Thursday, December 10, 2009

NOBEL HOÀ BÌNH OBAMA : CHIẾN TRANH ĐÔI KHI CẦN THIẾT ĐỂ BẢO VỆ HOÀ BÌNH

Tổng thống Mỹ nhận Nobel Hòa Bình với thông điệp : chiến tranh đôi khi cần thiết để bảo vệ hòa bình
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 10/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 10/12/2009 16:01 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6010.asp
Trong bài diễn văn nhận giải, ông Obama giải thích về tình hình nước Mỹ đang phải đối phó phải hai cuộc chiến trong đó có một cuộc chiến tranh mà nước Mỹ không hề muốn, đó là Afghanistan. Tuy nhiên, ông Obama cho rằng : ''các phương tiện chiến tranh có một vai trò trong việc gìn giữ Hòa Bình''.

Theo tổng thống Obama, còn có nhiều người khác xứng đáng hơn ông để nhận lãnh giải thưởng này. Mặt khác những đóng góp của ông chẳng là bao so với những người đoạt giải trước đây, từ Matin Luther King, cho đến Nelson Mandela.
Trong những ngày qua, dư luận đã tự hỏi là tổng thống Mỹ sẽ xử trí như thế nào khi đến Oslo nhận giải Nobel Hoà Bình, chỉ một tuần lễ sau khi tuyên bố tăng cường lực lượng Mỹ tham chiến ở Afghanistan.
Trên vấn đề này, tổng thống Mỹ Obama đã trả lời trong diễn văn nhận giải của mình khi ông giải thích về tình hình nước Mỹ phải đối phó với hai cuộc chiến tranh trong đó có một cuộc chiến mà nước Mỹ không hề muốn, đó là Afghanistan. Tuy nhiên, ông cho rằng : ''Các phương tiện chiến tranh có một vai trò trong việc gìn giữ Hòa Bình''.
Theo Tổng thống Mỹ, chiến tranh đôi khi cần thiết và có lý do chính đáng của nó, cần phải chấp nhận "sự thật đau đớn" là : ''cho đến khi nhắm mắt, chúng ta không thể xóa bỏ tận gốc những vụ xung đột bạo lực, các nước, một mình hay liên kết với nhau, đôi khi sẽ thấy là việc dùng đến võ lực không những cấn thiết, mà còn chính đáng về phương diện đạo đức''.
Ông Obama nhấn mạnh : ''Một phong trào bất bạo động không thể ngăn chặn các đội quân của Hitler. Các cuộc đàm phán không thể thuyết phục được giới lãnh đạo Al-Qaida buông súng. Ông xác định : ''Nói rằng võ lực đôi khi cấn thiết không phải khuyến khích sự nhẫn tâm, mà là chấp nhận tính chất không hoàn hảo của nhân loại và các giới hạn của lý trí''.
Trước lúc nhận giải, tổng thống Mỹ đã tham gia một cuộc họp báo chung với thủ tướng Đan Mạch Jens Stoltenberg.


Nobel Hoà Bình cho Obama, tổng thống một cường quốc tham chiến
Bảo Thạch
Bài đăng ngày 10/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 10/12/2009 13:07 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6006.asp
Tổng thống Mỹ đã tỏ ra khiêm nhường và tránh né mọi hình thức phô trương. Bản thân ông Obama có thể cũng đã nhận thức đầy đủ về thách thức mà giải Nobel Hoà Bình đặt ra cho mình, khi cho biết : tầm vóc của ông không thể bì kịp một Nelson Mandela hay Mẹ Theresa. Ông đã rút ngắn chuyến đi Oslo để nhận giải thưởng.

Với giải Nobel trong tay, tổng thống Barack Obama chấp nhận nghịch lý : ông vừa là sứ giả của Hoà Bình, vừa là vị tổng tư lệnh đã quyết định nâng số lính Mỹ tại Afghanistan lên đến 100.000 quân, cách đây 9 ngày. Quyết định tăng viện cho Afghanistan có thể đã khiến cho, ngay tại Na Uy, uy tín của Barack Obama đang xuống thấp trong các cuộc thăm dò dư luận.
Theo báo Verdens Gang (V.G) chỉ còn 35,9% người Na Uy nhận định Barack Obama xứng đáng được trao Nobel Hoà Bình. Trong khi đó, cách đây 2 tháng, con số người Na Uy ủng hộ việc trao giải này cho Obama lên đến 42,7%. Ngược lại ngày nay, có 33,5% mang quan điểm : tổng thống Mỹ không xứng đáng với Nobel Hoà Bình.

Bản thân ông Obama có thể cũng đã nhận thức đầy đủ về thách thức mà giải Nobel Hoà Bình đặt ra cho mình, khi cho biết : tầm vóc của ông không thể bì kịp một Nelson Mandela hay Mẹ Theresa.

Thông tín viên Donaig Ledu tường thuật từ Washington:
‘‘Tổng thống Barack Obama ý thức được rằng ông không có được uy tín như cựu tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela hay Mẹ Theresa. Phát ngôn viên Nhà Trắng, Robert Gibbs đã tuyên bố như trên vài giờ trước khi tổng thống Hoa Kỳ lên đường đến Oslo nhận giải thưởng. Tuy nhiên theo viên chức này, thì ông Obama rất tự hào vì Ủy ban Nobel trao tặng giải thưởng cao quý kể trên cho một người đứng đầu một quốc gia đã nỗ lực hàn gắn nước Mỹ với phần còn lại của thế giới, đồng thời Ủy ban này đã khuyến khích nỗ lực của ông Obama để mang lại hòa bình và ổn định cho nhân loại.
Bản thân ông Obama cũng đã hết sức ngạc nhiên khi ông được Ủy ban Nobel vinh danh, vỏn vẹn chín tháng sau khi ông chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, diễn văn mà Barack Obama đọc tại Oslo khi ông nhận giải thưởng lại là thông điệp của một vị tổng thống vừa quyết định tăng viện 30 ngàn lính Mỹ đến Afghanistan. Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, hai phần ba người Mỹ được tham khảo ý kiến cho rằng ông Barack Obama không xứng đáng -hoặc chưa xứng đáng- để được giải thưởng Nobel hòa bình. Chiến lược của ông tại Afghanistan không là yếu tố duy nhất giải thích cho kết quả kể trên. Dư luận còn tỏ ra thất vọng vì chính sách ngoại giao của tổng thống Hoa Kỳ chưa mang lại những kết quả mong muốn. Có rất nhiều người tự hỏi tại sao Ủy ban Nobel hòa bình năm nay lại bỏ phiếu chọn ông Obama’’.

Phản bác những lời phê bình cho rằng Obama chưa đủ bản lĩnh để nhận giải thưởng cao quý này, Ủy Ban Nobel đã bảo vệ quan điểm của mình như sau : ‘‘Đa số những vị tổng thống Mỹ buộc phải ứng phó với nhiều cuộc tranh chấp, thậm chí nhiều cuộc chiến. Nhưng điều mà ông Obama thử nghiệm là dấn thân vào một con đường mới trong chính sách đối ngoại, và nhấn mạnh đến sự hợp tác quốc tế, đến Liên Hiệp Quốc, đến sự đối thoại, thương thuyết, đến công cuộc chống biến đổi khí hậu và giải trừ vũ khí. Đó là những yếu tố cơ bản đã giúp Ủy Ban Nobel chọn ông Obama’’. Ông Geir Lundestad, thư ký Ủy Ban Nobel tuyên bố như trên.

Về phần mình, tổng thống Mỹ đã tỏ ra khiêm nhường và tránh né mọi hình thức phô trương cho nên ông đã rút ngắn chuyến đi Oslo nhận giải thưởng.

Thông tín viên Gregory Tervel tường thuật từ Oslo :
‘‘Ngoài việc là người được nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009, Ông Barack Obama còn được đón tiếp hôm nay tại Oslo với tư cách là tổng thống của nước Mỹ. Thực sự là rất khó có thể tiếp cận ông Obama, ngay cả 800 nhà báo đã đăng ký cho buổi lễ trao giải thưởng cũng không tiếp xúc được với ông.
Bà Kirsti Svenning, một nhân viên của trung tâm Nobel, cũng đã lưu ý thấy có sự khác biệt trong những tuần qua : ‘‘Mọi năm, giải Nobel về hòa bình vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt. Tôi muốn nói là năm nay mối quan tâm đến sự kiện này lại càng lớn hơn, có lẽ là do việc trao giải lần này cũng hơi gây tranh cãi. Hơn thế nữa còn là vấn đề về an ninh.
Trong nhiều ngày qua, rất nhiều câu hỏi về việc tổ chức chuyến đi này của tổng thống Barack Obama đã không có câu trả lời. Vì thế mà để thích ứng, chúng tôi phải thường trực đặt ra nhiều kế họach khác nhau. Thường thì Viện Nobel sẽ gửi chương trình cho người được nhận giải, nhưng lần này, mọi chuyện do Nhà Trắng quyết định’’.
Vì chuyến viếng thăm chớp nhoáng chỉ kéo dài 24 giờ, nên chương trình chính thức của tổng thống Obama bị rút gọn nhiều. Tổng thống Mỹ vẫn muốn thể hiện là mình chưa xứng đáng với giải thưởng đầy uy tín này. Có thể chính giải thưởng sẽ cản trở ông nhiều hơn là giúp ông trong công việc, bằng chứng là mới đây ông buộc phải quyết định gửi 30 nghìn quân tăng viện sang Afghanistan’’.



Obama bảo vệ cuộc chiến tại lễ Nobel (BBC)




No comments: