“Báo chí (hay dư luận) đi trước, cơ quan nhà nước theo sau”
Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm
VietCatholic News (04 Dec 2009 12:25)
http://vietcatholic.net/News/Html/74166.htm
Có một điều tôi thường nghĩ tới mỗi khi đọc báo hay theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông khác, đó là cái mà tôi gọi là hiện tượng báo chí đi trước cơ quan nhà nước theo sau, rất quen thuộc nơi bộ máy cầm quyền ở nước ta. Xin thử mô tả và phân tích.
1. Sự kiện
- Để bắt đầu, xin đơn cử một chuyện thời sự nóng hổi trong thời gian cuối tháng 11-2009 này tại Tp HCM: chuyện “hành phi”, mà báo Thanh Niên gọi là một “bí mật” được phanh phui. Một số cơ sở sản xuất “hành phi” rất lớn tại đây, hàng ngày tung ra thị trường tiêu thụ hàng chục tấn hành phi dùng làm gia vị trong nhiều loại thức ăn từ trong các quán xá bình dân cho đến những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Nhà báo đã xâm nhập vào tận nơi để thấy tận mắt chủ cơ sở sử dụng một “công nghệ cực kỳ mất vệ sinh”, với dầu bẩn là loại dầu đen, dầu phế thải, có khi thu gom từ hố ga được dùng để “phi” (chiên) hành. Thứ dầu đen này cũng được sử dụng trong một số cơ sở sa tế, làm tương ớt, chiên đậu hũ … Phát hiện trên khiến độc giả lại một lần nữa phải “rùng mình”. Và cũng như thường lệ, một lần nữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan lại vào cuộc lập ban chuyên án, v.v. (x. Thanh Niên, các số ra ngày 23 đến 26-11-2009).
Những chuyện “Báo chí (hay dư luận) đi trước, cơ quan nhà nước theo sau” như trên thì nhiều vô kể, chỉ xin nêu thêm vài trường hợp mà chắc độc giả chưa quên.
- Một Vedan tại Tp HCM. Công ty thuộc da Hào Dương lén lút xả nước thải chưa xử lý trực tiếp vào sông Đồng Điền. Tình trạng này kéo dài từ cuối năm 2007 và liên tục mãi, đến khi báo chí lên tiếng đặt nghi vấn thì cảnh sát môi trường mới bắt được quả tang (x. Tuổi Trẻ 13-10-2008).
- Sân golf tràn lan và trá hình. Theo báo chí, cả thế giới chỉ có 2500 sân, và trung bình mỗi nước chỉ có 14 sân, còn riêng Việt Nam đã có 166 dự án trong 41/63 tỉnh, thành phố; trong số các dự án đó, 145 dự án đã được cấp đất. Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư xác nhận: Phần lớn đất sân golf lấy từ đất nông nghiệp và chỉ có 30% là diện tích sân golf thực sự, còn lại là kinh doanh bất động sản (x. Tuổi Trẻ 13-6-2009). Chuyện rành rành như thế trước mắt bao nhiêu “ông” chính quyền từ nhiều năm nay, nhưng chỉ khi được đưa ra dư luận, các ông mới lo rà soát lại và điều chỉnh. Tại sao?
- Trường Đại học “ba không”. Báo Tuổi Trẻ trong các số ra ngày 14 và 17-10-2009 đưa tin về Đại học Phan Thiết được thành lập trong điều kiện còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, bộ máy quản lý và đội ngũ giảng dạy. Thế nhưng trường vẫn bắt đầu tuyển 750 học sinh. Thì ra Bộ Giáo dục-Đào tạo đã cho phép mở trường lớp trên cơ sở báo cáo thiếu trung thực của địa phương, chẳng hạn giả mạo chữ ký giảng viên để đủ số xin thành lập. Hành vi gian dối đó không do Bộ phát hiện ra nhưng do báo chí phanh phui. Bấy giờ Bộ mới vội vàng cử đoàn thanh tra vào cuộc. Nhân vụ Đại học Phan Thiết, dư luận mới biết rõ là từ nhiều năm nay rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng “ba không” tương tự đã được ồ ạt thành lập ở các địa phương (“ba không” là không đủ giảng viên, không đủ cơ sở, không có hệ thống chương trình, giáo trình phục vụ đào tạo theo luật định). Chính Bộ nhìn nhận rằng nhiều trường Đại học và Cao đẳng ra đời trong vòng 10 năm trở lại đây vẫn chưa hoàn thiện được các điều kiện đòi hỏi mà các chính quyền hữu quan đã hứa hẹn khi xin phép.
2. Nguyên nhân
Tôi còn có sẵn trong đầu nhiều chuyện khác nữa mà báo chí đã “đụng” tới và sau đó công quyền mới “quan tâm”, như: vụ nhà máy Vedan hủy hoại trầm trọng môi trường tại Đồng Nai (cả nước đều biết); rất nhiều vụ tiêu cực về đất đai, dự án, đền bù; ở TP cũng như nhiều nơi khác, không mấy cơ sở sản xuất nước tinh khiết đạt tiêu chuẩn; sự kiện các địa phương đua nhau đặt những trạm thu phí quá gần nhau trái qui định, khiến cho “phí chồng lên phí” đối với người lưu thông; tình trạng “khủng khiếp” của nhà vệ sinh trong trường học; trẻ em và người già bị khống chế khai thác kiếm tiền cho bọn bất lương giữa thanh thiên bạch nhật trong Tp HCM … Tôi muốn nói rằng tôi không cường điệu hay khái quát vội vàng. Vậy tưởng có thể ngưng lại đây và thử phân tích nguyên nhân.
Chẳng lẽ những chuyện quan trọng như thế mà những cán bộ, những ban ngành quản lý có liên quan không biết sao? Làm gì có chuyện đó! Chắc chắn họ biết, nhưng ngại nêu vấn đề lên vì đủ thứ lý do, - không kể lý do tiêu cực cố ý. Có vẻ như “ông” nào cũng tự nhủ: Không ai nói tới thì cứ để đó, khuấy lên chi cho mệt hoặc cho người ta “kiếm chuyện” với mình … Cũng chắc chắn có lúc có người mạnh dạn đưa vấn đề hay sự việc ra giữa nội bộ, nhưng chính vì để ở trong vòng nội bộ mà vấn đề không mấy khi được giải quyết hay giải quyết đến nơi đến chốn. Giải quyết tận gốc, e rằng có thể “đụng” tới “nhiều người”. Tâm lý chung là “xin hai chữ bình yên” …
Ở nước ta hiện nay, dường như người nắm quyền chỉ sợ dư luận mà thôi; luật pháp dễ dàng lách, còn dư luận thì khó tránh né hay dập tắt; họ chỉ chịu “vào cuộc” khi công chuyện đã bị tung ra ngoài, -không phải do tinh thần trách nhiệm cho bằng vì sợ bị phê bình, bị mất điểm, mất tiếng (tốt), mất điểm thi đua, mất chức, v.v. Quả thực, bình thường lãnh đạo cấp trên có thể nhắm mắt làm ngơ trước những yếu kém hay sai trái của lãnh đạo cấp dưới mình, nhưng khi tình trạng đó đã đến tai đến mắt công luận rồi thì ít ai còn dám công khai đứng ra bảo vệ họ. Tuy nhiên cũng không thiếu trường hợp người ta chỉ xử lý qua loa cho xong chuyện đợi khi dư luận “hạ nhiệt” hay báo chí chuyển qua những vấn đề thời sự khác, bấy giờ mọi chuyện lại đâu vào đấy cả, hay như thiên hạ nói, phân trâu để lâu hoá bùn!
Vậy nói cho cùng, nguyên nhân chính của hiện tượng “báo chí đi trước, cơ quan nhà nước theo sau” có lẽ phải tìm trong chính sách cán bộ hiện hành sản sinh ra một lớp cán bộ công chức phần đông chưa đủ tài năng và đức độ.
1-12-2009
Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm
No comments:
Post a Comment