Friday, May 29, 2009

CHUYỆN KỂ MIỀN NAM SAU 30-4-1975 (4)

Hồi Ức: Chuyện kể … Miền Nam sau 30.4.1975 (4)

23.10.2007 Đề mục: Tác Giả

Mai Tiến Tiệm.

http://mangykien.net/blog/?p=2926

Những chặng đường thương khó

Chuyển ra Trại Quảng Ninh.-

Sự khổ nhục nào rồi cũng có ngày chấm dứt. Tối hôm ấy lúc nhiều anh đang ào ào xối nước tắm, bất chợt cai tù mở cửa vào ra lệnh :
-Tất cả sắp xếp đồ đạc ngay, chuẩn bị di chuyển !

Như những cái máy, chúng tôi vội vàng cuốn gói. Chỉ trong vòng chưa tới nửa giờ tất cả đều đã sẵn sàng. Cai tù vào hướng dẫn chúng tôi sang khu AB nhập bọn với đám nguời lố nhố đã mang túi đồ đạc đứng đó đông nghẹt. Lại một màn khám xét đồ đạc! Tất cả đều xếp hàng hai. Mọi thứ đựng trong túi đều phải moi ra bày ở sân dưới ánh sáng điện. CA lần lượt tới kiểm tra lục soát từng ly từng tý. Loại bỏ những gì “không cần thiết” như miếng sắt mỏng đai thùng để làm dao con,diêm quẹt, bút, giấy, sách vở, tự điển…và những vật dụng nặng như chai đựng nưóc mắm, hũ đựng chao, kể cả những vỏ hũ chao đã được cải biến thành điếu hút thuốc lào! Ngay cả giầy dép cũng chỉ được mang theo mỗi thứ một đôi. Tôi tiếc ngẩn ngơ khi phải để lại cái điếu hút thuốc lào mà tôi đả khổ công cải biến theo sự chỉ dẫn của anh bạn D. Không biết rồi đây tôi có kiếm ra vật liệu để làm cái điếu khác không ?

Cuộc kiểm tra đồ đạc đã xong. CA lần lượt tới khóa tay từng người vào còng số 8 và xích tay hai người vào một cặp. Tôi cũng không thoát khỏi cảnh này. Tới khoảng qúa nửa đêm chúng tôi bị lùa lên đoàn xe bịt bùng đậu sẵn nối đuôi nhau trước cổng. Mỗi xe có một người mặc quân phục mang súng AK đi kèm . Xe đi đầu có thêm CA Chấp Pháp hướng dẫn. Ðoàn xe khởi hành dưới ánh điện mờ ảo trong không khí vắng lặng giữa đêm khuya. Không một ai biết. “Ðoàn xe trong cõi hồng trần như bay!”.Vun vút chạy về hướng Sài gòn , qua ngã ba Cát Lái, sang qua cầu sông Sài gòn rồi rẽ trái xuống bến tàu Tân Cảng.

Tất cả xuống xe ngồi chờ. Tân Cảng Sài gòn vẫn im lìm trong ánh điện mờ nhạt giữa một vùng cô quạnh ven sông. Xa xa về hướng Hàng Xanh, những ánh điện to nhỏ hiện rõ trên nền trời đen xậm lấm tấm vài vì sao mờ ảo lúc đêm khuya. Quay mặt về phía bên trái thấy chiếc tàu cập sẵn , nhìn rõ chữ “HỒNG HÀ” nổi bật bên hông. Xa hơn có bóng vài chiếc tàu nhỏ đậu thả neo giữa dòng sông êm ả.

Ðến gần sáng, CA đến mở còng số 8 rồi ra hiệu cho chúng tôi lên tàu Hồng Hà. Tất cả trên một ngàn tù nhân bị nhốt xuống hai khoang hầm tàu. Hầm tàu không có cửa sổ, không có nơi đi tiêu đi tiểu. Tất cả kín mít tối hù, ngoại trừ một lỗ vuông thông lên boong tàu để bắc thang lên xuống, có ánh sáng chiếu xuống hầm. Trên boong tàu cạnh cầu thang lên xuống hầm, luôn luôn có CA mang súng canh gác . Ai muốn lên boong tàu để đi đại tiểu tiện đều phải được chấp thuận của anh CA gác cửa này. Dưới hầm tàu mọi người bắt đầu bàn tán xôn xao . Tất cả hầu như chỉ xoay quanh tìm câu trả lời cho câu hỏi “ Tàu sẽ đi đâu?” . Có người bảo có thể tàu ra Côn đảo. Kẻ thì bảo có thể ra Phú Quốc cũng không biết chừng. Cũng có người đoán tàu có thể ra Bắc. Rút cục vẫn không tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Ánh nắng mặt trời buổi sáng chiếu rọi xiên vào một bên thành cửa hầm. Con tàu từ từ rời bến chở theo bao nhiêu âu lo hồi hộp của trên 1000 con người đang từng phút ưu tư về số phận của mình. Nhiều anh bạn biết tôi là cựu Hải Quân, xúm lại hỏi tôi về phương hướng tàu đang đi, ra Côn Ðảo ? Ði Phú Quốc ? hay ra Bắc ? Tôi trả lời:

- Phải chờ tới lúc tàu ra khỏi cửa Cần Giờ - Vũng Tàu mới có thể xác định được.

Tới khoảng gần trưa, tàu ra tới cửa biển nhìn thấy Hải Ðăng Núi Nhỏ và đài quan sát Núi Lớn Vủng tàu , lòng tôi cảm thấy đau nhói khi hình dung hình ảnh vợ con tôi ở nhà đang âu sầu mòn mỏi trông chờ tin tức về tôi, trong khi tôi đang lênh đênh trên con tàu chạy ngang ven biển Vũng Tàu chỉ cách nhà tôi ở chưa tới hai cây số tính theo đường chim bay, mà gia đình tôi không biết gì !

- Ánh nắng mặt trời đổi hướng chiếu soi vào phía bên trái thành cửa hầm tàu, cho phép tôi xác định hướng con tàu đang chạy về phương Bắc. Nguồn tin sốt dẻo này được loan truyền nhanh chóng. Hầu hết mọi tù nhân dưới hầm tàu bỗng đổi sắc mặt, sầu phiền,lo âu, thất vọng !
Những xúc động ban đầu rồi cũng nhạt dần . Trước thực tế phũ phàng, tôi tự nhủ:

“Thôi đành nhắm mắt đưa chân,
Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu”

Sau ba ngày đêm, tàu cập bến phía bắc Hải Phòng, nơi xa dân cư, phố xá .Lúc ấy khoảng 8 giờ sáng. Hơn một ngàn tù nhân chúng tôi được chia thành nhiều nhóm để xếp hàng điểm danh theo danh sách sẵn có . Riêng nhóm tôi có khoảng gần ba trăm người sẽ đuợc di chuyển đến trại Quảng Ninh. Sau khi điểm danh rồi bị khóa từng cặp vào còng số 8 , chúng tôi bị dồn lên đoàn xe bịt bùng đã đậu sẵn gần đó . Ðoàn xe chạy về huớng bắc một lúc khá lâu thì tới một con sông lớn. Tất cả phải ngưng lại, xuống xe, để sang sông bằng phà máy. Phà này nhỏ hơn nhiều so với phà ở Mỹ Thuận, Cần Thơ. Tôi đoán chừng đây là sông Bạc Ðằng, Cửa Cấm thuộc địa hạt tỉnh Kiến An. Nhìn dòng sông mênh mông sóng nước, bất giác tôi nghĩ đến những chiến công lẫy lừng của các vị anh hùng xưa đã bao lần chiến thắng quân phuơng Bắc tại con sông lịch sử này. Tôi mường tượng thấy máu quân thù đỏ ngầu hòa trôi theo dòng nước lềnh bềnh nhũng xác quân thù! Tôi hình dung thấy hình bóng oai hùng của Ngô Vương Quyền, của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn , của Nguyễn Khoái đang tả xung hữu đột ác chiến với địch đâu đây. Tôi thấy như hiện ra cảnh đoàn chiến thuyền địch đang bị nước cuốn trôi xô vào những cọc sắt đắm chìm ngả nghiêng đẩy hàng vạn quân thù rơi chết chìm dưới nước với cảnh xác địch nổi lềnh bềnh trên mặt nước cuồn cuộn trôi ra biển! Bạch Ðằng Giang ơi! Ta kính cẩn cúi đầu chào mi! Mi sẽ oai hùng còn lại mãi mãi trong lịch sử với những chiến công hiển hách của các vị anh hùng của dân tộc Việt. Máu của biết bao chiến sĩ đã đổ ra trên dòng nước này để Dân nước Việt được sống còn, được Tự Do. Cớ sao ta bị nhà tan cửa nát, bị xiềng xích đầy đọa vô cớ như thế này ? Bao giờ mọi người dân nước Việt mới được hưởng Tự Do và Hạnh Phúc ?

Thời gian đoàn xe sang sông khá lâu. Mỗi chuyến phà chỉ chở được một xe tải và số người tương ứng. Chúng tôi vẫn phải đeo còng số 8 khi sang phà. Nhìn chiếc phà nặng nề chậm chạp rẽ làn sóng bạc trên dòng sông mênh mông bát ngát , tôi cảm thấy như đang bị hy sinh làm vật tế thần cho Hà Bá Diêm Vương! Nếu có chuyện chẳng lành xảy ra trên sông nước chắc chắn bọn tù chúng tôi không còn một mống nào sống sót! Sẽ thấy nổi bồng bềnh trên mặt sông từng cặp xác người bị xích vào nhau bởi còng số 8! Nhưng nhờ ơn Trời phù hộ, chúng tôi đều qua sông bình an. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm!

Ðoàn xe bít bùng tiếp tục cuộc hành trình im lặng tiến vế hướng Bắc, đến gần Thị Xã Cẩm Phả thì đổi hướng rẽ về phía tay trái theo con đường ngoằn nghoèo vượt qua những vùng đồi núi âm u . Thỉnh thoảng mới gặp đó đây một vài người gồng gánh, hoặc đeo gù sau lưng. Lâu lâu mới thây bóng một vài mái nhà bé nhỏ ẩn hiện dưới tàn cây chân núi.

Mãi đến chiều muộn hôm ấy chúng tôi mới tới nơi:Trại Giam Quảng Ninh . Ðây là một khu thung lũng bao bởi những đồi núi đất đá bên cạnh dòng suối chảy ngày đêm. Tọa lạc trên một vùng đất khá rộng , cò nhiều tòa nhà xây lợp ngói tây đã ngả mầu đỏ xậm. Mỗi nhà có tường xây bao quanh trên rào giây kẽm gai, một cổng ra vào riêng biệt, có lối đi thông ra cái sân rộng có cột cờ ở giữa . Theo lời một anh tù “tự giác” cho biết thì Trại này tọa lạc gần địa hạt tỉnh Bắc Thái (ở phía Tây bắc) và cũng không xa lắm tới địa hạt tỉnh Lạng Sơn (ở về phía Bắc) . Có lần tù “tự giác” đã thả trâu ăn cỏ tới Thành Nhà Mạc. Nghe nói khu trại giam này trước kia là một căn cứ quân sự thời Pháp thuộc, nơi đồn trú của lính biên phòng thời đó. Nay được chia thành hai khu: Khu giam thường phạm, và khu giam tù cải tạo từ miền Nam đưa ra. Khu dành cho thường phạm gần cổng chánh ra vào , có nhà bếp nấu cơm chung cho cả trại . Khu dành cho tù cải tạo từ miền Nam ra , gồm có nhà số 2,3,4,5,6,7,8. Ngoài hai khu này còn có một khu riêng để làm Trạm xá, Hội trường và văn phòng quản lý trại giam.

Ðoàn xe tới sân trại vào lúc chiều muộn, lập tức được phân chia thành từng nhóm dẫn về từng nhà đã định sẵn. Theo danh xưng quen thuộc của các cán binh miền Bắc thì mỗi nhà để giam được gọi là “BUỒNG”. Mỗi buồng có một buồng trưởng do Ban Giám đốc trại chỉ định . Tôi được phân phối về buồng 3 cùng với 59 anh em khác thuộc đủ mọi thành phần Quân Dân Cán Chính. Cũng có vài vị Sư và Linh Mục Tuyên Úy cũ bị giam chung với chúng tôi trong thời gian đầu . Chúng tôi được phân phát mỗi người một bộ quần áo tù màu xanh xám , có đóng số bằng sơn đen trước ngưc và sau lưng.

Thoạt mới vào đến sân buồng 3 , chúng tôi đã phải tập họp theo 10 hàng ngang để nghe cán bộ trại nói về kỷ luật của trại và ba hoa những điều mà chúng tôi đã nghe nhiều lần nhàm chán quen thuộc ở các trại trước đây. Nào là Ðảng sáng suốt, Ðảng khoan hồng, Mỹ Ngụy ác ôn, bóc lột, hà hiếp dân chúng, cách mạng thế này , cách mạng thế kia , cái gì cách mạng cũng hay cũng tốt cả v.v…Cuối cùng vẫn không quên kết thúc bằng điệp khúc”phải phấn đấu gìn giữ kỷ luật cho tốt để sớm trở về xum họp với gia đình” !

Ðứng ngoài sân nhìn vào trong, từng hàng thẳng tắp chăn (mền) màu đỏ chói đã gấp sẵn xếp ở đầu chỗ nằm trên giừơng, trông tựa như ở một quân trường! Hai bên sát tường , hai hàng giừơng tầng cách nhau một lối đi ở giữa. Giường làm bằng khung gỗ đóng liền nhau, chia khoảng cách đều chừng 2,50m cho 5 người. Sạp giường lát bằng những tấm gỗ mỏng xộc xệch, trên trải chiếu cá nhân đè mép lên nhau. Trung bình mỗi người được 0,50m chiều ngang đủ nằm chật khít . Phải rất dè chừng mới khỏi đụng người bên cạnh. Trên cao gần nóc nhà, hai bóng điện tròn treo cách quãng thắp sáng yếu ớt từ 19 giờ tới 21 giờ mỗi tối. Sau đó thắp sáng bằng một cái đèn dầu được cung cấp dầu mỗi tối do một anh tù “tự giác” mang tới sau khi cai tù đã khóa cửa buồng giam. Phía đầu trong cùng có hai cầu tiêu và chỗ đi tiểu có lỗ thông ra ngoài hứng vào thùng đặt sẵn để lấy phân mang đi mỗi buổi sáng.

Bữa ăn chiều đầu tiên khi mới tới, chúng tôi được đón tiếp bằng bữa ăn đặc biệt có cơm và hai món ăn bằng thịt trâu kho mặn và tô hầm xương trâu. Ðây là trâu của trại nuôi thường xuyên có khoảng trên hai chục con do tù “tự giác” chăn dắt. Kể ra cách thức trình diễn đầy vẻ tuyên truyền trong buổi đầu tiên tới trại cũng tạo được phần nào ấn tượng tích cực cho các tù nhân còn đang lạ nước lạ cái.

Hôm sau cán bộ trại đến nói về “Học Tập và Lao Ðộng”, nêu lên và đề cao khẩu hiệu “Lao Ðộng là Vinh Quang”. Ðến chiều thấy tù thường phạm đẩy xe chở đá hộc đến đổ thành từng đống ở giữa sân.

Từ đó mỗi buổi sáng chúng tôi có một giờ “học tập”nghe cán bộ ba hoa về “tội ác Mỹ Ngụy” và “chủ trương chính sách khoan hồng của Ðảng và Nhà nước”. Ðây là những đề tài thuộc loại “Biết rồi! Khổ lắm nói mãi!” mà chúng tôi đã từng được nghe chán tai nhiều lần tại Trung Tâm cải huấn Thủ Ðức. Xong giờ “học tập”, chúng tôi phải ra sân đập đá . Những thanh niên trai tráng thì dùng búa tạ bửa các tảng đá lớn ra thành những cục nhỏ cỡ bằng vụm tay. Những người nhiều tuổi hơn thì dùng búa đanh đập nát thêm ra thành những mảnh đá vụn. Chẳng mấy chốc đã gom lại thành đống đá vụn có thể dùng trộn xi măng xây cất.. Và cứ như thế , sau khoảng một tuần là có xe đến chở đi.

Có một hôm khi chúng tôi đang đập đá, một sĩ quan CA trực trại mon men đến xem và gợi chuyện. Anh ta thủng thỉnh nói:

“Các anh với chúng tôi không có hận thù gì. Các anh là những người trí thức của miền Nam, có tội là tội với Ðảng với Nhà Nước. Vì vậy chúng tôi sẽ để cho các anh tự quản. Các anh hãy cố gắng gìn giữ kỷ luật trại thì không có chuyện gì xảy ra cả.”

Tôi mừng thầm thấy anh sĩ quan CA này có vẻ biết điều, khác với phong cách trịch thượng khinh người của những anh CA khác. Tôi để ý quan sát thấy hình dáng anh không phải là hạng người hung ác. Anh ta có lẽ thuộc loại “sống lâu lên lão làng”, làm việc vì miếng cơm manh áo chứ không thuộc loại “gà nòi” lúc nào cũng chất chứa trong đầu óc sự hận thù, kỳ thị như những tên ác ôn khác. Thế ra trong hàng ngũ Công An cũng còn có người tốt , mặc dù rất hiếm hoi !

Quảng Ninh là nơi tổ than đá. Bao nhiêu mỏ than qúy giá đều quy tụ tại tỉnh này.Trại giam Quảng Ninh lại tiện đường chuyển vận đến Thị trấn Cẩm Phả, một nơi sản xuất than đá. Mỗi buồng được cung cấp dư thừa than vụn, than cám và đất bùn để nắm lại thành từng cục , phơi khô làm nhiên liệu để tự nấu nước sôi mỗi ngày. Nhà bếp của trại chỉ phải cung cấp cơm và món ăn nấu chín.

Những tù nhân nào gìa yếu bệnh tật không đủ sức lao động nặng nhọc thì được làm những việc nhẹ như: Lau quét nhà, nấu nước.

Ở Buồng 3 được vài ba tháng, tôi và một số anh em khác được đổi sang Buồng 2. Ðây là buồng lớn nhất, có khoảng 120 người. Công tác lao động cũng đổi sang hình thức khác.

Toàn khu cải tạo từ miền Nam ra được chia thành các đội lao động, mỗi đội khoảng 20-30 người tùy theo ngành nghề:
- Ðội Mộc, Ðội Rèn, Ðội Cưa xẻ, Ðội Khâu May, Ðội Rau xanh.
Ai thích hợp với đội nào thì xin ghi tên vào đội ấy.
Tôi được sắp xếp vào đội rau xanh.

Ðội chúng tôi khoảng 30 người, đi cuốc đất được vài tuần thì một buổi sáng kia sau khi tập họp điểm danh ở sân cờ, các đội khác đều đã khởi hành đi lao động, riêng đội chúng tôi được ở lại , rồi được hướng dẫn lên Hội Trường để ngồi viết bản khai lý lịch. Lại khai lý lịch! Mỗi lần nghe đến cụm từ này là sởn gai ốc nóng lạnh! Chẳng còn nhớ rõ đây là lần thứ mấy đã phải khai. Mỗi lần khai là phải moi óc nhớ lại những gì đã khai trước đây cho thật ăn khớp nhau, đúng với nhau về mọi chi tiết. Từ việc liên hệ ba đời họ nội họ ngoại, kể cả các ông cụ bà cụ đã quy tiên từ ngày nảo ngày nào cũng phải khai đầy đủ chi tiết ngày sanh tháng đẻ , nơi sinh, nơi làm ăn, nghề nghiệp , chức vụ; đến các dì, cậu , cô , chú , bác , các anh chị em bên vợ bên chồng cũng phải khai tỷ mỷ từng ly từng tý . Có ai biết và nhớ hết ngày sinh tháng đẻ của các cụ? Ai nhớ được hết ngày sinh tháng đẻ của các dì, cậu, cô, chú, bác? Ngay cả tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ của các anh chi em bên vợ bên chồng cũng chẳng mấy ai nhớ được hết , huống hồ là của các cụ kỵ, dì cậu, chú bác! Quan trọng hơn hết và đau đầu hơn hết là phải cố vắt óc nhớ lại những gì liên hệ tới bản thân như nghề nghiệp, chức vụ, cấp bực, nơi ở của mình và gia đình trong những mốc thời gian : Trước 1945, từ 1945 tới 1954, từ 1954 tới 30.4.1975 và sau đó. Phải kê khai tỷ mỷ cả những bạn bè thân thuộc, các cấp chỉ huy, người quen chung vốn làm ăn v.v…Tất cả hầu như phải kê khai rành rẽ từng ngày tháng năm đã ở đâu? làm gì? với ai? Cũng phaỉ kê cả những huy chương có được vì lý do nào? Ðược thăng cấp ngày tháng năm nào, đã ở những đơn vị nào?, phụ trách công tác gì? Ðã tham dự những chiến dịch nào? Ðã giết hại bao nhiêu bộ đội? nhân dân?v.v… Tóm lại phải khai thật tỷ mỷ không được bỏ sót một chi tiết nào trong mọi thời gian và không gian, như một cuốn phim đầy đủ về cuộc đời mình. Ai nhẹ dạ non gan tin vào lời xí gạt “kê khai thành khẩn sẽ được về sớm” sẽ phải cần tới thêm cả “ram” giấy để viết bổ túc! . Ai khai viết vắn tắt nhất cũng phải viết hết hai tờ giấy mẫu in khổ A3. Có những anh trong thời gian kê khai lý lịch đã qúa lo lắng đến nỗi không ăn ngủ được . Có anh bị ngất xỉu thì Công An chích thuốc cho hồi sinh tỉnh lại để tiếp tục viết lời khai. Trong khi ngồi viết lời khai được CA cung cấp thuốc lá và kẹo ngọt nhâm nhi kiểu nhà văn để ngồi nặn óc suy nghĩ mà khai và ngắm nhìn khói thuốc lan tỏa trong không khí! Thời gian khai báo lần này tuy lâu hơn những kỳ khai lần trước, lẽ dĩ nhiên tỷ mỷ và quan trọng hơn, nhưng ai viết dài nhất lâu nhất cũng chỉ khoảng một tuần lễ là hoàn tất. Có anh chỉ viết trong khoảng một ngày là đã xong. Có anh viết trong đôi ba ngày. Công An hạch sách, chê bai, dụ khị mãi cũng chỉ có thế! Cuối cùng CA đành chịu! Sau này những ai non gan nhẹ dạ đã khai báo lung tung với hy vọng “sẽ được về sớm” đều phải húng chịu hậu qủa ngược lại. Khi những người cương quyết chỉ khai vừa đủ thì đã được về, còn những kẻ làm tay sai ngoan ngoãn và kê khai lung tung cho bè bạn thì đều được “tin cẩn” kéo dài thời gian trong tù! Ðó là một bài học đau đớn cho những người nhẹ dạ tin theo lời dụ khị “khai báo thành khẩn”! Qua xong đợt khai báo này , chúng tôi ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm vì đã xong được đợt “tẩy não” mà mọi nguời rất sợ hãi lo lắng. Tưỏng rằng đến đó là xong, không còn gì phải khai báo nữa. Nào ngờ, khoảng ít tháng sau, lại tiếp tục đợt khai báo khác . Ðợt “tẩy não”sau này còn ghê gớm kinh khủng hơn đợt vừa qua. Nghe anh em thì thào : Có mấy anh bị ngất xỉu. Có anh viết đi viết lại mãi cả hai ba “ram” giấy mà vẫn chưa xong. Nhưng may mắn cho tôi, khi đợt khai báo này đang tiến hành , chưa đến lượt tôi thì tôi được trả tự do. Không rõ những anh em bị tù cải tạo lâu năm thì bị “tẩy não” đến bao nhiêu lần ?

Sau này mỗi khi ngẫm nghĩ lại thấy phương pháp “tẩy não” của Cộng sản kinh khủng thật ! Hiểm độc thật !

Chúng tôi được thông báo mỗi người được viết thư về thăm gia đình. Viết thư không đuợc nói “linh tinh”, không đuợc tiết lộ trại ở đâu, qùa tiếp tế không được qúa 5 kilô. Chỉ được gửi quần áo, đồ dùng, thực phẩm. Không được gửi những hàng cấm như: chất nổ, dao kéo, giấy bút, sách vở. Thư phải để ngỏ, trao cho quản giáo. Trại sẽ chuyển thư theo đường Bưu điện. Ðịa chỉ đề thư theo ám số . Ba tháng được gửi qùa một lần. Gia đình phải đem qùa đến nơi đặc trách việc gửi qùa cho tù nhân tại Sài gòn để kiếm soát. Ðịa chỉ đã được cho biết.

Tuy lệnh cấm như thế, nhưng chúng tôi vẫn tìm cách nói mánh để gia đình biết là hiện tôi bị giam ở ngoài Bắc, và giam chung với một vài anh em quen mà gia đình đã biết tên. Bởi vậy mỗi khi đến đợt gửi qùa tiếp tế, gia đình tôi và gia đình người anh em đều bàn bạc với nhau về việc mua qùa gửi cho chúng tôi.

Khoảng vài tháng sau, các tù nhân chúng tôi nhận được thư và qùa của gia đình . Dĩ nhiên thư nào cũng bị bóc ra kiểm duyệt trước khi tới tay chúng tôi. Còn túi qùa tiếp tế phải để nguyên niêm phong vác ra sân xếp hàng chờ cán bộ trại đến đích thân mở từng túi qùa để kiểm soát hạch hỏi từng món qùa. Ðến lượt túi qùa của tôi, anh cán bộ trại cầm những “món lạ” giơ lên hỏi:

- Cái gì đây?
- Bột ngọt. Tôi trả lời.
- Ðể làm gì ? CB hỏi.
- Ðể tra vào canh. Tôi trả lời.
- Mì chính mà nói bột ngọt ! Sao nhiều thế ? CB thắc mắc hỏi.
- Bịch này chưa tới nửa ký. Tôi trả lời.
! ! …….

- Cái gì đây? CB hỏi.
- Mỳ ăn liền. Tôi trả lời.
- Mỳ ăn liền là cái gì ? CB hỏi lại.
- Mỳ này chỉ đổ nước sôi vào đợi mấy phút sau là ăn được ngay. Tôi trả lời.
- Thế hả ? CB ngạc nhiên.
- Viso là cái gì đây ?
- Xà phòng bột Viso. Tôi trả lời.
- Xà phòng mà sao không đóng thành bánh (cục) ? CB vặn hỏi.
- Ở trong Nam thông dụng loại này, tiện và tốt hơn loại bánh. Tôi trả lời.

CB lục lọi mở nắp hộp lon đựng thịt chà bông rồi ghé mũi hít hít , hỏi:
- Cái gì mà nhiều thế này? CB hỏi.
- Thịt chà bông. Tôi trả lời.
- Ruốc mà nói thịt chà bông, sao nhiều thế ? CB thắc mắc hỏi.
- Cái này coi nhiều vậy chứ nó xốp nhẹ lắm, chừng nửa ký thôi, ăn được chừng một tháng là hết. Tôi trả lời.

Rồi CB lục lọi nắn từng gấu quần, ve áo, cạp quần, lấy que thọc vào từng tube kem đánh răng, gỡ banh ra từng tờ báo gói đồ, xem xét từng đường chỉ khâu may để cố tìm xem có “tin tức mật” nào giấu ở đó chăng ! Cuối cùng không tìm thấy gì, tôi mới được nhận qùa. Lúc ấy đồ đạc đã bị bới tung lộn xộn. Lại đến giờ phải đi làm lao động buổi chiều, không còn thì giờ soạn lại, tôi phải đem về nhà ăn tạm cất đi để kịp giờ ra điểm danh.

Trong nhà ăn có kê một số bàn dành cho từng 6 người đứng ăn. Không có một cái ghế nào. Phần ăn cũng đuợc chia theo nhóm 6 người. Chúng tôi lựa chọn người để làm quen và rủ nhau ăn cùng bàn để dễ trò chuyện.

Một hôm sau khi ăn xong , vô tình tôi nhìn thấy có những chữ viết nhăng nhít trên tường phía sau bàn tôi đứng ăn. Tôi đứng đọc thấy có những chữ ký “John” chữ ”Philip” nguệch ngoạc. Một anh nói:

- Có lẽ nơi đây đã giam tù binh Mỹ chăng ?
- Chưa chắc. Có thể ngày trước lính Lê Dương Pháp đóng tại đây ! Anh khác trả lời.

Sau khi chia thành từng đội lao động theo ngành nghề, một số đông lại phải chuyển đổi đến buồng khác. Mỗi buồng sẽ tập trung những người cùng “nghề“. Khi điểm danh tại sân cờ thì đội nào đứng xếp theo đội ấy, Ðội trưởng báo cáo nhân số xong thì được khởi hành theo quản giáo và 2 lính vũ trang đi kèm.

Ai đau ốm không đi làm lao động được , phải khai với đội trưởng và buồng trưởng ngay từ sáng sớm để báo cáo lúc điểm danh.

Nếu bệnh nặng bất kể là bệnh gì , trại sẽ tìm lá cây để bệnh nhân tự sắc nước uống mà chữa bệnh ! Một hôm có một anh sĩ quan CA trực trại bất thần vào sân thấy có một rổ đựng đầy các loại lá cây “thuốc” để xó xỉnh gần cổng vào mà chưa thấy tù nào đến lấy , anh ta như cảm thấy ngượng, lớn tiếng nói bô bô :

- “Bây giờ người ta đã lên cung trăng rồi mà còn chữa bệnh bằng lá cây ! “

Bọn tù chúng tôi nghe vậy chỉ mỉm cười. Vì trong thời kỳ này rất nhiều tù nhân bị sốt , bị nhức đầu, ói mửa, nhức mỏi, v.v…mà trạm xá của trại không cho một viên thuốc nào, dù là một viên aspirin cũng không, mà chỉ mỗi buổi sáng đem một rổ lá cây “thuốc” lấy trong rừng đem đến để ở sân gần cổng ra vào, ai muốn lấy bao nhiêu tùy thích, người ta bảo lấy đem về cho vào lon Guigoz sắc nước lên mà uống !! Dù có bị cảm thương hàn, áp huyết cao, kiết lỵ, tiêu chảy, đau gan … gì gì đi nữa cũng chỉ có rổ lá “thuốc” đó. Ai dám uống thì uống ! Tuy vậy, rổ lá cây ấy vẩn có người đến lấy, nhưng chẳng ai dám uống, chỉ sắc nước lên để xông cho ra mồ hôi! Họa may có đỡ nhức đầu chăng ! Có một thời gian bị dịch cúm lan tới, nhiều người bị sốt cao không đi lao động được. Ban Y tế trại phát cho mỗi buồng mấy củ tỏi tươi để gĩa ra pha nước, nhỏ mũi trừ cúm! Không có viên thuốc nào!

Ðội lao động của chúng tôi mang danh là “đội rau xanh “, nhưng công việc thực chất là chuyên cuốc đất và gánh phân để các tù thường phạm trồng cải bắp, rau muống, khoai mì, bí đỏ…tùy theo thời vụ.

Mỗi buổi sáng sớm nhìn từng đoàn từng lũ người tù ốm o vác cuốc lũ lượt kéo nhau ra triền núi còn mờ trong màn sương lam, băng qua suối, men theo các bờ rạch , leo lên sườn đồi …như diễn lại cảnh thời nông nô thuở nào, tôi cảm thấy xúc động và tủi hận trước sự chậm tiến của Dân mình! Nghĩ đến những khẩu hiệu “Ðộc lập-Tự Do-Hạnh phúc “, “Lao động là vinh quang” mà lòng thêm đau thắt chua xót!

Ðất rừng núi không như đất ở đồng bằng. Nó chỗ cao chỗ thấp. Chỗ ở sườn núi. Chỗ ở trên cao. Chỗ ở dưới trũng. Ðất lẫn đá cục. Nhiều khi cuốc nhằm hòn đá làm quăn lưỡi cuốc, buốt cánh tay, hoa mắt. Về muà nắng khi ra tới đồi phải cởi bỏ quần áo ngoài, chỉ còn mặc quần áo lót. Cuốc tới 9, 10 giờ sáng là mồ hôi chảy ra đầm đìa ướt đẫm nhỏ xuống đất như bị cơn mưa . Cởi áo lót ra vắt ráo mồ hôi , phơi trên cánh cây một lúc lại mặc vào. Gió núi vẫn rì rào thổi nhưng không ngăn được mồ hôi luôn toát ra khắp cơ thể. Sau mỗi giờ cuốc đất được nghỉ giải lao 15 phút. Lao động tới khoảng 11 giờ 30 thì nghỉ , thu xếp trở về trại ăn cơm trưa. Tới 14 giờ nghe kẻng tập họp lại đi làm buổi chiều tói 18 giò mới được về. Từ trại ra nơi làm lao động phải băng qua một con suối ngay gần cổng chánh. Người ta đã khuôn đá hộc lấp lên thành lối đi băng ngang. Mỗi khi qua suối chỉ phải bước trên những mỏm đá nhô lên, nếu mùa cạn thì không ướt dép. Mỗi khi hết giờ lao động trở về trại, quản giáo cho chúng tôi ùa xuống suối tắm trong 5 phút trước khi vào trại. Nước suối muôn đời vẫn lạnh buốt, chúng tôi để cả quần áo ướt đẫm mồ hôi ùa xuống, phút chốc hết nóng rồi mát rượi, ngưng chảy mồ hôi lập tức thế mà không hề bị cảm! Trong 5 phút ngắn ngủi, chúng tôi vội vàng kỳ cọ, dũa cho quần áo sạch mùi mồ hôi , dìm mình xuống nước được vài phút là hết giờ , phải lên bờ về trại.

Cứ liên tục lao động nặng nhọc mỗi ngày như thế , tôi vẫn không thấy áp huyết tăng cao. Có lẽ nhờ mồ hôi thoát ra nhiều nên áp huyết không tăng cao chăng? Tôi có đem theo một mớ lá hoa cổ cò (cũng gọi là cây kiến cò) trị áp huyết cao do vợ tôi gửi cho hồi còn ở Trung tâm cải huấn Thủ Ðức, tôi chưa phải dùng tới. Tôi tặng một anh bạn tù bên cạnh một mớ khi thấy anh bị áp huyết tăng cao làm đỏ bừng mặt mũi, anh đem sắc uống và khen rất hiệu nghiệm..

Từ ngày ra trại Quảng Ninh, mỗi tháng chúng tôi được một bữa ăn có thịt. Bữa ăn sang trọng ấy mỗi người được đúng hai miếng mỡ heo kho có dính chút ít thịt nạc, vuông cỡ con cờ tướng, với bát canh có vài cục xương và váng mỡ nổi lên. Hai miếng thịt heo qúy báu hiếm hoi này , chúng tôi dù thèm đến mấy cũng chỉ dám ăn một nửa miếng trong bữa cơm hôm ấy. Còn một miếng rưỡi nữa , tôi thái nhỏ ra, cho vào lon Guigoz , đổ thêm nước lã, cho thêm muối với một chút bột ngọt, ninh nhừ để dành thưởng thức dần . Mỗi bữa chỉ ăn một miếng thịt nhỏ và một hai muỗng nước ninh. Vì vậy tôi đã kéo dài sự xa xỉ ấy đến tuần sau mới hết ! Ôi miếng thịt heo trong trại cải tạo sao nó ngon nó qúy hóa thế ! Tôi nhớ lại tin tức trên báo chí nói về đời sống trong nhà tù của Thực dân Pháp ngày trước ở Sơn la hồi đầu thập niên 1940 sao thấy nó khác xa với nhà tù của “cách mạng”quá khiến lòng thêm tủi hận. Ở Sơn La, mỗi người tù được Thực dân Pháp cho ăn hai ký lô thịt trong một tháng, có Bác sĩ đến khám bệnh cho thuốc mỗi tuần hai lần. Người tù đưọc tự tổ chức sinh hoạt học tập chính trị, văn hoá. Còn ở các Trại cải tạo của “cách mạng” không ai đuợc phép có một cây bút viết, một tờ giấy cũng không được giữ. Phải nhịn đói buổi sáng đi làm lao động khổ sai hàng ngày mà mỗi người tù trong một tháng được đúng hai miếng thịt mỡ to bằng quân cờ tướng dính chút xíu nạc ! Còn trị bệnh thì đã có lá cây bứt trên rừng về mà không ai cho biết đó là thứ lá gì! Chao ôi! Tình đồng bào đối với nhau sao tồi tệ hơn cả Thực dân ?

Lúc đầu, Buồng 2 có một vài vị Linh mục Tuyên Úy Quân Ðội cũ giam chung. Mỗi tối thứ bảy, sau khi cán bộ trại khoá cửa phòng giam, những anh em Công Giáo được Cha giải tội thiêng liêng bằng những ám hiệu riêng. Một “liên lạc viên bí mật” đã đến cho mỗi tín hữu biết khi nào vị Linh Mục ra dấu hiệu nào đó (bí mật) và đi đi lại lại trong buồng thì đó là lúc ngài ban phép giải tội chung. Ai muốn xưng tội với Chúa thì xét mình ăn năn thống hối , dọn mình sẵn sàng để lãnh nhận phép giải tội thiêng liêng. Rồi sáng chủ nhật cũng một “liên lạc viên bí mật” đem bánh thánh đến hỏi từng tín hữu, ai chịu lễ thì nhận lấy, để khi vị linh mục làm lễ thiêng liêng thì hợp ý dâng lễ và chịu lễ. Ðược một thời gian thì các Linh Mục đều bị gom chung vào ở một buồng riêng. Từ đó không thấy bóng vị nào được ra ngoài !

Mỗi ngày đi ra đồi cuốc đất, chúng tôi luôn dòm ngó ven đường, ven suối, bờ rạch, chân núi…để tìm bứt lấy những loại rau dại có thể ăn được như: rau tàu bay, rau chân vịt, rau cần dại, rau xương cá, rau dệu…, hoặc nhặt những lá cải bắp xanh vương vãi, cắt những cục cây cải bắp còn trơ lại ở vườn. Cũng có lúc bẻ trộm bông hoa cải bắp (giống như hoa súp lơ)… bỏ vào bị đeo đem về rửa sạch chế biến luộc lên “cải thiện bữa ăn”. Có anh gặp gì lượm đó miễn sao nhét vào bao tử cho đỡ lé xẹp ! Một hôm về đến cổng trại, quản giáo khám xét túi đựng và quần áo, bắt được một anh nhét một con nhái sống vào cạp quần. Bị quản giáo xỉ vả, cả đội rau xanh sượng mặt, phải đem vấn đề đó ra kiểm thảo trong buổi họp Ðội hàng tuần! Thế mà sau này anh ấy vẫn không chừa tật bắt nhái đem về ăn !

Từ ngày bị bắt cưỡng bức đi tù cải tạo tới nay đã hơn hai năm, bỗng dưng một số tù nhân có bệnh nan y như :Suyễn, áp huyết cao, ho lao, đau gan, đau thận v.v… được gọi lên để Bác sĩ khám bệnh. Tôi cũng thuộc số những người bị bệnh này. Ðây là lần đầu tiên có Bác sĩ từ tỉnh đến khám bệnh cho tù nhân. Thông thường thì đã có hai tù nhân nguyên là Bác sĩ được “phụ tá” cho y tá của trại để chẩn bệnh nhưng không cho thuốc. Bởi thế, ai cũng khấp khởi mừng thầm phen này sẽ có được thuốc uống trị bệnh, nào ngờ khi khám bệnh xong thì ai ở đội lao động nào thì trở lại đội đó để tiếp tục công việc , không đả động gì tới thuốc men cả! Thì ra người ta khám bệnh để xác định xem những ai bị bệnh nan y để quyết định trả Tự Do sớm hay muộn mà thôi. Lời khẳng định trên hẳn không sai vì trong những đợt được trả Tự Do từ hồi gần đây tới nay tôi thấy đều có những người đã được gọi lên để Bác sĩ “tỉnh” khám bệnh kỳ độc nhất ấy.

Tôi ở buồng 2 được mấy tháng thì đổi sang buồng 5. Mỗi lẫn đổi buồng là một lần phải khám xét đồ đạc, phải mất mát…, phải vứt bỏ vật qúy ! Tôi chỉ tiếc phải vứt bỏ con dao con được chế tạo công phu bằng một miếng đai thùng mài sắc. Mà đai thùng đâu có dễ kiếm? Năm thì mười họa mới gặp ở dọc đường . Lại phải mài vào đá mấy ngày mới sắc. Cho nên chúng tôi thường phải giấu vào những chỗ khó tìm nhất. Chỉ khi nào đổi buồng mới phải chịu mất vật qúy này.

Tại buồng 5, tôi được nhập vào Ðội “Cuốc đất” trồng bí đỏ. Lúc đó gần cuối năm, là thời vụ bắt đầu trồng bí. Chúng tôi phải lên núi khai hoang, chặt, đốt, phá tre, trúc, lau sậy…để có chỗ cuốc đất trồng. Ðây là khu đồi lẫn đá rất khó cuốc. Không khí lạnh mùa Ðông trên núi khiến quản giáo và lính canh cũng phải co ro núp gío lạnh. Chúng tôi được dịp tìm chỗ khuất chụm ba hòn đá làm bếp nhóm lửa luộc khoai sắn ăn cho đỡ dạ. Lợi dụng giờ giải lao, tôi đi tìm cắt mấy ống trúc dài dùi lỗ làm ống sáo . Quanh đấy có nhiều cụm trúc rất đẹp có thể làm ống sáo. Có ngày tôi chọn cắt được bốn năm đoạn. Có ngày đôi ba đoạn. Ðem về vạch cữ sẵn ,chờ ngày chủ nhật nghỉ , đem xuống bếp than dùi làm ống sáo rất xinh! Một số anh bạn đến làm quen tỏ vẻ ưa thích như các anh ÐTN, anh NÐX được tặng mỗi anh một ống để thỉnh thoảng thổi giải khuây. Thế là từ đó, chiều chiều sau khi cơm nưóc xong , đó đây vang lên tiếng sáo đủ mọi điệu nhạc. Nhạc cách mạng. Nhạc vàng. Nhạc đạo! Mỗi chiều thứ bảy tôi thường thổi lên khúc nhạc lễ Misa “Angelis”với đoản khúc “Kyrie leison” quen thuộc để nhắc nhở ngày chủ nhật đã tới. Chỉ có anh em Công giáo biết. Quản giáo và lính canh không hiểu gì .

Tết đã gần tới. Ðội chúng tôi đã chặt cây phá rừng và cuốc đất trồng được hơn một trăm vùng bí đỏ. Những vùng bí trồng trước đã lớn bò dài ra được khoảng trên 1m. Có cây đã chớm nở hoa, thì phải tạm ngưng công tác này để đi thu hoạch khoai mì. Ðồi trồng khoai mì cách trại khá xa, phải lên xuống dốc thoai thoải. Không biết đội nào trồng từ bao giờ. Nay chúng tôi chỉ có việc lên thu hoạch đem về trại. Cả ngàn gốc khoai mì không còn mấy gốc nguyên vẹn. Hầu hết đã bị nhổ trộm lấy củ rồi vùi gốc cấy xuống. Chúng tôi cầm cây nhổ lên chỉ còn một vài củ nhỏ sót lại.. Thỉnh thoảng có cụm còn nguyên vẹn, nhiều củ lớn bằng cườm tay, xếp lại thành từng đống. Trong thời gian thu hoạch khoai mì, ngày nào quản giáo cũng lén cho chúng tôi luộc ăn tại chỗ. Chúng tôi chưa hiểu tại sao anh quản giáo qúa tốt với chúng tôi như vậy?Có thể anh thấy chúng tôi qúa đói nên thương tình chăng ? Hay là anh dùng cách này để giữ vững tinh thần chúng tôi trong khi nhiều bạn tù khác đang thi hành việc khai báo “tẩy não”đợt mới với biết bao hồi hộp lo lắng đêm ngày. Dù sao chúng tôi cùng cảm ơn tấm lòng tốt cuả anh, một qủan giáo như anh thật hiếm hoi! Buổi sáng khi đi lao động , quản giáo cho chúng tôi xách theo một cái thùng sắt tây (vỏ thùng đựng dầu cỡ 20 lít) để làm nồi luộc khoai mì. Ðội trưởng cắt cử hai người lo việc ra suối lấy nước đem về luộc. Khi nào chín thì gọi toàn đội xúm lạ ăn. Quản giáo bảo ăn hết tại chỗ không được đưa về trại. Chắc hẳn sợ lộ chuyện ? Hoan hô anh quản giáo giầu lòng nhân đạo thông cảm sự đói khổ triền miên của tù ! Thế mà có lần tôi thấy một anh sĩ quan CA mang cấp hiệu Trung Úy cùng với một đứa con nhỏ cỡ 7, 8 tuổi cầm rổ đến chỗ chúng tôi đang nhổ khoai mì, ngỏ lời xin anh quản giáo ít khoai mì đem về cho gia đình, nhưng bị từ chối. Anh Trung Úy năn nỉ mãi vẫn không được .

- Ðã cho hai lần rồi ! Quản giáo trả lời.
- Cho tôi lần này nữa thôi. Anh Trung Úy năn nỉ.
- Không được ! Quản giáo vẫn khước từ.
Bố con anh Trung Úy kia đành buồn bã ra về.

Chỉ còn mươi ngày nữa là Tết Nguyên đán (1978). Có một vài anh được tha về. Cả trại nôn nao và nuôi hy vọng !

Tết này trại dự định sẽ mổ hai con trâu và 10 con lợn để ăn Tết. Sẽ có gói bánh chưng. Có văn nghệ! Ðó là nguồn tin đáng tin cậy phát xuất từ nhà bếp. Ai nấy phấn khởi chờ đợi.

Tôi nhẩm tính cả trại có trên một ngàn người tù, cộng với nhân viên Ban Giám đốc, quản giáo, bảo vệ, Ban Y tế, văn phòng v.v…khoảng hơn trăm nữa thì số thịt trâu lợn giết cho bằng ấy người ăn trong ba ngày Tết cũng đâu có nhiều gì? Ấy là chưa nói tới còn bị xà xẻo đi nữa!

Càng cận Tết công tác lao động càng uể oải.Ai cũng nghĩ tới gia đình. Quản giáo cũng không thúc giục, để tù muốn làm gì thì làm miễn là đừng để cho ai nhìn thấy. Nơi chúng tôi phá rừng cuốc đất ở xa Trại nên tha hồ ngồi nói chuyện gẫu. Nhiều anh chụm bếp nấu nước pha trà uống, luộc khoai ăn, hoặc lang thang tìm nhổ rau rừng đem về ăn “cải thiện” !

Buổi lao động trưa 29 Tết , quản giáo cho về trại sớm hơn thường lệ để tắm rửa sửa soạn ăn Tết. Toàn trại được nghỉ từ chiều 29 đến hết ngày mùng 2 Tết. Mỗi buồng phải cử người đi gói bánh chưng, Hôm nay mỗi nguời đuợc phát gói thuốc lá thơm Ðiện Biên, một gói kẹo, mứt lạc, trà Phú Thọ và hai tấm bánh chưng lớn bằng bàn tay. Ðêm nay đượcnấu nước pha trà uống đón giao thừa. Có điện sáng cả đêm. Trước giờ Giao thừa, một toán sĩ quan đại diện ban Giám đốc trại đến từng buồng chúc Tết tù nhân. Chúng tôi thì thầm bàn tán về cách cư xử khác thường này của trại. Người người kết luận lạc quan sắp tới ngày về! Có ai biết đâu rằng tình hình giữa đàn anh Trung Quốc và Việt Nam XHCN đang căng thẳng rất có thể xảy ra những chuyện bất ngờ ! mà trại chúng tôi hiện ở lại không xa biên giới Việt –Trung là bao. Lỡ có chuyện gì đâu còn để trại tù này ở đây mãi được ? Quả nhiên chỉ chưa tới một năm sau thì “môi đã hở, răng đã lạnh” không thuốc chữa, người anh láng giềng phía bắc đã trở thành quân bành trướng Bắc kinh đem nhiều sư đoàn vượt biên giới mấy tỉnh phía bắc sang “dậy cho VN một bài học !!!”. Điều này giải thích đúng nhất tại sao cái Tết ấy bọn tù trại Quảng Ninh chúng tôi được đối xử đặc biệt khác thường !

Các bữa ăn từ chiều 29 tới hết ngày mùng 2 Tết được đặc biệt ăn cơm gạo trắng với số lượng tăng cường, có canh nấu cải bắp trắng hầm xương heo, có thịt trâu, có thịt heo kho, có món xào thịt heo nữa! Thoạt tiên ai cũng lấy làm khó hiểu tại sao đang lúc khó khăn này Trại có tiền để tổ chức ăn Tết lớn thế? Nhưng xét kỹ thấy hàng ngày cả ngàn tù nhân làm lao động tạo ra của cải không phải ít. Nào là xẻ gỗ, gò hàn, nào là khâu may quần áo, nào là đập đá, bắn đá, nào là trồng cấy các loại rau , bí, khoai mì . nào là nuôi mấy chục con trâu do tù chăn dắt, mấy chục con heo nuôi bằng đồ ăn của tù. Tất cả những thứ ấy do công sức người tù làm ra nhưng được hưởng rất ít. Ngay cả cải bắp tù trồng ra rất nhiều nhưng chưa bao giờ được ăn cải bắp trắng. Chỉ đuợc ăn những lá xanh nấu canh “Ðại Dưong” mà thôi ! Mỗi ngày Trại đem bán tạo tích lũy. Nay bỏ ra một phần nhỏ cho tù ăn Tết đâu có thấm tháp gì ? Chà ! Năm nay trong nhà tù ăn Tết thịnh soạn qúa! Không biết gia đình tôi năm nay có gì để ăn Tết ? Nghĩ đến gia đình, tôi càng thêm thương cảm ! Chưong trình ngày mùng một Tết có Văn Nghệ cây nhà lá vườn biểu diễn trên sân khấu gần cột cờ. Ðặc biệt là trong ngày mùng một Tết các tù nhân được tự do đến các buồng khác để thăm hỏi nhau, một việc chưa bao giờ có từ ngày tôi bị bắt tới giờ! Dịp này tôi được anh L đến hỏi thăm và chúc Tết. Anh người hiền lành thật thà. Chúng tôi ngồi uống trà, hút thuốc, ăn bánh mừng xuân. Qua câu chuyện trao đổi, anh cho biết anh mới bị bắt vài tháng nay vì liên quan tới Phong Trào Phục Quốc.

Cái Tết trong tù ở trại Quảng Ninh năm này thật râm ran khác thường, ngoài ý nghĩ của nhiều người , nhất là lại diễn ra trong giai đoại kinh tế cả nước đang xuống dốc thê thảm. Không biết người ta có hậu ý gì đây? So với cái Tết trước thật khác xa một trời một vực, nhưng :

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ !”

Ngày Tết chóng qua. Chúng tôi lại bắt tay vào công việc phá rừng cuốc đất trồng bí đỏ.

Lại có một số người được tha, trong số đó có anh K là anh em đôi con dì với tôi. Một tia hy vọng lóe sáng hơn bao giờ hết! Như thế là sẽ có ngày về! Nhiều người trong chúng tôi vui mừng thốt lên câu đó. Chiều muộn hôm ấy sau khi cơm nước xong, tôi hứng khởi đem sáo ra thổi những bản nhạc của Hải Linh và những bản nhạc hùng tráng mà tôi hằng ưa thích. Một ông bạn gìa cùng buồng nói với tôi :

- Anh sắp được về rồi !
- Tại sao anh biết ? Tôi hỏi.
- Tôi nghe tiếng sáo anh thổi tôi biết. Anh bạn trả lời và nói tiếp:
- Tiếng sáo anh vui vẻ phấn khới khác hẳn tiếng sáo của anh X buồn rầu. Anh X sẽ chưa được về đâu !

Anh bạn nói thế mà đúng ! Khoảng gần hai tháng sau, chiều hôm ấy sau khi đi lao động về, tắm rửa xong chưa kịp ăn cơm chiều, cán bộ trại mở cổng vào sân đứng gọi tên tôi và anh Nh.bảo thu xếp đồ đạc ngay .

Mọi người ầm lên :
- Tha rồi ! Tha rồi !

Tôi mừng thầm nhưng vẫn chưa chắc chắn, vội vàng xớt phần cơm vào lon Guigoz , lục lọi những vật dụng và đồ ăn mới nhận được của gia đình đem chia cho mấy anh bạn quen thân, chỉ giữ lại phòng hờ một ít nhét vào túi đựng . Thu xếp xong đứng chờ cán bộ tới.

Chúng tôi đuợc dẫn sang một buồng còn để trống gần đó . Ở đây đã có một số anh em ở các buồng khác cũng được tập trung về. Tôi đem cơm ra ăn cho đỡ đói nhưng không biết mùi vị vì qúa hồi hộp. Buồng này không có điện. Phải thắp ngọn nến để có ánh sáng làm việc..

Một cán bộ trại đến nói cho biết:
“Các anh được Ðảng khoan hồng cho trở về với gia đình. Ðồ đạc các anh chỉ được mang theo những thứ gọn nhẹ thật cần thiết. Hảy soạn lại đồ đạc, một lát nữa tôi sẽ trở lại kiểm tra”.

Lúc kiểm tra, chúng tôi bị loại bỏ rất nhiều đồ đạc. Quần áo ai có nhiều cũng chỉ được mang theo 2 bộ.Giầy dép chỉ một đôi. Những lon thịt chà bông, mắm xào thịt phải bỏ lại hết. Những sách vở, bút giấy phải triệt để vứt bỏ lại. Tôi tiếc ngẩn ngơ phải bỏ lại 8 ống sáo mà tôi đã khổ công tìm trúc và dùi cẩn thận, lựa chọn hợp âm từng bộ 4 chiếc một. Tôi năn nỉ mãi cũng chỉ được mang theo 4 chiếc. Tôi có viết tên vài người bạn dán vào lon Guigoz đựng thịt chà bông và lon mắm xào thịt, nhờ cán bộ trao dùm, không biết kết qủa ra sao!

Tối hôm ấy, chúng tôi phải lên văn phòng ký nhận đồng hồ đeo tay và tiền bạc ký gửi còn lại , đồng thời nhận bản Quyết định trả tự do. Về lại buồng ai nấy đều mừng rỡ trò truyện thâu đêm không ai ngủ được.

Sáng hôm sau ra sân cờ tập họp, nhóm chúng tôi đứng riêng. Cán bộ trực trại đọc bản Quyết định trả tự do cho chúng tôi trước khi cho các đội xuất hành đi lao động.

Khoảng nửa giờ sau chúng tôi được xe chở về Hà nội.

Chúng tôi đi theo con đường rừng gập ghềnh ra hướng Cẩm phả rồi rẽ tay phải. Tới Kiến An thì rẽ Quốc lộ 5 không thấy qua phà như hôm đến. Dọc đường số 5 , tôi thấy làng mạc đồng quê lác đác ẩn hiện năm ba bóng nhà xây thu mình trong thôn xóm dưới bóng mấy ngọn cau xanh rờn. Thỉnh thoảng mới thấy bóng tháp nhà thờ cô đơn vươn mình lên in hình trên nền trời xanh thẳm. Ðường số 5 là con đường giao thông chính từ Hải Phòng đi Hà nội, dài khoảng 100 km, thế mà lúc ấy xe cộ đi lại không nhiều. Trên đường về Hà Nội tôi chỉ gặp một số xe Molotova, năm ba chiếc xe tải, đặc biệt tôi chú ý đếm chỉ gặp 5,6 chiếc xe loại Vespa/Lambretta hai bánh chạy ngược chiều ra hướng Hải Phòng. Ðường số 5 nhiều chỗ còn lún xuống in dấu vết “cắt đường” hồi chiến tranh chống Pháp năm xưa. Ði qua tỉnh lỵ Hải Dương, khoảng trưa, hai bên đưòng phố nhiều nhà đóng cửa im lìm. Có lẽ chủ nhà còn đi lao động đâu đó chăng ? Không thấy kiến trúc nào mới. Thuần nhà cũ, đa số lem luốc mầu vôi bạc phếch. Không thấy cửa hàng hiệu nào mở cửa. Chẳng lẽ người ta không buôn bán gì hay sao?

Qua địa hạt tỉnh Hưng Yên, từng hàng cây nhãn xanh um tươi tốt rủ bóng hai bên đưòng …..

Tối hôm ấy xe chúng tôi tới Gia lâm, qua cầu sông Hồng sang Hà Nội . Vừa qua khỏi đầu cầu Long biên đã thấy la liệt những quán lề đường đông nghẹt xúm xít khách ăn uống, nguời đi lại nhộn nhịp dưới ánh điện sáng trưng. Xe đi lượn qua mấy đuờng phố, vòng qua bờ hồ, qua nhà ga Hàng cỏ, trở lại hướng về Hà Tây tới trại Thanh Liệt. Ði vòng qua nhiều nơi sáng rực đèn buổi tối, tôi chỉ thấy hầu hết là bóng đèn tròn. Chỉ thấy năm ba ống đèn Néon cỡ 1,20m gắn ở công ốc.

Về trại Thanh Liệt tỉnh Hà Tây, nhóm Trại Quảng Ninh chúng tôi gặp một số người nữa thuộc các Trại cải tạo khác như ở Lào Kay, ở Vĩnh Phú cũng đã tập trung về đây, trong số đó có ông Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục (BXB) và ông Thứ Trưởng Bộ Công Chánh (DKNh) . Thế là trong nhóm được tha kỳ này có hai viên chức cao cấp của Chính Phủ cũ. Chúng tôi được nghỉ để ăn “vỗ béo” một tuần lễ trước khi về miền Nam. Bữa ăn nào cũng có cá mè kho, cá mè nấu. Ðã lâu lắm tôi mới lại trông thấy thứ cá này. Ðây là thứ cá thường nuôi thả ở các ao hồ ngoài Bắc. Nuôi không cần thực phẩm. Mập và chóng lớn nhờ ăn những sinh vật thực vật ở dưới bùn dưới nưóc. Thịt ngon nhưng tanh và nhiều xương hom. Cơm ở đây nấu bằng bắp xay. Vì chưa quen, tôi ăn không hợp khẩu vị, lại lúc nào cũng chỉ mong cho chóng tới ngày về Sàigòn. Chẳng thiết ăn uống . Bữa nào cũng còn dư khá nhiều cơm, ngược hẳn với lúc ở trong trại cải tạo, lúc nào bụng cũng đói meo không có đủ cơm mà ăn ! Không có chương trình làm việc hàng ngày. Hễ ăn xong là tán gẫu, ôn lại những kỷ niệm ở trại cho nhau nghe. Một hôm có sĩ quan Bộ Nội Vụ đến nói chuyện . Trước sự hiện diện của mọi người, ông tuyên bố: ”Kể từ giờ phút này các anh có toàn quyền công dân. Nhưng về địa phương có thể còn bị làm khó dễ. Nếu anh nào gặp trường hợp đó thì thông báo ngay cho ổng biết để kịp thời can thiệp.” Rồi ổng đọc ám số địa chỉ Bộ Nội vụ cho chúng tôi ghi lấy để gửi đơn khiếu nại khi cần. Nhưng sau khi về nhà ở Vũng tàu tôi bị Công An địa phương hành hạ trăm đuờng nhưng tôi vẫn không muốn gửi đơn về Bộ Nội vụ khiếu nại , vì tôi nghĩ rằng sẽ chỉ là “đánh bùn sang ao” vô tích sự !

Còn hai ngày nữa là hết thời kỳ “Dưỡng sức vỗ béo”, chúng tôi đuợc chở ra Hà Nội tham quan nhà Bảo tàng cách mạng ở trường Viễn đông bác cổ cũ. Rồi xe chở vòng qua những đường phố chính cho chúng tôi ngồi trên xe tham quan. Xe chạy lên đường Cổ Ngư Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, về Ngọc Hà, Ba đình , nhà ga Hàng Cỏ, Hồ Hoàn Kiếm, chợ Ðồng Xuân, trở lại rạp hát thành phố, ghé cửa hàng ăn quốc doanh nghỉ chân, ăn trưa. Mỗi người được đãi miễn phí: Một ly sữa to, một tô miến gà, hai cái bánh croissant. Ðã mấy năm nay chưa được ăn miếng thịt gà nào. Nay ăn tô miến gà sao thấy nó ngon thế !

Ðến chiều xe chở chúng tôi trở về trại Thanh Liệt. Xe này thuộc loại microbus còn rất mới, do Liên xô chế tạo. Dọc đường ngồi trên xe, tôi ngẫm nghĩ về nghệ thuật tuyên truyền khôn khéo của CS. Họ biết chúng tôi là những người có đời sống trung lưu trong chế độ cũ gần gũi với nếp sống Tây phương, nên họ lẳng lặng cho ăn miễn phí một bữa ăn toàn thực phẩm cao cấp, lại cho đi xe mới của Liên xô chế tạo, nhằm gây một ấn tượng tốt về chủ nghĩa xã hội đối với con người, trong khi họ tịch thu nhà cửa, của cải, đất đai của mình đáng gía hàng ngàn hàng vạn lần ! Khôn thật! Ma quái thật !

Rồi thời kỳ dưỡng sức “vỗ béo” cũng chấm dứt. Chúng tôi được một nhân viên CA dẫn ra ga Hàng Cỏ Hà Nội , rồi cùng với chúng tôi lên xe lửa về tới Sài gòn. Tại đây mới chia tay ai về nhà nấy. Riêng tôi được ủy thác đi kèm một anh còn bị đau bịnh chưa khỏi đề phòng phải giúp đỡ dọc đường nếu cần. Xe đò về tới Bà Rịa là quê anh. Chúng tôi chia tay nhau. Tôi tiếp tục về nhà ở Vũng tàu trước sự ngạc nhiên vui mừng của vợ con và bà con lối xóm.

Thế là tôi đã được “khoan hồng” ! Ngồi ngẫm nghĩ lại cụm từ “Học tập cải tạo”, “Lao động cải tạo”, “Lao động là vinh quang”, cùng biết bao nhiêu khẩu hiệu khác … đều là nằm trong mưu mô sách lược lừa bịp qủy quái của Cộng sản. Nó khiến cho cả triệu người miền Nam từ quân nhân công chức, đến cả các trí thức, văn nghệ sĩ cũng đều bị mắc mưu. Ðến khi bừng tỉnh thì đã qúa muộn rồi! Khi có thông cáo đi học tập. Ai cũng tưởng rằng được đi “học tập” theo nghĩa thông thường. Có mấy ai hiếu được thực chất của nó ! Thông cáo nói “mang theo tiền đóng 15 ngày lương thực”. Ai cũng tưởng sẽ chỉ “học” 15 ngày rồi về. Ai ngờ rằng học mút mùa không biết ngày nào sẽ được tha ! Thông cáo nói chỉ có cựu Trung tá trở lên mới phải đi tập trung cải tạo, nhưng cựu Thiếu tá cũng bị bắt cưỡng bức đi tập trung cải tạo. Bao nhiêu lần trình bày khiếu oan cũng bị làm ngơ. Nhà cửa tài sản bị cưỡng đoạt vô cớ bất chấp pháp luật. Kêu oan khiếu nại cả ngàn lần cũng bằng thừa.

Bây giờ thì các cụm từ “Tiểu Tư Sản”, “Tư Bản bóc lột”, đều đã đổi chủ ! Người ta gọi nó là “Tư Bản Ðỏ” ! Thật mỉa mai ! Chán cho đời gian xảo !

Một thời gian khá lâu sau đó gia đình tôi được báo tin có giấy của Bộ Nội Vụ Hà Nội cho xuất cảnh theo địa chỉ cũ ở Vũng Tàu chứ không phải địa chỉ mới ở Hóc Môn mà tôi đã lập hồ sơ lần thứ 2 tại Sàigòn. Chúng tôi phải ra Vũng Tàu nhận giấy xuất cảnh , phải lập thủ tục xuất cảnh cả hai nơi : Vũng Tàu và Sàigòn. Không biết có ai gặp phải sự phiền toái rắc rối khi lập thủ tục xuất cảnh như tôi đã gặp chăng ? Dù sao tôi cũng nhận thấy rằng đơn khiếu nại mấy năm trước đây của tôi nay đã có kết qủa tuy qúa chậm chạp và phải chịu qúa nhiều phiền phức.

10- Như một giấc mơ .-

Có nhiều đêm trằn trọc không ngủ đuợc, tôi hồi tưởng lại những gì đã xảy ra trong qúa khứ. Ðặc biệt ở những mốc thời gian 1945 – 1954 – 1975 hằng in sâu trong tâm trí tôi…

Tôi đã phải long đong ngay tự khi bước chân vào đời vì tôi đã không nương theo thuận chiều trào dâng của làn sóng Ðỏ.

Cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã cho tôi thấy rõ thực chất cái gọi là « bầu cử dân chủ » của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa . Hồi ấy tại đơn vị bầu cử nơi quê tôi, họ bắt dân phải học thuộc lòng câu vè 14 chữ là tên của 14 ứng cử viên thuộc phe đảng họ. Ðại đa số dân bấy giờ còn mù chữ. Khi đi bầu người dân cứ việc đọc 14 tên của câu vè đã học để người ta viết giúp vào phiếu bầu . Thế là kết qủa cuộc « bầu cử dân chủ « đã đạt thắng lợi vẻ vang 100% !

Ðến năm 1947, nhờ được học tập, huấn luyện qua lớp đào tạo Thanh Niên CG dưới hình thức một trại Hướng Ðạo, tôi càng mở mắt thấy được chủ trương đường lối xảo trá hiểm độc của CS quốc tế và tại nước nhà.

Những năm tham gia kháng chiến chống Pháp 1947-48 tôi đã có dịp thấy rõ CSVN muốn loại bỏ những thành phần ưu tú khác ra ngoài lề để họ độc quyền kháng chiến, tôi đành phải bỏ cuộc để bảo toàn tính mạng.

Thời kỳ Tự vệ Bùi chu – Phát Diệm 1949-51 tôi đã thấy nhiều bằng cớ của CS tàn sát khủng bố dân lành vô tội.

Sau ngày ký hiệp định Genève 20.7.1954 phân đôi đất nước, gần một triệu người đủ các thành phần xã hội , Tôn Giáo ồ ạt di cư vào miền Nam thoát nạn CS , nhiều thủ đoạn thâm độc và hành động tàn ác của CS đã dần dần được mọi người biết đến như :

Vụ Chính quyền CS miền Bắc đàn áp tàn nhẫn đồng bào Công Giáo ở Quỳnh Lưu, ở Ba làng chỉ vì họ muốn di cư vào miền Nam như Hiệp Ðịnh Genève cho phép.

Bao nhiêu ngàn nông dân hiền lành chất phác bị tịch thu ruộng đất nhà cửa và bị đấu tố chết oan trong những chiến dịch Cải Cách Ruộng Ðất tiêu diệt Trí, Phú, Ðịa, Hào – đào tận gốc tróc tận rễ, theo lệnh của cố vấn Trung Cộng .

Rất nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà trí thức hàng đầu như Tiến sĩ Nguyễn mạnh Tường, cụ Phan Khôi, Trần Dần, Văn Cao, Nguyễn Tuân v.v… bị hãm hại khốn khổ trong vụ « Nhân văn Giai phẩm ».

Ngay cả đối với các Ðảng viên CS, họ cũng không tha. Họ dựng lên vụ án « xét lại chống Ðảng » , vu khống cho nhau những tội tày trời để thanh toán trừ khử nhau không chút nương tay . Các ông Ðặng kim Giang, Vũ đình Huỳnh v.v…,những đảng viên kỳ cựu có công khai sáng chế độ đã bị đàn áp và chết tức tưởi.

Trong lúc đó tôi vẫn hăng say miệt mài phục vụ trong quân chủng Hải quân VNCH. Từ khi tôi tốt nghiệp ưu hạng khóa Hạ sĩ quan chuyên nghiệp được đề cử đi du học bên nước Pháp (tại Toulon và Rennes), về nước làm huấn luyện viên và phiên dịch tài liệu huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện Hải quân Nha Trang, cho đến khi được chuyển ngành chuyên môn sang ngành Quản trị Nhân Viên , sang thụ huấn tại Liên trường võ khoa Thủ Đức, về lại Hải quân phục vụ tại Bộ Tư Lệnh HQ, rồi tại Bộ Tư Lệnh Hải Thuyền, cho tới khi làm Trưởng Phòng Nhân Viên Bộ Tư Lệnh Vùng 3 Sông Ngòi, rồi Vùng 3 Duyên Hải.. Tất cả thời gian phục vụ trong Hải quân là trên 21 năm mà sao nó đi qua mau lẹ thế ? Kỷ niệm để lại có rất nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ được những gì sâu sắc nhất.

Tôi nhớ lúc đó ở trong Nam, Học sinh trường Cai Lậy chẳng có tội tình gì mà Cộng sản cũng bắn phá làm cho nhiều trẻ thơ phải chết tan tành thân xác ! Thảm cảnh thật thương đau !

Tết Mậu Thân 1968, Cộng Sản Bắc việt lật lọng vi phạm thỏa thuận ngưng bắn, bất thần xua quân tấn chiếm Huế, tàn sát và chôn sống mấy ngàn đồng bào vô tội ở Huế. Sau khi Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm Huế, đã khai quật lên nhiều mồ chôn tập thể tại Khe Ðá Mài, Trường Gia Hội. Hình ảnh dã man ghê rợn này đã được phô bày lên báo chí mà mỗi khi nhớ đến tôi không cầm nổi sự bùi ngùi thương cảm.

Ðặc biệt sau ngày 30.4.1975 khi Cộng sản VN xé bỏ Hiệp Ðịnh Paris 27.01.1973 xua quân đánh chiếm miền Nam VN, áp đặt toàn dân phải sống dưới chế độ hà khắc XHCN , thì những mưu mô gian xảo, lừa bịp và những hành động đàn áp Tôn Giáo, chà đạp quyền con người, vu khống buộc tội người trí thức, bất chấp Luật pháp, Hiến Pháp…càng phô bày cho thế giới thấy rõ bộ mặt thật của Cộng Sản VN.

Ngay sau khi chiếm được miền Nam, Cộng sản đã nuốt lời hứa. Cuộc biểu tình của các giáo xứ Tân Sa Châu, Bùi Phát khi kéo tới đầu cầu đường Trương minh Giảng Sài gòn đã bị đàn áp dã man. Có người bị bắn chết.

Chính quyền Cộng sản công khai lừa dối :

Khi ra thông cáo mập mờ kêu gọi quân nhân công chức chế độ cũ trình diện đi «học tập » mang theo tiền ăn 15 ngày, nhưng cả mấy trăm ngàn người đã bị nhốt luôn trong các trại tù cải tạo lao động khổ sai không biết ngày về. Không đưa ra Tòa Án xét xử.

Bắt cưỡng bức gia chủ đi tù để chiếm đoạt tài sản !

Ðổi tiền để cướp của toàn dân !

Tìm cớ đuổi đi vùng kinh tế mới tại những nơi khỉ ho cò gáy .

Ðàn áp lũng đoạn các Tôn giáo. Tịch thu nhà thương, trường học, các cơ sở từ thiện, cơ sở thờ phuợng của các Tôn Giáo. Việt Nam Quốc tự, chùa Vĩnh nghiêm, Các Nhà Dòng Ða Minh, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Ðồng công … đã bị tịch thu với những lý do bịa đặt.

Chính sách gian dối nói một đàng làm một nẻo. Ngay bản thân tôi là cựu Thiếu Tá chế độ cũ. Theo thông cáo của Ủy Ban Quân Quản Sài gòn-Gia Ðịnh thì cựu Thiếu Tá không phải đi tập trung cải tạo, nhưng họ vẫn làm ngơ cho CA bắt cưỡng bức tôi đi tù cải tạo. Tôi đã trình bày khiếu nại rất nhiều lần nhưng vẫn không được ai cứu xét ! Ðã vậy, nhà cửa tôi còn bị chiếm đoạt nữa.

Sống dưới chế độ mới, người dân bị kiềm tỏa chặt chẽ bởi chính sách « Hộ Khẩu , tạm trú tạm vắng ».

Ðời sống bị hoàn toàn đảo lộn. Ðầy dẫy những bất công, áp bức, thù hận, cấm đoán , gò bó, đói nghèo. Nông dân chán nản không thiết cày cấy. Ngành Tiểu công nghệ, buôn bán bị đình trệ.Chỉ có nghề bán hàng chợ trời là đông đảo. Gia đình tôi cũng phải lần lượt đem bán những vật dụng trong nhà để có tiền mua gạo nuôi sống đàn con.

Vì dân qúa nghèo, có những bà mẹ không có tiền mua sữa cho con, phải đi xin nước cơm pha vài hột muối để cho con bú.

Hồi đó, nếu muốn được mua sữa cho con bú, các bà mẹ phải tới Bệnh viện Lê Lợi Vũng Tàu trình giấy chứng nhận của Khóm Phường, rồi nhân viên Y Tế đích thân vắt vú bà mẹ, nếu không thấy sữa chảy ra mới được mua một hộp sữa ! Nhiều bà mẹ cảm thấy mắc cỡ, bỏ về luôn !

Cả các Giáo sư Trung học cũng lâm vào cảnh thưong tâm. Các vị này không được chế độ mới cho tiếp tục dạy học nữa, phải lăn lộn mọi cách để kiếm sống. Nhiều vị Giáo sư đã phải ngồi vệ đường vá xe đạp, hoặc chạy xe ôm, hoặc bán bong bóng !

Bởi vậy, trước những thực tế đen tối phũ phàng trước mắt, tôi không thể chấp nhận cam chịu mãi một cuộc sống dối trá nghiệt ngã như thế.

Sau mấy năm kiện cáo tới Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, tôi được chấp thuận cho xuất cảnh sang định cư tại nước Cộng Hòa Liên Bang Ðức, một nước Tự Do Dân Chủ Tây phương, trong đó quyền con người, quyền công dân và luật pháp rất được tôn trọng, tôi đã sống trải qua thời gian có nhiều diễn biến thời cuộc khiến làm tan rã khối CS Ðông Âu, đặc biệt là trong thời kỳ sôi đọng làm sụp đổ bức tường ô nhục Berlin đem lại việc Thống Nhất nước Ðức. Nó khác xa vời và ngược hẳn lại việc Thống Nhất Việt Nam qua việc Bắc quân thôn tính miền Nam sau ngày 30.4.1975 mà tôi cũng đã sống trải qua. So sánh hai tình trạng tương phản này, tôi càng cảm thấy xót xa tủi hận cho Dân Nước Việt Nam, nhất là cho mấy chục triệu đồng bào miền Nam trong đó có tôi đã bị trăm cay ngàn đắng khi bị chính những người anh em cùng dòng máu Lạc Hồng đối xử nghiệt ngã tàn tệ hơn cả bọn Thực Dân Phát Xít, lại còn bị cướp đọat tài sản , tù đày. Không xót xa sao được khi tôi thấy sau thời gian miền Ðông Ðức sát nhập vào miền Tây Ðức để thành một nước Ðức Thống Nhất trong Tự Do và Dân Chủ, các cựu cán bộ CS , các cựu quân nhân công chức, Công an Cảnh sát thuộc chế độ CS Ðông Ðức cũ không ai phải tù tội , bị xỉ nhục hoặc bị tịch thu tài sản …về tội đã tham gia chế độ cũ . Ngược lại , những người này còn được hưởng lương hưu trí, hoặc thu nhận vào làm việc trong các cơ quan chính quyền, quân đội, cảnh sát của nước Ðức Thống Nhất. Chỉ có một số rất ít người (có thể đếm trên đầu ngón tay) bị đem ra Toà Án xét xử về tội hình sự vì có trách nhiệm chủ chốt trong việc bắn giết người dân trong lúc vượt bức tường Berlin để đào tị sang Tây Ðức tìm Tự Do . Ðã vậy, nhân dân miền Tây Ðức còn phải nhiều năm nai lưng đóng thêm thuế để góp vào qũy tái thiết Ðông Ðức mà số tiền mỗi năm lên tới 100 tỷ đồng Mark . Hiện nay việc này vẫn còn tiếp tục bất kể tình trạng kinh tế sa sút mấy năm nay.

Thấy người mà nghĩ đến ta, thật đau lòng !

Ðối với hoàn cảnh riêng của tôi, tôi thấy rằng : Sở dĩ tôi đã phải trả một gía qúa đắt bằng 3 năm khổ nhục trong các trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc (mà trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài viết này không đủ để diễn tả hết mọi chi tiết) và còn chịu nhiều năm bị hành hạ bởi Công An địa phương chỉ vì tôi đã quyết định sai lầm dựa theo sự suy nghĩ ngây thơ chất phác của mình. Tưởng rằng ai cũng hiền lành thẳng thắn như mình nghĩ. Không biết rằng người ta luôn luôn coi mình là kẻ thù cần phải tiêu diệt như họ đã từng tiêu diệt bao nhiêu nông dân hiền lành vô tội trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Ðất . Họ luôn chủ trương « lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện », không để ý gì tới sinh mạng tài sản của người khác, miễn sao họ đạt được mục đích tối hậu. Bởi vậy họ luôn áp dụng chính sách lừa dối, xảo trá, ác độc. Luôn chủ trương dùng bạo lực, trấn áp bất chấp pháp luật, triệt tiêu những giai cấp đối nghịch để họ độc tôn nắm quyền tự do sinh sát.

Nếu tôi nghe theo lời khuyến dụ chân tình của anh chị tôi, của người bà con tôi, của bạn bè tôi…mà đi di tản ra nước ngoài ngay dịp 30.4.1975 thì gia đình tôi chắc chắn đã không phải chịu nhiều gian truân khổ nhục cay đắng như đã xảy ra , và rất có thể gia đình tôi đã có một cuộc sống khác với hiện tại .

Nhưng tôi chỉ là một nạn nhân trong cả tỷ nạn nhân khốn khổ của chế độ CS mang danh Xã hội chủ nghĩa dối trá. Bây giờ thì Chủ nghĩa Xã hội ở Liên xô và ở các nước Ðông Âu đã tan rã, nhưng chế độ XHCN tại nưóc ta còn tồn tại được cho đến nay là nhờ hù dọa, dối trá, bạo lực.

Nhớ lại dĩ vãng, tôi hình dung lại những giai đoạn gian khổ của cuộc đời mà tôi đã phải trải qua từ ngày Cộng Sản VN cướp chính quyền tới nay, nhiều khi tôi không cầm lòng được vì xúc động , hối tiếc, tôi tự trách mình đã không hoàn thành bổn phận trong công cuộc bảo vệ Tự Do cho Đất Nước. Rồi ngày tháng trôi qua. Nhà tan nước mất. Tất cả tuồng đời chỉ diễn ra như một giấc mơ hãi hùng !

Nhưng cơ trời sắp tới thời kỳ thay đổi không thể đảo ngược, « bĩ cực ắt phải thái lai », xin hồn thiêng sông núi và anh linh các anh hùng liệt sĩ chứng giám cho tấm lòng chân thành của tôi , và độ trì cho Dân Tộc Việt Nam sớm giành được Tự Do Dân Chủ Hạnh Phúc .

T T. Kỳ Duyên
MAI TIẾN TIỆM

No comments: