Bô-xít và văn hoá Tây Nguyên
Võ Ngọc Cẩn
Đăng ngày 22/05/2009 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3787
Thời gian gần đây mọi người đều nói và viết rất nhiều về dự án khai thác quặng mỏ bô xít trên Tây Nguyên được coi là chủ trương lớn của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam. Dự án đã làm tuôn chảy rất nhiều mực của các nhà nghiên cứu, của các chuyên gia khoa học và các tướng lãnh trong quân đội cùng mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Những thiệt hơn về kinh tế, môi trường, quốc phòng và văn hoá trong việc khai thác được bàn đến rất chi tiết để kêu gọi đảng và nhà nước ngưng ngay dự án khai thác quặng mỏ này. Dự án cũng đang và sẽ làm chảy nhiều nước mắt của cư dân bản địa đã sống trên Tây Nguyên nhiều ngàn năm nay. Họ không khóc về những những thiệt hại hay quyền lợi kinh tế đang bị đe dọa nhưng khóc cho nền văn hoá truyền thống của họ sắp bị bức tử. Văn hoá bị bức tử thì chủ nhân của nó cũng sẽ chết.
Từ bài học cồng chiêng
Khi nói đến cồng chiêng người ta liên tưởng ngay đến các cộng động sắc tộc thiểu số Ba-na, Jrai, Sê-đăng, Ra-đê, Mơ-nong, Kơ-ho……cư trú trên Tây Nguyên miền Trung Việt Nam với những nghi thức thờ cúng bao trùm bởi tiếng cồng chiêng hùng tráng. Trước đây rất ít người Kinh biết về các cộng đồng sắc tộc này vì họ sống cách biệt trong núi rừng bao la với một nền văn hoá truyền thống đặc thù cùng tiếng nói hoàn toàn khác lạ với cộng đồng người Kinh. Theo dòng chảy của lịch sử cùng với sự ồ ạt di dân lên Tây Nguyên khai thác làm ăn, người Kinh bắt đầu biết và nói đến các cộng đồng sắc tộc thiểu số này qua sự cộng sinh và cọ sát văn hoá. Đêm đêm trong màn sương mù bao phủ núi rừng, vang vọng lại những âm điệu cồng chiêng âm trầm huyền bí, chúng len lỏi lách mình trong rừng sâu như phát ra từ những thân cây cành lá, chúng bay lượn trên mặt suối để rồi dội lên rất rõ nét như tiếng nói của thần linh, như tiếng rầm rì nhắc nhở của tổ tiên. Cồng chiêng và lễ hội truyền thống gắn bó với nhau thành một cho đến muôn đời. Tách rời chúng ra sẽ tạo thành những màn diễn lố bịch thiếu tố chất linh hồn văn hoá.
Sau khi thống nhất đất nước các chính quyền địa phương được điều hành bởi những chiến sĩ cách mạng, những du kích quân gan dạ anh hùng trong chiến trận nhưng rất nghèo về nhận thức. Họ đã chà đạp lên văn hoá truyền thống của những cộng đồng thiểu số với những chỉ đạo mù quáng thiếu hiểu biết và vô văn hoá. Những ngăn cấm cử hành nghi thức tín ngưỡng, phong tục truyền thống được ban ra cùng với những bài học mới về văn hoá mới nghèo nàn lạ lẫm được diễn giải theo cảm tính cá nhân đậm nét “Kinh”, nhiều người cho rằng việc cử hành nghi thức cúng tế theo tín ngưỡng dân gian truyền thống từ bao đời nay là mê tín dị đoan và thay vào đó là những bài học về đạo đức cách mạng, văn hoá cách mạng được loan dạy khắp nơi. Chỉ trong không đầy bốn năm sau ngày thống nhất đất nước, tiếng cồng chiêng của các cộng đồng sắc tộc thiểu số được vun xén gìn giữ nhiều ngàn năm đã hoàn toàn câm nín trong uất ức nghẹn ngào.
Đời sống kinh tế của các cộng đồng Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, hình thức trồng trọt nương rẫy bị ngăn cấm vì cho đó là phá rừng là huỷ diệt môi trường thiên nhiên. Nhưng ngẫm lại mà xem, người Tây Nguyên đã nhiều ngàn năm sống và làm nương rẩy nhưng rừng vẫn còn nguyên, thậm chí càng ngày càng xanh đẹp; trái lại chỉ sau hơn 10 năm thống nhất đất nước, rừng Tây Nguyên đã bị tàn phá khủng khiếp đến độ lên Tây Nguyên ngày nay, muốn thấy rừng phải đi xe ô-tô nhiều giờ mới thấy những mảng rừng còi cọp bệnh hoạn. Những bộ cồng chiêng trong văn hoá truyền thống là của quý, là nhịp thở của văn hoá, là di sản của ông bà nay bị cấm không được dùng, những nghi thức tín ngưỡng cũng bị cấm, cồng chiêng trở thành mớ đồng nát vô giá trị, người Tây Nguyên đã bán cho những người mua ve chai để đổi lấy vài chục ký gạo. Không phải vì gạo, vì lương thực, vì đói mà người sắc tộc đã bán cồng chiêng của mình. Trong suốt nhiều năm tháng trước đây, họ đã từng đói vì mất mùa, vì hạn hán nhưng chưa ai nghĩ đến việc bán cồng chiêng để ăn. Ngày nay trong rất nhiều làng không còn đến một bộ chiêng để đánh trong những dịp tang ma, lễ hội.
Những sai trái của chính quyền Việt Nam được kịp thời sửa chữa với luật di sản văn hoá số 28/2001/QH10 được ra đời nhằm bảo vệ di sản văn hoá quốc gia. Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001. Bốn năm sau, vào ngày 15/11/2005 không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Nhưng buồn thay và tủi nhục thay! Người Tây Nguyên đâu còn chiêng và cồng để tấu lên ca khúc khải hoàn đón mừng quyết định của Unessco! Món quà tinh thần vinh dự này dành cho các cộng đồng trên Tây Nguyên như những viên kim cương chiếu sáng lóng lánh tặng cho một người đang hấp hối. Tuy có trễ nhưng chưa phải là tuyệt vọng nếu chính quyền Việt Nam và những người có trách nhiệm biết nhận thức và tìm mọi cách để phát huy lại truyền thống văn hoá của người Tây Nguyên như nó vốn có chứ không phải những kịch bản được dàn dựng đạo diễn bởi ban tổ chức đây đó.
Khai thác bô-xít trên Tây Nguyên
Văn hoá Tây Nguyên không chỉ là cồng với chiêng nhưng là một trải dài ngút ngàn của một nền văn hoá truyền khẩu giữa núi rừng trùng điệp. Lịch sử và văn hoá Tây Nguyên là rừng, là thiên nhiên. Không một con suối nào chảy trên Tây Nguyên không có tên gọi. Không một mảng rừng nào trên Tây Nguyên không có gắn bó liên hệ với đời sống đời thường và tín ngưỡng truyền thống của những cộng đống sống gần nơi ấy. Trong những lời khấn cầu của các cư dân núi rừng người ta thường nghe nhắc đến tên những con suối dòng sông mà tổ tiên ông bà đã một lần cư ngụ và được thần linh của những con nước này che chở độ trì. Qua những bài đọc khi cúng và lời của chúng, người Tây Nguyên có thể nhận ra nhau cùng chung nguồn gốc ông bà.
Núi và rừng là những di chỉ, những vết tích của văn hoá Tây Nguyên. Bàng bạc khắp nơi tên những ngọn núi là danh xưng của một nhân vật oai phong hay tên những thần linh trong kho tàng chuyện kể truyền khẩu dân gian hay trong niềm tin tín ngưỡng truyền thống. Xoá bỏ núi và rừng là giết chết văn hoá truyền khẩu vốn là phương tiện duy nhất của người Tây Nguyên khi nói về mình. Đến huyện Sa Thầy thuộc tỉnh Kontum người ta sẽ nghe kể về truyền thuyết của dòng họ Rơcăm lớn và nhỏ qua ngọn núi Nang Mrai. Bên dòng thác Ia Ly, tiếng nước chảy sẽ kể cho ta nghe về câu chuyện người Chăm lên Tây Nguyên. Qua địa bàn cư trú của người Jrai, không người Jrai nào không biết về thiên tình sử của nàng H’Điu bên con suối Ia Lanh và Ia Lo. Nhưng buồn thay, ngày nay người Kinh đã đến khai thác đá hai bên bờ suối và không bao lâu nữa tên nàng H’Điu được nhắc đến nhưng vết tích của thiên tình sử này đã thành những viên đá làm móng để xây nhà. Gần làng Plơi Hơdip có dòng nước mang tên một cô gái từ trời xuống tắm, nàng H’bia, bên bờ có tảng đá tựa giống thân hình của nàng. Xuống phía Nam Pleiku không người Jrai nào không biết đến ngọn núi H’Grông, nơi cư ngụ của vị thần Dăm Dua, thần của sức mạnh và bình an. Ngọn núi nhỏ này được mọi người coi như là cái rốn của mặt đất. Đến vùng đất người Ra-đê không ai không biết vết tích của một chiếc hang từ đó loài người chui lên. Qua vùng đất của người Mơ – Nông, người Kơ -ho nơi nào cũng ghi dấu văn hoá của họ. Khi diễn kể cho con cháu nghe, người kể nói rõ tên gọi và nơi xảy ra câu chuyện, qua đó tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, những vết tích thiên nhiên trong kho tàng truyền khẩu luôn được bảo vệ và tôn trọng. Văn hoá truyền khẩu Tây Nguyên với thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên là một đôi bất khả phân ly.
Dự án khai thác bô xít sẽ xoá sạch núi rừng và sông suối đồng thời xoá sạch vết tích của nền văn hoá truyền khẩu của dân tộc Tây Nguyên. Cách đây vài năm dự án có tầm cỡ quốc gia được viện văn hoá dân gian khai triển và thực hiện là sưu tầm những sử thi của các cộng đồng sắc tộc thiểu số trên Tây Nguyên. Sưu tầm để làm gì nếu sau đó chính nhà nước lại xoá đi các dấu vết của những sử thi đó đang tồn tại trong thiên nhiên, trong núi rừng. Một việc làm tiền hậu bất nhất. Một quyết định vô nhân tâm. Máu chảy ruột mềm, nếu ai đó đến phá sập những đền đài, những di tích văn hoá của người Kinh thì liệu rằng dân tộc Kinh sẽ chấp nhận chăng? Người Tây Nguyên không có những đền đài dinh thự to lớn, không có những ngọn tháp kiên cố hùng vĩ nhưng họ có cả một không gian Tây Nguyên bao la rộng lớn khắc ghi lịch sử và nền văn hoá của họ. Xoá sổ núi rừng, lật tung cày xới đất để tìm quặng nhôm là giết chết văn hoá Tây Nguyên.
Đọc lại luật di sản văn hoá người ta sẽ thấy vùng đất Tây Nguyên sắp bị chiếm dụng để khai thác quặng mỏ bô xit là vi phạm hiến pháp và pháp luật của nhà nước Việt Nam:
Điều 13, khoản 2 ghi rõ nghiêm cấm: «Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá».
Điều 13, khoản 3 ghi rõ nghiêm cấm: «Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh»
Điều 15, khoản 2 ghi rõ các tổ chức: «Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hoá có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị huỷ hoại, bị mất».
Điều 72: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hoá thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Dự án khai thác bô xit thật sự là chiếc mồ chôn lấp những vết tích văn hoá của người miền núi và sẽ không bao giờ con người có thể thay tạo hoá tạo dựng thiên nhiên như cũ. Người Tây Nguyên chưa lên tiếng vì họ không có phương tiện để tiếp cận thông tin vốn đã được bưng bít, cấm đoán ở Việt Nam. Nhưng chiếc kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra, chính quyền và đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải trả lời mặt đối mặt với các cư dân bản địa về những quyết định trên vận mạng và dân tộc của họ. Hãy dừng ngay dự án khai thác bô xit khi còn chưa trễ.
Võ Ngọc Cẩn
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment