Hội nghị thế giới về khí hậu lần thứ 15 khai mạc tại Copenhagen
Tú Anh
Bài đăng ngày 07/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày 07/12/2009 16:42 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_5967.asp
Trong diễn văn khai mạc, trước sự hiện diện của hơn 1200 phái đoàn quốc tế, thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen kêu gọi mọi người ý thức trách nhiệm của mình đáp lại sự mong chờ và « niềm hy vọng của toàn nhân loại ». Hàng ngàn tổ chức phi chính phủ dự kiến một số hành động ngoạn mục để thu hút sự chú ý thế giới về Hội nghị Copenhagen.
Ngày 7/12/2009 cả thế giới tụ họp về Copenhagen. Trong vòng gần hai tuần lễ, thủ đô Đan Mạch biến thành thủ đô khí hậu, điểm hẹn quan trọng nhất của cả hành tinh.
Các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ phải tìm cho ra một thỏa thuận ngăn chận hiệu ứng nhà kính đe dọa dân cư ở những nước nghèo trước mắt và sau đó là những quốc gia phát triển nhất.
Trong diễn văn khai mạc, trước sự hiện diện của hơn 1200 phái đoàn quốc tế, thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen kêu gọi mọi người ý thức trách nhiệm của mình đáp lại sự mong chờ và « niềm hy vọng của toàn nhân loại ».
Theo chương trình, từ nay cho đến ngày bế mạc vòng thương lượng 18 tháng 12, đại diện 192 quốc gia cố gắng đi đến một sự đồng thuận về các giải pháp ngăn chận không cho nhiệt độ khí quyển tăng thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền kỹ nghệ.
Đặc phái viên RFI Caroline Lachowsky gởi về bài phân tích :
"192 quốc gia, khoảng 100 nguyên thủ : tổng cộng hơn 30 000 người đươc chờ đợi tại thủ đô Đan Mạch trong vòng 15 ngày đàm phán được tiên đoán khá gay gắt.
Để nối tiếp theo nghị định thư Kyoto và đưa ra những quy định quốc tế mới nhằm giới hạn việc khí quyển nóng lên ở mức 2 độ C mà thôi, thì mọi người phải đồng ý, vừa trên chỉ tiêu giảm khí thải bằng số liệu cụ thể, vừa trên ngân quỹ trợ giúp cho các quốc gia dễ bị tác hại nhất để họ thích nghi với tình hình, cũng như cho các nước đang vươn lên, những nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới.
Làm thế nào để thông qua những biện pháp gò bó và công bằng đối với mọi người ? Ai sẽ kiểm tra việc thực hiện các biện pháp và trên cơ sở nào ? Ai cung cấp nguồn tài chính và công nghệ học ?
Các câu trả lời rất khác nhau giữa phương Bắc gồm các nước công nghiệp phát triển vốn phải chịu trách nhiệm lịch sử về tình trạng hiện nay, và phương Nam, tức là các quốc gia đang phát triển.
Đối với phương Bắc, một trong những câu hỏi lớn của hội nghị này liên quan đến thái độ của Hoa Kỳ. Liệu nước gây ô nhiễm nhất hành tinh này có sẽ gánh vác trách nhiệm của mình hay không ?
Đối với phương Nam, mục tiêu nhắm tới cũng rất khác nhau giữa những nước đang vươn lên như Trung Quốc hay Brazil và những nước đang phát triển ở Châu Phi hay những đảo quốc đang đặc biệt bị sự hâm nóng khí hậu đe doạ.
Để gây áp lực đối với các đại biểu tham gia Hội nghị, hàng ngàn tổ chức phi chính phủ đã sẵn sàng hành động tại thủ đô Đan Mạch. Thành viên của các tổ chức này dự kiến một số hành động ngoạn mục để thu hút sự chú ý thế giới về Hội nghị Copenhagen".
Hội nghị Thượng Đỉnh Khí Hậu Copenhagen khai mạc (RFA)
Hối thúc hành động tại Copenhagen (BBC)
Báogiới 45 quốc gia kêu gọi Copenhagen có thái độ dứt khoát (RFI)
Châu Âu không thoát khỏi hệ quả của biến đổi khí hậu vào giữa thế kỷ 21 (RFI)
No comments:
Post a Comment