Saturday, December 5, 2009

NỖI NIỀM LÝ SƠN

Nỗi niềm Lý Sơn
Đoàn Khắc Xuyên
Phát thanh/cập nhật: 05/12/2009
http://www.radiochantroimoi.com/spip.php?article6492
Chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ để đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi ra đảo Lý Sơn. Đảo nằm cách đất liền chỉ khoảng 15 hải lý (gần 28 km), chưa bằng khoảng cách đường bộ Sài Gòn – Biên Hòa, nhưng với người không quen đi biển vẫn có cảm giác thật xa, trong khi dân Lý Sơn, với những con thuyền gỗ mỏng manh, vượt khoảng cách gầp mười lần để ra khơi đánh cá.

Đảo Lý Sơn vốn là một núi lửa đã tắt từ xa xưa, ít cây cối, tháng 8 khi chúng tôi ra đảo, trời nóng nực, không một hụt gió. Lý Sơn gồm hai đảo, hòn Lớn và hòn Bé, diện tích tổng cộng chỉ khoảng 10 km2 nhưng dân số lên đến trên 20.000 người, đa số tập trung ở hai xã An Vĩnh và An Hải trên hòn Lớn; xã An Bình nằm trên hòn Bé, dân chỉ mấy trăm người, trên đảo không có nước ngọt. Hòn Lớn, nơi đặt các cơ quan hành chính được xây dựng khá hoành tráng so với diện tích đảo, đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia, mỗi ngày chỉ chạy máy phát điện từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm, ưu tiên cho cơ quan nhà nước, khu vực dân cư bữa có điện bữa không. Một nhà máy nhiệt điện mới làm lễ khởi công hồi tháng 7, ít ra cũng phải đến năm 2011 mới phát điện.
Lý Sơn được coi là một trong những đảo tiền tiêu của Tố quốc. Chính từ đây, khoảng 400 năm về trước chúa Nguyễn đã tuyển binh, phu cho các Đội Hoàng Sa để ra quần đảo Hoàng Sa khai thác sản vật và đánh dấu chủ quyền quốc gia. Chính nơi đây có đình làng An Hải, có Âm Linh Tự ở xã An Vĩnh và những ngôi mộ gió – chứng tích về công cuộc khai thác Hoàng Sa từ xa xưa trong lịch sử của người dân Lý Sơn và về những con người đã bỏ thân trên biển cả hoặc bỏ mình trên đảo xa vì chủ quyền đất nước và vì công cuộc khai thác ấy.
Ấy vậy nhưng người dân Lý Sơn đang có nhiều nỗi niềm.

Thiếu điện khiến đời sống khó khăn, nhiều dịch vụ như hậu cần nghề cá, du lịch, rồi đời sống văn hoá… không phát triển đã đành. Cái lớn nhất là công cuộc mưu sinh chủ yếu dựa vào biển và một phần dựa vào nghề trồng tỏi, hành, mè ngày càng khó khăn hơn. Tỏi, hành Lý Sơn trồng trên cát biển lấy từ dưới biển lên, nổi tiếng thơm ngon. Nhưng dân số tăng mà đất đai trên đảo không thể nở thêm, nghề trồng tỏi, trồng hành có phát triển cũng chỉ đến vậy là cùng. Chỉ còn trông vào biển. Mà biển gần thì ngày càng cạn kiệt cá, mực.

Đi vòng quanh đảo một buổi sáng, chúng tôi thấy người dân kéo lưới dùng những thanh cao su đập vào lưới cho cá cơm rơi xuống, nhìn vào lưới thấy cá chẳng bao nhiêu. Một buổi sáng khác, ngay tại cầu tàu, cũng cảnh tượng tương tự, lần này thấy cá còn ít hơn. Vậy là chỉ còn trông cậy vào biển xa.
Nhưng biển xa đang ngày càng trở thành biển dữ. Chúng tôi đã gặp những gia đình có người đi đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa, những vùng đánh bắt truyền thống của ngư dân Lý Sơn và ngư dân nhiều vùng khác của Việt Nam. Có người bị lính Trung Quốc đang chiếm giữ đảo bắn bị thương khi tới gần đảo. Có người bị bắt, được thả nhưng bị tịch thu phương tiện hành nghề, vẫn nói mạnh như tính cách rất “lỳ” của dân đi biển: ”Bắt thì bắt, làm thì làm”. Nhưng phương tiện đánh bắt không còn, có “làm” chăng chỉ còn là “đi bạn”, tức đi làm công cho những người còn phương tiện đánh bắt.
Có ngư dân lớn tuổi, từng bị bắt, được thả nhưng phương tiện đánh bắt không còn, con trai thì vẫn còn bị giữ, phải chạy vạy vay tiền nhiều đợt đóng tiền chuộc con nhưng đến nay con vẫn chưa về. Gia đình đông con, không còn phương tiện, vốn liếng đi biển, nay ông phải chuyển qua trồng tỏi, hành, mè nhưng đất có được chẳng bao nhiêu. Chiếc tủ chè trong gian nhà khách nhìn thẳng ra biển, nơi những gia đình giàu có thường chưng những bộ đồ trà quý giá, ông chưng toàn những vỏ ốc to, đẹp lấy từ vùng biển Hoàng Sa trong những chuyến ra khơi trước đây.

Như chứng tích về một thời đi biển hào hùng và về sự hào phóng của vùng biển vốn thuộc chủ quyền đất nước mà nay hiểm nguy rình rập. Biển của mình, vùng đánh bắt lịch sử của mình, nay đang trở thành biển dữ. Không gian sinh tồn của ngư dân Lý Sơn, của ngư dân Việt Nam nói chung đang bị thu hẹp.

Ngư dân Lý Sơn sẽ dựa vào đâu để bám biển, để mưu sinh, và để giúp quốc gia khẳng định chủ quyền biển, đảo của mình? Trong những ngày này, khi một số ngư dân bị bắt, được thả, nhưng phương tiện đánh bắt không còn, câu hỏi ấy không chỉ là nỗi niềm riêng của dân đảo Lý Sơn mà là câu hỏi ám ảnh mọi người.

Còn một nỗi niềm nữa của dân Lý Sơn. Hôm chúng tôi đến nhà thờ tộc họ Đặng ở xã An Hải – tộc họ đã hiến cho Nhà nước bản gốc một văn bản thời vua Minh Mạng được lưu giữ nguyên vẹn suốt 175 năm qua, theo đó vua cử ba chiếc thuyền, giao cho ông Đặng Văn Siểm thuộc tộc họ Đặng và hai người khác thuộc tộc họ Võ tuyển phu binh ra Hoàng Sa canh giữ đảo – người nhà nói với vẻ trách móc: ”Mấy ổng đến lấy bản gốc tài liệu, hứa hẹn sẽ đưa bản dịch để chúng tôi treo trong nhà thờ, ai đến thì đọc còn biết nghĩa, nhưng đến nay vẫn biệt tăm, chỉ cho chúng tôi bản chụp và cái giấy khen. Hiến tặng tài liệu quý cho Nhà nước, nhưng chúng tôi cũng chẳng được gì, con cái kiếm việc làm cũng không ra”.

Chúng tôi chẳng biết nói sao trước những lời trách móc đó. Chỉ cầu mong sao cho những người có công lao với việc khẳng định chủ quyền đất nước như vậy đừng bị bỏ rơi sau khi cơ quan nhà nước đã được việc của mình.

Đoàn Khắc Xuyên

*********

Và tâm tư của giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhân đọc bài Nỗi Niềm Lý Sơn của Nguyễn Khắc Xuyên.

Trong vô số nỗi niềm của người dân Lý Sơn hiện nay, nỗi phẫn hận vì vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, nơi đánh bắt chủ yếu bao nhiêu đời của họ, bỗng nhiên bị ông lớn phương Bắc ngang ngược trấn giữ, cho quân lính dùng tàu lớn ra oai cướp giết, vơ vét và bắt người đòi "lộ phí", là nỗi đau nhức nhối nhất.
Nhưng còn một nỗi đau chạm đến phần thiêng liêng trong tâm linh bà con khiến họ thắc thỏm không yên, ấy là việc các quan chức chúng ta cho người đến thu giữ các đạo sắc tổ tiên họ được vua chúa đời trước bổ nhiệm cai quản và trông nom vùng đảo Hoàng Sa, hứa hẹn sẽ có bản dịch chuyển về, thế rồi mất hút, không còn biết đâu mà lần, thì đây là nỗi đau không chỉ của riêng người dân Lý Sơn mà cũng là nỗi lo lắng chung của nhân dân cả nước. Bởi những đạo sắc gốc này là chứng tích khó chối cãi góp phần chứng minh chủ quyền nước ta trên vùng đảo đã bị kẻ thù vô cớ xâm lăng và chiếm đóng hoàn toàn từ 1974, mà nếu tính thêm Trường Sa thì còn cả vụ việc nã pháo tàn bạo vào quân lính người Việt tay không trên biển năm 1988 – cả hai vụ gộp lại đã làm đổ máu hàng trăm người con yêu nước Việt Nam.

Không biết cơ quan cấp trên hiện đang lưu giữ đạo sắc vô giá của người dân Lý Sơn sẽ sử dụng văn liệu quan trọng đó vào việc gì ?

Theo hiểu biết của tôi, kẻ đã làm công việc điền dã thư tịch cổ từ hơn 40 năm nay, thì hầu như bất kỳ văn liệu hay di vật nào mà các cơ quan nhân danh Nhà nước mang về từ người dân, kể từ sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập, số lớn đều biến mất không tăm tích, không biết đâu mà đòi lại, và cũng không có ai đứng ra nhận trách nhiệm. Ấn vàng và kiếm bạc vua Bảo Đại trao cho phái đoàn ông Trần Huy Liệu trên lầu Ngọ Môn chiều ngày 30-8-1945 có lẽ là hai bằng chứng đầu tiên cho nhiều trường hợp đáng lấy làm bài học ấy. Chúng đã được Nhà nước cách mạng giữ gìn rất cẩn thận, vậy mà trong điều kiện cuộc tiêu thổ kháng chiến cuối năm 1946 vẫn bị thất lạc một cách trớ trêu, để rồi nghe đâu sau một cuộc phiêu lưu ly kỳ lại... tìm đường về với chủ cũ (chưa nói những chiếc ấn vàng khác trong hòm báu vật của triều Nguyễn cũng được nhà vua trao trong dịp lễ long trọng đã nói, đã đi kháng chiến, trở về, và vào đến Viện bảo tàng Lịch sử mà rồi còn bị trộm phá hủy cay đắng hơn).

Khi chúng tôi khảo sát ở một số địa phương, nhất là những vùng miền phía Bắc trước 1975, dân chúng còn giữ nhiều giấy tờ chứng nhận của nhiều đoàn cán bộ Bộ Văn hóa đến "mượn" tranh, sách, đồ sành sứ hoặc đồ đồng đồ đá gia bảo của họ đem về "phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu" mà về sau, mỗi lần mang mấy tờ giấy có dấu đỏ kia lên các cơ quan công quyền các cấp để hỏi thì cấp nào cũng chỉ một mực... lắc đầu.

Không phải chúng ta không tin Bộ Ngoại giao có những người đầy tinh thần trách nhiệm. Song trong cái cơ chế còn rất luộm thuộm, chưa đi vào quy chuẩn như nước ta thì sự đời là thế, một khi thời vụ qua đi, người đương nhiệm về nghỉ, mọi chuyện thường cũng bị xếp xó và nhiều thứ trôi theo dòng nước chảy. Huống chi, đây lại là cơ quan hoàn toàn không có chức năng lưu trữ thư tịch và hiện vật.

Thử hỏi sau khi dùng xong, mấy đạo sắc nọ sẽ được ngài Bộ trưởng cho cất giữ ở đâu, do ai cai quản?
Tại sao chưa thấy công bố việc đưa các đạo sắc sang Cục Lưu trữ Nhà nước và có sự "bảo đảm bằng vàng" của chữ ký người đứng đầu Cục ấy cùng với một sắc lệnh Nhà nước bảo vệ nghiêm mật sự an toàn cho nó?
Tại sao không có hai tấm ảnh phóng to đạo sắc đó giống như thật được phủ ngoài bằng những hóa chất giữ bền rất hiện đại rồi chuyển về để dòng họ có công treo ở nhà thờ và nhân dân đảo Lý Sơn treo nơi đình làng?
Tại sao không có một khoản tiền hoặc một chính sách ưu đãi xứng đáng đối với người đứng đầu dòng họ đã cất giữ được di sản đặc biết quý hiếm là con cháu họ Đặng?
Tưởng đây là những câu hỏi để người có trách nhiệm cao nhất trả lời công khai trước công luận, không phải là thừa.

Xin được phép nhắc nhở một nguyên lý đã từng có dịp nhắc trên trang mạng trước đây : theo xu thế lịch sử của thế giới văn minh, Chính phủ phải sớm trở thành một CHÍNH PHỦ DỊCH VỤ chứ không phải là CHÍNH PHỦ CAI TRỊ, chỉ biết những lời hô hào rất kêu, những lời răn đe, một tay giơ ngón trỏ đi kèm với nhiều bằng sắc, và tay kia thì nắm lại thật chặt.

Nguyễn Huệ Chi



No comments: