Friday, October 23, 2009
HY LẠP : CÁI NÔI CỦA DÂN CHỦ
Cái nôi của Dân Chủ
Ngô Nhân Dụng
Thursday, October 22, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=103073&z=7#
Có hơn 50,000 tiếng Hy Lạp đang được sử dụng trong các ngôn ngữ đang được sử dụng trên thế giới! Tôi chưa bao giờ nghe nói điều đó cho tới khi tới Athena (đọc là A Ti Na), đọc một tờ quảng cáo nhắc nhở như vậy. Một người Việt Nam tò mò sẽ tự hỏi không biết trong tiếng nước mình có những chữ nào là gốc Hy Lạp?
Nghĩ mãi thì thấy có. Bây giờ người Việt nói chuyện với nhau có thể nói nhanh, “Tôi sẽ phô tô bài báo này cho mỗi anh một bản,” hoặc, “Em sẽ gọi phôn cho anh ngay” (thường là em hứa rồi không gọi). Chúng ta không để ý rằng những tiếng “phôn” và “phô tô” tìm về gốc tích thì tổ tiên đều là tiếng Hy Lạp ra cả.
Những đơn vị đo lường mình bắt chước tiếng Pháp, sinh ra nhưng tiếng Việt như “một ký, hai ký” cũng đều gốc Hy Lạp nữa. Giáo Sư Nguyễn Phước, tác giả “Tiếng Việt gốc ngoại quốc” chắc sẽ cho chúng ta biết thêm nhiều tiếng khác. Một trong những tiếng Việt gốc Hy Lạp được viết trong báo chí rất sớm, từ thời Tự Lực Văn Ðoàn, là chữ “lô gích.” Cụ Phan Khôi, người Quảng Nam, từng bị “chụp mũ” là “ông lô gích!”
Tiếng Việt, tiếng Nhật chịu ảnh hưởng của chữ Hán như thế nào thì các nước Âu Châu chịu ảnh hưởng của chữ Hy Lạp và chữ La tinh như vậy; rồi từ Âu Châu chúng di tản và sang Á Châu, Phi Châu mà truyền giống. Những tiếng chúng ta quen dùng như Nguyên Tử lực, Dân Chủ, Ô lanh píc hoặc Ô lem píc, Biện Chứng, chạy ma ra tông, Cơ Thể Học, vân vân, đều gốc gác từ những tiếng được người Hy Lạp dùng hơn hai ngàn năm trước. Nếu xóa bỏ hết những chữ gốc Hy Lạp trong ngôn ngữ của loài người, bỏ mất cả những khái niệm do những tiếng đó bao hàm, thì nền văn minh của nhân loại sẽ khác hẳn. Có thể sẽ biến mất, không còn văn minh như chúng ta vẫn hiểu nữa. Và những cầu chuyện chúng ta trao đổi với nhau sẽ bị đẩy công một tầng thấp hơn nhiều!
Các tờ quảng cáo du lịch còn giới thiệu thành phố A Ti Na là nơi phát sinh ra thể chế chính trị Dân Chủ (tôi phiên âm tên A Ti Na theo lối nói tên của dân địa phương; chữ “tê-ta” trong tiếng Hy Lạp đọc giữa phụ âm T và S trong tiếng Việt. Người Tây hay viết chữ tê ta thành TH, cho nên tiếng Anh viết là tên thành phố này là Athens, Athenes trong tiếng Pháp). Người Hy Lạp gọi cách tổ chức việc cai trị đó là “chế độ Ðê Mô,” sau biến thành Demokratia, Democracy, Democratie, vân vân, trong tiếng các nước khác Người Việt cũng như người Tầu, người Nhật Bản gọi đó là chế độ này là Dân Chủ, ý nói người dân làm chủ trong việc cai trị. Phải chi khi bắt đầu dịch khái niệm này sang tiếng Việt mà các cụ tổ mình được nghe trực tiếp chứ không học qua sách chữ Hán, thì chắc người mình đã phiên âm Demokratia thành một chữ trong đó có chữ gốc “Ðê Mô,” tiếng Hy Lạp.
A Ti Na đúng là cái nôi của chế độ dân chủ ở Tây phương. Những người Hy Lạp đã sống với các thủ tục dân chủ từ thời Pericles trước đây 2500 năm, nếu họ trở lại sống ngày hôm nay, thì họ sẽ ngạc nhiên. Họ sẽ thấy lề lối xếp đặt xã hội mà chúng ta gọi là tự do dân chủ bây giờ rất xa lạ đối với họ, nếu không nói là “phản động.” Phản động, bởi vì những chế độ tự do dân chủ bây giờ cho phép đủ mọi người góp ý kiến vào việc trị quốc, một điều mà dân A Ti Na không thể chấp nhận được! Ở A Ti Na, đó là quyền của một thiểu số. Và ngay trong nhóm thiểu số đó, ai nói những ý kiến “không chính thống” có thể bị tòa án cho đi tù mút mùa! Chính vì chế độ gọi là “dân chủ” đó không có tự do, không bình đẳng, nên tòa án ở thành phố này đã đã xử tử hình nhà hiền triết Sô Crát, chỉ vì tội “bất đồng ý kiến!” Hoặc gọi là “chống lại chính quyền của nhân dân” cũng được!
Tại A Ti Na từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, tất cả mọi người dân thành phố đều được quyền quyết định việc cử người nắm quyền, quyết định những việc quan trọng như thờ cúng các vị thần, tuyên chiến với các thành phố khác, vân vân. Nhưng số người được tự do tham gia phát biểu ở nghị trường phải là đàn ông! Và con số đó chỉ bằng 15% đến 25% số đàn ông trong thành phố mà thôi. Dân Hy Lạp ở các nơi khác đến đó sống không được dự. Tất nhiên những người ngoại chủng, các nô lệ mua từ đâu đó về hoặc bị bắt về, đều không được dự. Ngày nay mà một quốc gia nào đặt ra thủ tục quyết định việc chung việc nước như vậy chắc chắn sẽ bị coi là “phản động.”
Chỉ vì những chữ Dân Chủ viết trong hầu hết các ngôn ngữ đều dùng hai tiếng Ðê Mô (demos), nghĩa là dân chúng trong tiếng Hy Lạp; cho nên mọi người vẫn coi như dân Hy Lạp ở A Ti Na là những người sáng chế ra cách sống dân chủ. Triết gia Platon đặt tên cuốn sách ông viết về phương pháp cai trị là Cộng Hòa (Repubic) cho nên người ta càng thấy trao “giải thưởng dân chủ sớm nhất thế giới” cho người Hy Lạp là hợp lý.
Nhưng các sử gia đã chỉnh lại thành kiến đó, khi khám phá ra là từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, trước khi Ðức Phật Thích Ca ra đời, ở lục địa Ấn Ðộ đã có một nơi sống theo các thủ tục dân chủ, là nước Vaishali. Chế độ ở đó, Maha Janapadas, có thể gọi là Cộng Hòa theo lối nói ngày nay, trong đó một nhóm người có quyền quyết định mọi việc chung, không ai chiếm độc quyền cả. Có lẽ dưới ảnh hưởng của lối sống đó mà thời Ðức Phật còn sống, những người theo học ngài đã sống chung với những thủ tục dân chủ, ngày nay còn nhiều tăng đoàn vẫn áp dụng. Thời Ðại Ðế Alexander chinh phục sang vùng các nước Ba Tư, Ấn Ðộ bây giờ, vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, các học giả tháp tùng đoàn quân của ông cho biết họ thấy dân hai nước Sabarcae và Sambastai (bây giờ là vùng đất nằm giữa hai nước Afghanistan và Pakistan), cũng dùng những tập tục cai trị lẫn nhau theo lối dân chủ chứ không theo vương quyền thế tập.
Nhưng Hy Lạp vẫn xứng đáng được coi là nơi phát sinh các thủ tục dân chủ, vì nhiều lý do. Thứ nhất, nhiều người đã nói, đã thảo luận về các thủ tục quyết định tập thể họ sử dụng, nhất là họ biện luận cho các thủ tục đó với các nguyên tắc căn bản mà ngày nay vẫn còn thấy giá trị. Họ viết ra các quy tắc căn bản đó, truyền đến bây giờ. Ngược lại, chúng ta không còn giữ được bài viết hay cuốn sách nào của những người dân ở Vaishali hoặc Sambastai. Các quy tắc sống chung của tăng đoàn thời Ðức Phật thì được giữ lại nhưng chỉ để áp dụng trong tập thể của những người tu hành đó thôi. Không thấy đệ tử nào của Ðức Phật cổ động cho cả xã hội chung quanh cũng “phải sống theo các quy tắc tự do dân chủ” như trong tăng đoàn.
Có thể nhiều người cũng có những tư tưởng cách mạng đó nhưng họ bị chính quyền đương thời bắt giữ hết. Các tư tưởng “cách mạng” của họ cũng chết theo họ trong những trại “học tập cải tạo” của các vua chúa. Cho nên, người Hy Lạp vẫn xứng đáng được coi là những người đặt nền móng cho lối sống dân chủ.
Chúng ta biết là những thủ tục sống dân chủ đầu tiên ở A Ti Na còn thiếu sót, nhất là thiếu quan niệm về tự do, về bình đẳng cho tất cả mọi con người, không phân biệt nam nữ và không theo chủ nghĩa “lý lịch.”
Những quy tắc còn thiếu đó, bây giờ gọi là những quyền làm người, hay nhân quyền. Ngày nay, một quốc gia tự gọi là dân chủ mà thiếu tự do, không bìnhh đẳng, không tôn trọng các quyền làm người thì vẫn bị coi là chưa thật sự dân chủ.
Mặc dù còn thiếu nhiều quy tắc quan trọng đó, các triết gia Hy Lạp đã đặt nền tảng cho chế độ tự do dân chủ đời sau với nhiều nguyên tắc lớn. Thí dụ, người Hy Lạp đã đề cao khái niệm thượng tôn pháp luật, giống như người Á Ðông nói “Pháp bất vị thân,” pháp luật không phân biệt người thân hay người ngoài. Aristotle viết: “Tất cả mọi con người đều có tình cảm, nhưng luật pháp thì không.” Ðây là một quy tắc quan trọng,vì luật pháp là một bảo đảm cho con người được sống tự do.
Người ta cảm thấy tự do vì tất cả mọi người đều ở dưới một pháp luật chung, như nhau. Mỗi người có thể đoán trước khi tính làm một việc nào thì hành động của mình sẽ được luật pháp xét xử một các công bình. Chẳng hạn, ai lái xe vượt đèn đỏ đều có thể bị phạt như nhau, dù xe mang bảng số công an hay không. Ai ăn hối lộ cũng bị xử theo những điều luật giống nhau. Biết như vậy, mọi người cảm thấy cuộc sống an toàn trong pháp luật. Vì ai cũng được luật pháp bảo vệ, không lo ông quan tòa xét xử thiên vị, tùy hứng, hoặc xử theo chỉ thị của vua quan. Chúng ta gọi đó là sự an toàn về pháp lý.
Từ đó chúng ta mới thấy một vai trò lớn của pháp luật, là luật pháp ấn định những giới hạn trên quyền tự do của mọi người, đặc biệt là giới hạn quyền hành của những người cai trị. Khi những người cầm quyền nói họ sẽ cai trị bằng pháp luật, chúng ta biết là quyền hạn của chính họ bắt đầu bị giới hạn. Một căn bản của chế độ tự do dân chủ là giới hạn quyền hành của nhà nước. Ðó là điều bảo đảm tính chất bình đẳng trong cuộc sống. Sử gia Herodotus người Hy Lạp gọi quyền bình đẳng trước pháp luật là “isonomia,” tức là mọi người được đối xử như nhau. Do đó, ai cũng cảm thấy có tự do, không lo bị đàn áp bất công. Trong vòng bảo vệ của pháp luật, mọi người tha hồ mưu cầu hạnh phúc, không bị ai ép buộc mà cũng không ai cấm đoán được.
Từ những nền tảng đó, loài người đã xây dựng nên những quy tắc sống chung khác, mà bây giờ chúng ta gọi là chế độ dân chủ tự do. Cho nên, rút cuộc chúng ta vẫn phải cảm ơn các hiền triết Hy Lạp trước đây hơn 2000 năm đã đặt ra những nền móng từ đó loài người dựng lên các chế độ dân chủ bây giờ!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment