Thursday, October 1, 2009

QUAN HỆ NGA - TRUNG


Quan hệ Nga - Trung Quốc
Gleb Fedorov

BBC Tiếng Nga
Cập nhật: 12:24 GMT - thứ tư, 30 tháng 9, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/09/090929_russia_china.shtml
Quan điểm từng được thể hiện trong một bài hát nổi tiếng của Liên Xô hồi thập niên 1950 "Nga và Trung quốc mãi là anh em" mau chóng bị rơi vào quên lãng trong thập niên 1960.
Hàng chục năm nguội lạnh trong quan hệ giữa nước Nga Xô viết và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông chỉ chấm dứt với sự kiện hai bên ký hiệp ước "Hữu nghị, láng giềng và hợp tác tốt" vào năm 2001.
Một kỷ nguyên mới của quan hệ "chiến lược và thực tế" được bắt đầu.
Nhưng người Nga và chính phủ của họ vẫn chưa đánh giá hết các khả năng mà nước láng giềng lớn đưa ra, theo nhận định của đa số các chuyên gia Nga.

Người bình thường
Càng đến gần biên giới Nga-Trung thì sự ủng hộ Trung Quốc càng nhiều.
Người Nga ở vùng Viễn Đông đi Hải Nam nghỉ mát chứ không đi Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập.
Họ mua xe của Nhật, hàng của Trung Quốc và học tiếng Trung để có thể kinh doanh hiệu quả nhất.
"Người Trung Quốc luôn được coi là người chồng lý tưởng đối với phụ nữ Nga ở vùng Viễn Đông."
"Một cô gái được coi là có người chồng tốt khi người đó không nghiện rượu, làm việc chăm chỉ, và họ nói 'đám cưới này an toàn như đám cưới với một người Trung Quốc'," bà Vera Dixuke, giáo sư tiếng Trung Quốc ở Mátxcơva giải thích.
Nhưng nếu vào sâu trong lãnh thổ của Nga thì hình ảnh người Trung Quốc sẽ xấu đi nhiều.
"Trung Quốc là đối thủ hay kẻ thù. Đây là dân tộc nguy hiểm nhất trong tất cả các dân tộc."
"Chúng ta cần cảnh giác với họ, vì họ luôn tìm cách lợi dụng bạn," cô Vera là sinh viên từ vùng Volgodonsk đang học ở Đại học quốc gia Mátxcơva.

Dân tộc chủ nghĩa
Những người Nga theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tìm cách khai thác lối suy nghĩ mà cô Vera vừa nêu.
"Chúng tôi chào đón tất cả. Nhưng người Trung Quốc nên ở lại Trung Quốc, vì chúng tôi không muốn bị hất chân ra khỏi chính nhà mình," Vladimir Tor là thành viên của Hội chống di dân bất hợp pháp MAII nói với BBC.
Tổ chức này nổi tiếng với các phong trào dân tộc.
Trong tháng Chín năm 2009, họ tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống người bán hàng Trung Quốc từng ở khu chợ Cherkysovsky nhưng nay bị di dời về một trung tâm ở mạn đông nam Mátxcơva.
Bất kể sự thực là không chỉ có người Trung Quốc trong số các doanh nhân, phe dân tộc chỉ tập trung vào các khẩu hiện "Trung quốc xâm lăng", vì người dân thường ở Mátxcơva rất nhạy cảm với vấn đề này, do thiếu thông tin đáng tin cậy được về người Trung Quốc và đất nước này.
Khoảng trống dễ dàng được bù đắp bằng các khẩu hiệu mang tính dân tộc chủ nghĩa.
Đại diện của MAII nói rằng hơn 50 người dân địa phương tham gia phong trào sau khi phe dân tộc chủ nghĩa bắt đầu vận động ở vùng Lyublino ở Mátxcơva, một khu chợ mới mở ra cho những ai bị mất chỗ buôn bán sau ngày đóng cửa chợ Cherkizovsky.

Truyền thông
Toàn nước Nga, cả một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Mátxcơva đến Vladivostok đều xem các chương trình truyền hình làm ở Mátxcơva và đọc các tờ báo làm ở trung ương, hầu như không nhắc gì đến Trung Quốc.
Hiện tại, các nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu truyền thông Trung Quốc của khoa báo chí Đại học Mátxcơva cho thấy các công ty Trung Quốc được nhắc đến nhiều nhất trên các báo kinh doanh.
Còn lại thì trên các tờ báo hàng ngày, Trung Quốc có vẻ như vẫn là một "xứ sở của loài panda" với văn hóa vĩ đại và một lịch sử huyền bí.

Doanh nghiệp và sinh viên
Sinh viên Nga ngành Trung quốc học thường hay kể truyện cười về bản thân.
Một trong những truyện phổ biến nhất là: "Một nhà Trung quốc học nói với vợ là anh đang làm việc, rồi nói với bồ nhí là đang ở nhà với vợ. Nhưng trên thực tế anh ta đang ngồi một mình học tiếng Trung Quốc".
"Tôi không thể tưởng tượng nổi chuyện Nga hợp tác với Hoa Kỳ mà lại không làm việc với Trung Quốc", Paul Troschinsky là lãnh đạo một công ty thiết bị lớn của Nga, nói với BBC.
"Tôi làm việc với các doanh nhân Trung Quốc và quí vị biết đó, họ đều chuyên nghiệp ở mức châu Âu,"
"Chúng tôi không có mâu thuẫn trong kinh doanh, và nếu chúng tôi có thể giữ gìn quan hệ như hiện tại sẽ sẽ không bao giờ có mâu thuẫn," lời ông George, một doanh nhân thạo tiếng Trung.

Ngày trước chỉ có một vài trường tiếng Trung ở Liên Xô.
Từ sau chuyến công du của Đặng Tiểu Bình sang Mátxcơva vào cuối thập niên 1980s và tái thiết quan hệ Nga-Trung, thì số sinh viên nói tiếng Trung ở Nga mới tăng hơn gấp đôi.
Hôm nay tiếng Trung trở thành chìa khóa cho những ai muốn tìm việc làm lương cao mà không thay đổi nghề nghiệp.
Tiếng Anh phổ biến ở Nga nhưng cũng có một con số nhỏ chuyên gia có đủ thời gian và sự kiên nhẫn để học tiếng Trung.
"Tôi không có kế hoạch sang Trung Quốc, nhưng tôi chắc chắn là tiếng Trung sẽ giúp tôi trong tương lai", Anton Akusok là sinh viên từ vùng mỏ Korovograd, nói với BBC.

Chính trị
Nhưng Nga là nước duy nhất mà Trung Quốc đã giải quyết xong mọi vấn đề về biên giới.
Sự kiện này, theo phân tích gia quân sự Vladimir Volchkov, đã mở lối qua đường biên Nga-Trung cho thương mại và hợp tác.
"Người Trung Quốc rất quan tâm đến khoáng sản của chúng tôi. Họ không đánh nhau để giành mà sẽ mua."
"Và nếu Nga không có khả năng khai thác vùng Viễn Đông thì Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép nước khác vào đó."
"Địa chính trị Trung quốc và Nga tạo thành một thể thống nhất và giữ vai trò trong việc giữ cửa cho mỗi quốc gia", ông Volchkov nói thêm.

Nhưng cũng có quan điểm khác.
Hai trong số các lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov và Vladimir Milov nói trong báo cáo "Putin. Kết quả nhiệm kỳ tổng thống" rằng chính sách về Trung Quốc của Putin có thể mô tả là "đầu hàng".
Họ nhắc đến việc Putin đồng ý cho Trung Quốc hai hòn đảo trên sông Amur mà Nga từng coi là của mình. Lần cuối cùng mà Nga nhượng bộ về lãnh thổ là thời Khrushchev.
Họ cũng nói rằng Nga bán vũ khí cho Trung Quốc và cả nguồn năng lượng với giá rẻ chưa từng có.

Thế mạnh bị xem thường
Trao đổi thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt khoảng 56 tỷ USD trong năm 2008.
Theo sau khủng hoảng tài chính toàn cầu con số này bị giảm trong năm nay và hiện không nhiều hơn một phần tám thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, theo Andrey Ostrovski, phó chủ tịch Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói với BBC.
"Người Nga vẫn nghĩ Trung Quốc chỉ có thể sản xuất hàng hóa chất lượng kém. Nhưng không phải như vậy, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cung cấp hàng hóa của mình cho một nửa thế giới."
Quan hệ thương mại là thế mạnh, ông Ostrovsky nói, nhưng "chúng ta cần phải xây dựng hạ tầng cơ sở và đường xá để có thể sử dụng thế mạnh này".

Bài viết do Gleb Fedorov tổng hợp tài liệu của BBC tiếng Nga. Bài nằm trong chuyên đề bình luận về Trung Quốc nhân Quốc khánh nước này 1/10/2009.


No comments: