốn hoặc toan tự vẫn

Chị Giang, bệnh nhân điều trị dài ngày tại Bệnh viện Ung Bướu (TPHCM), đã nhiều lần bị bà Phượng, một người cho vay ở bệnh viện, huy động đàn em đến đánh vì không trả lãi.
Trước đó, do không có tiền đóng viện phí, chị Giang vay của bà Phượng 5 triệu đồng, mỗi ngày trả lãi 50.000 đồng. Sau trận hành hung mới đây nhất, khi chuẩn bị rút, nhóm đàn em của bà Phượng dọa chị Giang: Nếu ngày mai không mang tiền đến trả, cả nhà (chị Giang - PV) sẽ ăn đòn.

Bị đòn chí tử, toan tự vẫn

Chị Giang bị hành hung trước cổng Bệnh viện Ung Bướu, mình mẩy đầy máu, nhiều người qua đường nhìn thấy nhưng làm ngơ vì sợ liên lụy. Chị không phải là nạn nhân duy nhất của bà Phượng và đám tay chân.
Một con nợ khác kể: “Trước đây, chúng thường vào bệnh viện thu lãi, con nợ không trả là đánh liền. Hôm trước, có người vào bệnh viện đòi nợ rồi đánh một bệnh nhân, bị nhân viên bảo vệ của bệnh viện bắt gặp. Từ đó, bọn chúng thường lân la quanh bệnh viện rồi gọi điện thoại kêu những “bệnh nhân - con nợ” mang tiền ra trả”.
Người bị lãnh nhiều trận đòn trí mạng nhất tại Bệnh viện Ung Bướu có lẽ là chị Trương Thị Ngọc, tạm trú tại phường 5, quận Gò Vấp - TPHCM. Cách đây 3 năm, con chị bị bệnh phổi, phải đưa từ Sóc Trăng lên bệnh viện này chữa trị.
Được gần một năm thì chị hết sạch tiền, đành tìm đến một người đàn bà tên N., nài vay 5 triệu đồng để lo thuốc cho con. Ban đầu, tiền lãi là 50.000 đồng/ngày, 1,5 triệu đồng/tháng nhưng rồi không trả được nên lãi mẹ đẻ lãi con, nay tổng nợ đã lên đến 30 triệu đồng, mỗi tháng chị phải trả lãi 9 triệu đồng. Không có tiền trả, sợ bị đàn em của bà N. đánh, chị phải tìm chỗ ở nhờ nay đây mai đó để lánh nạn.

Quá quẫn bách, chị Ngọc phải tìm đến nhờ hai người cho vay khét tiếng ở bệnh viện là Hà “đại ca” và bà Liên, vay mỗi người 3 triệu đồng. Lại tiếp tục thiếu nợ, chị Ngọc thường xuyên lãnh những trận đòn từ đám đàn em của Hà “đại ca” và bà Liên.
Không lối thoát, đã nhiều lần chị nghĩ đến cái chết. Có lần chị thuê xe ôm chở xuống cầu Bình Điền, định tự vẫn nhưng vì thương con nên quay về.
Chị khóc: “Mình có chết đi thì chúng cũng không để yên cho chồng con, chi bằng sống thêm ngày nào hay ngày ấy để trả nợ”. Mỗi sáng sớm, chị đến bệnh viện bán vé số, xin cơm từ thiện ăn qua bữa, ai thuê gì làm nấy đến 24 giờ, có khi ngủ lại ở hành lang bệnh viện. Chồng và hai con của chị đều làm thợ hồ, cả gia đình 4 người lao động quần quật suốt tháng nhưng vẫn không đủ tiền trả nợ.

Mắc nợ cả đời
Một hôm, có người gọi điện thoại cho tôi. Thì ra là chị Ngọc, chị cho biết đang ở bến xe, chuẩn bị trốn vì đang bị Hà “đại ca” và đàn em truy kích để đòi nợ.
Chị nói gấp gáp, nghèn nghẹn: “Chắc chị phải bỏ đi ít ngày chứ không thì bị đánh đến chết thôi. Mà có chết mới hết khổ được thôi em à. Mình còn sống ngày nào thì không chỉ mình mà chồng con cũng khổ theo”.
Sau khi đánh đập con nợ mà không đòi được tiền, nhiều chủ nợ dùng thủ đoạn ma mãnh hơn, đó là cho con nợ... vay thêm. Tuy nhiên, số tiền cho vay chỉ đủ để con nợ lấy vé số đi bán, tiền vốn hiển nhiên thuộc về chủ nợ, còn tiền lời thì bị chủ nợ trừ dần vào lãi vay! Chúng tôi đã nhiều lần bắt gặp những người bán vé số đến quán cà phê cóc trước cổng bệnh viện trả nợ cho một người thanh niên.
Còn bà chủ nợ tên Liên thì thường đứng trước cổng bệnh viện vào mỗi sáng sớm, chốc chốc có người đến gặp bà để nhận vé số đi bán, sau giờ quay xổ số hằng ngày, họ quay về gặp bà để nộp tiền...

Con nợ nào cũng bị đánh
Những người đi vay tiền ở Bệnh viện Ung Bướu đều khiếp vía khi nghe tên Hà “đại ca” bởi cách hành xử dã man của chủ nợ này và đàn em. Tối 10-12, chúng tôi chứng kiến cảnh Hà ngồi giở sổ ghi danh sách những người vay nợ và lần lượt gọi điện thoại yêu cầu từng người mang tiền đến trả.
Trong sổ của Hà có khoảng 40 bệnh nhân vay nợ, người ít nhất là 5 triệu đồng, cao nhất khoảng 60 triệu đồng.
Một bệnh nhân từng là con nợ của Hà “đại ca” kể: “Hôm mổ u cho con, mình không lo tiền kịp nên vay của Hà 5 triệu đồng, lãi 100.000 đồng/ngày, chưa đầy 2 năm mà nay cả vốn lẫn lãi cộng lại đã gần 30 triệu đồng”.
Do không có tiền trả, bệnh nhân này nhiều lần bị đàn em của Hà hành hung, thậm chí có lần bị dọa lột áo quần ngay cổng bệnh viện. Ở đây, con nợ nào cũng bị đánh một vài lần vì trả nợ không đúng ngày.

Thành Đồng - Hải Liên


Công an vào cuộc (18-12-2009)

Tín dụng đen trong bệnh viện: Quyết tâm dẹp bỏ (17-12-2009)

Chen nhau đi bán tiểu cầu (10-7-2008)

Những kẻ “hút máu” người nghèo (11-7-2008)

Rút máu cho con ăn học (15-7-2008)





No comments: