Sunday, April 12, 2009

VỀ VIỆC NGUYỄN HƯNG QUỐC BỊ CẤM VÀO VIỆT NAM

Về việc Nguyễn Hưng Quốc lại bị cấm vào Việt Nam
Phạm Quang Tuấn
13/04/2009 12:17 sáng
http://www.talawas.org/?p=2755
Trước hết xin nhanh chóng duyệt qua một vài sự hiểu lầm thông thường về việc này. Chuyện một người được tòa lãnh sự hay tòa đại sứ cho visa, rồi bị ngăn ở phi trường không cho vào nước, là một chuyện hoàn toàn hợp pháp lý, thông lệ và xảy ra ở mọi nước, kể cả các nuớc phương Tây như Mỹ. Sau ngày 11/9/2001 thì những chuyện đó lại càng xảy ra thường hơn. Ta chỉ cần xem ở trang thông tin cho khách du lịch của chính phủ Úc (www.dfat.gov.au/visas/): “A visa does not guarantee entry, that decision remains the right of the immigration officials of the country concerned.” Hoặc nếu vào Google và đánh “visa guarantee entry” thì bạn sẽ được cả… triệu webpages của các chính phủ và các hãng du lịch, cái nào cũng nói “a visa does NOT guarantee entry”. Một ví dụ nổi tiếng là ca sĩ Cat Stevens bị chặn ở phi trường Mỹ cách đây vài năm (nhưng sau đó vài ngày thì lại được vào).
Vậy vấn đề không phải ở đó. Dĩ nhiên, đó là luật lệ, nhưng người nào bị “đụng” cái luật lệ đó thì chắc chắn là rất bực bội, khó có thể khoan dung hay điềm tĩnh được, do đó ta cũng hiểu được thái độ của Nguyễn Hưng Quốc qua bài viết của ông.
Tuy nhiên, có những người nói rằng như vậy thì trường hợp Nguyễn Hưng Quốc cũng như vô vàn trường hợp khác, cô ca sĩ này bị chặn ở Mỹ, anh công chức kia bị chặn ở Nhật…
Nói như vậy là biện hộ cho hành động của chính quyền Việt Nam một cách nhập nhằng. Vẫn biết, nhân viên cửa khẩu có toàn quyền quyết định, nếu mình xui thì (trên lý thuyết) chỉ cần họ không ưa cái bộ mặt của mình là có quyền không cho vô, và không ai nói được gì cả. Hoặc có thể họ nghi mình là tội phạm, khủng bố, di dân lậu, nhưng chưa có bằng cớ rõ ràng để từ chối visa.
Nhưng trường hợp Nguyễn Hưng Quốc thì khác. Ông bị ngăn ở phi trường, không phải một lần mà hai lần. Khi bị ngăn lần đầu, ông đang hướng dẫn một đoàn sinh viên đi nghiên cứu văn hóa Việt Nam, với sự cộng tác của đại học trong nước. Lần thứ hai là được mời về thuyết trình trong một hội nghị do một đại học công lập tổ chức. Công nhận là, bộ mặt của ông nhiều khi hơi… khó ưa, nhưng khó mà ai có thể nghi rằng ông là tội phạm, di dân lậu, khủng bố, buôn thuốc phiện. Sau lần đầu, ông đã tìm đến tòa đại sứ để nói chuyện và được cho biết là chuyện này… quá phức tạp, không thể giải thích! Làm như đó là chuyện an ninh nguyên tử thế giới hay bí mật Trường sa!
Hơn nữa, hành động thô bạo bắt Hàng không Thái phải cho máy bay đợi và giữ hộ chiếu của Nguyễn Hưng Quốc cho tới Úc mới trả lại cho thấy rằng đây không phải là chuyện hủy visa bình thường. Họ biết họ đang làm gì, và đây rõ ràng là lệnh từ trên xuống chứ không phải quyết định tự phát của một nhân viên Công an cửa khẩu nào đó.

Vấn đề là tại sao họ làm như vậy. Nguyễn Hưng Quốc là nhân vật gì mà ghê gớm thế ?

Nguyễn Hưng Quốc nói rằng ông không hoạt động chính trị. Quả thật, chưa bao giờ thấy ai nói ông biểu tình chống cộng, phất cờ ba sọc. Chưa bao giờ thấy ai nói ông đọc diễn văn, viết bài viết sách kêu gọi đa nguyên đa đảng hay giải phóng đất nước. Chưa bao giờ thấy nói ông làm báo hay webpage chính trị. Cũng chưa bao giờ thấy ông làm chức này chức kia trong “Mặt trận” hay “Cộng đồng”.
Những sách nghiên cứu của ông về văn học Việt Nam hiện đại đưa ra những sự kiện về sự thao túng của đảng Cộng sản Việt Nam trong mọi hoạt động văn học nghệ thuật, nhưng đó toàn là những việc ai cũng thừa biết và chính quyền cũng công khai công nhận là đường lối chính thức của Đảng. Người không cộng sản có thể không ưa và không chấp nhận được việc đó, nhưng đó là do đường lối của Đảng như vậy chứ không phải tại những bài viết có tính cách học thuật của Nguyễn Hưng Quốc.
Sống trong cộng đồng hải ngoại, và là một người hoạt động văn học, dĩ nhiên ông cũng nhiều lúc sinh hoạt với những nhân vật của cộng đồng, kể cả những người hoạt động chính trị, nhưng chỉ trong vai trò của một nhà phê bình nghiên cứu văn học, hay được hỏi ý kiến về văn học.
Vậy thì ta có thể yên chí rằng ông không công khai hoạt động chính trị. Bạn đọc nào còn nghi ngờ, xin cứ “google” thử tên Nguyễn Hưng Quốc hay Nguyễn Ngọc Tuấn trong internet và kiểm điểm hoạt động của ông.

Còn hoạt động không công khai thì sao? Có hai loại:
1. Viết bài chống chế độ dưới một tên giả
2. Làm gián điệp cho một thế lực thù địch (ngoại quốc hay Việt Nam hải ngoại), hay bí mật thành lập đảng cách mạng, chống đối).

Khả năng 1 thì không thể chứng minh được, dù là chứng minh có hay không có. Trên mạng, có rất nhiều người viết nặc danh chống chế độ. Tuy nhiên, chỉ cần óc nhận xét tối thiểu cũng thấy là những người chống đối nặc danh toàn là viết với trình độ… thấp, vô cùng thấp, người có học đọc chỉ phì cười. Đầy rẫy những chụp mũ, những vơ đũa cả nắm, những kết luận hấp tấp, những ngu dốt thiếu hiểu biết về tình trạng Việt Nam hay thế giới, những lý luận ngu ngơ. Họ là những kẻ chống đối mà thực ra vô tình giúp bảo vệ chế độ một cách hữu hiệu với sự ngu xuẩn cực đoan của họ.
Không thể nào tưởng tượng một người có học, chứ đừng nói là một nhà giáo đại học của Úc, viết theo kiểu đó. Những nhà phản kháng có uy tín đều dùng tên thật hay bút hiệu quen thuộc mà ai cũng biết, không hề dấu căn cước của mình. Cứ xem qua Thông Luận, talawas, diendan, Người Việt là biết ngay điều đó.
Còn khả năng 2 (gián điệp, nhà chính trị bí mật?) Ai à biết một chút xíu về Nguyễn Hưng Quốc chắc cũng phải bật cười. Gián điệp thì phải như Nguyễn Xuân Ẩn, khôn khéo, kín đáo, ai cũng là bạn. Còn Nguyễn Hưng Quốc thì… (hy vọng ông không phiền tôi nói cái này) ngông nghênh, kiêu ngạo, vụng về, bộc toẹt, ai cũng… ghét, từ dân chống cộng đến dân… cộng.
Chỉ riêng cái việc ông viết những bài nghiên cứu văn học động chạm chế độ (dù là nói sự thật 100%) là ta có thể kết luận ngay rằng ông không thể là gián điệp hay chính trị ngầm được – có gián điệp nào mà vụng dại như vậy?
Ngay thời điểm này tại Sydney, khi mà Cộng đồng chống cộng cực đoan đang sôi sục biểu tình phản đối cuộc triển lãm “Nam bang” ở Casula Powerhouse (http://www.ausviet.net/read.asp?Title=archivesv/20090401104059.txt) (tương tự như vụ Cypress College bên Mỹ) vì họ cho nó là thân cộng, thì ông đang khăn gói làm vai chính trong một buổi tọa đàm ở Casula House kết hợp với “Nam bang” (http://tienve.org/home/activities/viewActivities.do?action=viewnews&newsId=166). Có “gián điệp” nào mà… ngu như vậy không?

Nói tóm lại, NHQ chỉ là một người cầm bút bình thường, không dính dáng đến chính trị. Thậm chí, cái nhìn chính trị của ông hơi bị… ngây thơ.Và do đó, ta có thể kết luận rằng Công An Việt Nam chỉ coi ông như một con rệp, một con kiến. Dẫm bẹp để dương oai. Có ai để ý đâu khi bọn sâu rệp bị dẫm bẹp. Họ đã dẫm bẹp bao nhiêu người rồi mà!

Nhưng họ đã lầm to! Câu chuyện về Nguyễn Hưng Quốc bị cấm nhập cảnh một lần nữa bùng nổ trên khắp các trang hải ngoại, lớn nhỏ, người Việt hải ngoại không ai mà không biết. Trên BBC và các trang khác có thống kê, chuyện Nguyễn Hưng Quốc được truy cập nhiều nhất nhì. Tin đó lan tràn khắp các báo chí in ấn, không người Việt hải ngoại nào không biết, không bàn tán. Và, đã là người thì phải có cảm tình với “underdog”, với kẻ yếu. Mà người cầm bút là kẻ yếu, khi đối diện với hệ thống Công an của cả một nước, nhất là nước Cộng sản.
Những chuyện hồi hương của Nguyễn Cao Kỳ, Thích Nhất Hạnh, Phạm Duy… tan ra mây khói. Nghị quyết 36 (?) tan ra mây khói, không cần những biểu tình chống đối của những tổ chức chống cộng cực đoan. Mà chỉ cần một hành động nhỏ nhen, độc đoán của… ai đó? Không ai biết! Bí mật! Nhưng chắc là không phải quyết định của bộ Chính Trị khi mà họ muốn lấy lòng người hải ngoại!
Tiếng Anh gọi cái này là self inflicted wound (vết thương tự mình gây ra) hay shooting yourself in the foot (tự bắn vào chân mình). Rất đúng.


-----------------------------------------------------------------

Giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn bị trục xuất ngay tại Nội Bài
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-04-10
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/professor-nguyen-ngoc-tuan-not-permitted-to-enter-vn-04102009123737.html
Sáng Chủ Nhật vừa qua (5-4-2009), Giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn, hiện đang giảng dạy tại Trường Đại Học Victoria (Úc)
Khi về nước để tham dự một cuộc hội thảo do trường Đại Học Mở Hà Nội (Hanoi Open University) và Đại Học Monash (Monash University, Úc) mời về thuyết trình với đề tài "Quan điểm từ Á Châu:
Vai trò của ngôn ngữ và giáo dục đa văn hóa trong việc hướng dẫn các cộng đồng địa phương trong nền kinh tế toàn cầu" (The role of language and multi-cultural education in educating local communities in global economies: perspectives from Asia), GS Tuấn đã bị giữ tại Phi Trường Nội Bài và ngay sau đó ông bị áp giải sang Thái Lan để bay trở về Úc.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn còn được biết với tên gọi Nguyễn Hưng Quốc qua tên tuổi của một cây bút phê bình văn học.
Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học giá trị trong hơn 20 năm qua.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn còn được biết với tên gọi Nguyễn Hưng Quốc một cây bút phê bình văn học.Photo courtesy Wikivietlit
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/professor-nguyen-ngoc-tuan-not-permitted-to-enter-vn-04102009123737.html/NguyenHQuoc-170.jpg

Có visa vẫn không được vào Việt Nam

Mặc Lâm : Thưa Giáo Sư, trước tiên xin được chia xẻ về sự kiện không vui vừa xảy ra cho ông. Như chúng tôi được biết thì ông vừa bị nhà cầm quyền Hà Nội không cho vào Việt Nam và đây là lần thứ hai phải không ạ? Lần trước thì Giáo Sư và các sinh viên Úc trong phái đoàn cũng bị tình trạng tương tự. Ông có thể kể qua vụ việc như thế nào hay không, thưa ông?
GS Nguyễn Ngọc Tuấn : Vào tháng 11-2205 tôi dẫn phái đoàn sinh viên Úc về Việt Nam để du khảo, để học tiếng Việt, để nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, tuy nhiên, khi đến TP.HCM thì tôi bị yêu cầu rời khỏi Việt Nam trong khi các sinh viên của tôi thì vẫn tiếp tục vào Việt Nam.
Còn lần này thì tôi về Việt Nam chủ yếu là để tham dự một cuộc hội nghị quốc tế được tổ chức tại Hà Nội về vấn đề giáo dục và ngôn ngữ, trong đó tôi là một trong những thuyết trình viên chính.

Mặc Lâm : Thưa, ông có làm đúng các thủ tục nhập cảnh mà phía Việt Nam yêu cầu đối với một kiều dân nuớc ngoài hay không?
GS Nguyễn Ngọc Tuấn : Vâng. Tôi vẫn làm đúng theo quy định của chính phủ. Trước khi đến Việt Nam thì tôi có gửi đơn đến Toà Đại Sứ Việt Nam tại Úc để xin Visa nhập cảnh và mấy ngày sau thì tôi nhận được Visa.

Mặc Lâm : Nếu mọi thứ giấy tờ nhập cảnh đều hợp lệ thì công an cửa khẩu lấy lý do gì không cho Giáo Sư vào Việt Nam ?
GS Nguyễn Ngọc Tuấn : Tôi không biết lý do sao cả, anh ạ. Sau khi tôi đưa hộ chiếu ra thì mấy người công an đó mới yêu cầu tôi vào văn phòng của họ và ở đó thì họ bảo tôi ngồi chờ. Sau đó thì người ta yêu cầu tôi quay lại Thái Lan là nơi mà tôi đã bay từ đó đến Việt Nam.
Người ta bảo là tôi không được nhập cảnh vào Việt Nam. Hỏi kỷ hơn nữa lý do tại sao thì người ta chỉ nói cái này là nhà nước Việt Nam "không hoan nghênh anh vào Việt Nam", cả khi tôi được mời về Việt Nam, chớ không phải tự ý tôi về Việt Nam, kể cả khi tôi đã có Visa vào Việt Nam.

Mặc Lâm : Ông có thể cho biết đơn vị chủ quản nào đã mời ông trong chuyến đi này hay không ?
GS Nguyễn Ngọc Tuấn : Cuộc hội nghị quốc tế này do hai trường đại học cùng tổ chức, một là Đại Học Monash ở Úc và hai là trường Đại Học Mở ở Hà Nội.

Mặc Lâm : Và khi hai đại học này nghe ông bị từ chối nhập cảnh thì họ có động thái can thiệp nào hay không?
GS Nguyễn Ngọc Tuấn : Ngay lúc tôi chờ ở Phi Trường Nội Bài, khi nghe tin là mình không được nhập cảnh vào Việt Nam (thì) tôi có gọi điện thoại cho một trong những người tổ chức cuộc hội nghị (để) trình bày vấn đề thì chị đó có nói là sẽ liên lạc với công an gấp để hy vọng vấn đề có thể được giải quyết một cách tốt đẹp.
Thế nhưng trước khi nhận được điện thoại trả lời của chị đó thì tôi đã bị công an áp tải lên máy bay và bay ngược về Thái Lan.

Một nhà hoạt động văn hoá thuần túy

Mặc Lâm : Chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết chính quyền có những động thái có thể gọi là cứng rắn như vậy vì thật ra Giáo Sư chỉ là một nhà hoạt động văn hoá chứ không phải là một nhà hoạt động chính trị, thì tại sao lại có việc nhanh chóng đưa ông lên máy bay như vậy ?
GS Nguyễn Ngọc Tuấn : Thật ra họ muốn tôi rời Việt Nam càng sớm càng tốt. Trên chuyến máy bay từ Thái Lan sang Việt Nam mà tôi vừa mới đi, chuyến máy bay đó từ Thái Lan qua Việt Nam, trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ sau thì nó sẽ bay ngược về Thái Lan, thì người ta muốn tôi đi ngay trên chuyến bay đó. Cho nên họ gọi điện thoại bảo chuyến bay đó chờ và họ thúc ép tôi lên cho thật sớm. .
Và không những vậy, người ta còn lo sợ đến độ tôi có thể quay ngược lại cho nên người ta liên lạc với bộ di trú của Thái Lan yêu cầu làm thế nào để bảo đảm cho tôi về Úc một cách an toàn.
Có nghĩa là khi tôi đến phi trường Thái Lan thì tôi được thông báo là người ta sẽ giữ passport của tôi cho đến khi tôi lên máy bay về Úc.

Mặc Lâm : Giáo Sư có nghĩ rằng mình đã làm một điều gì đó làm cho chính quyền e ngại sự hiện diện của ông tại Việt Nam ?
GS Nguyễn Ngọc Tuấn : Thành thật mà nói thì tôi vẫn không nghĩ ra. Có một điều mà tôi vẫn luôn luôn khẳng định với tất cả mọi người một cách công khai hay là ở chỗ riêng tư với bạn bè là tôi chưa bao giờ làm chính trị, tôi không bao giờ làm chính trị.
Làm một người vựơt biên thì đương nhiên tôi có lập trường chính trị, làm một người viết lách đương nhiên tôi có lập trường chính trị, làm một trí thức đương nhiên tôi có lập trường chính trị, nhưng mà tôi vẫn không biến cái lập trường đó thành một hành động.
Tôi không tham gia bất cứ đảng phái nào, tôi cũng không tham gia bất cứ một cuộc biểu tình nào, thành ra tôi vẫn không hiểu lý do tại sao chính quyền ở trong nước lại đối xử với tôi như vậy. Tôi chỉ có nghĩ đến khả năng là người ta không thích những bài viết của tôi.
Nhưng mà cho đến bây giờ, tôi cũng xin nói ngay là tôi in đến hơn 10 quyển sách và tôi viết khá nhiều, nhưng mà tất cả các quyển sách cũng như các bài viết của tôi đều tập trung vào lãnh vực văn học và văn hoá. Tuyệt đối không có bất cứ một bài viết nào thuần tuý về chính trị.
Cuốn sách"Văn học Việt Nam duới chế độ cộng sản"

Mặc Lâm : Có thông tin cho rằng chính cuốn sách mang tên "Văn học Việt Nam duới chế độ cộng sản" của ông dã làm phật lòng Hà Nội. Giáo Sư có cho rằng nhận xét này là hợp lý hay không?
GS Nguyễn Ngọc Tuấn : Có lẽ có một phần nào, thế nhưng tôi nghĩ cái đó không phải là lý do chính. Thứ nhất là cuốn sách này in khá lâu, lần đầu tiên in vào năm 1991, tức là cách đây đã hai mươi mấy năm rồi.
Không có lý do gì mà nó kéo dài dây dưa cái hậu quả cho đến độ như vậy. Thứ hai, những lần trước tôi về Việt Nam thì thường thường là công an có mời tôi lên làm việc và một trong những đề tài người ta nói chuyện nhiều nhất, đó là về quyển sách "Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản", và luôn luôn tôi khẳng định đây là quyển sách nghiên cứu phê bình xuất phát từ góc độ của một nhà nghiên cứu và một nhà phê bình, chứ tuyệt đối không phải từ góc độ của một người làm chính trị.
Tất cả những tài liệu tôi sử dụng trong quyển sách đó tôi đều lấy từ trong nước, vậy người ta cũng hiểu điều đó. Do đó tôi không nghĩ là quyển sách "Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản" là nguyên nhân gây ra những sự khó khăn, những trục trặc trong việc nhập cảnh của tôi sau này.

Mặc Lâm : Và câu hỏi cuối xin được Giáo Sư chia xẻ. Nếu có cơ hội về Việt Nam do một tổ chức văn hoá nào đó chính thức mời một lần nữa thì Giáo Sư có từ chối vì kinh nghiệm vừa qua hay không?
GS Nguyễn Ngọc Tuấn : Không. Tôi sẽ đi trở lại, bởi vì lý do đơn giản Việt Nam là đất nước của tôi, tôi có quyền trở về. Và làm một nhà văn, là một người làm văn hoá, tôi vẫn tha thiết được làm văn hoá, được làm văn học ngay trên đất nước mình.
Cho nên trong tương lai, nếu có bất cứ cơ hội nào về Việt Nam (thì) tôi cũng sẽ trở về. Tôi không cần biết là chính phủ Việt Nam sẽ đối xử với tôi như thế nào, nhưng mà khi có dịp thì tôi sẽ trở về.


No comments: