Tuesday, December 8, 2009

SÔNG HỒNG TRƠ ĐÁY

Sông Hồng trơ đáy: Ưu tiên nước sinh hoạt hay sản xuất?
08/12/2009 16:10:00
http://bee.net.vn/channel/1983/200912/Song-Hong-tro-day-Uu-tien-nuoc-sinh-hoat-hay-san-xuat-1731995/
“Đến thời điểm này việc tích nước là điều không thể thực hiện được vì đã bước sang mùa khô. Nếu các hồ chứa chưa tích đủ nước thì chúng ta phải biết xác định cái gì quan trọng để ưu tiên ” GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nhận định.

TIN LIÊN QUAN :
Thế là sông cạn. Thế là bể dâu!
El-Nino + tích nước sớm = trơ đáy sông Hồng

Không thể tích nước nữa

Hiện, sông Hồng đang bị trơ đáy vì thiếu nước, theo GS nguyên nhân từ đâu?
GS. TS Vũ Trọng Hồng : Theo tôi, chủ yếu là do thời tiết. Năm nay xuất hiện El-Nino nên mưa ít vì thế thiếu nước là chuyện đương nhiên. Bên cạnh đó, một phần cũng là do quy trình điều tiết của một số hồ chứa thủy điện chưa được phù hợp. Hiện nay, một số hồ chứa luôn có tâm lý tranh thủ tích nước cho đầy hồ, sợ xả lũ sớm thì có nguy cơ hồ sẽ không đầy nước nếu lũ không về nữa. Vì thế mới có hiện tượng, thời gian qua, khi nghe dự báo ít mưa các hồ chứa tăng cường tích nước sớm khiến cho mực nước tại sông Đà, sông Lô đều bị giảm.

Theo nguyên tắc khi thiết kế các hồ chứa đều phải có dung tích dự phòng, sao phải cuống cuồng tích nước khi có dự báo ít mưa?
GS. TS Vũ Trọng Hồng : Đúng thế. Theo nguyên tắc, khi xây dựng hồ chứa, các hồ chứa phải có dung tích nước dự phòng vừa để cắt lũ vừa chứa nước để phục vụ mùa khô. Hiện nay, chỉ có các hồ chứa lớn như Hòa Bình, Tuyên Quang và các hồ chứa trung bình có hàng triệu m3 là có dung tích dự phòng.
Đối với những thủy điện nhỏ, nhất là các thủy điện nhỏ của tư nhân không có dung tích để dự phòng. Họ chỉ điều tiết theo ngày. Nhu cầu sản xuất điện cần bao nhiêu nước thì họ tích ngần ấy. Đã thế, theo nguyên tắc của thủy điện, các hồ chứa thiết kế phải dựa trên tinh thần vừa để cắt lũ vừa là nơi tích nước để dùng vào mùa khô. Song, các thủy điện nhỏ họ tích nước lúc nào họ thấy cần bất kể mùa lũ hay mùa khô và họ cũng không quan tâm nhiều tới việc xả nước để phục vụ sinh hoạt và nông nghiệp vào mùa khô.

GS vừa nói là các hồ chứa lớn đều có dung tích dự phòng, nhưng hiện các hồ chứa lớn đều trong tình trạng thiếu nước. So với thiết kế, hồ Hòa Bình vẫn còn thiếu 600 triệu m3, hồ Thác Bà thiếu 1,1 tỉ m3, hồ Tuyên Quang thiếu 900 triệu m3? Tại sao những hồ lớn như thế lại không tích đủ nước?
GS. TS Vũ Trọng Hồng : Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không tích đủ nước. Ví dụ, mưa quá ít khiến tích nước không đủ. Đôi khi cũng do các hồ chưa hợp tác chặt chẽ với bên dự báo khiến cho thông tin về mùa lũ, thời điểm cần tích nước không đúng...khiến cho việc tích nước bị chậm hoặc không đủ.

Giờ phải làm thế nào để tích nước cho đủ, thưa GS?
GS. TS Vũ Trọng Hồng : Việc tích nước phải thực hiện vào mùa mưa, không ai cho phép các hồ chứa tích nước vào mùa khô. Nếu mùa mưa qua rồi mà chúng ta chưa tích đủ nước thì chúng ta phải chấp nhận thực tế và đi tìm các giải pháp khác.

Phải xác định ưu tiên

Theo GS như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản sản xuất, đời sống. Vậy có cách gì để giải quyết được tình trạng này?
GS. TS Vũ Trọng Hồng : Những lúc như thế này, tôi nghĩ chúng ta phải xác định việc gì là quan trọng để ưu tiên. Ưu tiên số 1 phải là nước sinh hoạt. Ưu tiên thứ 2 thông thường là phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các hồ lớn và trung bình đều làm tốt công việc này.
Tôi được biết, có những thời điểm khô hạn, dù không đủ thiết kế nhưng hồ Hòa Bình vẫn phải xả 2.000m3/giây để đảm bảo nước phục vụ vụ Đông Xuân cho đồng bằng sông Hồng. Tương tự, hồ chứa Cẩm Sơn (Hà Bắc), tuy có phát điện nhưng họ mục tiêu chính vẫn là phục vụ nông nghiệp. Vì thế khi địa phương có yêu cầu cấp nước cho nông nghiệp, họ sẵn sàng xả nước ngay.
Nhưng để thực hiện tốt phải có sự phối hợp liên bộ trong việc chọn ra các mục tiêu ưu tiên. Riêng đối với ngành nông nghiệp, đối tượng bị ảnh hưởng mạnh mẽ của khô hạn, trước hết phải đảm bảo các biện pháp kỹ thuật thủy lợi, phải tìm nguồn nước bổ sung từ các sông, hồ để lấy nước cho vùng khô hạn. Trong trường hợp mực nước thấp thì phải dùng bơm để lấy nước tưới. Ngoài ra, cần phải có biện pháp nông nghiệp như chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cây trồng thích hợp. Tôi biết, nhiều địa phương có khả năng chống hạn rất tốt chỉ cần chúng ta dự báo tốt để kịp chuẩn bị.

Nhưng đấy là đối với những hồ lớn, đối với hệ thống hồ thủy điện nhỏ việc yêu cầu họ xả nước để phục vụ sinh hoạt và nông nghiệp là rất khó?
GS. TS Vũ Trọng Hồng : Thật ra đối với các hồ thủy điện nhỏ, bản thân không có dung tích chứa nước. Loại hồ này thường tích nước cả vào mùa mưa lẫn mùa khô. Nhưng cũng xả ngay vì điều tiết theo ngày. Chỉ có điều, khi dòng chảy quá ít thì không được phép tích và khi có yêu cầu tưới nông nghiệp thì phải xả kể cả khi đó nước cho phát điện thiếu.
Theo quy định, với những hồ nhỏ dưới 30 MV do địa phương quản lý. Tôi cho rằng, trước mùa lũ, địa phương phải xem xét từng hồ và có yêu cầu cụ thể như tích nước đến đâu, thời gian xả, xả bao nhiêu…Khi đó, đến mùa khô, nếu có nhu cầu xả nước thì báo với quản lý hồ chứa thực hiện.

Xin chân thành cảm ơn GS!
Lan Hoa (Thực hiện)


Hồng Hà kiệt nước: vì đâu, hỏi Trời (NHAN DAN)

Hàng trăm tàu thuyền mắc cạn trên sông Hồng (CAND)




No comments: