Thursday, April 9, 2009

VIỆT NAM HỘI THẢO VỀ BÔ-XÍT 9-4-2009

Tướng Giáp lại lên tiếng về bauxite
Cập nhật: 07:41 GMT - Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/04/090409_bauxite_conference.shtml

Hội thảo được trông đợi về chủ đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên khai mạc sáng thứ Năm 09/04 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã gửi thư từ đầu năm cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu dừng các dự án bauxite Tây Nguyên, đã gửi thông điệp tới hội thảo.
Bức điện viết:" Tôi được biết, hôm nay có cuộc Hội thảo về vấn đề Bô-xít ở Tây Nguyên do đồng chí Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì".
"Tôi cho đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng. Vấn đề này trước đây tôi đã từng nghiên cứu, tôi đã có thư gửi đồng chí Thủ tướng nhưng chưa được trả lời."
"Tôi mong các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội hãy nêu cao trách nhiệm trước dân tộc thảo luận một cách khoa học, nghiêm túc, thẳng thắn để kiến nghị với Đảng và Nhà nước một chủ trương đúng đắn về vấn đề bô-xít Tây Nguyên mà tôi cho là không nên khai thác."
"Vì đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng."
Bên cạnh thông điệp của tướng Giáp, nhiều nhà khoa học tham gia hội thảo cũng phân tích những khía cạnh mà họ cho là cần cân nhắc thận trọng trong việc thực hiện các dự án khai thác tài nguyên có thể gây tác hại nghiêm trọng cho xã hội và môi trường Tây Nguyên.
Kiến nghị
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), cơ quan được Bộ Công thương là đơn vị tổ chức hội thảo đặt hàng làm nghiên cứu để phản biện cho các dự án bauxite Tây Nguyên, đã đưa ra một số kiến nghị.
Vusta, với tập hợp các nhà khoa học hàng đầu trong nước, đã có hai tháng đi khảo sát tình hình triển khai các dự án bauxite ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông).
Các kiến nghị của Vusta bao gồm: cần tiến hành đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch và kế hoạch khai thác, chế biến khoáng sản ở Tây nguyên; cần triển khai chương trình điều tra, nghiên cứu Tây Nguyên; cần xây dựng chương trình khai thác khoáng sản thí điểm; và hợp lý hơn là nên xây dựng nhà máy alumina ở vùng duyên hải Bình Thuận.
Vusta khuyến cáo: "Trong bối cảnh hiện nay, chỉ nên tập trung vào một nhà máy thí điểm tại Tân Rai, Lâm Đồng, chưa nên nóng vội triển khai xây dựng nhà máy ở Nhân Cơ vì không khả thi".
Khoa học gia Nguyễn Ngọc Trân, tác giả một bài phát biểu tại hội thảo, là người chủ xướng ý tưởng trước hết chỉ nên làm thí điểm dự án Tân Rai, "coi như một loại học phí phải trả để rút kinh nghiệm".
Ông Trân, người từng là đại biểu Quốc hội trong 15 năm liền, cho rằng dự án đầu tư cần được mang ra trình tại Quốc hội "đúng theo luật định".


Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư tới Hội thảo về bô-xít
13:33' 09/04/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/840943/
Trong phiên khai mạc Hội thảo về vấn đề bô-xít ở Tây Nguyên sáng nay (9/4), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đọc bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Tôi được biết, hôm nay có cuộc Hội thảo về vấn đề bô-xít ở Tây Nguyên do đồng chí Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.
Tôi cho đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng. Vấn đề này trước đây tôi đã từng nghiên cứu, tôi đã có thư gửi đồng chí Thủ tướng nhưng chưa được trả lời.
Tại cuộc Hội thảo quan trọng này, tôi mong các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội hãy nêu cao trách nhiệm trước dân tộc thảo luận một cách khoa học, nghiêm túc, thẳng thắn để kiến nghị với Đảng và Nhà nước một chủ trương đúng đắn về vấn đề bô-xít Tây Nguyên mà tôi cho là không nên khai thác.
Vì đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng.
Xin chúc các đồng chí mạnh khoẻ.
Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2009
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/68/2009/04/IMG_3809_DT.gif



(Trang chính tr ên Vietnamnet đã bị rút bỏ, nhưng được lưu trên baomoi.com)
Hội thảo bô-xít: Nhiều quan ngại rủi ro kinh tế, môi trường
16:03' 09/04/2009 (GMT+7)
http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/vietnamnet.vn/Hoi-thao-boxit-Nhieu-quan-ngai-rui-ro-kinh-te-moi-truong/2619329.epi
Với 25 báo cáo, 18 ý kiến, các dự án bô-xít Tây Nguyên đã được đem ra mổ xẻ, tranh luận nhiều chiều về hiệu quả kinh tế, tác động môi trường - văn hoá - xã hội - an ninh. Đa số các nhà khoa học kiến nghị chỉ nên thí điểm dự án Tân Rai (Lâm Đồng), tạm dừng triển khai dự án Nhân Cơ (Đăk Nông) để nghiên cứu, tổng kết rồi đi tới quyết định triển khai tiếp hay không.

Đúng chủ trương?

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân cho biết, Việt Nam có trữ lượng bô-xít lớn. Thời gian qua, tài nguyên này ngủ yên trong lòng đất và đã đến lúc chúng ta phải khai thác, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những năm qua, Tây Nguyên tập trung phát triển tối đa cây công nghiệp, nhưng hiệu quả kinh tế còn hạn chế, đời sống đồng bào khó khăn, hạ tầng cơ sở nghèo nàn, trình độ dân trí thấp. Bô-xít được xác định là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, góp phần ổn định an ninh - chính trị trên địa bàn.

Chuyên gia Nguyễn Trung phản biện:
"Phát biểu này còn lỗ hổng. Bộ Công thương cho rằng khai thác bô-xít Tây Nguyên sẽ là động lực để phát triển khu vực này. Liệu có thể đạt được điều đó? Tôi thấy nghi ngờ. Hơn 60 năm khai thác than ở Quảng Ninh, tỉnh này đã phát triển hay chưa và đóng góp được gì cho sự phát triển của đất nước? Ngân sách Nhà nước đã rót hàng chục nghìn tỉ đồng trực tiếp để hỗ trợ Tây Nguyên nhưng cũng không cải thiện bao nhiêu, liệu chỉ với đầu tư bô-xít sẽ giải quyết được bài toán này"?

Ông Quân cũng khẳng định, việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumina là bước cụ thể thực hiện Nghị quyết ĐH 10 của Đảng. Bộ Chính trị và Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo sát sao, tổ chức nhiều cuộc họp để bàn, thông qua chủ trương phát triển Công nghiệp khai thác bô xít, sản xuất alumina. Đã có 5 lần báo cáo Chính phủ và 2 lần báo cáo Bộ Chính trị về chương trình này.
Việc phát triển ngành công nghiệp này đã được nghiên cứu, cân nhắc và quyết định thận trọng, phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Trong khi đó, nhà văn hóa Nguyên Ngọc cho rằng, nếu nói chương trình bô-xít Tây Nguyên là triển khai Nghị quyết ĐH 10 là "không chính xác". Báo cáo kinh tế - xã hội của ĐH 10 có nêu việc khai thác bô-xít thế nhưng báo cáo quan trọng hơn, là Báo cáo chính trị đã bỏ câu này và thay vào đó là hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô.
Hai là, đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ. Tại sao lại không đưa ra Quốc hội bàn thảo, xem xét?

Nhiều rủi ro kinh tế

Thừa nhận công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên "đầy khó khăn, với nhiều rủi ro và thách thức về kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh quốc phòng" nhưng TKV - chủ đầu tư các dự án bô-xít Tây Nguyên cho rằng chương trình này cũng có không ít cơ hội tạo đột phá cho quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội ở vùng đất giàu tiềm năng này.
Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TKV khẳng định, các dự án có khả năng thu hồi vốn trong 12-15 năm với thời gian tồn tại của dự án là 30-50 năm. Mỗi dự án 600 nghìn tấn alumina/năm sẽ tạo ra 2.000 việc làm, với doanh thu 150 - 200 triệu USD, nộp các khoản thuế cho ngân sách địa phương. Các dự án này sẽ là động lực thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác trên địa bàn.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án Nhôm của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam cho rằng tính toán này của TKV thiếu thuyết phục. Ông Ban chứng minh, dự án Tân Rai và Nhân Cơ hiện nay đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.
Ông Ban dẫn chứng, trong báo cáo của ban Nhôm TKV, dự án Nhân Cơ sẽ không có hiệu quả kinh tế khi chỉ cần một trong những trường hợp sau thay đổi:
- Tăng thuế xuất alumin lên trên 5% (hiện nay theo quy định là 20%).
- Tăng phí môi trường > 15000 VNĐ (hiện nay theo quy định là 30000 VNĐ)/tấn quặng nguyên khai.
- Tăng phí hoàn nguyên phục vụ môi trường > 25000 VNĐ/tấn quặng nguyên khai (hiện nay theo quy định là 50000VNĐ/tấn quặng nguyên khai).
- Giảm giá bán alumin xuống dưới 5% so với giá dự báo của CRU (giá bán alumin bình quân giảm xuống dưới 310 USD/tấn) (giá hiện nay là 250 USD/tấn).
Ngoài ra, chi phí đầu tư cho hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đã đội lên so với tính toán ban đầu. Tổng vốn đầu tư cho Tân Rai đã tăng từ 628 triệu USD theo dự toán ban đầu lên 740 triệu USD (như thông báo của Chủ tịch TKV tại Hội thảo của Văn phòng TƯ Đảng). Chi phí cho dự án Nhân Cơ cũng đội lên 714 triệu USD và có nhiều khả năng phát sinh thêm chi phí mới trong quá trình vận hành.

Các chuyên gia cũng nêu quan ngại về bài toán vận tải alumin. Nếu thực hiện phương án vận tải bằng ô tô trong giai đoạn đầu của dự án thì chi phí mỗi năm cho Tân Rai là 24,6 triệu USD, còn Nhân Cơ là 38 triệu USD, chưa tính chi phí lưu kho, bãi và chi phí bao gói. Việc đầu tư đường sắt và cảng chuyên dùng càng làm cho hai dự án này thêm rủi ro về kinh tế.

Liên quan tới việc lựa chọn nhà thầu EPC Trung Quốc, TKV và đại diện nhà thầu Chalco Trung Quốc khẳng định công nghệ mà nhà thầu này sử dụng là công nghệ nguồn Bayer.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Ban và một số chuyên gia khác nhận định công nghệ Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro về các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Thực tế, ngành luyện kim Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại do mua công nghệ và thiết bị của Trung Quốc.
Ngoài ra, việc chọn thầu EPC Trung Quốc làm mất cơ hội lựa chọn thiết bị tốt của các hãng nổi tiếng thế giới, mất cơ hội chế tạo một số thiết bị trong nước, các công ty xây dựng Việt Nam mất cơ hội tham gia thi công một số hạng mục công trình, mất cơ hội việc làm cho người Việt Nam (theo xác nhận của Chủ tịch TKV, hiện Chalco đã đưa khoảng 300 công nhân Trung Quốc lên Tây Nguyên thi công dự án Tân Rai).

Quy hoạch bô-xít có đúng luật?

Giới học giả cũng đặt vấn đề: Việc trình và phê duyệt quy hoạch bô-xít không tuân thủ đúng luật, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược.
Giải trình vấn đề này, Bộ Công thương nhấn mạnh, trong quá trình lập, hoàn thiện và trình duyệt quy hoạch, Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim, đơn vị tư vấn đã hợp tác chặt với các đơn vị liên quan của Bộ Công thương, Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT đã tổ chức hội thảo với các bộ, ngành, địa phương liên quan, có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất alumina lớn trên thế giới: Chalco (Trung Quốc), BHPB (Anh), Alcoa (Mỹ)...
Dự án đã được lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và địa phương liên quan để hoàn chỉnh, được Bộ KH-ĐT chủ trì thẩm định, góp ý và trình Thủ tướng phê duyệt.
Tại thời điểm Quy hoạch tháng 5/2007, do chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ TN-MT và Bộ Tài chính về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược ĐCM, Bộ Công thương đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận tại thông báo số 19/TB - VPCP ngày 28/5/2007 về việc bổ sung nội dung vấn đề môi trường trong dự án quy hoạch.
Theo đó, chương 5 của dự án đã đề cập và phân tích tác động tiêu cực của việc thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít đến môi trường và các giải pháp định hướng cho công tác bảo vệ môi trường khu vực Tây Nguyên - nội dung tương tự như ĐCM. Do đó, quy trình hoàn toàn đúng luật.
Để triển khai các dự án, sẽ phải tiến hành nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi FS và báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM cho từng dự án và phê duyệt theo quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo và giao nhiệm vụ thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể cho toàn bộ khu vực Tây Nguyên.

Môi trường: Nhà đầu tư nói hay, làm dở

Liên quan đến môi trường, nhà văn hóa Nguyên Ngọc nghi ngờ: Đại diện các nhà thầu nước ngoài Alcoa, Chalco đã vẽ ra bức tranh đẹp về xử lý chất thải, hoàn thổ, thế nhưng, chi phí để đảm bảo bức tranh đẹp đó chiếm bao nhiêu % tổng đầu tư? Và với mức đó, giá thành sản phẩm sẽ như thế nào? Chưa tính yếu tố này, các dự án bô-xít đã lỗ, nếu cộng vào, sẽ ra sao?

Chưa bao giờ có một chương trình, dự án về kinh tế - xã hội tạo nhiều quan tâm, gây nhiều lo lắng trong dân như vậy. Có lẽ, nếu dự án ở nơi khác, có thể có vấn đề kinh tế, môi trường phải tính toán, nhưng những quan tâm, lo lắng nhiều như hiện nay là bởi dự án ở Tây Nguyên, trên mái nhà Đông Dương, vùng đất có ý nghĩa đặc biệt về mặt chiến lược, an ninh, quốc phòng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói thêm: "Dự án này đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến một khu vực đặc biệt của đất nước. Khi xây dựng dự án, chúng ta đã quan tâm đến lịch sử Tây Nguyên ra sao trong lịch sử hình thành của dân tộc này? Nếu bỏ qua, chúng ta sẽ phải lãnh đủ. Trong khi nhìn về tương lai, chúng ta cũng hãy nhìn lại những trải nghiệm quá khứ để quyết định đến và khai thác Tây Nguyên. Gắn kết Tây Nguyên với lãnh thổ Việt Nam mong manh lắm".

Các nhà đầu tư đều nói những điều hay về xử lý môi trường, công nghệ. Vedan khi xây nhà máy cũng có những luận điểm để thuyết phục, nhưng DN tìm lợi nhuận là chính, trong khi năng lực kiểm tra, giám sát của ta quá yếu kém.
Hơn nữa, Chính phủ có quan tâm dự trữ để dành tài nguyên cho con cháu mai sau, hay cố xài cho hết? Khi chưa có đủ điều kiện để làm nhôm thì khai thác làm alumina. Đó là tầm nhìn ngắn hạn, thiếu trách nhiệm với con cháu.

Nhà văn hóa Nguyên Ngọc chia sẻ ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bức thư ông gửi tới hội nghị, rằng chúng ta nên chấm dứt chương trình này.

Trong khi đó, nguyên ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân cùng nhiều chuyên gia khác cho rằng, nếu không thể dừng được, thì chỉ nên thí điểm ở dự án Tân Rai, tạm dừng chưa triển khai Nhân Cơ. Sau khi nghiên cứu, tổng kết thì sẽ quyết định triển khai tiếp.
Lâm Loan

No comments: