Thursday, December 10, 2009

CẦN 3.000 LAO ĐỘNG CÓ NGHỀ, CHỈ TUYỂN ĐƯỢC 60

Cần 3.000 lao động "có nghề", chỉ tuyển được 60
Cập nhật lúc 17:19, Thứ Năm, 10/12/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/200912/Can-3000-lao-dong-co-nghe-chi-tuyen-duoc-60-883547/
Nhà máy của Intel cuối tháng 4/2010 sẽ đi vào hoạt động, cần 3.000 lao động có tay nghề nhưng cho đến nay, bộ phận nhân sự của nhà máy chỉ tuyển được 60 người đáp ứng yêu cầu.
Số liệu được đưa ra tại phiên chất vấn Giám đốc Sở Công Thương Trần Văn Lai sáng nay (10/12) của HĐND TP.
Một con số nữa cũng khiến các đại biểu lo lắng: Kết quả khảo sát 430 doanh nghiệp TP.HCM cho thấy chỉ 1% trong số này đạt trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại.
“Với trình độ công nghệ như thế, thời gian tới, liệu chúng ta có tận dụng được thế mạnh của công nghiệp để phát triển kinh tế bền vững không?”, ĐB Phạm Minh Trí đặt câu hỏi.

Tính cạnh tranh "đã đến hồi báo động"
Theo Giám đốc Sở KH-CN Phan Minh Tân, kết quả điều tra từ 430 DN hội đủ các số liệu cần thiết để khảo sát tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM, có 51% DN có trình độ công nghệ dưới mức trung bình, 13% từ trung bình khá và chỉ 1% DN có trình độ công nghệ tiên tiến.
Đáng lưu ý, trong 51% DN có trình độ công nghệ thấp, có cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Đưa ra chỉ số về tiêu hao năng lượng cho 1.000USD giá trị sản phẩm là 450kg dầu quy đổi, ông Tân cảnh báo mức tiêu hao năng lượng quá lớn đó khiến tính cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp tại TP.HCM “đã đến hồi báo động”.
Tỷ lệ này, theo ông Tân, cao hơn 1,5 lần so với Thái Lan và gấp đôi so với các DN có trình độ công nghệ trung bình khá hoặc hiện đại.
Ông cũng cho rằng nếu không lưu ý đúng mức vấn đề công nghệ sản xuất của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, TP có thể biến mình thành nơi “tập kết” của công nghệ sản xuất lạc hậu.

Trong khi đó, có vẻ lạc quan hơn, báo cáo của Sở Công Thương đánh giá sau 4 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp của TP đã phát triển nhanh hơn so với các giai đoạn trước bằng các số liệu: giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 2 lần, tỷ trọng công nghiệp so với cả nước chiếm 25 đến 27%, so với vùng Đông Nam Bộ chiếm 42 đến 45%.

Không hoàn toàn tán thành với những nhận định này, ĐB Võ Văn Sen đề nghị Giám đốc Sở Công Thương TP Trần Văn Lai, cho biết rõ hơn về việc "có hay không sự buông lơi của cơ quan quản lý" trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp.
Theo ông Sen, nhiều ngành công nghiệp được xác định là trọng yếu của thành phố như cơ khí, hoá chất và công nghệ chế biến, điện tử… hàm lượng công nghệ cao còn quá thấp; việc thâm dụng lao động trong nhiều ngành CN của TP chưa giảm.
“Từ 2007, lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu ngành công thương phải điều tra, khảo sát, nắm chắc năng suất lao động của các ngành công nghiệp tại TP, nhưng đến bây giờ, ngoài năng suất chung của toàn ngành, Sở Công Thương vẫn chưa nắm chắc được năng suất của từng ngành, vậy làm sao biết được thâm dụng lao động, thâm dụng tư bản, hàm lượng chất xám của từng ngành ra sao mà biết phải bớt cái nào, thêm cái nào để điều chỉnh chiến lược, thay đổi giải pháp chuyển dịch cho phù hợp, hiệu quả?”.

"Bói không ra" nhân lực có chất lượng
Trong đoạn video clip chiếu ngay trong phiên chất vấn, một câu hỏi hóc búa đặt ra không chỉ với ngành công thương mà với cả chính quyền và các ngành liên quan khác của TP: Làm sao giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng?

Tập đoàn Intel đầu tư vào nhà máy sản xuất trong Khu công nghệ cao của TP. Theo dự kiến, cuối tháng 4/2010 này sẽ đi vào hoạt động. Nhu cầu lao động đảm bảo cho nhà máy hoạt động là 3.000 người có tay nghề. Cho đến nay, bộ phận nhân sự của nhà máy chỉ tuyển được 60 người đáp ứng yêu cầu.

Với kết quả 73% DN tham gia khảo sát bị xếp loại yếu về nhân sự, với thực tế đặt ra từ việc thiếu hụt trầm trọng lao động có tay nghề tại các DN, nhiều ĐB đã đặt vấn đề với ngành công thương và chính quyền TP: phải gấp rút tìm ra giải pháp và ưu tiên đặc biệt cho chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực.

Theo ông Lai, Sở Công Thương đã trình TP và TƯ trong báo cáo mới đây về thực trạng nói trên, trong đó kiến nghị dành kinh phí đào tạo thích đáng cho nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực có tay nghề, có trình độ tổ chức nhân sự DN, quản lý DN.
Ông Lai nói thêm: “Các chủ DN nói với tôi DN đóng thuế rất nhiều nhưng việc hỗ trợ đào tạo cho DN chưa tương xứng với sự đóng góp đó”.
Ông cũng thừa nhận: “Trước đây chúng tôi cũng chưa nhìn nhận được việc này. Có khảo sát và có sự tư vấn của chuyên gia mới thấy tổ chức và nhân sự của DN mình còn yếu kém. Việc bồi dưỡng, đào tạo cho việc này còn ít quá”.
Tuy nhiên, vì sao đến giờ này ngành công thương TP và các ngành có liên quan mới tiến hành khảo sát, tham vấn ý kiến của chuyên gia thì không thấy ông Lai đề cập.

Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo lưu ý: Sở Công Thương phải phát huy hơn nữa vai trò tham mưu và đề xuất với lãnh đạo TP các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN đầu tư chuyển đổi công nghệ trong thời gian tới.
Theo bà Thảo, việc chuyển đổi của công nghiệp tại TP thời gian qua chỉ mới theo hướng tăng vốn và sử dụng lao động, việc đổi mới công nghệ, nâng cao hàm lượng chất xám chưa được chú trọng đúng mức.

Trần Vân




No comments: