Thursday, April 2, 2009

XOÁ THÁC NƯỚC LẤY THUỶ ĐIỆN

Một sự đánh đổi đau đớn

Lao Động số 72 Ngày 02/04/2009 Cập nhật: 8:38 AM, 02/04/2009

http://www.laodong.com.vn/Home/Mot-su-danh-doi-dau-don/20094/132670.laodong

(LĐ) - Ai đã đến Đắc Lắc, Đắc Nông - vùng đất phát nguyên của sông Sê Rê Pôk - đều có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các ngọn thác Gia Long, Đray Nu, Trinh Nữ, Đray Sáp...

Trong đó, Đray Sáp là ngọn thác đẹp nhất, từng được mệnh danh là đệ nhất thác. Mùa mưa, ngọn thác này hết sức dữ dội, hùng vĩ, bởi cả khối nước khổng lồ đổ ập từ trên cao xuống, khiến bọt nước nhỏ li ti bay trắng cả một vùng.

Thác Đray Sáp hùng vĩ, giờ chỉ còn là lạch nước nhỏ (ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 24.3.2009). Ảnh: Đ.B.T.

http://www.laodong.com.vn/avatar.aspx?ID=95643&at=0&ts=236&lm=633742585577230000


Vì thế, người Ê Đê bản địa gọi nó là thác Khói (tức Đray Sáp). Nhưng mùa khô, ngọn thác lại trở nên dịu dàng, như cái rèm nước của trời buông từ trên mây xanh xuống mặt đất. Chính vì vẻ đẹp của ngọn thác này, nên ngày 28.4.1993, nó đã được Bộ trưởng Bộ VHTT bấy giờ là nhạc sĩ Trần Hoàn ký Quyết định số 1371, công nhận là di tích văn hóa - danh thắng quốc gia.

Thế nhưng, từ ngày 9.3.2009 đến nay, khi Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp (xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, công suất 280MW, đầu tư 5.000 tỉ đồng) bắt đầu tích nước để vận hành không tải tổ máy số 1, thì các ngọn thác kể trên bắt đầu kiệt nước. Vì phía trên các ngọn thác này là đập chắn của công trình thủy điện, nước sông Sê Rê Pôk buộc phải rẽ dòng, chảy vào đường hầm dẫn nước để làm quay tuốcbin và xả ra ở một điểm khác, nằm ở hạ lưu các ngọn thác nói trên. Vậy là các ngọn thác trên trở thành... "thác treo".

Sáng 24.3, chúng tôi có mặt tại thác Đray Sáp. Cả mặt thác rộng khoảng 80m, giờ chỉ còn lạch nước nhỏ chảy ở giữa, lưu lượng nước chỉ bằng một con suối tí hon. Một nhóm khách tây đứng nhìn thác vài ba phút rồi bỏ đi... Chúng tôi đến thác Gia Long, thác Đray Nu cũng thấy tình cảnh tương tự. Một nhân viên khu du lịch Đray Sáp tên là Lĩnh than thở với chúng tôi: Rồi đây vận hành cả tổ máy số 2 nữa, chắc những ngọn thác này sẽ... chết luôn.

Như vậy là được điện, được kinh tế, nhưng mất thắng cảnh và môi trường. Đây quả là một sự đánh đổi đau đớn!

Đặng Bá Tiến

No comments: