Monday, December 21, 2009

NỮ GIÁO SƯ GỐC VIỆT NHẬN GIẢI THƯỞNG TỔNG THỐNG 2009


Nữ giáo sư gốc Việt nhận giải thưởng Tổng thống năm 2009
VOA
21/12/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-21-voa27.cfm
Giáo sư Thảo Nguyễn là người Mỹ gốc Việt duy nhất trong danh sách 100 khoa học gia trẻ được nhận giải thưởng của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong năm 2009. Giải thưởng mang tên Giải thưởng của Tổng thống dành cho các Khoa học gia và Kỹ sư Khởi đầu sự nghiệp (Presidential Early Career Awards for Scientists and Engineers) là một danh hiệu cao quí nhất mà chính phủ Hoa Kỳ trao tặng cho các khoa học gia và kỹ sư trẻ trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp nghiên cứu của họ.

Giáo sư Thảo Nguyễn hiện đang giảng dạy tại trường Ðại học Johns Hopkins
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-21-voa27.cfm

Giáo sư Thảo Nguyễn sinh năm 1976 tại Việt Nam trong một gia đình nhà giáo. Gia đình cô tới Mỹ định cư vào năm 1986 theo một chương trình định cư của Liên Hiệp Quốc.

Giáo sư Thảo cho biết cũng giống như nhiều gia đình người Việt tới định cư ở Hoa Kỳ, ban đầu gia đình cô cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng với cô gia đình mình còn may mắn hơn nhiều gia đình khác bởi mẹ cô biết tiếng Anh và đã từng là giáo viên dạy tiếng Anh khi còn ở Việt Nam, và may mắn nhất là ba mẹ cô đã kiếm được việc làm sau một thời gian tham gia một số khóa học ở Mỹ.

Có lẽ nhờ sinh ra trong một gia đình nhà giáo, nên ngay từ nhỏ, Thảo đã tỏ ra là một cô bé ham học hỏi và điều mà cô nhớ nhất về tuổi thơ của mình chính là những ngôi trường mà cô theo học, cũng như những phòng thư viện, nơi mà cô đã dành phần lớn thời gian của mình ở đó.

Giáo sư Thảo cho biết ngay từ khi còn nhỏ ba mẹ cô đã hướng cô vào con đường học vấn bởi họ biết rằng kiến thức là hành trang quan trọng cho con cái trong tương lai. Họ đã tìm cho cô những trường học tốt nhất để cô có thể phát huy được khả năng của mình.

Nhận thấy khả năng đặc biệt về toán và khoa học của con gái, Ba, Mẹ cô đã tìm trường chuyên về những ngành học này để cô được theo học. Và với thành tích xuất sắc ở bậc trung học của mình cô đã được nhận vào một trong những trường đại học danh tiếng của Mỹ là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để theo học ngành kỹ sư cơ khí.

Khi được hỏi lý do nào khiến cô chọn ngành kỹ sư cơ khí, là một ngành mà đối với nhiều phụ nữ là ngành học khá hóc búa. Giáo sư Thảo cho biết sự đam mê của cô đối với toán học và vật lý ngay từ nhỏ, cùng sự động viên của cha mẹ và sự khuyến khích của giáo viên trung học đã khiến cô không ngần ngại theo học ngành này ở bậc đại học:
"Tôi học trường chuyên toán và khoa học Van Nuys và tôi rất thích thú với các môn học này, tôi cũng có những giáo viên thật sự tuyệt vời. Tôi rất thích các lớp sinh học, hóa học và vật lý cũng như vi tính. Tôi cũng đã có cơ hội được tham gia vào một số cuộc thi khoa học ở bậc trung học và tôi cũng đi thực tập ở một công ty hàng không vũ trụ khi còn học trung học. Mặc dù tôi chỉ làm những nghiên cứu rất cơ bản, nhưng tôi thực sự thích hoạt động thực tập đó. Giáo viên dạy trung học của tôi cũng khích lệ tôi rất nhiều và ông khuyên tôi nên học tiếp ngành kỹ sư vì ông nhận thấy tôi giỏi môn vật lý. Với nhiều khích lệ ấy cùng với thực tế là tôi rất đam mê những môn học này, nên tôi quyết định học ngành kỹ sư."

Sau đó cô tiếp tục theo học thạc sĩ và tiến sỹ tại trường Stanford, một trường đại học hàng đầu của Mỹ. Hiện tại cô là giáo sư tại Đại học Johns Hopkins ở vùng thủ đô Washington.

Với những thành tích nghiên cứu xuất sắc của mình, năm 2009 giáo sư Thảo đã trở thành người Mỹ gốc Việt duy nhất trong số 100 khoa học gia và kỹ sư trẻ được Tổng thống Obama trao tặng giải thưởng Tổng thống dành cho các Khoa học gia và Kỹ sư ở giai đoạn Khởi đầu sự nghiệp.

Trong công bố về giải thưởng năm nay, Tổng thống Obama nói rằng với tài năng, sự sáng tạo và sự tận tâm của các nhà khoa học và kỹ sư trẻ này, ông tin rằng họ sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực của mình với những phát hiện và những bước đột phá mới và giúp cho việc sử dụng khoa học và công nghệ của nước Mỹ và thế giới được nâng lên một tầm cao mới.

Chia sẻ cảm nghĩ của mình khi nhận được giải thưởng cao quí này, giáo sư Thảo Nguyễn nói:
"Tôi cảm thấy khiêm nhường và rất vinh dự khi nhận được giải thưởng này, tôi và gia đình tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi cũng rất vui mừng vì giải thưởng này sẽ tài trợ cho một nghiên cứu của tôi trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, niềm vui mà tôi đem lại cho ba mẹ chính là sự đền ơn của tôi đối với họ và sự đón nhận của cộng đồng người Việt ở đây cũng thật đặc biệt, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì điều đó."

Kể về công trình nghiên cứu của mình, giáo sư cho biết:
"Công trình nghiên cứu của tôi là về đặc tính cơ học của vật liệu, đặc biệt là vật liệu mềm. Tôi đang tìm cách phát triển các phương pháp thử nghiệm, các mô hình toán học và công cụ điện toán để phân tích xem vật liệu phản ứng thế nào dưới các tác động của ngoại lực cũng như phân tích độ bền của vật liệu. Nghiên cứu mà tôi được giải thưởng để tiếp tục thực hiện là về một loại vật liệu khá mới mẻ có tên gọi là polyme nhớ hình dạng (shape memory polymer). Vật liệu này có tính năng đặc biệt có thể phản ứng với nhiệt và có thể được sản xuất theo một hình dạng rồi nung nóng và tạo thành hình dạng khác và có thể lưu trữ được trong thời gian dài và tái sử dụng khi cần thiết bằng cách nung nóng. Có nhiều tiềm năng để ứng dụng, ngành hàng không vũ trụ rất quan tâm đến loại vật liệu này ví dụ như để sản xuất bộ phận của cánh máy bay v.v. ngành cơ khí sinh học cũng rất quan tâm đến vật liệu này vì có thể sử dụng để sản xuất những thiết bị y học nhỏ như sten để đặt trong cơ thể."

Giáo sư Thảo nói rằng người mà cô ngưỡng mộ và có ảnh hưởng nhiều tới lựa chọn nghề nghiệp và công trình nghiên cứu của mình chính là vị giáo sư đã hướng dẫn cô trong quá trình viết luận văn bậc đại học:
"Đó chính là vị giáo sư của tôi ở trường đại học MIT, giáo sư Mary Boyce, hiện giờ là trưởng khoa Kỹ sư Cơ khí, bà chuyên nghiên cứu về đặc tính cơ học của polyme. Bà rất tuyệt vời, mặc dù vô cùng bận rộn với rất nhiều sinh viên cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhưng bà đã dành rất nhiều thời gian cho tôi. Bây giờ ở cương vị là một giáo sư tôi hiểu thời gian quí giá như thế nào và khi nhìn lại tôi thấy thật kinh ngạc khi bà đã dành nhiều thời gian đến vậy để chỉ dẫn và tư vấn cho một sinh viên đại học như tôi. Bà ấy là người có rất nhiều ảnh hưởng đến tôi. Thực tế việc nghiên cứu hiện tại của tôi về chất liệu polyme cho thấy bà ấy đã có ảnh hưởng thế nào đối với sự lựa chọn nghề nghiệp của tôi. Vì vậy mà giờ đây khi tôi hướng dẫn sinh viên tôi nghĩ đến những điều tốt đẹp mà bà đã dành cho tôi và những gì mà bà đã làm, và tôi hy vọng tôi cũng là một giáo sư tốt như bà."

Khi được hỏi nếu được đề nghị đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ để khuyến khích họ tham gia vào các công trình khoa học, thì giáo sư sẽ khuyên họ điều gì? giáo sư Thảo nói:
"Tôi sẽ khuyên họ nên nắm bắt mọi cơ hội mà họ có, có rất nhiều cơ hội để bạn tìm hiểu xem mình thực sự thích làm điều gì thông qua các hoạt động hè, hoạt động tình nguyện, thực tập hè chẳng hạn. Nên thử nghiệm những điều mới mẻ và đừng bao giờ nói rằng bạn không thể làm được điều đó bởi bất cứ lý do gì. Vậy nên nếu bạn thấy quan tâm đến một điều gì đó thì hãy cứ mạnh dạn thử nghiệm và xem điều gì sẽ xảy ra, nếu bạn thích thì thật tuyệt vời vì điều đó sẽ mở ra cho bạn một cuộc sống mới đầy hứng khởi, còn nếu không thích hoặc chưa thành công thì bạn vẫn nên tiếp tục cố gắng và nhiều phần chắc là bạn sẽ thành công."




No comments: