Tuesday, April 14, 2009

VIỆT NAM CA NGỢI TIẾN BỘ NHÂN QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC

Việt Nam ca ngợi tiến bộ về nhân quyền của Trung Quốc
13/04/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-04-13-voa19.cfm
Cuộc xét duyệt định kỳ đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về thành tích nhân quyền của Trung Quốc đã kết thúc hôm thứ tư vừa qua tại Geneve. Trong dịp này, nhiều nước Tây phương đã lập lại những lời chỉ trích về nạn đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc và yêu cầu Bắc kinh nhanh chóng phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Chính trị và Dân sự. Tuy nhiên, một số quốc gia ở Á Châu, trong đó có Việt Nam, đã lên tiếng tán dương điều mà họ gọi 'tiến bộ' của Trung Quốc trong lãnh vực nhân quyền và kêu gọi Bắc kinh chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia đang phát triển về công tác giảm nghèo. Mời quí vị theo dõi Duy Ái trình bày thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Cuộc duyệt xét về Trung Quốc đã được thực hiện trong khuôn khổ của Cuộc Thẩm Nghị Định Kỳ Phổ Cập (Universal Periodic Review) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, theo đó thành tích của toàn bộ 192 quốc gia thành viên sẽ được duyệt xét 4 năm một lần. Đây là lần đầu tiên cuộc thẩm nghị được thực hiện kể từ khi cơ chế này được Hội đồng Nhân quyền thiết lập vào tháng 6 năm 2007.

Trong cuộc duyệt xét này, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đã tỏ ra nghiêm túc vì muốn khẳng định vị thế trên trường quốc tế và đã phái một phái đoàn cao cấp đến dự hội nghị ở Geneve. Trưởng phái đoàn Trung Quốc, ông Lý Bảo Đông, đã lên tiếng bênh vực cho nước ông trước một vấn đề mà lâu nay giới tranh đấu nhân quyền quốc tế vẫn thường xuyên nêu lên: đó là sự ngược đãi đối với các sắc dân thiểu số.

Qua lời một thông dịch viên, Đại sứ Lý Bảo Đông phát biểu như sau: "Các sắc dân thiểu số ở Trung Quốc đã được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi đặc biệt của chính phủ trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích việc giảng dạy bằng hai thứ tiếng hoặc nhiều thứ tiếng ở các trường của những người thiểu số. Chúng tôi cũng đầu tư rất nhiều cho việc bảo vệ tập quán tôn giáo, bản sắc văn hóa và những di sản khác của các sắc dân thiểu số."

Đại sứ Lý Bảo Đông cũng chỉ trích một số quốc gia 'chính trị hóa' vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Ông cho biết chính phủ Bắc kinh đã không ngừng ra sức cải thiện cuộc sống của người dân, với kết quả là trong những năm vừa qua số người nghèo ở nông thôn đã từ con số 250 triệu người giảm xuống còn 14 triệu người.

Lập luận của Trung Quốc đã nhận được sự tán đồng của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước ở Phi châu và Á châu. Theo thông cáo báo chí của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đại diện của Việt Nam đã lên tiếng ca ngợi điều mà họ gọi là 'chính sách phát triển lấy con người làm gốc' của Trung Quốc, giúp cho nước này đạt được 'những thành tựu to lớn trong lãnh vực nhân quyền'.

Đại sứ Dayan Jayatilleka của Sri Lanka cũng ca ngợi Trung Quốc và kêu gọi Bắc kinh chia sẻ với các nước khác trên thế giới điều mà ông gọi là 'kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo'. Ông Jayatilleka cũng bênh vực cho Trung Quốc trước sự chỉ trích về vấn đề Tây Tạng.
Ðại sứ Jayatilleka nói: "Trung Quốc đã bảo đảm các quyền chính trị của người dân nước họ. Các quyền độc lập, tự quyết và quyền chủ quyền; cùng với các quyền xã hội và kinh tế, quyền không bị bóc lột theo kiểu phong kiến và quyền được thỏa mãn nhu cầu vật chất. Chúng tôi bác bỏ những lời chỉ trích xoay quanh vấn đề Tây Tạng, một phần đất mà Sri Lanka xem là một tỉnh bất khả phân của Trung Quốc."

Trong khi đó, giới tranh đấu nhân quyền quốc tế đã lên tiếng phản bác những lập luận của Trung Quốc và kêu gọi quốc gia Cộng Sản này tôn trọng các quyền cơ bản của người dân và nhanh chóng phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Chính trị và Dân sự.

Một chuyên gia về Trung Quốc của Hội Ân xá Quốc tế, bà Corina-Barbara Francis, đã phát biểu như sau.
Bà Francis nói: "Có rất nhiều lãnh vực mà thật ra chính bản thân chính phủ Trung Quốc đã chính trị hóa vấn đề bằng cách không chịu thừa nhận là có dính líu tới vấn đề nhân quyền, không chịu tìm hiểu về tình hình vi phạm nhân quyền. Chẳng hạn như vấn đề Tây Tạng và vấn đề người Uighur ở Tân Cương. Đây không phải hoàn toàn là những vấn đề liên quan tới mưu toan chia cắt đất nước. Trên thực tế, tình hình nhân quyền ở hai khu vực này đã bị tiếp tục sa sút trong năm vừa qua."

Nhận định vừa kể đã được nhiều nước Tây phương nhắc lại tại phiên họp ở Geneve. Đại sứ Canada, ông Louis-Martin Aumais đã chất vấn Trung Quốc về tố cáo cho rằng nhân viên an ninh Trung Quốc thường xuyên sử dụng biện pháp tra tấn để thu thập bằng chứng và ngược đãi tù nhân chính trị.
Ông Aumais nói: "Canada rất đỗi lo ngại về những vụ bắt bớ tùy tiện những người thuộc các sắc dân thiểu số, trong đó có người Tây Tạng, người Uighiur, và người Mông cổ, cùng với những tín đồ của các tôn giáo, trong đó có những người tu tập Pháp Luân Công. Những người đó đã bị bắt giữ mà không có thông tin nào về các cáo trạng, nơi giam giữ và tình trạng sức khỏe của họ."

Trong khi đó, tại Washington, thượng nghị sĩ Robert Casey của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho thông tín viên của đài VOA biết rằng mới đây ông và các bạn đồng viện đã thông qua một nghị quyết để yêu cầu Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và nhanh chóng trả tự do cho nhà văn Lưu Hiểu Ba, người đã bị bắt hồi đầu tháng 12 sau khi cùng với nhiều học giả và văn nghệ sĩ Trung Quốc công bố Hiến Chương 08 đòi đảng Cộng Sản Trung Quốc tiến hành cải cách chính trị.
Thượng nghị sĩ Casey nói: "Điều mà chúng tôi hy vọng đạt được qua những nghị quyết như vậy là chính phủ Trung Quốc nên làm những chuyện nên làm. Chúng tôi mong là không phải đưa ra những nghị quyết như vậy, vì nước nào cũng có bổn phận là phải tôn trọng nhân quyền. Chính phủ Trung Quốc cần phải thực thi những cam kết về nhân quyền."

Trong lúc cuộc duyệt xét về nhân quyền Trung Quốc diễn ra ở Geneve, nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng đã thực hiện một chuyến công du Âu châu được nhiều người chú ý theo dõi. Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ hai ở Roma khi ông tới thủ đô nước Ý để được trao tặng danh hiệu công dân danh dự của Roma, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết tình hình nhân quyền ở quê hương ông tiếp tục xuống cấp, đặc biệt là sau vụ rối loạn chống lại sự cai trị của Trung Quốc hồi tháng 3 năm ngoái.
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói: "Kể từ cuối tháng 3 dân tộc Tây Tạng đã phải trải qua một tình trạng không khác gì lãnh án tử hình. Tôi nói như vậy có nghĩa là một số quan chức Trung Quốc có đầu óc hẹp hòi cứ nghĩ rằng bản sắc Tây Tạng, tinh thần Tây Tạng là một mối nguy hiểm của những phần tử đòi ly khai. Cho nên họ đã cố tình tìm cách hủy diệt tinh thần Tây Tạng và ý thức dân tộc của người Tây Tạng."
Vị tu sĩ đoạt giải Nobel Hòa bình này cũng nhấn mạnh rằng mặc dù sự tin tưởng của ông đối với chính phủ Trung Quốc hầu như đã mất hết, nhưng ông vẫn luôn luôn đặt niềm tin người dân nước này. Ông nói thêm rằng ngày càng có nhiều học giả và văn nghệ sĩ Trung Quốc lên tiếng bênh vực cho chính nghĩa của người Tây Tạng.

Theo lịch trình của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, vấn đề nhân quyền Việt Nam sẽ được duyệt xét trong phiên họp lần thứ 5 kéo dài từ ngày 4 đến ngày 15 tháng tới đây. Ba nước được chỉ định làm 'tam đầu chế' để báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam là Burkina Faso, Nhật Bản, và Canada.

No comments: