Monday, December 21, 2009

THẾ GIỚI VỚI THOẢ THUẬN ĐẠT ĐƯỢC TẠI COPENHAGEN

Thế giới với thỏa thuận đạt được tại Copenhagen
ABC
21/12/2009 - 16:39
http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-v%E1%BB%9Bi-th%E1%BB%8F-thu%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BA%A1t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-t%E1%BA%A1i-copenhagen
Trong thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Copenhagen, các quốc gia phát triển trong đó có Úc sẽ phải đặt mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước tháng Hai năm tới.

Hội nghị về Biến đổi Khí hậu tại Copenhagen năm 2009 đã kết thúc với một thỏa thuận chính trị không mang tính ràng buộc pháp lý, bất chấp mọi lời cảnh báo rằng sự thất bại về một hiệp ước chung sẽ là thảm họa cho Trái đất. Bản thỏa thuận, được thông qua bởi các quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trong khoảng 2 độ C nhưng không ràng buộc chỉ tiêu phát thải toàn cầu. Bản thỏa thuận cũng dự trù viện trợ 100 tỉ đô-la cho các nước nghèo đối phó với tình trạng ấm lên của Trái đất nhưng lại không có kế hoạch viện trợ cụ thể.

Ông Barry Coates, Giám đốc Tổ chức Oxfam New Zealand, cho biết: “Không chỉ Oxfam mà tất cả những người đang theo dõi hội nghị chắc chắn thất vọng vì kết quả này. Đây là lúc mà các nhà lãnh đạo của 119 quốc gia có cơ hội lịch sử cùng ngồi lại với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng chính mang tính toàn cầu nhưng họ đã không làm được điều gì.”

Theo ông Coates, đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo họp bàn với nhau và điều đáng thất vọng ở đây là trên thực tế họ đã không thực hiện được nhiều như những gì họ đã nói. Các cuộc đàm phán đã kéo dài trong ba năm. Mọi người đều nhận ra rằng chúng ta sẽ gặp rắc rối to trừ phi có một lộ trình khác. Các nhà lãnh đạo thậm chí còn không đồng ý về việc giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C vốn đã trở thành chuẩn chung có thể chấp nhận được. Các đề xuất thực tế được đưa ra trong hội nghị còn vượt xa con số 2 độ C này - tăng đến 4 độ C. “Chúng ta sẽ còn thấy nhiều vụ cháy rừng, lũ lụt và hạn hán xảy ra”, ông Coates nói.

Một trong những điểm sáng của Hội nghị Copenhagen năm nay là các nhà đàm phán đã cố gắng để đạt được một hiệp ước. Họ tham gia hội nghị mang theo nhiều sự lựa chọn, họ cũng không đồng ý với rất nhiều điều khoản và những điều này đã được thể hiện trong suốt 250 trang tài liệu. Đây là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã không thể hiện được ý muốn của mình một cách dứt khoác. Một số quốc gia, chẳng hạn như New Zealand và các thành viên của nhóm Umbrella, đã cố gắng xác định lại những gì họ đã thương lượng vào giờ phút chót và điều đó thật sự khiến các cuộc đàm phán bị thụt lùi và phá hủy bất cứ niềm tin nào đã được xây đắp qua các cuộc thương lượng. Không có gì ngạc nhiên khi vào những giờ phút cuối cùng, các nước như Trung Quốc đã rất nghi ngờ về việc thật sự sẽ có một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý.

Có nhiều ý kiến đổ lỗi cho Trung Quốc rằng nước này đóng vai trò chính khiến Hội nghị Copenhagen thất bại. Theo ông Barry Coates, Trung Quốc thật sự đã thực hiện rất tốt vai trò của mình. Ông Yvone de Bor, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, cho rằng Trung Quốc đã vượt lên trên các nước phát triển trong việc đối phó với khí hậu thay đổi. Họ đã thực hiện các chính sách rất tốt, vì vậy đã đến lúc mọi người nên ngừng chỉ trích Trung Quốc và bắt đầu xem xét các điều khoản được Úc và New Zealand triển khai thực hiện hoặc không thực hiện như thế nào.

Úc chuẩn bị cho bước tiếp theo
Trở về từ Hội nghị Copenhagen, Thủ tướng Úc Kevin Rudd tiếp tục với việc đưa dự luật ETS (Emissions Trading Scheme) giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ra tranh luận tại quốc hội. Đây là lần thứ ba dự luật ETS được đưa ra bàn thảo sau hai lần thất bại trước đó.
Trong thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Copenhagen, các quốc gia phát triển trong đó có Úc sẽ phải đặt mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước tháng Hai năm tới.
Chính phủ Úc đặt mục tiêu là giảm khí thải trong khoảng 5% đến 25%. Con số cuối cùng sẽ được thông báo khi các nước khác công bố mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, ông Rudd sẽ phải đối mặt với một ‘cuộc chiến’ về dự luật khí thải vốn tiếp tục không nhận được sự ủng hộ của phe đối lập.
Đảng Xanh của Úc tin rằng cuộc bầu cử quốc gia năm sau sẽ xoay quanh việc trưng cầu dân ý về hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Thượng nghị sĩ Bob Brown, lãnh đạo Đảng Xanh, cảnh báo rằng các đảng chính nên lắng nghe người dân Úc chứ không phải các tập đoàn lớn. “Chúng ta không thể thoát khỏi sự thay đổi khí hậu, nó đang tăng tốc và trở nên tồi tệ hơn. Nó cũng trở nên tốn kém hơn và khiến thế giới ít an toàn hơn.”

Bài liên quan :
Nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 3 độ C
Copenhagen 2009 - ngày làm việc thứ 10
ADB thúc giục hành động chống lại thay đổi khí hậu



No comments: