Friday, May 22, 2009

CHUNG QUANH HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THỀM LỤC ĐỊA của VIỆT NAM

Chung quanh hồ sơ đăng ký thềm lục địa của VN
Tiến Hồng
Đăng ngày 21/05/2009 lúc 18:50:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3786
Ngày 6/5/2009, Việt Nam đã đăng ký chung thềm lục địa (200 hải lý) và thềm lục địa mở rộng (từ 200 hải lý đến tối đa 350 hải lý) khu vực phía nam Biển Đông. Mặc dù hồ sơ chung cam kết không có sự phản đối từ các quốc gia duyên hải kế cận nhưng ngay sau đó Trung Quốc đã ra công hàm phản đối gửi Tổng thư ký Liên hiệp quốc theo đó «Trung quốc có chủ quyền không thể chối cãi trên các đảo của Nam Hải (sic) và các vùng nước lân cận cũng như có chủ quyền và quyền tài phán đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển (seabed and subsoil) liên hệ» (bản đồ đính kèm)». Trung Quốc tố cáo hồ sơ chung «vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại Nam hải» và yêu cầu Liên hiệp Quốc không đăng ký hồ sơ chung. Đây là một luận điệu nganh ngạnh và đi ngược quy chế biển UNCLOS 1982 (mà Trung Quốc đã phê chuẩn) đặc biệt là về đường ranh chữ U 9 vạch (thường được gọi là «lưỡi bò»).

Từ bản đồ hình lưỡi bò…
http://i159.photobucket.com/albums/t139/HaMi-75/HS-TS2.gif
… đến bản đồ hình ngọn đuốc
http://i159.photobucket.com/albums/t139/HaMi-75/TH2.gif

Ngày 7/5/2009, Việt nam đã đệ trình hồ sơ riêng về thềm lục địa thuộc khu vực bắc Biển Đông (tức Nam hải theo cách gọi của Trung Quốc). Lần này Trung Quốc chỉ đưa ra phản đối miệng qua đại diện bộ Ngoại giao Mã Triều Húc theo đó « hồ sơ của Việt Nam xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc, bất hợp pháp và không có giá trị ». Mặc dù cùng một lời lẽ nhưng sự khác biệt giữa hai hình thức phản đối (công hàm và phản đối miệng) là rất quan trọng trong việc cứu xét hồ sơ đăng ký. Đặc biệt nó sẽ giải thích sự khác biệt về văn từ trong hai bản đăng ký chung và riêng cùng những hệ quả của nó (sẽ phân tích sau).

Đối với các phản kháng của Trung Quốc đại diện Việt Nam đã gửi công hàm cho ông Tổng thư ký Liên hiệp Quốc xác định chủ quyền Hoàng sa và Trường sa. Ông phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Dũng cũng tố cáo « Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có sơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn ». Một sự phản kháng đúng mức.

Cho đến ngày 13/5/2009 có hơn 50 hồ sơ đăng ký trong đó theo đại diện Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) khoảng 45 hồ sơ có khả năng được đăng ký trong phiên họp kéo dài từ 10/8 đến 11/9/2009. Theo quy định sự phản kháng của một quốc gia làm cho hồ sơ không đăng ký được. Tuy nhiên, nếu Ủy ban CLCS đồng ý phân tích tính chất hợp pháp hay không (theo UNCLOS) của phản kháng thì vẫn còn hy vọng hồ sơ chung và nhất là hồ sơ riêng của Việt Nam sẽ không bị lọt sổ dù Ủy ban CLCS không đưa ra phán quyết trong các tranh chấp có liên quan đến phản đối của Trung Quốc. Cũng nên biết là Trung Quốc không thể đăng ký riêng về thềm lục địa mở rộng tại Nam hảỉ và đây là một điểm thuận lợi cho các quốc gia có tranh chấp như Việt Nam và minh chứng các lập luận phản đối là giả tạo. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đệ nạp hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng trong vùng biển Đông hải trong phần ranh giới có tranh chấp với với Nhật Bản và phản đối hồ sơ đăng ký của Nhật Bản.«KHÔNG CÓ TRANH CHẤP» THỀM LỤC ĐỊA. HỆ QUẢ CỦA MỘT NHƯỢNG BỘ

Trong hồ sơ Việt Nam nộp hồ sơ chung với Mã Lai liên quan đến phía nam Biển Đông, hai nước thừa nhận « có những tranh chấp chưa giải quyết ở những vùng xác định trong bản đăng ký chung ». Tuy nhiên trong hồ sơ Việt Nam nộp riêng liên quan đến phía bắc Biển Đông, sau phần dẫn nhập xác định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, nơi phần 4 « Không có tranh chấp » có ghi nhận «Chiếu theo Phần 2 (a) của Phụ đính I về Quy Định về Thủ Tục, Việt Nam thông báo cho Uỷ Ban biết rằng, hiện nay có một ý thức chung, tại vùng thềm lục địa là chủ đề của hồ sơ này, có những chồng chéo về quyền lợi của các quốc gia duyên hải kế cận. Tuy nhiên, căn cứ theo các điều khoản của Luật Biển 1982, quốc gia Việt Nam cho rằng không có tranh chấp hay chồng chéo quyền lợi (overlap) nào liên quan đến khu vực thềm lục địa mở rộng, chủ đề của hồ sơ này ».

Căn cứ vào văn từ của bản đăng ký này, chắc chắn là đã có sự thoả thuận chung giữa Việt Nam và Trung Quốc về khu vực thềm lục địa phía bắc biển Đông. Thoả thuận chung ấy như thế nào, có thiệt hại gì đến quyền lợi chính đáng của Việt Nam hay không ?

Trong bài viết «Hồ sơ thềm lục địa Việt Nam», tác giả Trương Nhân Tuấn, một chuyên gia về vấn đề biển Đông đã có nhận định sơ khởi sau về hồ sơ của Việt Nam liên quan đến phía bắc biển Đông:

« -Hồ sơ khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam.
- Tuy nhiên, các đảo thuộc quần đảo HS thì không thấy nhắc nhở đến trong việc xác định đường giới hạn hải phận giữa VN và TQ.»

Luật sư Nguyễn Hữu Thống, thay mặt Ủy ban luật gia bảo vệ dân quyền, trong bài viết « Việt Nam đầu hàng đại Hán ? »(1) cũng đưa ra nhận định trên với những chi tiết kỹ thuật. Đây là một vấn đề có liên quan đến đường cơ bản, đường biên giới phía bắc của thềm lục địa và thềm lục địa mở rộng. Để làm sáng tỏ hai luận điểm trên, chúng ta phải nhìn rõ bản đồ thềm lục địa theo Tuyên bố của Việt Nam ngày 22/11/1982 (Tuyên bố 82):

Tất cả thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông, bên ngoài phạm vi 200 HL từ ven biển, có thể nằm trong tình trạng tranh chấp
http://i159.photobucket.com/albums/t139/HaMi-75/TH.jpg

Đối chiếu với Sơ đồ 1 mà Việt Nam đệ trình trong hồ sơ đăng ký riêng (2).

Chúng ta thấy mặc dù theo hồ sơ Việt Nam «Đường biên giới phía bắc là đường cách đều (trung tuyến) giữa các đường cơ bản của VN và Trung Quốc», vị trí biên giới bắc thềm lục địa pháp lý 200 hải lý không khởi điểm ở ngang tầm vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) như Tuyên bố 82 mà đã dịch chuyển xuống phia nam ngang tầm vĩ tuyến 16, (Đà Nẵng). Đường chéo phía trên của đường biên thềm lục địa đã biến mất. Hậu quả là 12 đảo của Hoàng Sa, vĩ tuyến 16, 17 (trên tổng số 13 đảo) không còn nằm trong thềm lục địa của Việt Nam. Nếu xét đến biên giới bắc thềm lục địa mở rộng ngang tầm vĩ tuyến 15.6 (Quảng Ngãi) thì toàn bộ 13 đảo Hoàng Sa sẽ vuột khỏi thềm lục địa mở rộng của Việt Nam.

Đây là một nhượng bộ nghiêm trọng của Việt Nam với rất nhiều hệ lụy:

1. Làm yếu đi lập trường về chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa. Thực vậy, mặc dù chủ quyền của một quần đảo không nhất thiết phụ thuộc vào vùng biển đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biên hay quốc gia quần đảo, nhưng đây chính là một yếu tố quan trọng. Phi Luật Tân sở dĩ tranh chấp chủ quyền về Trường Sa là dựa trên quan điểm vùng đặc quyền kinh tế này. Việc tự ý từ khước chủ quyền vùng thềm lục địa có quần đảo Hoàng Sa làm cho lập trường chủ quyền chính đáng của Việt Nam tại Hoàng Sa trở nên khó khăn hơn.

2. Để cho Trung Quốc toàn quyền thao túng vùng biển thềm lục địa Việt Nam khu vực cửa vịnh Bắc bộ. Ngày 2/12/2009 ông thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng tuyên bố (3): «Tôi tin rằng một thời gian không xa, hai bên sẽ giải quyết được vấn đề cửa Vịnh». Khu vực cửa Vịnh nêu ở đây là từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Đà Nẵng. Tại sao lại coi đây là vùng tranh chấp trong khi tuyên bố 82 đã vạch rõ đường cơ bản và thềm lục địa theo UNCLOS trong vùng đó. Cửa Vịnh không phải là Vịnh và không thể có một quy chế phân định riêng. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ phải trả lời trước nhân dân vì sao lại nhượng bộ Trung Quốc tại một vùng không thể coi là có tranh chấp. Hậu quả cụ thể là phản ứng lúng túng của Việt Nam khi Tập đoàn dầu khí Trung Quốc công bố Dự án 29 tỷ MK thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng cửa Vịnh thuộc chủ quyền của Việt Nam. Rồi mới đây (4) Trung Quốc lại đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá tại một số vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2009.

Hiểu rõ những điểm nêu trên, chúng ta mới giải thích được những điểm thắc mắc đã được nêu trong phần đầu của bài viết. Và thấy rõ những phản kháng qua lại chỉ là hoả mù cho một nhượng bộ muốn che giấu của Việt Nam. PHẢI VẠCH TRẦN ĐƯỜNG RANH GIỚI CHỮ U 9 VẠCH CỦA TRUNG QUỐC

Kèm theo lờ lẽ phản đối hồ sơ chung của Việt Nam và Mã Lai (Trung Quốc có chủ quyền trên các đảo, vùng nước và đáy biển, lòng đất dưới đáy biển liên hệ, Trung Quốc đã đính kèm một bản đồ (5). Nhìn vào bản đồ có hình chữ U với 9 vạch đứt quãng (ranh giới lưỡi bò theo cách gọi của Việt Nam), « các đảo » chỉ là tên 4 quần đảo với diện tích không đáng kể : Tây Sa (Xisha), Nam Sạ (Nansha), Đông Sa (Dongsha) và Zhonsha. Trong khi Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và Phi, các vùng lãnh hải và thềm lục địa (chưa chắc đã đủ điều kiện theo UNCLOS) cho dù tính cả 4 quần đảo cũng khoảng hơn 100 ngàn cây số vuông trên tổng số 3 triệu cây số vuông của biển Đông. Tính chung, chỉ với 2 tới 4 quần đảo, Trung Quốc tự cho mình làm chủ 75-80% biển Đông.Trung Một lập luận như thế là bất chấp các điều khoản của UNCLOS mà Ủy Ban Ranh giới thềm lục địa sẽ dựa vào để cứu xét các hồ sơ. Một điểm ký quái khác trong đường chữ U là được tạo bởi 9 vạch đứt quãng với những lỗ hổng mà không ai có thể hiểu được ý nghĩa. Mặc dù đường lưỡi bò đã xuất hiện từ 1947 (với 11 vạch) và đến 1996 Quốc hội Trung Quốc đã thông qua với 9 vạch (bỏ đi 2 vạch huộc vịnh Bắc bộ). Điểm khởi đầu của đường lưỡi bò là thuộc quần đảo Hoàng Sa, trùng hợp với điểm khởi đầu của đường ranh thềm lục địa của Việt Nam. Chính điểm trùng hợp này cho thấy sự nhượng bộ của Việt Nam như đã phân tích ở trên.

Điểm cần lưu ý là Trung Quốc không nói tới lập luận giải thích thông thường là đường lưỡi bò này thuộc về « vùng nước lịch sử » (5), một ý niệm không có ghi trong UNCLOS.

Từ 1949 đến nay, TQ cho vẽ lại đường ranh lãnh hải trùm xuống trọn Biển Đông
http://i122.photobucket.com/albums/o256/thongluan/HoangSa4.jpg

Luật sư Lê Minh Phiếu thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Đông đã tóm tắt lập trường phi pháp của Trung Quốc (6) như sau: «Nói cách khác, họ lý giải cho cái mà họ gọi là chủ quyền, quyền chủ quyền chính là sự chiếm đóng và tuyên truyền mà họ đã tiến hành hàng chục năm qua. Theo luật quốc tế, việc chiếm đóng và tuyên truyền dối trá không được thừa nhận chủ quyền». Việc Việt Nam cùng Mã Lai đệ nạp hồ sơ chung có ý nghĩa tích cực là lôi kéo các nước trong ASEAN chống đối tích cực về đường lưỡi bò của Trung Quốc dù hồ sơ đăng ký không được chấp thuận. Việt Nam phải tiếp tục lên tiếng trước công luận thế giới và tranh thủ cho lập trường này.

Cho đến nay, đường lưỡi bò đã được Trung Quốc vận dụng để khiến các công ty Exxon Mobil và BP phải rút ra khỏi các dự án khai thác dầu khí vùng Tư Chính, Vũng Mây-Nam Côn Sơn thuộc thềm lục địa Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đường lưỡi bò thực ra có ý nghĩa quyết định trong chiến lược biển Đông của Trung Quốc trên hai lãnh vực năng lượng và quốc phòng như tất cả các nghiên cứu đã cho thấy. Trung Quốc hiện muốn khơi dậy tinh thần quốc gia quá khích để thực hiện chiến lược này và che dấu những khó khăn đối nội. Tờ Trung Quốc Thanh Niên (7) đã đề cập đến đường chữ U với tên gọi mới «Bản đồ ngọn đuốc» dù một dư luận trong nước đã cho thấy tính cách khôi hài trong đòi hỏi này. Để đối phó với âm mưu trên, phải có một nỗ lực tổng hợp về pháp lý, đối ngoại và đối nội. Về pháp lý, Việt Nam nên ủng hộ đề nghị của Phi Luật Tân đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc và tranh thủ ý kiến tư vấn (avis consultatif) của Toà án công lý quốc tế. Về đối ngoại, ngoài việc khéo léo lôi kéo các nước ASEAN vào cuộc, phải từng bước tiến tới đưa Hoa Kỳ vào tư thế đối trọng như đã khởi sự trước đây qua chuyến đi của ông Dũng qua Mỹ. Về đối nội, việc cộng sản Việt Nam thoả thuận với Nga để mua 6 tàu ngầm loại kilo trị giá 1,8 tỷ USD và 12 chiến đấu cơ SU-30MK2 (8) trị giá trên 500 triệu USD là dấu hiệu tích cực trong nỗ lực củng cố quốc phòng dù sức mạnh đó chưa đáng kể so với Trung Quốc.

Nhưng để đối phó hữu hiệu với Trung Quốc và làm cho Trung Quốc e ngại hơn cả chính là nội lực phát xuất từ sự đồng thuận. Giới lãnh đạo cộng sản hiện nay quá e sợ và lệ thuộc vào sự giựt dây của Trung Quốc vì Trung Quốc đã nắm được «tẩy» của họ. Giới lãnh đạo đó chỉ tìm cách duy trì quyền lãnh đạo độc tài, tham nhũng dù hơn 90% đảng viên đã chán chường và không còn tha thiết với sự tồn vong của đảng. Giới lãnh đạo đó sẽ chỉ hiểu được ý nghĩa của sự đồng thuận cho đến khi nào có sự kết hợp của các thành phần đấu tranh trong một mục tiêu và phương thức đúng đắn để thay thế chế độ hiện hữu.

Rennes 21/5/2009
Tiến Hồng
© Thông Luận 2009
---------------------------------


(1) Ls. Nguyễn Hữu Thống,
“Việt Nam đầu hàng Đại Hán?”, Thông Luận, ngày 17/05/2009.
(2) Xem trong Tài liệu Đệ trình của VN:
“Đệ trình của Việt Nam gửi lên UBQHTLĐMR: khu vực Bắc Biển Đông”, Thông Luận, ngày 09/05/2009.
(3) «Không thể chấp nhận thăm dò dầu khí trên vùng biển Việt Nam». Vietnamnet, 2/12/2008.
(4) «Trung Quốc cấm Việt Nam đánh cá trong lãnh hải của Việt Nam ?», RFA. 19/5/2009.
(5) Peter Kien Hong Yu,
«Đường chữ U (đứt khúc) của Trung Quốc», Thời đại mới, số 15, tháng 3/2009.
(6) «Đồng thuận và nội lực (kỳ3)». RFA. 15/5/2009.
(7) « Bản đồ hình ngọn đuốc ». BBC. 9/5/2009.
(8) « CSVN mua thêm 12 máy bay”, Người Việt 14/5/2009.

No comments: