Thursday, December 3, 2009

CHỦ NGHĨA "MÌNH THÌ ... KHÁC"


Mình thì…khác
Nguyễn Hưng Quốc
03/12/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-03-voa30.cfm
Có một trong những định kiến, ăn thật sâu và thật chắc trong vô thức tập thể của dân tộc, trở thành một động lực âm thầm chi phối cung cách suy nghĩ và hành xử của người Việt Nam. Tôi gọi đó là chủ nghĩa mình-thì-khác.

Biểu hiện của chủ nghĩa mình-thì-khác rất dễ nhận thấy. Nó bàng bạc ở khắp nơi. Từ trong nước ra đến tận hải ngoại. Từ giới bình dân đến cả giới trí thức. Từ những giao tiếp hàng ngày đến những sinh hoạt chuyên môn. Ở đâu giọng điệu của nó cũng khá giống nhau.

Về phương diện chính trị, nước người ta dân chủ và tôn trọng nhân quyền ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng...mình-thì-khác.
Về phương diện xã hội, mọi thứ ở người ta đều được tổ chức một cách duy lý và hợp lý ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng...mình-thì-khác.
Về phương diện nghệ thuật, người ta hết lao vào thử nghiệm này đến thử nghiệm khác khiến thế giới sáng tạo lúc nào cũng trăm hoa đua nở ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng...mình-thì-khác.
Về phương diện văn học, từ lâu người ta đã bước vào giai đoạn hậu hiện đại chủ nghĩa với những quan niệm mới mẻ và vô cùng lý thú ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng...mình-thì-khác.
Thậm chí, cả đến thơ tự do vốn đã phổ biến khắp nơi trên thế giới, ở Việt Nam nó vẫn còn bị rất nhiều người, kể cả giới cầm bút, xem không phải là thơ. Lý do? Tại...mình-thì-khác.
Cả đến những yêu cầu tối thiểu đối với văn chương nghị luận, từ tính chính xác trong tư liệu đến tính nhất quán trong lập luận và tính nghiêm túc trong cách thức diễn đạt, chúng ta cũng bất chấp. Lý do: mình-thì-khác.

Thứ chủ nghĩa mình-thì-khác ấy làm tắc nghẽn mọi nỗ lực vận động cách tân, và cùng với nó, mọi thiện chí tranh luận.

Những tín đồ của chủ nghĩa mình-thì-khác hiếm khi nào dám thẳng thắn phản đối hay đặt nghi vấn đối với những giá trị đã được nhìn nhận ở những nơi khác. Có khi họ còn đồng ý với những giá trị ấy một cách vô cùng thành thực. Họ biết, chẳng hạn, dân chủ thì bao giờ cũng tốt hơn là độc tài; tiến bộ bao giờ cũng tốt hơn là lạc hậu; tính chất chuyên nghiệp bao giờ cũng tốt hơn thái độ nghiệp dư làng nhàng; ý hướng sáng tạo bao giờ cũng tốt hơn tinh thần bảo thủ và thói nhai lại. Họ xem đó là những chân lý hiển nhiên, không cần phải bàn cãi nữa. Hơn nữa, họ còn hết lòng ngưỡng mộ những nơi đã biến những giá trị ấy thành hiện thực.
Thế nhưng khi có ai đó đề nghị áp dụng những giá trị ấy vào Việt Nam thì người ta liền lắc đầu nguầy nguậy: mình-thì-khác!

Mình-thì-khác, cho nên, về phương diện chính trị, mình không thể chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng; về phương diện xã hội, mình không thể quá rạch ròi và duy lý; về phương diện học thuật, mình không thể quá hàn lâm; về phương diện mỹ học, mình không thể quá duy hình thức; về phương diện kỹ thuật, mình không thể quá táo bạo, v.v...

Thực chất của cái chủ nghĩa mình-thì-khác ấy là một thứ chủ nghĩa biệt lệ (exceptionalism), thậm chí, có thể nói, một thứ chủ nghĩa bộ lạc (tribalism) về văn hoá, một thái độ tự xem mình như là ngoại lệ của thế giới, nơi chưa từng có và cũng không cần có bất cứ quan hệ gì với người khác, ở đó, họ có những luật lệ riêng và một bảng giá trị riêng.
Để khẳng định những cái riêng ấy, người ta phải tự đánh lừa mình và cố đánh lừa cả người khác bằng cách biến một đặc điểm của một thời kỳ lịch sử nhất định thành một đặc điểm mang tính dân tộc.

Những đặc điểm như khuynh hướng thiên về cảm tính, nặng tình nghĩa, coi trọng gia đình và hàng xóm, thích ngâm nga ca dao và kể chuyện cổ tích, v.v...vốn khá phổ biến ở những xã hội tiền công nghiệp và có nền văn hoá truyền khẩu đều được nhận vơ như là những nét đặc thù của Việt Nam, chỉ có ở Việt Nam.

Việc biến một đặc điểm mang tính lịch sử thành một đặc điểm mang tính dân tộc như thế dễ dẫn đến hậu quả là người ta đánh mất ý niệm về sự vận động. Hoặc, nếu không, ý niệm về sự vận động ấy hình như chỉ xoay quanh cái trục chính trị. Các biến cố lớn trong đời sống chính trị trở thành những dấu mốc chính, từ đó, người ta quy chiếu mọi biến cố và mọi hiện tượng khác.

Rất phổ biến ở Việt Nam, những cách nói đại khái: trước/sau năm 1945; trước/sau năm 1954; trước/sau năm 1975, v.v... Bàn về chính trị, người ta dùng cái khung thời gian như thế. Đã đành. Bàn về xã hội, về kinh tế, về văn hoá, về văn học nghệ thuật, người ta cũng vẫn dùng có mỗi một cái khung như thế.

Cứ bám mãi vào cái khung thời gian chính trị như thế, nếp tư duy của chúng ta cứ bị lệch dần: một mặt, nó xem chính trị như một yếu tố chủ đạo trong sinh hoạt văn hoá, đúng như cái điều những người Mác xít muốn tuyên truyền; mặt khác, quan trọng hơn, nó tạo thành một nếp nghĩ có tính chất lịch đại, tức chỉ so sánh hiện tại và quá khứ của chính mình chứ hiếm khi có cái nhìn đồng đại và xuyên văn hoá: so sánh những gì mình đang có với những gì người chung quanh cũng đang có để từ đó nhận ra những ưu và khuyết điểm của mình.
Điều này, đến lượt nó, lại củng cố thêm chủ nghĩa mình-thì-khác đã có sẵn trong văn hoá Việt Nam. Nói cách khác, chúng ta sống, nghiên cứu, nói năng và viết lách trong tâm thế tưởng như mình là một thế giới hoàn toàn biệt lập, không có quan hệ gì với bất cứ ai khác...

Trong thời hiện đại, chủ nghĩa mình-thì-khác ấy thường được gọi tên một cách sang trọng là nỗ lực bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhưng khái niệm bản sắc văn hóa lại là một cái gì hết sức đáng ngờ. Một thứ bản sắc văn hoá độc đáo và vững chắc lại càng là điều đáng ngờ hơn nữa.

Ai cũng biết một sự thực sơ đẳng: Văn hoá là những quan hệ. Chỉ có một người, sẽ không có văn hoá. Văn hoá là sản phẩm của cả một cộng đồng.
Nhưng không có cộng đồng nào thực sự tồn tại trong thế cách biệt hoàn toàn với những cộng đồng khác. Văn hoá, do đó, là sản phẩm của các mối tương liên và tương tác giữa các cộng đồng.

Có thể nói tự bản chất văn hoá có tính chất đa nguyên: nó vừa là sản phẩm của một cộng đồng với những đặc trưng về thiên nhiên, xã hội và lịch sử riêng biệt vừa là sản phẩm của mối tương liên và tương tác giữa cộng đồng ấy với vô số các cộng đồng khác.
Trong sự tương liên và tương tác ấy, mọi nền văn hoá đều thay đổi, một phần do quá trình tiếp nhận những yếu tố ngoại lai, một phần do nhu cầu tự khẳng định cho mình một bản sắc riêng.

Như vậy, trong quá trình phát triển của văn hóa, có hai yếu tố hầu như lúc nào cũng đi liền với nhau: sự dung hoá và sự phân hoá. Hai yếu tố ấy làm cho văn hoá vừa có tính chất dung hợp lại vừa có tính chất loại trừ. Nó dung hợp chủ yếu trong thực tế và nó loại trừ chủ yếu trong ý thức.

Chỉ tập trung vào khía cạnh ý thức, người ta dễ có ảo tưởng về tính chất đơn nhất và thuần nhất, ngỡ văn hoá của mình khác hẳn với các nền văn hoá khác. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào thực tế, người ta dễ dàng nhận ra ngay mọi nền văn hoá đều là những bức khảm (mosaic) tập hợp những mảnh vụn từ vô số các nền văn hoá khác nhau.

Trong văn hoá Việt Nam, chúng ta có thể nhận ra vô số những mảnh vụn như thế. Có những mảnh lớn, bề thế đến từ Trung Hoa, Ấn Độ, Chiêm Thành, Chân Lạp, Khmer hay Pháp. Có những mảnh nhỏ hơn đến từ Nga và Mỹ. Có những mảnh đã bạc màu đến từ các sắc dân Nam Á thời xa xưa.

Cần chú ý là hầu như không có “mảnh” nào còn nguyên vẹn hình hài nguyên thuỷ của nó. Bởi vậy, tham vọng xem tính chất dung hoá như một điểm đặc thù của dân tộc Việt Nam ở nhiều nhà nghiên cứu chỉ là một tham vọng ngờ nghệch: đó là điểm chung ở tất cả mọi nền văn hoá. Người Úc không có khả năng dung hoá chắc? Giỡn. Thoát thai từ nền văn hoá Anh, nhưng văn hoá Úc rõ ràng không phải là bản sao của văn hoá Anh. Còn văn hoá Mỹ? Ngay chính thuật ngữ “melting pot” đủ nói lên khả năng dung hoá vô địch của cái quốc gia có một lịch sử hết sức ngắn ngủi này.

Nhưng nếu mọi dân tộc và mọi nền văn hoá đều có khả năng dung hoá những yếu tố ngoại nhập thì điểm phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, nền văn hoá này với nền văn hoá khác chính là ở mức độ tự giác và hoàn hảo của sự dung hoá.

Mức độ cao nhất của sự hoàn hảo là từ việc dung hoá những giá trị ngoại lai, người ta tạo thành một hệ thống những giá trị mới và riêng cho mình, biến nó thành của mình. Như người Trung Hoa và người Nhật đã từng biến Phật giáo thành của họ.

Ở Việt Nam, hầu như chưa bao giờ chúng ta may mắn đạt được sự hoàn hảo như thế. Với chúng ta, dung hoá là biến mọi hệ thống thành những chi tiết, biến mọi ý thức hệ thành những giai thoại, biến mọi tư tưởng thành những cảm giác, biến mọi khái niệm duy lý thành những kinh nghiệm đầy cảm tính.

Có phải vậy không?




No comments: