Suy nghĩ về bốc-xít Tây Nguyên
Bùi Tân Phong
Đăng ngày 29/05/2009 lúc 01:44:04 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3805
1
Bài này được trình bày trong hoàn cảnh sự phản đối chủ trương khai thác bốc xít (bauxite) ở tây Nguyên, của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cùng Chính phủ Việt Nam đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang được các trang mạng trong và ngoài nước trao đổi sổi nổi. Cuộc trao đổi đi đến cao trào qua hiện tượng đã có trao đổi viên nóng giọng “chụp mũ và phân tuyến” ta-địch (hán gian)... Qua các tranh biện của nhà nước và các giới trong xã hội gần đây, tôi bỗng “ngộ” ra vài điều về cái bản tính làm ăn của người Việt mình, bèn xin giãi bày ra đây.
2
Ăn bốc là kiểu ăn không đẹp. Hẳn không mấy ai quên lời trách mắng thân yêu của ông già bà cả cho những đứa trẻ nhỏ: Có chết đói chết khát đâu mà ăn bốc ăn bải vậy các con? Nhưng cái hình ảnh ăn bốc xót xa mà người viết luôn thấy chạnh lòng là khi nhớ đến đoạn văn của Nam Cao tả cái ánh mắt vụt ngước lên nhìn trộm rồi cụp nhanh xuống của nữ chủ gia quý phái, nơi ông làm gia sư; ánh mắt ấy tố cáo nữ chủ nhân giầu có này vốn là một phụ nữ nghèo khổ và nó là di tật của một thời đói khát phải bốc trộm gạo mà ăn sống. Đau xót lắm, đến trào nước mặt: Sự bất hạnh của kiếp người để lại di chứng không dễ gì xoá đi một sớm một chiều.
Vậy thì cái sự ăn bốc đáng xấu hổ kia và vụ bốc sít (bauxite) này có dây mơ dễ mái gì với nhau, ngoài cái khác là vị trí của bốc ở đây thì đứng đằng đuôi mà ở kia thì đứng lên đầu?
3
Sau khi đất nước thống nhất (1975), những người làm kỹ thuật chúng tôi đi từng đoàn vào Nam tiếp quản các cơ sở công nghiệp. Niềm vui đất nước có hoà bình và thống nhất đã cho tôi tình cảm thật náo nức. Cái bất ngờ của tôi khi tới Sài Gòn không phải sự tràn trề hàng hoá hay những văn phòng gắn điều hoà nhiệt độ cùng những thiếu nữ xinh đẹp đàng hoàng trong bộ áo dài lái cầu thang máy. Tôi như phải chững lại để suy nghĩ khi thấy Sài Gòn với những đường phố mang tên Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… những tượng đài đẹp như của Hưng Đạo Vương nơi bến Bạch Đằng, của Phạm Ngũ Lão với cánh tay nâng giữ chim ưng, những cuốn sách bàn về binh pháp của ông cha, những văn thơ của Tự Lực Văn Đoàn mới chỉ được nghe tên hay coi trích đoạn… Dẫu sao, sau một năm biệt phái, tôi vẫn trở ra Hà Nội với hy vọng được yên tĩnh làm những điều mong muốn. Những người quen ở lại phần nhiều sau đó trở nên giầu có do nhanh nhẹn và biết quan hệ, nhưng cũng không hiếm người được nêu tên cùng với tội danh này khác. Tất cả những điều này nay cũng đã là quá vãng, nhưng nhớ đến vẫn thấy thoáng vị buồn của cuộc sinh tồn.
Nhưng tại sao tôi trở ra Hà Nội?
4
Tôi trở lại Hà Nội mong được làm tiếp ước muốn và lời hứa: góp sức cho quê hương bớt nghèo, người thân bớt khổ. Ước muốn giản đơn đó bắt đầu từ lời nói của người cán bộ đứng tuổi căn dặn chúng tôi trước khi lên đường đi học xa: “Các em đi học để sau này xây dựng đất nước”… Cho nên có thể có nơi cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn, chúng tôi vẫn muốn bắt đầu từ, và cho, nơi mình đã sinh ra và nuôi mình lớn khôn.
Dầu vậy, cả một thế hệ thanh niên trôi đi mà rất nhiều người (nếu không nói là tất cả) đến nay vẫn chưa biết làm gì và làm thế nào để thực hiện ít nữa cũng một phần ước mơ nho nhỏ ấy. Tôi đã tham gia sản xuất, tôi đã tham gia nghiên cứu, cũng tham gia tổng động viên (chống bành trướng Đặng Tiểu Bình); mỗi con người chúng ta đều đã đổ mồ hôi (lao động), sôi nước mắt (suy nghĩ và tranh cãi), nhưng cả một tập thể dân tộc, cả một đội ngũ gọi là quốc gia hình như còn thiếu một cái gì cốt lõi: một triết lý, một phong cách sống luôn được bổ cứu, nâng cao. Đối với thế giới, VIỆT NAM vẫn là gã nhà quê luôn chịu phần thua thiệt. Vâng, Chúng ta là gã nhà quê mang nặng bản chất tiểu nông nhỏ mọn! Không chịu hiểu thế giới và cũng không biết tự hiểu mình. Một lý lẽ minh triết như vậy: “Con hơn cha là nhà có phúc” – Nói được đấy mà cũng không làm được; Một phương châm khôn ngoan: “Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau” – Mà nói trước quên sau; Một sự cảnh tỉnh thường trực: “Khôn nhà dại chợ” - Mà cứ như nói với người hàng xứ.
Tôi thất vọng nhận ra điều đó (tiểu nông, cạn nghĩ) khi nhìn câu khẩu hiệu chữ giấy đỏ dán trên nền vải xanh (khoảng các năm cuối những năm 1970): “Thực hiện nghị quyết của đảng uỷ đưa xí nghiệp tiến lên nền sản xuất lớn, chúng ta quyết tâm nâng số sản phẩm từ bốn-trăm-rưởi lên năm-trăm-ba!”. Anh cán bộ tổ chức người Thanh Hoá nói với chúng tôi: Các cậu cố gắng phấn đấu, chi bộ đang có hướng phát triển… Rồi đánh tư sản; rồi hợp tác hoá toàn miền Nam; rồi mấy bài báo Nhân Dân dài “đánh” Kim Ngọc, cấm chợ, ngăn sông… để rồi phải khoán mười, phải “đổi mới hay là chết”.
Hốt nhiên tôi nhớ đến lời người cán bộ quản giáo đã làm Hoà Thượng Thích Quảng Độ kinh hoàng: Chúng tôi xây dựng xã hội chủ nghĩa như đóng cái bàn này: làm thử mà hỏng thì phá đi làm cái khác…
Chúng tôi đã trở về HÀ NỘI theo lý thuyết: Chủ nghĩa cộng sản sẽ tạo ra năng suất lao động hơn hẳn nền sản xuất tư bản chủ nghĩa; Chúng tôi rời HÀ NỘI đi hợp tác lao động vì thực tế lãnh đạo điều hành tuỳ hứng, duy ý chí…
5
Vâng, chính là di sản của nền tiểu nông: cạn nghĩ và duy ý chí!
Chế độ hiện mong muốn ổn định và sợ “diễn biến hoà bình”; nghĩa là nó nhìn thấy rõ ràng nguy cơ mất ổn định; vậy nó đã đứng vững vì cái gì? Khi hợp tác hoá thất bại, dân đói, nhà nước có mười-sáu tấn vàng xài qua ngày kết hợp bán bãi bán thuyền. Khi người cày sống được do năm-phần-trăm đất, guồng máy chính chạy bằng thuế và dầu hút lên từ giếng Bạch Hổ. Khi vốn nước ngoài đổ vào, người lái bay lên bằng đầu tư đất chiếm… Cứ như gà mổ thóc: hạt to, hạt gần mổ trước; và quang quác nhảy dựng lên đuổi bạt những thứ nhỏ con hơn. Cái vụ luyện nhôm Tây Nguyên này cũng thế: lườm nguýt thậm thụt lâu rồi chứ đâu có mới? Và vì cái cung cách gà mổ thóc ấy, từ cái cung cách tiểu nông ấy trong đối nội nên cứ như gà mắc tóc trong chuyện biên cương hải đảo.
“Giầu thì con ở, đói thì con dỡ con ăn” - Chả nhẽ cơ nghiệp ông cha lại đến lúc tan nát thế này sao? Đã có kẻ leo lên nóc nhà rồi đấy! Cứ ăn bốc thì có ngày không có cái để bốc mà ăn; và ngày đó không xa!
6
Tôi không hẳn tán đồng nhưng cũng không phản đối ý kiến cho rằng công việc phản biện của 135 quý vị trí thức đối với ý đồ khai thác bốc sít Tây Nguyên mang tinh thần Hiến Chương 77. Quý vị trí thức này đã có hành động cao cả đúng với tư cách và thời điểm lịch sử. Xã hội VIỆT NAM đang bế tắc trong phát triển giống như triều đại nhà Nguyễn thời gian cuối: thủ cựu và theo đuôi Trung Quốc. Nó chứng tỏ sự thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh và chắc chắn dẫn đến tiêu vong. Tình hình bi đát đó làm cho những ai có chút ít tư duy trong sáng cũng cảm thấy phải tỏ rõ chính kiến. Một tấc đất biên cương, một con sóng lãnh hải không phải là to lớn; nhưng đi theo đó là niềm tin và danh dự là cái nếu không có, con người sẽ chẳng còn gì. Quý vị phản biện dẫn tích săm mình để bàn chuyện sống chung, sống lẫn với người Tàu. Xin trích lại một đoạn đã nói nhiều lần:
Ngột-lương-hợp-thai từ Vân-nam đem quân sang địa phận An-nam, đi đường sông Thao-giang tỉnh Hưng-hoá, xuống đánh Thăng Long.
...
Bấy giờ thế nguy, Thái-tông ngự thuyền đến hỏi Thái-uý là Trần Nhật Hiệu. Nhật Hiệu không nói gì cả, cầm sào viết xuống nước hai chữ nhập Tống. Thái-tông lại đi đến hỏi Thái-sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ nói rằng: Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin bệ hạ đừng lo! (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tập I, trang 127)
Cái “nhập Tống”, cái sống chung, sống lẫn với Tàu đã có nhiều lần trong lịch sử: Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Hoàng Văn Hoan… Ngay trong trích đoạn trên đây cũng thấy tư tưởng hàng và chống nằm trong tỷ lệ một-một, ở cấp thượng tầng. Nhưng tại sao người đứng đầu, cầm trịch (đức Trần Thái-tông), cuối cùng lại nghe theo Trần Thủ Độ? Ấy là vì người Tàu chưa bao giờ đối xử với dân Việt cho ra hồn. Đánh Nam bang xong, Mã Viện vơ vét vàng bạc mang về cùng ý dĩ. Giao hảo bao đời mà dân Nam vẫn phải cúng người vàng cho “thiên triều”… Nghe theo Trần Thủ Độ chính là theo cái lý (mà sau này văn hoá Mỹ rất tuyên dương): Nếu tin mình có lẽ phải, nếu thấy có đủ khả năng tồn tại thì hãy chứng tỏ bằng sức mạnh của mình! Kẻ không biết tự vệ, kẻ không dám tự sống là kẻ không đáng tồn tại!
Cha ông ta đã để lại non sông đẹp hơn trong mơ: Đất nước như một hàng không mẫu hạm vươn ngực đón sóng Thái Bình Dương. Truyền thuyết năm mươi con lên rừng, năm mươi con xuống biển là một lời nhắn gửi. Những Bạch Đằng giang, Rạch Gầm – Soài Mút chỉ là những bứt phá cần thiết của một khối năng lực và tài trí. Gồm trên tất cả tài lực đó là triết lý gói trong hai chữ: ĐỒNG BÀO. Vì tình đồng bào này mà chín mươi chín con voi không đuổi bỏ con voi tội lỗi ra khỏi đàn một trăm con!
Mong quý vị mang trọng trách biết đối thoại và phục thiện!
Bùi Tân Phong
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment