Tuesday, December 8, 2009

CHÂU Á DẪN ĐẦU THẾ GIỚI về SỐ LƯỢNG BẰNG SÁNG CHẾ

Châu Á dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế
Ánh Nguyệt
Bài đăng ngày 08/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 08/12/2009 16:11 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_5990.asp
Corporate Invention Board, phối hợp với nhật báo kinh tế Les Echos, hôm nay công bố một bảng xếp hạng về số lượng bằng sáng chế của 2.000 tổ hợp đa quốc gia, theo đó các nước châu Á đứng đầu thế giới về số phát minh, sáng chế.

Nếu lâu nay mọi người vẫn đặt câu hỏi về sức mạnh kỹ nghệ hàng đầu của Á châu thì bảng xếp hạng của Corporate Invention Board đã đưa ra một câu trả lời cụ thể. Sức phát triển của Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực kỹ nghệ qua các bằng sáng chế đã vượt qua các đối thủ Hoa Kỳ và châu Âu, bằng chứng là hai quốc gia châu Á này đã chiếm ¾ con số các bằng phát minh đã được phân tích.
Trong lúc đó, Hoa Kỳ và châu Âu cùng chia nhau 1/3 còn lại của chiếc bánh với tỷ lệ Bắc Mỹ chiếm 14% và châu Âu 11%.

Nói cụ thể hơn, các tập đoàn châu Á chiếm 15 vị trí đầu bảng của thời kỳ 1996-2005. Hitachi của Nhật Bản chiếm kỷ lục với 137.036 bằng sáng chế, là vô địch thế giới trong tất cả các mặt hàng. Và cũng rất hợp lý khi Hitachi lọt vào hàng đầu trong số 10 tập đòan kỹ nghệ đầu bảng tòan thế giới. Hàn Quốc đứng nhì bảng với tập đòan LG có 40.000 bằng sáng chế. Sát gót LG là Samsung Electronics và Canon của Nhật Bản.
Trong các nước châu Âu, Đức dẫn đầu với nhãn hiệu Siemens, xếp thứ 16 toàn cầu với 34.865 bằng phát minh . Giống như Hitachi của Nhật Bản, Siemens của Đức là vô địch công nghệ trong tất cả các loại. Nước Pháp may mắn có được tập đoàn Alcatel-Lucent cứu vãn với 10.816 bằng sáng chế và đây là tập đòan kỹ nghệ duy nhất của Pháp xếp trong bảng 50 quốc gia đầu bảng. Phải tìm xa hơn nữa, tới thứ hạng 97 mới tìm thấy một tập đoàn khác mang lá cờ Pháp, đó là Valeo, chỉ có 5.200 bằng.
Đỉểm thêm một số lĩnh vực khác đã được Les Echos đăng trên bảng vàng bằng sáng chế thế giới, người đọc sẽ thấy Sony của Nhật Bản đứng đầu trong lĩnh vực thính thị audiovisuel với 22.829 bằng, Về liên lạc viễn thông, LG của Hàn Quốc đứng đầu. Hitachi của Nhật Bản quán quân trong lĩnh vực tin học cũng như Canon về quang học.

Kỹ nghệ đóng tàu Hàn Quốc mất vị trí hàng đầu thế giới .
Theo Le Monde, ngành đóng tàu Hàn Quốc với 110.000 nhân công, chiếm 10,2% hàng bán ra nước ngoài trong năm 2008, thu về 43,1 tỷ đôla. Ngành công nghiệp này giữ vai trò xuất khẩu hàng đầu tại quốc gia này.
Nhưng năm 2009 đánh dấu bước lùi của kỹ nghệ đóng tàu Hàn Quốc, ngôi vị số 1 thế giới mà Hàn Quốc nắm giữ từ năm 2000 đã phải giao lại cho Trung Quốc. Từ đầu năm nay tới tháng 11, Trung Quốc đã nhận được 52,3% đơn đặt hàng trong lúc Hàn Quốc chỉ giành được 31.8%.
Nếu trước năm 2008, mỗi tháng, hai tập đoàn Huyndai và Daewoo nhận được hàng chục mối đặt đóng tàu thì từ tháng 10/2009 hai tên tuổi này ngồi không chờ khách.
Lý do khiến công nghệ đóng tàu Hàn Quốc từng phất lên như diều gặp gió những năm 2000 nay bị kéo thấp xuống theo đà buôn bán toàn cầu vì khủng hỏang kinh tế. Các chủ tàu chở hàng là nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng kinh tế : hoạt động giảm sút hẳn, nhu cầu mua sắm thêm phương tiện giảm theo, thu nhập cũng xuống. Khách và chủ đóng tàu phải thảo luận lại giá cả. Giá tàu chở hàng trong năm 2009 đã sụt trung bình 30% so với đỉnh điểm năm 2007. Trong cơn khó khăn chung của kỹ nghệ đóng tàu Hàn Quốc, khâu đóng tàu chở container chiếm 34.6% sản xuất quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 1/10 thành phẩm còn nằm chờ trên cảng. Thị trường tàu chở hàng đã bị bảo hòa tới mức vào tháng ba vừa qua, cảng Pusan phía Nam Hàn Quốc, cảng thứ năm trên thế giới về lưu lượng container đã giảm mức hoạt động tới 40% và những container rổng không đang chiếm gần hết mặt bằng bến cảng.
Để cứu vãn tình thế, chính quyền Seoul đã tung tiền ra trợ cấp. Ngoài khoản trợ cấp 9.500 tỷ won vào tháng tư, trong tháng 11 Seoul chấp thuận cấp thêm 500 tỷ won nữa, tương đương 292 tỷ euro cho ngành đóng tàu.
Seoul tha thiết với công nghệ đóng tàu vì nhiều lý do, đặc biệt là lý do lịch sử. Được xếp vào hàng công nghiệp chiến lược quốc gia, ngành đóng tàu Hàn Quốc đã phát triển rất nhanh. Những công xưởng trang bị các ụ tàu vào hàng lớn nhất thế giới đã được xây dựng. Các trường đại học được khuyến khích mở rộng việc đào tạo kỹ sư và cán sự chuyên môn cho ngành. Ngày nay, thế giới phải công nhận thành công của kỹ nghệ đóng tàu Hàn Quốc. Nhưng gây giờ, trước tình hình khó khăn chung, các xí nghiệp đóng tàu phải chuyển hướng. Vốn chuyên môn sản xuất các động cơ cho tàu thủy, các xí nghiệp nay chuyển sang làm động cơ chạy bằng sức gió đáp ứng cho nhu cầu năng lượng sạch và mong đợi một ngày mai tươi sáng sẽ trở về với các công xưởng đóng tàu.




No comments: