Saturday, December 19, 2009

CHẢY MÁU CHẤT XÁM CÓ THỰC SỰ ĐÁNG SỢ ?


Chảy máu chất xám có thật sự đáng sợ?
Mạnh Kim
Bauxite Việt Nam 2009-12-20 00:29:37
http://bauxitevn.info/x/197.pp
Rằng tài năng quốc gia sẽ cạn kiệt, rằng kinh tế quốc gia sẽ ảnh hưởng, rằng thật “uổng tiền” và công sức đào tạo trong nước để rồi cuối cùng nhân tài lại phụng sự quốc gia khác thay vì đóng góp cho tỉ lệ GDP nước nhà… Đó là những quan niệm phổ biến về hiện tượng chảy máu chất xám. Tuy nhiên, loạt nghiên cứu gần đây của những chuyên gia quốc tế cho thấy vấn đề cần được nhìn nhận lại, rằng chuyện chảy máu chất xám không quá nghiêm trọng như cố tình được thổi phồng…

Chảy máu chất xám – được nhiều hơn mất
Một trong những bài viết gần đây đề cập đến mặt tích cực hơn là tiêu cực của hiện tượng chảy máu chất xám là trên chuyên san ngoại giao Foreign Policy (22-10-2009) của Michael Clemens (Trung tâm phát triển toàn cầu, Giáo sư chính sách công Đại học Georgetown) và David McKenzie (kinh tế gia cao cấp thuộc Nhóm nghiên cứu phát triển của Ngân hàng Thế giới – WB). Ngay trong phần đầu bài viết, hai tác giả đã khẳng định, “việc cho phép di cư nguồn nhân lực có trình độ chẳng khác nào đồng ý với việc cho phép đánh cắp nguồn vốn con người từ nước nghèo của nước giàu” là một quan niệm sai lầm. Nó không đúng bởi nếu nói vậy, hẳn nước nghèo phải có sẵn một “kho” tài năng dồi dào khiến chuyện ra đi của họ làm ảnh hưởng đến kinh tế và hưng thịnh quốc gia. Thực tế lại trái ngược, khi tình trạng khan hiếm cũng như khủng hoảng thiếu hụt nguồn tài năng tại các nước đang phát triển là điều ai cũng có thể thấy. Hơn nữa, việc xuất khẩu nhân lực thật ra không ảnh hưởng mấy đến nguồn nhân lực nội địa. Có thể đơn cử trường hợp Philippines. Hiện là quốc gia có tỉ lệ y tá làm việc nước ngoài cao hơn bất kỳ quốc gia đang phát triển nào khác nhưng cùng lúc Philippines cũng có nhiều y tá tính trên đầu người làm việc trong nước họ nhiều thậm chí hơn cả Anh! Thứ nữa, cho rằng tình trạng nhân tài bị đánh cắp sẽ dẫn đến ý nghĩ rằng nếu họ làm việc trong nước thì tài năng họ đủ sức giúp họ kiếm sống. Trong thực tế, một y tá Zambia làm việc trong nước chỉ được hưởng mức lương khiêm tốn không đến 1.500 USD/năm (và lương bác sĩ không quá 5.500 USD). Với thu nhập khiêm tốn như vậy, liệu họ có thể đóng góp cho kinh tế nước nhà nhiều hơn so với việc họ làm việc nước ngoài và gửi về kiều hối?

Kế đến, quan niệm rằng thật lãng phí tiền của công sức, hao tổn ngân sách nhà nước, một cuộc đầu tư không có lãi, thậm chí lỗ to, khi nhân tài được đào tạo trong nước lại đi làm việc cho “người ngoài”, cũng là một ý nghĩ sai nốt. Cần biết, nhiều sinh viên du học đều đi bằng đường tài chính cá nhân hoặc được học bổng từ các đại học hoặc tổ chức nước ngoài. Khảo sát các thành viên gốc Phi thuộc Hiệp hội y khoa Hoa Kỳ cho thấy khoảng ½ trong số họ đều được đào tạo không phải ở quốc gia mình. Ngoài ra, cũng có nhiều nhà chuyên môn thật ra đã phục vụ (công ty, tổ chức) quốc gia mà họ (sẽ) đến trong thời gian dài, trước khi bắt đầu di cư. Khảo sát các Bác sĩ gốc Phi tại Mỹ và Canada được đào tạo trong nước họ cho thấy họ mất trung bình hơn 5 năm làm việc cho người nước ngoài trước thời điểm di cư. Điều này đồng nghĩa việc đầu tư đào tạo trong nước là có lãi, hiểu theo nghĩa có đóng góp ít nhiều cho kinh tế nước nhà. Trong thực tế, số tiền của các Bác sĩ gốc Phi làm việc tại Mỹ gửi về quê nhà họ nhiều hơn đáng kể so với khoản tiền mà quốc gia họ đã bỏ ra cho đầu tư đào tạo trước đó. Nói cách khác, đầu tư đào tạo cho nhân lực có tay nghề cao chỉ lãi chứ không lỗ…

Hai tác giả Michael Clemens và David McKenzie còn chỉ ra rằng quan niệm rằng nguồn nhân lực trình độ cao một khi đến sống và làm việc ở nước giàu sẽ không bao giờ quay trở lại quê nhà là một suy nghĩ thiếu xác đáng và lỗi thời. Có thể điều đó đúng với quá khứ nhưng thực tế hiện nay thì không. Nghiên cứu gần đây tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có tỉ lệ chảy máu chất xám cao nhất toàn cầu, đã chứng minh rõ hơn. Lấy ví dụ Tonga, đảo quốc nhỏ với dân số vỏn vẹn 100.000, nơi dường như mà giới chuyên gia có trình độ hoặc công nhân tay nghề cao chẳng có lý do gì để trở lại phụng sự quê hương. Tuy nhiên, 1/3 trí thức Tonga du học sau khi tốt nghiệp đã quay trở về quê hương trước năm 35 tuổi. Và tại Papua New Guinea, ½ sinh viên du học phương Tây cũng trở về ở độ tuổi 30. Hẳn nhiều người có thể khá bất ngờ khi biết thêm, kể từ thập niên 1950 đến nay, thế giới có đến 46 nguyên thủ đương nhiệm cùng 165 cựu nguyên thủ từng được đào tạo ở Mỹ… Trong bài viết gần đây trên tờ Tech Crunch (17-10-2009), tác giả Vivek Wadhwa (Đại học Duke) cũng khẳng định khuynh hướng trên, khi cho biết ngày càng có nhiều sinh viên Ấn Độ và Trung Quốc đào tạo ở Mỹ bày tỏ ý nguyện trở về quê hương. Cuộc khảo sát 1.203 sinh viên Ấn và Trung Quốc nửa sau năm 2008 cho thấy tuổi trung bình của cựu sinh viên Ấn trở về quê nhà là 30 trong khi Trung Quốc là 33. Họ là những người được đào tạo bài bản: 51% có bằng Thạc sĩ và 41% có bằng Tiến sĩ với trường hợp Trung Quốc; và 66% có bằng Thạc sĩ và 12% có bằng Tiến sĩ với trường hợp Ấn Độ. Những bằng cấp đạt được trên hầu hết thuộc các ngành quản lý, kỹ thuật và khoa học. Đáng chú ý hơn nữa là không ít người trong số đó đã có thẻ xanh (được định cư hợp pháp tại Mỹ), với tỉ lệ 27% người Ấn và 34% người Hoa. Điều gì khiến họ chấp nhận từ bỏ “giấc mơ Mỹ”, nơi tượng trưng cho chính sách đãi ngộ nhân tài, có đầy đủ điều kiện nghiên cứu hiện đại nhất thế giới và đặc biệt mức lương hấp dẫn nhất hành tinh, để khăn gói trở về quê hương mà chỉ nội khoản thu nhập khiêm tốn cũng đã khiến người ta dễ nản lòng chùn chân? Thật bất ngờ, 84% người Hoa và 69% người Ấn cho biết đó là cơ hội nghề nghiệp! Tình hình đáng “báo động” (đối với nước Mỹ) đến mức Giáo sư Vivek Wadhwa viết rằng “đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ mà chúng ta đối mặt với tình cảnh chảy máu chất xám”. Hóa ra, chính Mỹ mới là nơi đang lo cho tình trạng đầu tư không có khả năng “tái hoàn vốn”, khi đào tạo cho sinh viên du học đến từ nước ngoài. Tất cả cho thấy, có thể nói thẳng ra rằng, một chính sách “cưỡng bức” sinh viên du học trở về quê nhà là điều thật sự không cần thiết!

Lợi ích kinh tế của nguồn chất xám di cư
Nguồn kiều hối từ thành phần nhân công di cư cũng không thể bỏ qua. Trong bài viết Dollars Without Borders trên chuyên san ngoại giao Foreign Affairs (16-10-2009), tác giả Dilip Ratha (chuyên gia kinh tế học cao cấp thuộc Nhóm đặc trách nghiên cứu kiều hối và di cư thuộc WB) cho biết, từ năm 2003-2008, nguồn kiều hối toàn cầu đã tăng gấp đôi, đạt gần 330 tỉ USD năm 2008. Với nhiều nước nghèo, kiều hối là nguồn thu nhập lớn nhất và ít biến động nhất. Chỉ riêng tại Lesotho, Moldova, Tajikistan và Tonga, kiều hối chiếm đến 1/3 thu nhập quốc gia! Kinh tế gia Lant Pritchett thuộc Đại học Harvard còn cho biết việc cho phép nhập cảnh thêm 3.000 công nhân Bangladesh vào Mỹ có thể tạo ra nguồn thu nhập cao hơn đóng góp hàng năm của Ngân hàng Grameen (vốn nổi tiếng thế giới với mô hình tín dụng nhỏ) đối với Bangladesh. Và bài viết ngày 1-11-2009 đề tựa Remittances and the Brain Drain Revisited của nhóm tác giả Albert Bollard (Đại học Stanford), David McKenzie (WB), Melanie Morten (Đại học Yale) và Hillel Rapoport (Đại học Bar-Ilan, Israel) còn cho biết thêm, công nhân tay nghề càng cao càng gửi tiền nhiều hơn về quê nhà so với công nhân tay nghề thấp. Điều này hẳn nhiên có ý nghĩa tích cực như thế nào đối với kinh tế nước nhà. Cụ thể, cộng đồng di dân trí thức gửi về quê nhà trung bình 874 USD/năm, so với 650 USD đối với cộng đồng di dân có trình độ thấp hơn.

Việc sinh viên Ấn Độ và Trung Quốc hăm hở trở về “ta tắm ao ta” không là hiện tượng nhất thời và chỉ mang tính xu hướng. Nó cho thấy chính sách chính phủ đóng vai trò rất quan trọng. Đó là việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và “chế độ thảm đỏ” dành cho nguồn nhân lực trí thức từng du học. Người ta kêu gọi, chứ không bắt buộc, và người trở về cũng vui khi thấy họ có thể đóng góp, được đãi ngộ xứng đáng, khi chất xám bắt đầu được trân trọng. BusinessWeek (19-11-2009) cho biết một phòng lab mới toanh đang được lắp tại Đại học Thanh Hoa; và đó là nơi, theo Hiệu trưởng Thi Nhất Công (Shi Yigong; vốn là cựu Giáo sư Đại học Princeton, người tiên phong trong nghiên cứu cái chết của tế bào), là trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới chuyên “giải quyết những bí ẩn cơ bản của sinh học”. Giáo sư Thi là trường hợp cụ thể nhất của giới trí thức người Hoa trở về đóng góp cho quê hương. Năm 2008, Trung Quốc bắt đầu tung ra Chương trình Ngàn tài năng (kêu gọi kiều bào trí thức nước họ trở về) với gói trợ cấp đặc biệt gồm 1 triệu tệ (chừng 146.000 USD) giúp ổn định kinh tế trong thời gian đầu về nước, cùng mức lương hậu hĩnh và hỗ trợ tài chính cho thành lập phòng nghiên cứu (Giáo sư Mỹ gốc Hoa Jimmy Zhu thuộc Đại học Carnegie Mellon được mời về với mức lương đề nghị 140.000 USD/năm, cấp nhà ở vĩnh viễn và hơn 1 triệu USD để lập phòng lab!). Chính chính sách trên mới là điều khiến cộng đồng trí thức Trung Quốc ở nước ngoài muốn quay gót trở về. Cách đây một thập niên, chỉ 1/100 khoa học gia gốc Hoa hàng đầu làm việc tại Mỹ muốn về quê hương; bây giờ, người ta có thể “dụ” được cả những ngôi sao đang lên tại Harvard – nhận xét của Rao Yi, cựu Giáo sư khoa học thần kinh Đại học Northwestern, hiện là Hiệu trưởng Trường khoa học thuộc Viện đại học Bắc Kinh… Tương tự, trung tuần tháng 11-2009, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak cũng tuyên bố lập một trung tâm kỹ thuật hóa sinh đẳng cấp thế giới để lôi kéo hiền tài từ hải ngoại. Chỉ khi tạo ra được những cái hồ lý tưởng như vậy, tự khắc những con cá trí thức sẽ trở về mà vẫy vùng. Muốn bắt (ép) cá (trở về) mà không tạo ra môi trường cho cá sống thì có khác gì vô hình trung tự tạo ra tâm lý phản kháng khiến cá càng muốn lánh xa ao nhà hơn? Nói cách khác, đó chỉ là một chính sách phản tác dụng, không phù hợp bối cảnh hội nhập toàn cầu và tất nhiên không được lòng người, vì nó trái với yếu tố căn bản của khái niệm “dụng nhân”!
MK

Chú giải:
Độc giả có thể xem thêm một số nguồn:
1- The microeconomic determinants of emigration and return migration of the best and brightest : evidence from the Pacific
(
econ.worldbank.org)
2- Skilled Emigration and Skill Creation: A quasi-experiment – Working Paper 152, by Satish Chand and Michael Clemens (
www.cgdev.org)
3- Remittances and the brain drain revisited : the microdata show that more educated migrants remit more
(
econ.worldbank.org)
4- Think Again: Brain Drain (
www.foreignpolicy.com)
5-
www.techcrunch.com



No comments: