Friday, December 18, 2009

THƯƠNG LƯỢNG RÁO RIẾT ĐẾN PHÚT CHÓT TẠI COPENHAGEN

Hơn 120 nhà lãnh đạo họp tại Copenhagen. Thương lượng vẫn ráo riết cho đến phút chót
Thanh Phương
Bài đăng ngày 18/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 18/12/2009 15:30 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6125.asp
Hôm nay, hơn 120 lãnh đạo quốc gia họp thượng đỉnh tại Copenhagen. Tại phiên họp khoáng đại, tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của hành tinh đạt được một thỏa thuận, cho dù đó là một thỏa thuận không hoàn hảo. Một cuộc gặp gỡ đã được dự trù giữa tổng thống Obama và thủ tướng Ôn Gia Bảo trong này hôm nay.''

Sáng nay, tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Copenhagen để tham gia đàm phán cùng với khoảng 30 nhà lãnh đạo khác để soạn thảo một tuyên bố chính trị làm nền tảng cho một thỏa thuận. Nhóm đàm phán quy tụ đại diện của các nước công nghiệp phát triển gồm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, các quốc gia lớn đang trỗi dậy như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và đại diện các nước đang phát triển. Họ đã bắt đầu họp từ đêm hôm qua.
Theo lời tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đã có rất nhiều căng thẳng khi thương lượng, nhưng cuộc đàm phán đã tiến triển chút ít. Còn về phần thủ tướng Rasmussen của nước chủ nhà Đan Mạch thì cho rằng, tuy cuộc đối thoại rất mang tính xây dựng, nhưng các nhà thương thuyết hãy còn xa mới đạt kết quả mong muốn.
Trong bối cảnh đó, hơn 120 lãnh đạo quốc gia họp thượng đỉnh tại Copenhagen hôm nay. Tại phiên họp khoáng đại, tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của hành tinh chúng ta đạt được một thỏa thuận, cho dù là một thỏa thuận không hoàn hảo.

Theo đặc phái viên của đài RFI tại Copenhagen, Sylvain Bibille, hội nghị Copenhagen chờ đợi rất nhiều từ tổng thống Obama :
''Những trông chờ của quốc tế cao đến mức mà tổng thống Obama không thể đến Copenhagen với hai bàn tay trắng. Về vấn đề khí thải gây hiệu ứng lồng kính, không thể đòi hỏi gì hơn từ phía Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ đã cam kết là đến năm 2020 sẽ giảm 17% lượng khí thải so với mức của 2005, tức là giảm 4% so với mức của năm 1990, thời điểm được quy định trong nghị định thư Kyoto. Nhưng trong hồ sơ này, khuôn khổ hoạt động của ông Obama rất là hạn hẹp khi nào mà Quốc hội Mỹ chưa thông qua một đạo luật về khí hậu.
Có thể là tại Copenhagen, tổng thống Obama sẽ tiết lộ những cam kết mới với số liệu cụ thể về việc tài trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Washington đã đi bước đầu tiên ngày hôm qua khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào quỹ tài trợ 100 tỷ đôla mỗi năm kể từ năm 2020.
Với cam kết này, mà trên thực tế là chưa dựa trên một số liệu cụ thể nào hết, Hoa Kỳ đã thực hiện một ngón đòn chiến thuật, vì dưới con mắt của thế giới, nước Mỹ nay trở thành quốc gia thúc đẩy lại tiến trình đàm phán đã bị bế tắc từ nhiều ngày qua. Tổng thống Obama được chờ đợi nhiều nhất là vấn đề Hoa Kỳ cam kết chính thức về một hiệp định mới về khí hậu, thay thế cho nghị định thư Kyoto mà Washington chưa bao giờ phê chuẩn. Muốn như thế, phải đạt được những nhân nhượng từ phía Trung Quốc. Một cuộc gặp gỡ đã được dự trù giữa tổng thống Obama và thủ tướng Ôn Gia Bảo trong này hôm nay.''

Tin giờ chót cho biết là theo lời một quan chức Mỹ, cuộc hội đàm giữa tổng thống Obama và thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đạt được một số tiến bộ nhằm đạt đến một hiệp định toàn cầu về khí hậu. Tuy nhiên, trong bài diễn văn hôm nay, tổng thống Mỹ Obama đã không đưa ra một cam kết gì mới về giảm lượng khí thải cũng như về tài trợ cho các nước nghèo. Ông cũng không đòi hỏi sự minh bạch từ phía các quốc gia lớn đang trỗi dậy như Trung Quốc.
Các vị lãnh đạo khác như thủ tướng Nhật Hatoyama, tổng thống Nga Medvedev cũng thúc giục các nước đạt đến thỏa thuận. Tổng thống Brazil Lula thì tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một hy sinh giúp các nước hòng cứu vãn thỏa thuận Copenhagen. Về phần thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, cũng trong cuộc họp thượng đỉnh, đã đề nghị kéo dài các cuộc đàm phán cho đến năm 2010 để đạt đến một thỏa thuận.


Copenhagen nhích gần đến một hiệp ước
Richard Black
Phóng viên Khoa học của BBC
Cập nhật: 05:27 GMT - thứ sáu, 18 tháng 12, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/12/091218_climatedealclose.shtml
Một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu có vẻ gần có sau một ngày ráo riết vận động ngoại giao hậu trường.
Trung Quốc tỏ ý nhân nhượng trong vấn đề theo dõi cắt giảm khí thải, trong khi Hoa Kỳ nói sẽ cấp thêm tiền cho các nước đang phát triển.
Các nhà lãnh đạo có nhiều lựa chọn quan trọng khi gặp nhau hôm nay ở Copenhagen.
Tuy nhiên một hồ sơ bị tiết lộ từ hội nghị cho thấy thỏa thuận tốt nhất nếu đạt được có thể cũng không kềm mức tăng nhiệt độ địa cầu dưới 2C (3,6F).
Theo hồ sơ này cho dù các nước thực thi những gì cam kết nhiều nhất, nhiệt độ trái đất vẫn sẽ tăng 3C (5,4F).

Tiền đâu?
Mặc dù nhiều nước tỏ ý lo ngại cho các dự phóng về tác động của biến đổi khí hậu nhưng tài chính là yếu quyết định có thỏa thuận được gì hay không.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton nói Washington sẵn sàng lập quỹ $100 tỉ đô-la/năm cho các nước đang phát triển nếu hội nghị đạt được thỏa thuận đáp ứng được các đòi hỏi của nước bà.
"Nếu có một hiệp ước mạnh, trong đó tất cả các nền kinh tế chính cam kết các hành động có ý nghĩa để giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, và hoàn toàn minh bạch về những hành động đó, thì Hoa Kỳ sẽ làm việc với các nước cho mục tiêu thành lập $100 tỉ/năm để giải quyết nhu cầu của các nước phát triển.''
Đòi hỏi chính về "sự minh bạch" là đối với Trung Quốc - là điều phải có để Thượng viện Hoa Kỳ thông qua luật kiểm soát khí thải.
Chính phủ Trung Quốc lâu nay không mặn mà với ý tưởng đó, nhưng tại Copenhagen Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông He Yafei nói Trung Quốc sẵn sàng tham gia ''đối thoại và hợp tác miễn đó không phải là can thiệp và vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.''
Trước đó Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono, kêu gọi "tất cả chúng ta, các nước phát triển và đang phát triển, hãy uyển chuyển" trong vấn đề làm sao xác minh được các biện pháp và hành động kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ông nói đến khả năng thành lập một hệ thống quốc tế để theo dõi việc cắt giảm khí thải.

Cắt giảm không đủ
Một phúc trình của ban thư ký hội nghị biến đổi khí hậu bị lộ ở Copenhagen cho thấy các cam kết đưa ra cho đến nay không đủ để kềm sự ấm nóng địa cầu dưới 2C.
Theo tính toán thì muốn đạt mục tiêu đó, khí thải toàn cầu phải được giới hạn ở hoặc dưới 44 gigatonnes (Gt) CO2, từ nay đến 2020.
Nhưng nếu thực thi mức cam kết tối đa hiện nay của các nước phát triển, lượng khí thải sẽ trên mức đó 1,9Gt - tức còn thiếu 4,2Gt.
Các chuyên gia nói trừ phi khoảng cách này được thu ngắn lại - thí dụ bằng cách các nước phát triển tăng chỉ tiêu cắt giảm từ nay đến 2020 30% so với thời gian 1990 - khí thải trên địa cầu sẽ ''vẫn ở mức không bền vững vốn có thể dẫn đến nhiệt độ tăng khoảng 3C."
Kết luận này được dựa trên một số cuộc nghiên cứu gần đây, quan trọng nhất là dự phóng năng lượng thế giới của cơ quan Năng lượng quốc tế, IEA.


No comments: