LĂNG TẨM NGHÌN NĂM
TRÚC GIANG cư sĩ
Tháng Mười Hai 5, 2009
http://baotoquoc.com/2009/12/05/lang-t%e1%ba%a9m-nghin-nam/
Lăng, theo định nghĩa thông thường nhất, là phần mộ, nơi an táng các bậc vua chúa, vương hầu. Bậc vua chúa thời nào cũng vậy, khi sống thì có cung điện; khi chết thì có lăng tẩm. Lăng tẩm có nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, tùy theo tôn giáo, tư tưởng triết học mà khác nhau tùy theo thời gian và hoàn cảnh địa lý! Cho đến bây giờ, lăng mộ được xem vĩ đại nhất có lẽ là lăng mộ của các vua Pharaons của Ai Cập cổ đại.
Trong số đó, nổi tiếng nhất là kim tự tháp Chéops, một khối tứ giác chóp nhọn khổng lồ được dựng lên bởi 2 triệu 3 trăm ngàn tảng đá lớn. Mấy nghìn năm qua vẫn hùng vĩ, đương đầu cùng gió cát sa mạc.
Trung Hoa với mấy nghìn năm lịch sử, cũng có không biết bao nhiêu là lăng tẩm vua chúa còn lại đến ngày nay. Mỗi triều đại đều có những khu lăng tẩm riêng biệt. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng mang tên Ly Cung, tới bây giờ vẫn còn đang được các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật.
Triều Nguyễn nước ta, đặt kinh đô ở Huế; qua 143 năm tồn tại (1802-1945) có tất cả 13 vua. Nhưng do những lý do lịch sử khác nhau chỉ có 7 vị vua là có lăng tẩm.
Đây không phải là một bài biên khảo về lăng tẩm triều Nguyễn, chỉ sơ lược vài hàng…
Thiên Thọ lăng là lăng của vua Gia Long, theo L. Cadière, thực ra là một quần thể gồm nhiều lăng mộ, trong đó người ta gặp được:
-Lăng vua Gia Long;
-Lăng Thừa thiên Cao Hoàng hậu, vợ chánh vua Gia Long;
-Lăng Thuận thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ 2 của vua Gia Long và là mẹ của vua Minh Mạng;
-Lăng Thái tôn Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ thứ 2 của chúa Hiền vương Nguyễn Phúc Tần;
-Lăng của bà Anh tôn Hiếu Nghĩa Hoàng hậu, vợ chúa Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn, mẹ của chúa Tộ tức Minh vương Nguyễn Phúc Chu;
-Lăng Hưng tổ Hiếu Khương Hoàng hậu, vợ thứ 2 của Nguyễn Phúc Luân và là mẹ của vua Gia Long;
-Lăng của Túc tôn Hiếu ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chú.
Các chúa Nguyễn chỉ xưng Vương, không xưng Đế. Đế hiệu trên các bia mộ đều do các vua Nguyễn đời sau phong tặng.
Hiếu lăng là lăng của vua Minh Mạng. Lăng ở địa phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lăng, nơi hợp lưu của 2 nhánh sông Hương. Khi chọn vùng đất này để xây lăng, vua Minh Mạng đã đổi tên núi Cẩm Kê thành núi Hiếu Sơn, và đặt tên cho lăng của mình là Hiếu lăng. Tháng 4 năm 1840, lăng được khởi công. Tháng 1 năm 1841, vua mất đột ngột. Vua Thiệu Trị lên ngôi, sai ba đại thần lúc bấy giờ là Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên và Trương Đăng Quế chỉ huy mười ngàn lính và thợ xây dựng gấp rút. Tháng 8 năm 1841, thi hài vua được đưa vào đấy an táng. Nhưng công cuộc xây dựng vẫn tiếp tục đến năm 1843 mới hoàn tất.
Lăng vua Thiệu Trị có tên là Xương lăng , ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy. Đây là lăng duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc. Phía trước lăng, về phía tay phải là lăng Hiếu Đông của mẹ vua Thiệu Trị. Phía trái và hơi tụt về phía sau là Xương Thọ lăng của bà Từ Dũ, vợ vua và là mẹ của vua Tự Đức được an táng năm 1901.
Khiêm lăng là mộ vua Tự Đức, nằm trên địa phận làng Dương Xuân thượng, nay thuộc xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Trong số 3 vua triều Nguyễn, Tự Đức là vị vua tại vị lâu nhất. 36 năm. Vua là con thứ hai của vua Thiệu Trị. Hồng Bảo là con trưởng nhưng vì mẹ xuất thân dân dã, lại tài năng tư chất kém hơn em là Hồng Nhậm nên không được truyền ngôi.
Sau khi chọn được đất, chính vua đích thân soạn đồ án kiến trúc, và đặt tên cho lăng mộ tương lai của mình là Vạn Niên cơ. Việc xây dựng rất tốn kém, vất vả. Đương thời có câu ca dao:
“Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân!”
Tháng 9-1866, Đoàn Trưng là con rễ của Tùng Thiện Vương Miên Thẫm (em vua Thiệu Trị) làm cuộc đảo chánh, định đưa Ưng Đạo, con trai của Hồng Bảo lên ngôi. Lợi dụng sự bất mãn của quân và dân phu đang xây Vạn Niên cơ, Đoàn Trưng cùng em là Đoàn Trực xách động được họ, tiến về đại nội định lật đổ vua Tự Đức. Vũ khí chánh của đoàn người này là những chiếc chày dùng để giã vôi; nên những người đương thời gọi loạn Chày Vôi. Việc không thành, những người cầm đầu bị giết. Tùng Thiện Vương phải quỳ trước cửa Đông 3 ngày để chịu tội vơi Hoàng gia. Sau việc này, Tự Đức đổi tên Vạn Niên cơ thành Khiêm cung. Sau khi vua băng hà , được đổi thành Khiêm lăng. Trong bài bia văn “Khiêm cung ký” là bài bi ký dài 4.935 chữ, vua Tự Đức đã tự thuật về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình. Ông vua có đến 103 bà vợ nhưng không có con nối dõi, đã dùng tấm bia khổng lồ đó để kể công và nhận tội trước lịch sử.
Ông luận tội mình: “không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta; dùng người không đúng chỗ cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được đều là tội ta cả…” Nhưng rồi ông lại có “nhã ý” nhường cho sử sách đời sau đánh giá công, tội của ông. Quả mới là khôn khéo làm sao! Ông vua thi sĩ, tác giả hai câu thơ:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hương
đã nằm xuống giữa một không gian của thơ và nhạc, của sự yên bình trong tổng thể kiến trúc trác tuyệt về nghệ thuật xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn. Người đời sau mỗi khi đứng trước khung cảnh thơ mộng này, ai cũng nghĩ đến câu thơ đề tặng “ngôi nhà vĩnh cửu” của vua Tự Đức với sự tâm đắc, ngưỡng mộ:
Tứ bề núi phủ, mây phong
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng vạn niên.
An lăng là lăng của vua Dục Đức. Vua Tự Đức không có con nên có nhận một số con của các em mình làm con nuôi. Khi vua Tự Đức mất, 3 phụ chánh Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và Trần Tiễn Thành theo di chiếu lập Ưng Chân là con của Thoại thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y lên ngôi. Chưa kịp lập niên hiệu, vua thường được gọi tên theo chỗ ở của mình là Dục Đức Đường. Ba ngày sau bị phế, bị giam và bị chết đói trong ngục. Thi hài vua được bó chiếu và giao cho hai tên lính cùng một viên suất đội gánh đi chôn ở địa phận chùa Tường Quang. Sáu năm sau, qua bốn đời vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, con trai vua Dục Đức là Bửu Lân được lập làm vua tức Thành Thái (1889-1907). Thành Thái bắt đầu cho xây dựng lăng mộ của cha mình cách chùa Tường Quang 200 mét. Năm 1907, vì có tư tưởng chống Pháp vua bị phế. Con là Vĩnh San lên ngôi mới có 7 tuổi. 8 năm sau (1916) vua trốn khỏi kinh thành, âm mưu chống Pháp. Thất bại, Pháp đày cả hai cha con sang Réunion. Năm 1953, vua Thành Thái được về nước sống ở Sàigòn. Năm sau ông mất. Hoàng tộc rước thi hài về chôn trong khuôn viên An lăng. Năm 1945, trên đường về nước vua Duy Tân chết vì tai nạn máy bay ở Trung Phi và được chôn cất ở đó. Năm 1987, hài cốt vua được đem về cải táng cũng ở An lăng. An lăng là nơi an táng của cả 3 thế hệ, 3 đời vua của Đệ tứ chánh hệ.
Tư lăng là lăng vua Đồng Khánh, ông nội của cựu hoàng Bảo Đại. Lăng nằm trong địa phận xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Vua Đồng Khánh tên Ưng Đường là con trai cả của Kiên thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai.
Một nhà sinh được ba vua
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài.
Ưng Đăng, em thứ hai của Ưng Đường kế vị vua Hiệp Hòa được 8 tháng thì mất, hiệu Kiến Phúc. Ưng Lịch là em út lên ngôi, hiệu Hàm Nghi. Được một năm, 1885, kinh đô thất thủ, Hàm Nghi theo Tôn Thất Thuyết ra Sơn Phòng, Hà Tĩnh, phát hịch Cần Vương chống Pháp. Pháp và triều đình lập anh cả lên ngôi, hiệu Đồng Khánh. Được 3 năm thì mất (1889). Năm 1917, con Đồng Khánh là Khải Định lên ngôi, bắt đầu xây dựng lăng mộ cho cha mình. Việc xây cất kéo dài đến năm 1923.
Ứng lăng là nơi chôn cất của vua Khải Định. Năm 1917, Phụng Hoá công Bửu Đảo, con vua Đồng Khánh được lập lên ngôi. Khải Định chọn vùng núi Châu Chữ làm nơi xây dựng lăng mộ cho mình. Lăng khởi công tháng 9 năm 1920 ngay trong lúc vua còn sống. Để có tiền xây dựng, vua Khải Định đã xin Pháp cho ông tăng thuế điền lên 30%. Việc xây dựng kéo dài đến 11 năm mới hoàn tất. Lăng có diện tích không lớn (117m x 48,5m) nhưng hết sức công phu, tốn kém.
*
Lăng tẩm là một trong những kiến trúc của thời đại quân chủ phong kiến. Tưởng rằng những loại kiến trúc như vậy sẽ không còn được tiếp tục một khi chế độ chuyên chế không còn. Nhưng rồi rồi thỉnh thoảng nó vẫn xuất hiện. Không nhiều lắm, chỉ có vài cái bơ vơ, lạc lõng trên quả địa cầu. Những quốc trưởng, chính khách, danh nhân nổi tiếng ở thế kỷ 20 như Churchill, Charles De Gaule, Roosevel, Kennedy… khi mất không hề có lăng. Những ngôi mộ của họ chỉ là những ngôi mộ khiêm tốn, bình thường. Năm 1917, Lénine lãnh đạo cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ của Nga Sa hoàng. Lập nên một nhà nước mà ông và những người học trò của ông gọi là “nhà nước dân chủ nhân dân”. Năm 1924, ông chết. Người kế vị ông đã xây cho ông một cái lăng. Cái lăng này vĩ đại hơn bất cứ cái lăng tẩm Sa hoàng nào trước đó. Và xác ông thì được ướp, hy vọng lưu lại đời đời. Năm 1953, Stalin, người đã ra lệnh xây cái lăng đó chết. Xác cũng được ướp để trong lăng Lénine. Nhưng chỉ mấy năm sau, Nikata Krouchev lôi cái xác đó ra ngoài. Bây giờ trong cái lăng vĩ đại dựa tường điện Cẩm Linh ngó ra quảng trường Đỏ ở thủ đô Mạc Tư Khoa – nơi mà “nhà thơ nhân dân” Tố Hữu mơ “được hôn từng viên gạch lót” – chỉ còn chơ vơ một cái xác mốc meo. Mà cái xác đó cũng đang bị dân Nga la ó đói kéo ra ngoài.
Ở Hà Nội, ngó ra quảng trường Ba Đình cũng có một cái lăng y hệt như vậy. Để 2 tấm hình chụp 2 cái lăng gần nhau thử mà xem. Y như đúc. Có điều cái ở Hà Nội thì nhỏ hơn. Nộ lệ đến nỗi cái lăng mà cũng cóp-py như vậy thì kể cũng khó kiếm. Chắc cũng muốn để được nghìn năm. Các ngài Cộng sản Việt Nam vẫn thành kính gọi là lăng Bác. Lăng được khởi công từ năm 1973 sau hiệp định Paris. Nhưng những sự chuẩn bị thì đã bắt đầu trước đó rất lâu, ngay sau khi Bác… hai năm mươi! Theo nhà văn Tô Hoài thì cửa lăng được làm từ những cây cổ thụ hàng 500 năm tuối ở Tây Nguyên hạ xuống, dùng voi kéo ra để đem về Bắc ngay trong thời chiến tranh. Cát xây dựng thì do dân công đãi bằng tay tận thượng nguồn Kim Bôi… Bao nhiêu những cái quý giá nhất của cả nước đều tập trung vào cái lăng vô bổ ấy. Dân đói? Mặc kệ! Nước nghèo! Mặc kệ! Xây lăng cái đã. Cho có với người ta. Lăng Bác sẽ là một công trình vĩnh cửu để lại cho thế hệ mai sau. Họ hãnh diện gào lên như vậy.
Nhưng mà xét cho cùng, phong kiến hơn bất cứ một triều đại phong kiến nào, chính cái triều đại ông Hồ lập ra; tốn kém và vô ích nhất chính là cái lăng của ổng.
Có nhiều người hổng chịu cái khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong lòng quần chúng” cứ nhất định hỗn hào đặt cho cái chỗ tiểu tiện là… lăng Bác! Có mấy ông nóng tánh đòi đập cái lăng ấy ra, và đốt cái xác thành tro. Theo tôi, không nên như vậy. Dù sao ông ấy cũng chết rồi! Đình, chùa, miếu mạo mà họ còn biến thành nhà kho và chuồng lợn được; thì cái lăng đồ sộ kia tội gì mà làm chỗ tiểu tiện, tội gì mà phá. Cứ giữ nguyên hoặc sửa đổi chút chút thì nó sẽ biến thành một cái công trình hữu ích nào khác.
Ví dụ như lấy làm bảo tàng viện về bệnh AIDS chẳng hạn. Túng cùng quá thì kiếm một con trâu ba sừng nhốt vào đấy rồi bán vé vào cửa. Thu cũng được bộn tiền. Phá chi, uổng lắm! Còn cái xác cũng được khối việc. Nghiên cứu cẩn thận mấy cái nấm mốc trên đó, biết đâu người ta sẽ tìm được một loại kháng sinh mới để trị bệnh giang mai. Hãng thuốc lá “ba số năm” Ăng-lê biết đâu lại la toáng lên là sau khi xem xét kỹ mấy cái lông mũi của Bac họ có thể khẳng định là 94,3% số thuốc mà Bác hút là hiệu 555 vân vân và vân vân… Không nên cắt, đốt, cột gì cái xác ấy. Cứ để đấy!
Lăng tẩm triều Nguyễn nay tuy chỉ còn là vang bóng một thời nhưng vẫn là những di tích, thắng cảnh của đất Thần Kinh cần nên trùng tu, bảo vệ. Khi xây dựng lăng vua, người ta cũng cẩn thận xem xét địa thế, phong cảnh, mong sao cho nó bền vững đời đời.
*
Có những cái lăng không bao giờ sợ bị mưa nắng, thời gian tàn phá; bởi nó được xây ngay trong lòng dân tộc. Lăng Trần Hưng Đạo Vương, lăng Bình Định Vương Lê Lợi, lăng Quang Trung Hoàng Đế Nguyễn Huệ v.v… Con người và thời gian nào tàn phá được. Đâu có như cái xác ướp ở lăng Ba Đình. Chưa được 40 năm mà đã run cầm cập vì bị thiên hạ hầm hè nay đốt, mai cột, bữa kia đòi cắt.
TRÚC GIANG cư sĩ
No comments:
Post a Comment