Thursday, September 3, 2009
BỊ BẮT CHỈ VÌ LỜI LẼ "THIẾU HỮU NGHỊ VỚI TRUNG QUỐC"
Bị bắt chỉ vì lời lẽ “thiếu hữu nghị với Trung Quốc”?
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-09-02
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Arrested-just-because-of-using-unfriendly-words-towards-China-09022009142842.html
Sau hàng loạt thông tin liên quan đến vụ bắt giữ blogger Người Buôn Gió hôm 27 tháng 8, các diễn đàn điện tử, các blog và nhiều hãng thông tấn nước ngoài tiếp tục loan báo, lực lượng an ninh của Công an Việt Nam đã bắt giữ bà Phạm Đoan Trang, 31 tuổi, nữ phóng viên của báo điện tử VietNamNet, cơ quan ngôn luận thuộc Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam vì “xâm phạm an ninh quốc gia”.
Trước đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam đã từng khởi tố, tạm giam, truy tố và kết án một số nhà báo ở Việt Nam vì một số tội khác nhau, đã được qui định trong bộ luật hình sự, song cô Phạm Đoan Trang có lẽ là nhà báo Việt Nam đầu tiên bị bắt giữ vì “xâm phạm an ninh quốc gia”...
Cô Phạm Đoan Trang đã làm những gì? Mời qúy vị nghe Trân Văn tường trình...
Chỉ biết là... “xâm phạm an ninh quốc gia”
Tuy tin cô Phạm Đoan Trang, phóng viên báo điện tử VietNamNet, bị lực lượng an ninh quốc gia của Công an Việt Nam bắt giữ vì “xâm phạm an ninh quốc gia”, đã được khá nhiều diễn đàn điện tử, blog, cũng như hàng chục hãng thông tấn quốc tế loan báo, song đến nay, những chi tiết có liên quan đến vụ bắt giữ này chỉ ngừng lại ở mức độ đó.
Trong một cuộc trao đổi ngắn với Đài Á Châu Tự Do vào tối 1 tháng 9, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo điện tử VietNamNet, bảo rằng, VietNamNet cũng chỉ được thông báo là cô Phạm Đoan Trang đã bị bắt vào tối 28 tháng 8, ở bên ngoài Toà soạn, do những hoạt động bên ngoài tờ báo chứ không liên quan đến những bài cô viết trên VietNamNet.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cách nay vài năm, cô Phạm Đoan Trang từng làm việc cho bộ phận VietNamNet TV. Sau đó xin nghỉ việc và mới quay trở lại làm việc cho chuyên trang Tuần Việt Nam được hơn một năm. Ông Tuấn khẳng định rằng, sau khi tìm hiểu đủ thông tin, VietNamNet sẽ có thông tin chính thức liên quan đến việc cô Phạm Đoan Trang bị bắt.
Đã từng xúc phạm... Trung Quốc
Ngoài việc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Tuấn, chúng tôi cũng đã tìm cách tiếp xúc với vài blogger được xem là thạo tin để tìm những thông tin có liên quan đến việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang. Theo một blogger có nickname là PoorLady thì: Lý do quan trọng nhất là cô này bị cáo buộc liên quan đến việc tiết lộ tin Tham tán Kinh tế - Thương mại Hồ Tỏa Cẩm lên lớp báo chí Việt Nam. Cô này đưa tin cho Người Buôn Gió và Người Buôn Gió đã viết một bài trên blog của anh.
Cũng có một nguồn tin cho biết là phóng viên Đoan Trang viết một bài liên quan tới Tham tán Kinh tế - Thương mại Hồ Tỏa Cẩm đề nghị phía Việt Nam kỷ luật những tờ báo cho đăng những phát biểu của bà Phạm Chi Lan và ông Nguyễn Minh Phong về hàng hoá Trung Quốckhông tốt mà tràn vào thị trường Việt Nam.
Bài này không đăng trên những tờ báo chính thức ở trong nước mà đăng trên blog. Có một lý do nữa là cô này viết một bài nói về những hiệp ước mà chính phủ Việt Nam đã ký với Trung Quốc, cho nên đã bỏ qua rất là nhiều cơ hội cho đất nước đi lên...
Chúng tôi đã thử đối chiếu những thông tin do blogger PoorLady cung cấp với các dữ kiện khác.
Theo đó, đúng là blogger Người Buôn Gió đã từng đưa lên blog của ông một tin ngắn, độ dài khoảng 400 chữ, cho biết, trong cuộc gặp bà Quản Duy Ngân Hà – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Thông tin Truyền Thông Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đã yêu cầu Bộ Thông tin Truyền Thông Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm và phải quản lý báo chí chặt chẽ hơn do báo chí Việt Nam đã để hai chuyên gia kinh tế lả bà Phạm Chi Lan và ông Nguyễn Minh Phong có những lời lẽ không hữu nghị với Trung Quốc.
Ít ngày sau, sự kiện mà blogger Người Buôn Gió loan báo trên blog của ông, đã được chi tiết hoá bằng bài viết “Sứ quán Trung Quốc đòi khuyến cáo, nhắc nhở VietNamNet”, có độ dài lên tới 2.200 chữ, trên Diễn đàn điện tử X-cafe.
Với bút danh N.T.D - tác giả bài viết “Sứ quán Trung Quốc đòi khuyến cáo, nhắc nhở VietNamNet” đã chọn lối tường thuật sự kiện theo kiểu “Biên bản cuộc họp”. Nội dung cuộc họp giữa Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc, với Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Thông tin Truyền Thông Việt Nam đủ để khiến bất kỳ người Việt nào đọc bài viết này cũng cảm thấy ngán ngẩm cho quốc thể, âu lo cho chủ quyền quốc gia!
Tại sao “Sứ quán Trung Quốc đòi khuyến cáo, nhắc nhở VietNamNet”? Ngày 16 tháng 6, chuyên trang Tuần Việt Nam của báo điện tử VietNamNet tổ chức một buổi tọa đàm, nhằm tìm giải pháp đối phó với hàng Trung Quốc chất lượng thấp, với sự tham gia của bà Phạm Chi Lan – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và ông Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm này, bà Phạm Chi Lan cho rằng, một trong những nguyên nhân giúp hàng Trung Quốc có giá bán rẻ là: Trung Quốc theo đuổi chính sách đã làm gì thì làm tới cùng. Có khi họ không quan tâm nhiều hoặc bất chấp những điều thuộc về đạo lý kinh doanh hay lương tâm kinh doanh: hàng xấu, hàng độc... Ngay cả đối với dân của họ, họ cũng không quan tâm, chẳng hạn trường hợp trẻ em Trung Quốc ngộ độc sữa... Cho nên đối với người tiêu dùng nước khác, dại dột mua hàng kém chất lượng và bị hại, họ càng không coi đó là vấn đề của mình.
Ông Nguyễn Minh Phong tán thành điều đó và góp thêm: Người hàng xóm của chúng ta đã ‘hy sinh’ 750 triệu nông dân nước họ để có giá thành lao động cực thấp, thậm chí với 1USD một ngày họ cũng làm quần quật, chưa kể chi phí của lao động trẻ em, lao động tù nhân. Và như mọi người đều biết, trong nhiều trường hợp, họ bỏ qua những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đấy là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của họ. Nếu chúng ta bám được vào ý này, chúng ta sẽ tạo được những điểm mạnh cho chúng ta.
Nếu đối chiếu những nhận định của bà Phạm Chi Lan và ông Nguyễn Minh Phong với các ý kiến phân tích, đánh giá của nhiều chuyên gia, cũng như báo chí trên thế giới về chính sách kinh tế và hàng hoá Trung Quốc, ai cũng có thể thấy những nhận định này không mới.
Vậy thì tại sao một nhân viên ngoại giao, chỉ giữ vai trò tham tán kinh tế - thương mại trong đại sứ quán của một quốc gia, lại dám hành xử như vậy trên lãnh thổ của một quốc gia khác?
Chưa kể trước yêu cầu như thế của một nhân viên ngoại giao nước ngoài, tại sao một viên chức cấp Vụ trưởng lại đi cám ơn và hứa "sẽ xem xét, báo cáo lại với các đồng chí có trách nhiệm”?
Thậm chí còn mời Đoàn quản lý báo chí của Trung Quốc sang thăm Việt Nam để trao đổi về chính sách quản lý báo chí bằng chi phí của Việt Nam?
Đến này, ông Bùi Thanh Hiếu - blogger Người Buôn Gió đã bị giam năm ngày. Cô Phạm Đoan Trang đã bị giam bốn ngày nhưng cơ quan an ninh Việt Nam chưa tiết lộ cả hai chỉ bị tạm giữ hành chính hay đã bị khởi tố và đang tạm giam vì tội gì. Thân nhân cũng như nơi họ làm việc chỉ cho biết họ mất tự do vì “xâm phạm an ninh quốc gia”.
Tường thuật thông tin, trình bày suy nghĩ không có lợi cho quan hệ Việt – Trung theo đúng “phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần bốn tốt” là đủ để bị coi như “xâm phạm an ninh quốc gia”?
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment