Thursday, September 3, 2009
TÔN GIÁO BÁT NHÃ - CHÍNH TRỊ NHÀ NƯỚC CSVN
Tôn giáo Bát Nhã - Chính trị nhà nước: Các môn đồ sẽ 'ngồi yên như núi' (phần 1)
Thực hiện: Ngọc Lan - Anh Thái - Thiện Giao
Sunday, August 30, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=100512&z=1
Sự kiện Bát Nhã có thể đánh dấu lần đầu tiên Nhà nước đưa ra “tối hậu thư.” Cho dầu những người ở ngay bên trong tu viện nói rằng “chưa nhận được thông tin chính thức,” những gì loan tải trên truyền thông quốc tế là rõ ràng: phía Nhà nước muốn các môn đồ của Thiền Sư Nhất Hạnh rời khỏi tu viện trước ngày 2 Tháng Chín, 2009. Ý kiến của phía Bát Nhã và Làng Mai là: giới tu sĩ “muốn tiếp tục tu học ngay tại Bát Nhã,” sẽ “ngồi yên như núi,” hoặc là “sẽ như những hạt thủy ngân, vỡ ra rồi cũng tụ lại, và tìm về Bát Nhã.”
Hình trên: Tượng đài Mẹ tại công trường Bông Hồng Cài Áo, tu viện Bát Nhã, Lâm Ðồng. Hình chụp trước khi tượng đài bị đập phá, viết và vẽ bậy trong vụ bạo động xảy ra hồi cuối Tháng Sáu, 2009. (Hình: phapnanbatnha.net) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/100512-medium_batNha.jpg
Hình dưới: “Thanh niên ‘xã hội đen’ quăng đồ đạc của người xuất gia, phá cả bếp ăn của các Thầy.” Hơn 200 người kéo đến tu viện Bát Nhã hồi cuối Tháng Sáu, 2009 đòi đuổi tăng sinh ra khỏi chùa. (Hình: phusa.info) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/100512-medium_batNha_baoDong.jpg
VIỆT NAM - Những ngày cuối Tháng Sáu, 2009, tu viện Bát Nhã, thuộc xã Dambri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng, rơi vào hỗn loạn, khi, gần 200 người kéo vào đập phá và đòi đuổi gần 400 tăng sĩ đang tu tập theo pháp môn Làng Mai ra khỏi Tu Viện.
Những gì người ta chứng kiến chỉ là một giai đoạn khác, được thể hiện ở mức độ khốc liệt hơn, với hình thức rõ ràng hơn, của một tình trạng rắc rối đã bắt đầu từ trước đó rất lâu.
Ðêm Thứ Bảy, 27 Tháng Sáu, kéo dài cho đến khuya 28, rạng sáng 29, khoảng 200 người mà, theo các nhân chứng, là “thanh niên xã hội đen” kéo vào tấn công tu viện, đập phá bếp ăn, quăng đồ đạc của giới tu sĩ, và yêu cầu gần 400 tăng sinh, giáo thọ tại đây phải rời tu viện.
Những người tu tập, là môn đồ của Thiền Sư Nhất Hạnh, từ chối lời yêu cầu. Họ tiếp tục trụ lại nơi vốn là “gốc” mà họ xuất gia, bất chấp tình trạng điện, nước bị cắt, thức ăn không được tiếp tế, và hoàn cảnh thì rơi vào tình trạng mà nhiều người gọi là “tuyệt lộ.”
Tình thế giằng co kéo dài cho đến ngày 13 Tháng Tám, khi truyền thông quốc tế đưa tin, lần đầu tiên phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao CSVN nói rằng: môn đồ của Thiền Sư Nhất Hạnh chỉ được phép ở lại tu viện Bát Nhã đến ngày 2 Tháng Chín, 2009.
Ðây là lần đầu tiên các môn đồ thuộc hệ phái Làng Mai nhận được một “tối hậu thư,” cho dầu là tối hậu thư được gởi gián tiếp thông qua giới truyền thông.
Một giáo thọ, tức người giảng dạy, tại tu viện Bát Nhã, là thầy Pháp Hội, nói với Người Việt hôm 27 Tháng Tám, rằng họ “chưa có tin tức gì về việc nhà nước bắt phải rời tu viện.”
Trong khi đó, tin tức mà Người Việt có được cho biết, “một số chùa, tu viện tại Việt Nam đang làm đơn xin bảo lãnh các tu sĩ tại Bát Nhã về tu tập.”
Các đơn xin bảo lãnh, vẫn theo nguồn tin, cho đến nay “chưa có kết quả.”
Liệu, rời khỏi tu viện Bát Nhã, Lâm Ðồng, có phải là giải pháp khả thi? Giới quan sát cho rằng, giải pháp của vụ Bát Nhã là “tùy thuộc vào cách mà người ta hiểu về nguyên ủy của vấn đề.”
Những rắc rối tại Bát Nhã có phải là tranh chấp đất đai? Hay là vấn đề nội bộ của Làng Mai?
Nhiều chỉ dấu khác khiến phần lớn nghiêng về giả thiết thứ ba: Vụ Bát Nhã là một hình thức đàn áp tôn giáo!
Báo chí quốc tế hồi trung tuần Tháng Tám trích lời một quan chức ngoại giao Việt Nam, rằng các bài giảng của đệ tử Thiền Sư Nhất Hạnh là “bất hợp pháp,” và rằng tu viện đã diễn giảng những bài học Phật Giáo “không được phép” của giáo hội.
Nếu vấn đề của Bát Nhã bắt nguồn từ những bài giảng “bất hợp pháp” và “không được phép,” liệu, giải pháp rời Bát Nhã, sang một tu viện khác, là khả thi?
Thầy Pháp Hội từng nói với đài phát thanh Á Châu Tự Do, rằng một quan chức cao cấp của công an Lâm Ðồng khẳng định, các tăng sinh, giáo thọ “dù đi bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ này (Việt Nam) cũng gặp khó khăn tương tự.”
Trong khi đó, phía Làng Mai, qua lời sư cô Chân Không nói với Người Việt hôm 15 Tháng Tám, sẽ “không đi đâu hết,” các tăng sinh “xuất gia tại Bát Nhã, và năm tòa nhà ở Bát Nhã là nhà của họ.”
Sư cô Chân Không khẳng định, các môn đồ sẽ chỉ “ngồi yên như núi!”
Theo tường thuật của đài Á Châu Tự Do, vụ bạo động đêm 27 Tháng Sáu, kéo dài cho đến khuya 28, rạng sáng 29, tại tu viện Bát Nhã, diễn ra trong sự “có mặt của công an,” nhưng “không can thiệp.”
Tường thuật viết rằng, các nhân chứng cho biết, khuya 28, công an “ở lại, đánh bài với nhóm thanh niên” phá phách.
Vẫn theo Á Châu Tự Do, giáo thọ Pháp Hội kể lại, các thanh niên xã hội đen quăng đồ đạc của người xuất gia, phá cả bếp ăn của các Thầy, “Sự việc bắt đầu vào khoảng 10 giờ sáng. Hơn 200 người phía bên kia, kéo vào. Thái độ của họ rất hung hăng, họ đòi đập phá và đuổi các thầy ra khỏi chùa. Họ lấy lý do chúng tôi là người nước ngoài.”
Trên thực tế, tất cả các tăng sĩ nước ngoài đã rời Bát Nhã từ lâu. Gần 400 người còn lại đều mang quốc tịch Việt Nam.
Một nhân chứng khác của sự kiện Bát Nhã những ngày cuối Tháng Sáu viết bài tường thuật chi tiết, đăng trên website phusa, kể rằng “Từ chiều Thứ Bảy, dân chúng thôn 13, xã Dambri đã thấy hàng chục viên công an xã Dambri xuất hiện ở khu vực quanh chùa Bát Nhã.” Có người “đục đẽo hàng chữ khắc trên đá vào cổng tu viện, rồi ở lại chùa qua đêm.”
Sáng Chủ Nhật, “Công an xã Dambri xuất hiện đông hơn theo dọc đường đến chùa Bát Nhã - Họ kiểm soát các xe lưu thông trên đường - nhưng chính thật ra, họ đang điều hành và bảo vệ mấy chiếc xe đò chở các thanh niên, thiếu nữ từ Bảo Lộc vào.”
“Rồi toán người này kéo ào lên Tu Viện Bát Nhã, đập phá cư xá của các Thầy và nhà bếp.”
Một tháng sau ngày vụ bạo động xảy ra, nhiều người đến thăm tu viện đã bị hành hung. Một Phật tử, cư trú tại Ðà Lạt kể với Người Việt, rằng phái đoàn của ông đến tu viện hôm 28 Tháng Bảy, đã bị “chúng nó dùng cái loại ghê gớm, là ném phân vào người.”
Tình cảnh của các tăng sĩ, giáo thọ ngay bên trong tu viện Bát Nhã vẫn không khá hơn. Thầy Pháp Hội cho biết, có người “thả cả rắn độc vào thiền đường,” “chặn xe chở lương thực đi chợ các các sư cô và các thầy.”
Cho đến nay, khu vực này vẫn bị mất điện.
Ðiện, và nước, đã không có từ cuối Tháng Sáu. Các môn đồ hệ phái Làng Mai nói rằng, cắt điện thì không thể có nước. Trong khi đó, một phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Dambri từng nói, “Ðiện không có là do nhà đèn sửa chữa đường dây chứ không phải do địa phương cắt.”
Sự kiện Bát Nhã có thể đánh dấu lần đầu tiên nhà nước đưa ra “tối hậu thư.” Cho dầu những người ở ngay bên trong Tu Viện nói rằng “chưa nhận được thông tin chính thức,” những gì loan tải trên truyền thông quốc tế là rõ ràng: phía nhà nước muốn các môn đồ của Thiền Sư Nhất Hạnh rời khỏi tu viện trước ngày 2 Tháng Chín, 2009.
Nhưng, các tu sĩ bên trong Bát Nhã nói gì? Và cả những người bên ngoài tu viện, nói gì? Ý kiến của phía Bát Nhã và Làng Mai là: giới tu sĩ “muốn tiếp tục tu học ngay tại Bát Nhã,” sẽ “ngồi yên như núi,” hoặc là “sẽ như những hạt thủy ngân, vỡ ra rồi cũng tụ lại, và tìm về Bát Nhã.”
Xin tiếp tục theo dõi trong số báo sau những ý kiến, của một bên là sư cô Chân Không cùng giáo thọ Pháp Hội, và bên kia là giới chức đại diện cho quan điểm của nhà nước, để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của “vụ Bát Nhã”: tranh chấp nội bộ, hay đàn áp tôn giáo?
Tôn Giáo Bát Nhã – Chính Trị Nhà Nước (phần 2)
Monday, August 31, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=100575&z=1
‘Cần giải pháp ôn hòa chứ không thể ép buộc’
VIỆT NAM - Giới quan sát cho rằng, vấn đề Bát Nhã là “không có giải pháp.”
Các tu sĩ bên trong tu viện đều mang quốc tịch Việt Nam, cùng bày tỏ nguyện vọng “quay lại tình trạng như ngày xưa: được tiếp tục tu học tại Bát Nhã,” vì “ở Việt Nam, chỉ có tu viện Bát Nhã được nhà nước cho phép tu tập theo pháp môn Làng Mai.”
Phía chính quyền, qua những hành động gần đây, có thể thấy đã gởi một thông điệp rõ ràng: Chấm dứt sự có mặt của các môn đồ Thiền Sư Nhất Hạnh, tại Bát Nhã.
Một bản tin đăng trên phusa.info, của tác giả Lê Lâm, viết rằng hôm 23 Tháng Tám, “Ban Trị Sự Phật Giáo Lâm Ðồng có cuộc họp nhằm giải quyết đơn thỉnh nguyện của tăng ni tu viện Bát Nhã.” “Chư Tôn Ðức Ban Trị Sự đã thông qua quyết định bảo lãnh toàn thể tu sĩ ở tu viện Bát Nhã được tiếp tục thường trú tu học tại tu viện.”
Tuy nhiên, cho đến ngày 30 Tháng Tám, “văn bản vẫn chưa thấy đâu.”
Nếu đơn bảo lãnh bị bác, thì đây là lần thứ nhì, ý nguyện tu học ngay tại Bát Nhã tiếp tục bị cản trở. Hồi Tháng Mười năm ngoái, Sở Nội Vụ tỉnh Lâm Ðồng đã một lần bác đơn (theo công văn 429/SNV-NV) bảo lãnh của Ban Trị Sự.
Tin tức mà Người Việt có được qua cuộc phỏng vấn Hòa Thượng Minh Nghĩa, trụ trì tu viện Toàn Giác, Ðồng Nai, thì “một số chùa, tu viện tại Việt Nam đang làm đơn xin bảo lãnh các tu sĩ tại Bát Nhã về tu tập.” Tuy nhiên, các đơn xin cho đến nay “chưa có kết quả.”
Liên quan đến thời điểm 2 Tháng Chín, theo bản tin của đài Á Châu Tự Do, ông Bùi Hữu Dược, viên chức phụ trách Phật Giáo thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ nói rằng phía Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đề nghị để các tăng sinh Bát Nhã “tiếp tục tu cho mãn mùa An Cư. Mà mùa An Cư sẽ hết vào ngày 2 Tháng Chín.”
Sau ngày này, vẫn theo ông Dược, “nhóm tu theo pháp môn Làng Mai nên thực hiện theo đúng tinh thần của pháp luật. Do có sự không bảo lãnh của Thượng Tọa Thích Ðức Nghi trụ trì tu viện Bát Nhã, nên việc ở lại tu viện Bát Nhã của nhóm tu theo pháp môn Làng Mai là không có những thuận lợi lắm.”
Ông Dược đưa ra giải pháp, các tăng sĩ nên chọn những người thầy “tri kỷ trong truyền thống của Phật Giáo để tu theo pháp môn Làng Mai” hoặc “xin phép với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tới tu tập tập trung ở một trường học Phật học nào đó do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam quản lý.”
Nếu không được tiếp tục tu học tại Bát Nhã, Lâm Ðồng, các môn đồ của Thiền Sư Nhất Hạnh sẽ đi về đâu? Trong cuộc phỏng vấn mà Người Việt thực hiện hôm 27 Tháng Tám, giáo thọ, tức người giảng dạy tại Bát Nhã, là thầy Pháp Hội nêu lên vấn đề tương tự, “Chúng tôi muốn tu tập tại Bát Nhã,” “chúng tôi cố gắng hết sức để không rơi vào tình thế đối đầu với ai cả,” và, nếu phải ra đi, “thì xin nhà nước chỉ chỗ nào cho chúng tôi và phải bằng văn bản chính thức để chúng tôi đi và tiếp tục tu tập theo pháp môn Làng Mai.”
-Người Việt: Sư cô Chân Không nói rằng 400 tu sĩ tại Bát Nhã sẽ không rời tu viện. Nếu quả như vậy thì liệu có xảy ra tình huống đụng đầu đáng tiếc giữa đôi bên?
-Thầy Pháp Hội: Chúng tôi cố gắng hết sức để không rơi vào tình thế đối đầu với ai cả. Dù bị đối xử ra sao chăng nữa, chúng tôi không thù ghét ai hết, không chống lại ai hết. Chúng tôi tu tập bất bạo động, dù có gì xảy ra, chúng tôi cũng không chống trả với ai. Chúng tôi mong nhà nước hiểu như thế.
-Người Việt: Phía nhà nước thì muốn trục xuất; phía tu sĩ thì biểu lộ thái độ bất bạo động, nhưng cương quyết. Xin hỏi, liệu có lối thoát?
-Thầy Pháp Hội: Lối thoát phải do phía nhà nước đưa ra. Chúng tôi là công dân Việt Nam nên phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chúng tôi luôn mong có một giải pháp ôn hòa, hợp tình, hợp lý chứ không thể bị ép buộc và không nghĩ tới tương lai được. Vì chúng tôi xuất gia, gốc là ở Bát Nhã, nên đi về chùa nào cũng không hợp lý. Các chùa khác thì có thầy, có trò của họ, tu theo cách của họ. Còn chúng tôi tu theo cách nhà nước đã cho phép và khác với pháp tu của các chùa khác, nên về chùa khác thì không hợp lý.
-Người Việt: Nghĩa là chỉ có một nơi duy nhất phù hợp, là Bát Nhã?
-Thầy Pháp Hội: Vâng. Ở Việt Nam, chỉ có tu viện Bát Nhã được nhà nước cho phép tu tập theo pháp môn Làng Mai. Vậy cho nên chúng tôi phải tiếp tục ở đây. Nếu phải ra đi thì xin nhà nước chỉ chỗ nào cho chúng tôi và phải bằng văn bản chính thức để chúng tôi đi và tiếp tục tu tập theo pháp môn Làng Mai.
Trong khi vấn đề nơi tu tập của gần 400 tăng sinh hệ phái Làng Mai chưa ngã ngũ, thì quốc tế, và cả một số cao tăng Việt Nam, bắt đầu lên tiếng.
Ngày 15 Tháng Tám, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới ra tuyên bố với ấn ký của Hòa Thượng Thượng Thủ Thích Tâm Châu. Tuyên bố viết, rằng “...được biết, vào đầu Tháng Chín, năm 2009 sắp tới, gần 400 tăng, ni sẽ phải ra khỏi chùa này (Bát Nhã),” và điều đó, với cách giải quyết như vậy, “thực sự chưa đem lại ổn định, thiếu nhân đức và có ảnh hưởng không hay cho danh nghĩa Phật Giáo và chính trị.”
Hòa Thượng Thượng Thủ mong mỏi “Hòa Thượng Ðức Nghi và vị đại diện Hòa Thượng Nhất Hạnh, bằng mọi cách gặp gỡ nhau, hòa hợp cùng nhau, để cho gần 400 tăng, ni lưu lại chùa Bát Nhã, có đầy đủ tiện nghi, an tâm tu học.”
Theo bản tin của phusa.info, một thiền sinh Hoa Kỳ, tên là Geoff Livingston, cư trú tại Virginia, cũng đang vận động thu thập 10 ngàn chữ ký “để gởi kiến nghị lên Ủy Ban Chính Sách Ngoại Giao của Thượng Viện Hoa Kỳ” yêu cầu giúp đỡ tu viện. Kiến nghị của Geoff Livingston được thực hiện qua mạng lưới Internet, tại http://www.thepetitionsite.com/1/savebatnha.
Ðến chiều 30 Tháng Tám, đơn kiến nghị đã nhận được gần 3,500 chữ ký.
Một thiền sinh khác, cũng người Hoa Kỳ, đã đến Việt Nam hai lần, ký tên vào thỉnh nguyện thư và viết rằng các tăng sĩ tại Việt Nam là “những người trẻ mưu cầu duy nhất quyền được sống một cuộc sống đơn giản, thanh bình, đầy niềm vui, và trợ giúp người khác hiểu rằng, một cuộc sống như thế là điều khả thi.”
Cùng thời điểm này, một số Phật tử gốc Việt tại Canada cũng ký tên trong một bức thư gởi chư Tôn Ðức “lời thỉnh nguyện chân thành” kêu gọi “để tâm lắng nghe nguyện vọng của gần 400 tăng ni trẻ tại Tu Viện Bát Nhã (Lâm Ðồng)... được tiếp tục tu học bình yên.”
Cho đến nay, vấn đề tại tu viện Bát Nhã được một số người cho rằng “rất tế nhị,” vì vướng víu “giữa tình và lý” liên quan đến tư cách sở hữu chủ đất đai và tài sản tại Lâm Ðồng. Trong bài tiếp theo, Người Việt sẽ đăng tải nguyên văn cuộc phỏng vấn sư cô Chân Không, một đệ tử lớn của Thiền Sư Nhất Hạnh, về vấn đề này.
Tôn Giáo Bát Nhã – Chính Trị Nhà Nước (phần 3)
Ngọc Lan/Người Việt
Tuesday, September 01, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=100633&z=1
Cộng Sản nắm quyền nên mới có chuyện ‘xin phép’
Vấn đề tại Tu Viện Bát Nhã, theo giới quan sát, không thể tách rời khỏi câu hỏi “ai thực sự là sở hữu chủ đất đai, bất động sản tại Bát Nhã, Lâm Ðồng?” Và nếu đặt câu hỏi này, thì câu trả lời không thể không bao gồm ý kiến từ phía Hòa Thượng Ðức Nghi, viện chủ tu viện này.
Nhật báo Người Việt đã nhiều lần gọi điện thoại, nhưng không thể liên lạc, với hòa thượng viện chủ. Thiếu ý kiến Hòa Thượng Ðức Nghi, vấn đề Bát Nhã không thể được hiểu biết một cách đầy đủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với hy vọng sẽ thỉnh được ý kiến của hòa thượng.
Trong bài báo hôm nay, cũng là bài cuối cùng về Tu Viện Bát Nhã, chúng tôi xin trình bày nguyên văn ý kiến của Sư Cô Chân Không, đại đệ tử Thiền Sư Nhất Hạnh, về nhiều vấn đề liên quan đến Bát Nhã, trong đó có thông tin liên quan đến quyền sở hữu.
Cuộc phỏng vấn do phóng viên Ngọc Lan thực hiện ngày 15 Tháng Tám, 2009.
Ngọc Lan: Xin sư cô cho biết quan điểm của Làng Mai liên quan đến các diễn tiến tại Bát Nhã hiện nay?
Sư Cô Chân Không: Chỉ có một khí giới là tình thương. Muốn thương phải hiểu. Phải hiểu người ta có những cái “kẹt” của họ. Ðôi khi trong bụng họ thương mình nhưng họ kẹt nên không dám làm. Các tăng ni hiểu thế kẹt của thầy Ðức Nghi, hiểu thế kẹt của nhóm nhà nước nên không trách giận ai hết, chỉ có thương thôi.
Ngọc Lan: Sư cô nhắc đến “thế kẹt” của Hòa Thượng Ðức Nghi? Xin được biết rõ hơn!
Sư Cô Chân Không: Có hai cái kẹt. Thứ nhất là ở thầy Ðức Nghi. Thầy Ðức Nghi không phải người xấu nhưng bị tình trạng đưa đẩy. Thầy Ðức Nghi nghĩ mình đã tu nhiều, tu lâu, đã ở trên cao nên không nhìn thấy những người ở dưới - những người mà mới vài năm trước đó chính thầy Ðức Nghi là người cạo đầu cho, những người mới đi tu hai, ba năm thấm nhuần những tư tưởng mới, thích hợp với thời đại do sư ông (Thích Nhất Hạnh) dạy.
Thầy Ðức Nghi tu theo lối truyền thống cũ, không mới, rất cạn cho nên khi bị hù thì cũng sợ. Dù rằng trước đó thầy Ðức Nghi từng viết giấy nợ giúp Làng Mai, từng cúng dường thiệt. Thầy Ðức Nghi cũng từng khóc bảo “trễ rồi, trễ rồi. Bây giờ không biết phải làm sao...” Khi bị ép không biết làm sao thì tức sẽ nảy sinh những điều không hay.
Cơ sở của Làng Mai tại Bát Nhã là năm tòa nhà lớn do thầy Ðức Nghi đứng tên, anh ruột thầy Ðức Nghi và Phật tử khắp nơi đứng ra xây cất. Những cơ sở này là do tiền cúng dường từ khắp nơi gửi về cho các sư, sau đó các sư đưa cho thầy Ðức Nghi. Nếu các tăng ni bị trục xuất khỏi Làng Mai thì tất cả đất đai đó sẽ là của thầy Ðức Nghi.
Nhà nước hứa với thầy Ðức Nghi rằng: Bảo Lộc là một huyện ở Lâm Ðồng, nhưng trong chương trình của chính phủ thì 5 năm nữa Bảo Lộc sẽ trở thành một tỉnh. Khi đó, thầy Ðức Nghi đang là một ông thầy tu nhỏ sẽ được lên chủ tịch Ban Trị Sự Phật Giáo Lâm Ðồng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Khi ấy, thầy sẽ lấy bốn cư xá và một thiền đường (có sức chứa 2,000 người) làm trường Cao Ðẳng Phật Giáo.
Thầy Ðức Nghi muốn đuổi hết các tăng ni quốc tịch Anh, Pháp... đi, chỉ giữ lại 400 tu sĩ trẻ mà thầy Ðức Nghi nghĩ những người tu trẻ đó sẽ trở thành sinh viên của trường. Ðiều này cho thấy thầy Ðức Nghi đã nghĩ quá đơn giản. Bởi lẽ những tu sinh đi tu chỉ là muốn học và tu tập những pháp môn của Làng Mai, vì cảm kích đức hạnh từ bi của sư ông Thích Nhất Hạnh, nên còn lâu thầy Ðức Nghi mới thuyết phục được họ ở lại để học trường cao đẳng của thầy.
Cái kẹt thứ hai là của mấy người ở trung ương bị Trung Quốc ức hiếp. Sư Ông Nhất Hạnh từng phát biểu trên một đài truyền hình Ý về vấn đề Tây Tạng. Nhóm thủ cựu Việt Nam sợ Trung Quốc, lời phát biểu của sư ông làm cho Trung Quốc giận. Họ đã từng e ngại sư ông biến cuộc thuyết pháp năm 2008 thành một cuộc tuyên truyền vận động vấn đề chống Trung Quốc.
Ngọc Lan: Quan chức Ban Tôn Giáo Chính Phủ từng nói các tăng ni Làng Mai vi phạm luật cư trú. Xin được nghe ý kiến của sư cô.
Sư Cô Chân Không: Nói các tăng ni Làng Mai vi phạm luật cư trú chỉ là cách nói của nhà nước, của ông Bùi Hữu Dược, thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ.
Xưa nay, mỗi khi đến dịp “Bát Quan Trai” thì các tăng ni tu sĩ đều đổ về tu vài ngày tại một ngôi chùa nào đó. Từ khi Cộng Sản nắm quyền, thì có yêu cầu phải xin phép mỗi khi các tăng ni tụ tập về tu nhân dịp “Bát Quan Trai.”
Thực ra cách xin phép cũng đơn giản, chỉ là báo cho chính quyền ngày “Bát Quang Trai” có bao nhiêu người đến tu. Trước đây, chùa Bát Nhã cũng xin phép nhưng bây giờ họ ép thầy Ðức Nghi, thầy Ðức Nghi không xin phép nữa thì các tăng ni trở thành bất hợp pháp. Phải hiểu là “Bởi vì thầy Ðức Nghi bị ép” nên mới làm vậy.
Ngọc Lan: Vậy giải pháp cho gần 400 tăng sĩ đang tu tập tại Bát Nhã, theo sư cô, sẽ là gì?
Sư Cô Chân Không: Không đi đâu hết, bởi “đi là đi đâu?”
Họ cạo đầu tại Bát Nhã và năm tòa nhà ở Bát Nhã chính là nhà của họ, do sự cúng dường của Phật tử, chứ không phải của thầy Ðức Nghi hay thầy Nhất Hạnh.
Nếu công an khiêng họ lên xe, kề dao kề súng sát họ thì họ đành chấp nhận, nhưng mà rồi họ cũng sẽ như những hạt thủy ngân vỡ ra rồi cũng tụ lại, họ sẽ lại tìm về Bát Nhã, đó là nhà của họ. Họ sẽ chỉ “ngồi yên như núi,” không phản kháng, không chống trả, trừ khi bị khiêng đi.
“Nếu mình làm kẻ hy sinh để cứu cho một đất nước khỏi chiến tranh thì giá đó cũng còn rẻ lắm, rẻ lắm (cười).”
Ngọc Lan: Câu hỏi cuối thưa sư cô, xin sư cô giải thích về sự im lặng của Thiền Sư Nhất Hạnh trong vụ Bát Nhã.
Sư Cô Chân Không: Hãy xem bài “Ngồi Yên Như Núi” của thầy Thích Nhất Hạnh trong trang nhà Làng Mai. Ðó là lời thầy dạy học trò nhưng cũng là câu trả lời rất rõ ràng: “Cứ ngồi yên như núi, như Thầy, năng lượng sẽ tụ về , các con sẽ không sao.”
Ngọc Lan: Xin cảm ơn sư cô đã dành thời gian cho Nhật Báo Người Việt.
----------------------------
Hạn chót để tăng ni Bát Nhã phải rời khỏi tu viện đã qua (VOA)
Vụ mâu thuẫn ở Tu viện Bát Nhã (RFA)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment