Thursday, October 1, 2009

PHẢN KHÁNG TẠI NÔNG THÔN TRUNG QUỐC


Phản kháng tại nông thôn Trung Quốc
Kevin J. O’Brien
Nguyễn Ước dịch

01/10/2009 1:30 sáng
http://www.talawas.org/?p=10923
Kevin J. O’Brien là giáo sư môn Nghiên cứu Á châu và Khoa học Chính trị tại Ðại học California, Berkeley. Trong số tác phẩm của ông, có Rightful Resistance in Rural China, (Ðề kháng chính đáng tại nông thôn Trung Quốc), viết chung với Lianjiang Li, 2006, và Popular Protest in China (Phản kháng đại chúng tại Trung Quốc), 2008 (chủ biên).
-----------------------------------

Nông dân Trung Quốc (TQ) không đóng vai trò rộng lớn trong các cuộc phản kháng năm 1989, trừ phi được xem như tầng lớp hậu thuẫn bọc lót sau cùng cho chế độ mà Ðặng Tiểu Bình thấy thích hợp để xách động mỗi khi có cơ hội.
[1] Thế nhưng kể từ lúc đó, dân quê bắt đầu phần đóng góp của mình bằng hàng trăm “sự cố tập thể” xảy ra hằng ngày. Hoặc nạp đơn thỉnh nguyện, trình bày chi tiết vụ tham nhũng của cán bộ, tạo sức ép làm tăng cao tình trạng phản kháng chính đáng chống lại việc thu các lệ phí bất hợp pháp hoặc thậm chí lao mình vào các cuộc đụng độ bạo động chống lại việc chiếm đất; cư dân nông thôn cho thấy ý nguyện muốn xúc tiến vấn đề với một sức mạnh mạnh mẽ hơn những gì được người ta kỳ vọng trong các tháng đàn áp tiếp theo sau biến cố Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989.

Tình trạng bất ổn ấy nổ ra phần nào bởi một nhân tố quen thuộc với các sinh viên tranh đấu chính trị trước đây: cơ hội. Giống với những kẻ chịu khổ sở ở khắp nơi, nông dân TQ phản ứng lẹ làng mỗi khi có cơ hội thuận lợi hoặc họ cho là thuận lợi. Hễ lúc nào chính quyền nới lỏng kiểm soát việc bày tỏ ý kiến và sinh hoạt chính trị lên xuống thất thường, nông dân là một trong những giới hưởng thụ lớn lao nhất sự lơi lỏng đó.

Lúc mới bắt đầu giai đoạn cải cách, việc chấm dứt cuộc “đấu tranh giai cấp” và công xã từng được định chế hóa đã khiến cho nông dân ít sợ và ít lệ thuộc vào các lãnh đạo địa phương. Gần đây hơn, việc thị trường hóa và đi lại gia tăng đã ban cho dân quê nhiều không gian hơn để vận dụng, trong khi đó, các cuộc bầu cử hạ tầng cơ sở và các cải cách pháp luật tạo điều kiện phản kháng những hà lạm mới cũng như những che chở hơn để chống lại sự trả đũa. Dù vẫn còn nhiều loại thỉnh cầu bị cấm triệt để và Bắc Kinh vẫn giữ thái độ thù nghịch không chút nhân nhượng các đệ tử Pháp Luân Công, “bọn chủ trương ly khai” tại Tây Tạng và Tân Cương và bất cứ kẻ nào dám tổ chức một đảng chính trị mới, giới lãnh đạo chóp bu của Ðảng theo những quãng cách nhất định, phát tín hiệu rằng những gì đang được nông dân kêu ca thật ra đều hợp pháp. Những cái đó bao gồm các quan tâm liên can tới tham nhũng, việc áp dụng luật pháp mang tính chọn lựa và sinh kế của người dân.

Nhưng sự nới lỏng chính trị và thay đổi kinh tế-xã hội không hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chất bột phát trong đấu tranh tại nông thôn. “Các thủ lãnh nông dân” khôn khéo biết nhanh chóng nắm lấy cơ hội và trong vài trường hợp tiêu biểu, họ mở rộng tầm cỡ của cơ hội thuận lợi ấy, góp phần “huých cùi chỏ”, đẩy các kiểu mẫu từng có thời bị cấm vào một cảnh giới có thể chấp nhận được. Như thế, sự đề kháng kinh niên đó có phần nào là sản phẩm mang tính quyết định, được hình thành bởi những người tổ chức phản kháng tài giỏi, biết cách uốn nắn các thỉnh cầu, vận động người đi theo mình và điều phối các hành động thách thức, và (thỉnh thoảng tùy cơ hội) nâng hành động lên vượt quá đường biên của một cộng đồng riêng lẻ.

Ðối mặt một cuộc xung đột dài ngày, những người sinh hoạt vận động nông dân ấy trắc nghiệm thường xuyên chân lý của danh ngôn: “Náo động lớn sinh kết quả lớn, náo động nhỏ sinh kết quả nhỏ, không náo động không sinh kết quả.” Trong khi nhiều người trả giá cho lòng dũng cảm của mình – việc đánh đập, bắt bớ, giam cầm vẫn có tính phổ biến – những người khác tiếp tục chĩa mũi dùi tranh đấu, theo sự thúc giục của một cộng đồng thường ca tụng thủ lãnh phản kháng là “anh hùng” nếu người ấy đương cự, hoặc chê bai là “hèn nhát”, thậm chí “phản bội” nếu người ấy lùi bước.
[2]

Các thủ lãnh phản kháng được nhận thức ra sao bởi người đi theo mình và họ bị bình phẩm như thế nào bởi những người quan sát có quan tâm? Người ta dễ nhận rõ hơn câu trả lời trong hậu thuẫn của đại chúng, bằng sự quyên góp tiền bạc phẩm vật và cơn hứng khởi của dân làng khi hành động như kẻ bảo vệ hoặc dám liều mình giải cứu khi có người hoạt động bị bắt giữ. Trong những năm vừa qua, việc đàn áp nặng tay đôi khi mang lại kết quả trái ngược. Thay vì khiến cho “những tên gây rối” bị cô lập, nó lại làm cho họ nổi tiếng thêm và có uy tín hơn. Cho dù đe dọa, đánh đập, phạt vạ, tịch thu đồ đạc có giá trị và công khai nhục mạ có mục đích chấm dứt lẹ làng một sự cố và làm mất tinh thần kẻ can dự, sự đàn áp cũng cung cấp bằng chứng cho thấy cái giá mà những người hoạt động sẵn sàng chấp nhận trả và tinh thần vì công chúng của họ. Thậm chí những án tù dài ngày cũng không thể làm suy giảm địa vị của họ, thay vào đó, chúng còn khiến cho dân chúng sinh lòng ngưỡng mộ họ; bằng chứng hiển nhiên là có khi cả ngàn người túa ra cử hành cuộc đón mừng ngày trở về nhà của một thủ lãnh phản kháng được tại ngoại.
[3]

Sự công nhận của xã hội có thể biến quyết tâm của người hoạt động thành sắt thép và còn đưa tới một thách đố mang tính tinh thần hơn. Cùng với thời gian trôi qua, nhiều người hoạt động đi tới kết luận rằng các hình thức tranh đấu tương đối mềm dẻo (thí dụ đệ nạp đơn thỉnh nguyện) đều chẳng mang lại kết quả nào, và rằng các chiến thuật mạnh mẽ và bắt phải chú ý (thí dụ chặn một con đường hay tổ chức biểu tình ngồi) là cần thiết. Các thí dụ cho những chiến thuật đương đầu gồm gắn loa phóng thanh vào các xe nhỏ chở đồ (pickup truck) để phổ biến cho công chúng biết những chính sách ích lợi đang bị [chính quyền] bỏ lơ; yêu cầu hội họp với chủ trường để gây sức ép làm đảo ngược việc tăng học phí; và bao vây viên chức thu thuế như một khúc dạo đầu nhằm đuổi đi. Khác với những năm trước đây, khi các thủ lãnh phản kháng thường có thái độ tiêu biểu là hướng tới những viên chức cấp cao hơn để thỉnh cầu sự giúp đỡ nhằm lành mạnh hóa tình trạng quản lý tồi tệ tại địa phương mình, giờ đây họ muốn thách thức trực tiếp hơn với chính quyền đồng thời tìm kiếm sự nhượng bộ tại chỗ và tức thời.

Bạo động cũng đang gia tăng.
[4] Gần đây đã xảy ra một số đụng độ giữa nông dân và chính quyền địa phương về các vấn đề, thí dụ nơi đặt nhà máy điện trên đất trong xã hoặc không chịu triệu hồi viên chức tham nhũng. Còn nữa, có không ít sự cố dẫn tới con số thương vong có ý nghĩa quan trọng khi công an vũ trang hoặc côn đồ địa phương tới đàn áp người biểu tình.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, Vu Kiến Vanh (Yu Jianrong), chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc lập hồ sơ về những cuộc phản kháng “ngẫu nhiên”, ban đầu không có dự tính nhưng rồi lại lan rộng vì dân chúng bị khích động mà thành. Những nổ bùng, bất chợt lóe lên theo “cơn gió thịnh nộ”, thông thường phát sinh chủ yếu do bởi tia lửa ngẫu nhiên xẹt tới. Mùa hè năm ngoái, hàng chục ngàn người nổi loạn khi người ta tìm thấy xác một thiếu nữ bị giết ở huyện Ủng An (Weng’an), tỉnh Quí Châu (Guizhou), cho thấy tình trạng gia tăng “các bất mãn tích lũy” và “thất vọng xã hội” tại một số địa phương.
[5] Nó cũng gợi cho thấy rằng những căng thẳng đang nằm bên dưới có cơ hội gia tăng trong thời kỳ suy thoái kinh tế hiện nay khi hàng triệu công nhân thất nghiệp từ thành thị trở về thôn quê.

Nhưng phải chăng nông thôn TQ sắp sửa nổ tung? Không có khả năng ấy. Các cuộc tranh đấu hầu hết đều rất yếu về mặt tổ chức và hiếm khi có sự hợp tác vượt qua lằn ranh giai cấp – dù đang có sự can dự ngày càng tăng của các nhà trí thức xã hội và “luật sư bảo vệ các quyền” vào các vụ phản kháng ở nông thôn. Những thỉnh nguyện ấy có khuynh hướng tự chế trong các giới hạn, và hành động đại chúng ấy thường chỉ ở qui mô nhỏ, mang tính địa phương. Thậm chí dù có kể tới các phát triển của chúng đi nữa, thí dụ việc kêu gọi tư nhân hóa đất canh tác đang lan rộng ở Hắc Long Giang, Hồ Nam và Nội Mông năm 2008, thì những đòi hỏi có cấp độ rộng lớn và có lãnh đạo lâu dài là trường hợp ngoại lệ. Và hiện ít có dấu hiệu của sự liên kết, phạm vi và phối hợp, là những yếu tố cần thiết cho một phong trào xã hội kéo dài. Các phản kháng ở nông thôn đóng vai trò tự vệ chống lại hành động bị bứng khỏi đất đai của mình, làm chệch hướng động thái cướp bóc hà lạm, xua đuổi các cán bộ không được dân chúng ưa thích, nhưng ít có bằng chứng cho thấy nó tạo thành một sự đe dọa sắp sửa xảy tới cho chế độ.

Sự kiện các cấp bộ của Ðảng Cộng sản chịu đựng rất nhiều cuộc tranh đấu ở nông thôn là dấu hiệu cho thấy sự tự tin của Đảng. Cùng với đôi chút thanh lý trách nhiệm [của viên chức địa phương] nhờ có các cuộc bầu cử xã ấp, sách lược chính thống hóa theo kiểu đi dây của chế độ trong đó cho phép có một mảng bất đồng ý kiến như một yếu tố của nó, và nó phản ánh đức tin của Đảng rằng có thể giữ mọi sự trong tầm kiểm soát và vận dụng của mình. Chính quyền các cấp vẫn còn có sức mạnh lớn lao để tùy ý sử dụng, và họ có thể phóng ra sức mạnh lấn lướt đó một khi họ kết luận rằng các lợi ích cốt tủy đang lâm nguy. Lúc ấy, các cơ hội thuận lợi lập tức bị đóng lại và các “khu vực cấm” mới mẻ được tuyên bố (hoặc thực hiện trở lại cái cũ).

Tới lúc nào đó, nếu trung ương bắt đầu đối xử với những bất mãn của nông dân giống như họ đang đối xử với những người ủng hộ Tây Tạng và Pháp Luân Công, lúc đó chúng ta biết rằng giới lãnh đạo đang rúng động và thậm chí có thể chế độ đang suy yếu. Giống như tại Ba Lan tiếp theo sau cuộc đàn áp Phong trào Ðoàn kết, đôi khi sự thiếu phản kháng, chứ không phải nhiều phản kháng, có thể là một dấu hiệu cho thấy chế độ đang lung lay. Tại TQ hôm nay, sức ép đang được hình thành, có thể nhanh hơn nó bị xả ra; và việc quan sát cuộc tranh đấu ở nông thôn cùng với cách thức xử lý nó là một cách tốt để xem hệ thống chính trị ấy vững chắc – hay dễ gãy đổ – như thế nào.

Nguồn: Dịch toàn văn từ bài “Rural Protest” của Kevin O’Brien, đăng trong Journal of Democracy, số tháng Bảy 2009, Volume 20, Number 3, Nxb The Johns Hopkins University Press, Journals Division, Washingon DC, Hoa Kỳ, tt. 25-28.

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Ước
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

--------------------------------------------

[1] Xem, thí dụ, các diễn văn của Ðặng Tiểu Bình ngày 25 tháng Tư và 16 tháng Sáu năm 1989: Deng Xiaoping Nianga, 1975-1997 [Chronicles of Dang Xiaoping, 1975-1977] (Beijing: Zhongyang Wensian Chubanshe), 1273; và Selected Works of Dang Xiaoping, Vol III, 1982-1992 [Beijing Foreign Language Press, 1994), 30].
[2] Về bối cảnh nhân khẩu học và các đặc điểm của những thủ lãnh phản kháng, xem Kevin J. O’Brien và Lianjang Li, Rightful Resistance in Rural China (New York: Cambridge University Press, 2006), 88-90, 135-37.
[3] Một số nơi trong tỉnh Hồ Nam vào cuối thập niên 1990, địa vị xã hội của các thủ lãnh phản kháng đã vượt quá địa vị của các viên chức hạ tầng cơ sở. Nhiều dân làng ca tụng những người hoạt động ấy như là kẻ bảo vệ mình và hiến cho họ những bữa ăn miễn phí, chào đón họ như thân nhân ruột thịt mỗi khi họ ghé thăm. Một trong các thủ lãnh phản kháng tại Hành Dương (Henyang) được hưởng sự rộng lượng này, đã nói rằng ông được đối xử tốt hơn chủ tịch địa phương, người mà dân chúng không còn mời uống nước trà, thậm chí không mời ngồi. Phỏng vấn bởi Lijiang Li, 2003. Ðể biết thêm về đàn áp và hiệu quả của nó trên sự hậu thuẫn của đại chúng, xem Lianjiang và Kevin J. O’Brien, “Protest Leadership in Rural China”, China Quarterly 193 (March 2008): 17-27.
[4] Zhao Shukai, “Lishixing tiaozhan: Zhonguo nongcun de chongtu yu zhili” (A historial challenge: Conflicts and government in rural China, Thách thức lịch sử: Các xung khắc và chính quyền tại nông thôn Trung Quốc) trong Ru Xin et al.,eds., 2004 Nian: Zhonguo shehui xingshiyuce yu fenxi (2004: Forecasts and analyses of social trends in China, 2004: Các dự báo và phân tích những khuynh hướng xã hội tại Trung Quốc) (Beijing: Shehui Kexue Wenxian Chubanshe, 2004), 212-23. Về tranh chấp đất đai dẫn tới bạo động và xung khắc trên qui mô lớn như “rất có khả năng bùng nổ tại nông thôn chống lại các khu vực thành thị,” xem Yu Jiarong, “Social Conflict in Rural China, Xung khắc xã hội tại nông thôn Trung Quốc,” China Security 3 (Số Mùa xuân 2007): 3, 7.
[5] Yu Jiarong. “Emerging Trends in Violents Riots, Những khuynh hướng đang xuất hiện trong các cuộc nổi loạn bạo động,” China Security 4 (Số Mùa hè 2008): 75-76.


No comments: