Nghĩ về tự do phát biểu
Lâm Phong
Tâm Thức Việt Nam
December 18, 2009
http://www.tamthucviet.com/articleview.aspx?artId=%c5%b8F%15%5d
Trong khi các nước theo đạo Thiên Chúa đang bận rộn sửa soạn ngày lễ quan trọng nhất trong năm là ngày chúa giáng sinh thì ở nước Tân Tây Lan miệt dưới, một nhà thờ đã tạo nên tranh cãi giận dữ giữa những người con Chúa. Thực vậy, mục sư Glynn Cardy nhà thờ Anh giáo St Matthew-in-the-City đã cho dựng một tấm bảng ngay trung tâm thủ phủ Auckland mà chỉ 5 tiếng đống hồ sau khi màn che mở ra là đã có một người đàn ông lái xe đến, đứng trên mui xe, dùng sơn mầu nâu bôi xóa đi.
Bức hình vẽ ông thánh Giuse và đức mẹ Maria nằm cạnh nhau cởi trần, dưới tấm chăn. Mặt ông Giuse sầu khổ. Mẹ Maria mặt ngước lên trời nhìn xa xăm..Với giòng chữ: “Giu se khốn khổ. Chúa khó mà theo”. Cardy giải thích về bức hình với Hội Báo chí New Zealand (NZPA) rằng “Ý định của chúng tôi là làm cho mọi ngưòi nghĩ về câu chuyện giáng sinh”. “Phải chăng đó là chuyện một ông Chúa nam gửi tinh dịch xuống để sinh con, hay là về sức mạnh của tình yêu giữa chúng ta nhìn thấy ở Jesus?”. Cardy cũng nói rằng đã nhận được chừng 20 điện thư và điện thoại trong đó có 50% nói rằng là thích bức hình và 50% cho rằng bức hình là vô cùng xúc phạm”. Bà Lindsay Freer, phát ngôn viên của giáo phận Công giáo Auckland kết án bức hình là “không thích hợp” và “bất kính”. Bà nói với báo New Zealand Herald rằng “Truyền thống 2000 năm đạo Thiên Chúa chúng tôi là đức mẹ Maria đồng trinh và Jesus là con đức Chúa Trời, chứ không phải là con Giu se. Một tấm quảng cáo như thế là không thích hợp và là bất kính”. Nhóm bảo thủ Family First nhận định rằng “bất cứ tranh luận nào về Mẹ đồng trinh sinh con đều nên ở trong nhà thờ”. “Đưa quan niêm lên trên một tấm quảng cáo trước trẻ con và gia đình là hoàn toàn vô trách nhiệm và không cần thiết”. Một thư than phiền đã được gửi đến cơ quan trông nom vấn đề quảng cáo là Advertising Authority. Nhưng mục sư Cardy vẫn khăng khăng giữ lập trường mà nói rằng “Tôi không thể hiểu được tại sao sự phản đối của một người lại làm cho một người khác mất niềm vui thưởng thức tấm bàng”.
Những cãi lý tương tự đã từng xẩy ra trong một số các trường hợp khác, nhân danh tự do phát biểu. Những nhà sản xuất phim ảnh Hollywood từng là những người to tiếng nhất và mạnh mẽ nhất chống sự phản đối các phim ảnh khiêu dâm và bạo lực mà họ sản xuất. Và họ đã thắng, cho nên khiêu dâm và bạo lực tràn ngập phim ảnh và video. Có người cho rằng họ có lý. Vì tự do mà! Nhưng thật ra thì họ thắng vì sức mạnh đồng tiền họ có trên các nhà chính trị, và các cơ quan truyền thông họ nắm, cũng như vì sự tán thành các phim khiêu dâm và bạo lực, do thị hiếu của đám đông. Bởi vì có nhà tâm lý học nói rằng những phim này nó làm xoa lấp sự hèn yếu và khát khao không thoả của nhiều người. Ngoài ra thì những nhà sản xuất này chỉ nhân danh tự do để phuc vụ mục tiêu làm tiền, chứ không phải thực sự vì tự do. Bởi vì tự do thì đúng, nhưng không phải là có thể nhân danh tự do mà làm phiền hay xúc phạm người khác.
Vì thế không thể và khu Do Thái trương hình Hitler và cờ Đức quốc xã. Không thể trương hình Hồ chí Minh và cờ đỏ sao vàng trong các công đồng Viêt nam hải ngoại. Sẽ có đụng độ. Sẽ có phản đối. Ngưòi đàn ông đứng trên mui xe hơi sịt sơn lên bức hình tạo xúc phạm có cái lý của ông ta. Đơn giản chỉ là xúc phạm đến ông thì ông chống lại. Không cần nói đến chuyện bức hình là đúng hay sai.
Và cũng phải hiểu rằng không thể bàn luận về niềm tin hay cái thích của người khác. Nhiều người Viêt nam và Á đông thích sầu riêng, nhưng nhiều người Âu và Mỹ thì chịu mùi sầu riêng không nổi. Cũng tương tự như thế với mùi mắm nêm, mắm ruốc, cá khô, mùi fromage Roquefort của Pháp hay blue cheese của Mỹ. Không thể và không nên nói đúng sai, phải trái ngon dở, trong những vấn đề này và tương tự. Bởi thế những người đi siêu âm thường được dặn là nên tắm rửa sạch sẽ và không bôi nước hoa. Bởi vì nước hoa có thể thơm với mình nhưng dính vào cực siêu âm mà khi dùng cho người khác có thể làm cho họ khó chịu
Đó là nói về con người bình thường, xã hội bình thường. Không nói về xã hội lý tưởng của lời dậy “khi bị đánh má trái thì đưa má phải ra cho đánh tiếp”.
Lâm Phong
(ngày 18 tháng 12/2009)
No comments:
Post a Comment