Saturday, April 4, 2009

VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI TRỊNH CÔNG SƠN (Phần II)

Về Một Quãng Đời Của Trịnh Công Sơn (phần II)
Nguyễn Thanh Ty
13/04/2007
http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=6152

Hình: Từ trái sang phải: Nguyễn Hảo Tâm (hiện sống tại Austin, Texas), Nguyễn Thanh Ty (Tác giả viết bài này), Nguyễn Văn Ba, và Trịnh Công Sơn. Ảnh chụp năm 1964.
http://www.vietnamreview.com/modules/News/pic/1176526300_NHaoTamNThanhTyNVanBaTCongS.jpg

Sáng thứ Hai, trình diện tại Ty để chờ bổ nhiệm, chúng tôi gặp hầu hết các bạn khác từ các nơi cũng đã đến từ thứ Bảy, Chủ Nhật. Sư phạm Qui Nhơn đủ mặt: Lê Thị Ngọc Trinh, Đỗ Thị Nghiên, Trương Khắc Nhượng. Sư phạm Sài Gòn: Nam có Nguyễn Hảo Tâm, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Nghị. Nữ có: các cô Nguyệt, Châu, Hải, Trang... Sư phạm Long An chỉ có một ngoe là Ngô Thanh Bạch.Ty Trưởng đương nhiệm là Ông Trương Cảnh Ngôn, sắp về hưu. Đỗ Thị Nghiên, Trương Khắc Nhượng, Nguyễn Hảo Tâm và tôi cùng được bổ nhiệm về trường Tân Bùi, xứ Tân Bùi, cách trung tâm Bảo Lộc chừng năm cây số. Lê Thị Ngọc Trinh bổ về trường Nữ Bảo Lộc ngay trung tâm phố. Nguyễn Văn Ba phụ chân kế toán tại Ty. Riêng Trịnh Công Sơn được "biệt nhãn" hơn bổ về một trường Sơ Cấp Thượng, ở sát nách Ty, chừng non cây số. Với chức vụ là Trưởng Giáo. (Xin chú ở đây, theo qui chế Bộ Giáo Dục bấy giờ: một trường chỉ có lớp bốn trở xuống gọi là trường Sơ cấp. Đứng đầu là Trưởng Giáo, phải dạy lớp và không có phụ cấp chức vụ 200$. Trường từ năm lớp trở lên mới được gọi là trường Tiểu học. Đứng đầu là Hiệu Trưởng có phụ cấp chức vụ, vẫn phải đứng lớp. Truờng có từ mười lớp trở lên, Hiệu Trưởng mới được miễn dạy.
Ngạch chúng tôi là Giáo Học Bổ Túc, chỉ số lương tập sự là 320, ngân sách do Bộ Quốc Gia Giáo Dục đài thọ, như đã nói ở trên. Sau khi phân bổ xong, Ty cho chúng tôi được nghỉ một tuần để thu xếp nơi ăn chốn ở. Thứ hai tuần tới sẽ trình diện nhiệm sở mới. Khi về đến nhà, chúng tôi bò lăn ra cười với cái chức Trưởng giáo của Sơn. Lần đầu nghe tới chức Trưởng Giáo, ai cũng liên tưởng tới chức Trưởng Lão Hộ Pháp trong Ma Giáo, truyện chưởng Kim Dung.
Mấy ngày thong thả, tôi và Sơn đi dạo khắp nơi để tìm nhà trọ. Thật đúng như lời của một bản nhạc "đi dăm phút đã trở về chốn cũ..." Phố Bảo Lộc nằm dọc theo quốc lộ, chỉ có một đoạn ngắn chưa đầy nửa cây số. Bắt đầu từ trường Nông Lâm Súc, chạy thoai thoải xuống dốc, đến cuối dốc là một cái hồ nước, trông giống như cái lòng chảo là hết. Lên dốc, hai bên là những đồi trà ngút ngàn. Lâm Đồng là xứ trà.
Xưa kia B'B'Lao do người Pháp khai khẩn trồng trà và chế biến trà. Họ có nhiều trang trại lớn và có cả sân bay tư nhân. Năm chúng tôi được bổ về đây thì chỉ còn hai người Pháp già lấy vợ Việt Nam là còn ở lại. Những trại chủ khác đã bán lại cơ sở cho người Việt hoặc bỏ hoang để về nước vì không chịu nổi Việt Cộng thu thuế.
Bảo Lộc là đọc theo âm Việt của tên Thượng là B'Lao. Năm 1954, ông Diệm đưa số người Bắc di cư lên đây khẩn hoang lập nghiệp. Họ toàn là người Công Giáo. Dẫn đầu là một cha xứ. Người xứ nào ở ngoài Bắc thuộc làng gì thì lên đây qui tụ lại thành một xứ, lấy tên làng mình ghép thêm chữ Tân để thành tên của xứ mình. Ví dụ: làng Bùi Chu thành Tân Bùi. Theo thứ tự, hướng từ Định Quán lên cao dần, qua khỏi khu vực sông La Ngà là đèo Ma Đa Gui, ranh giới tỉnh Lâm Đồng. Quận Bảo Lộc bắt đầu từ xứ Tân Bùi. Tiếp theo là Tân Hà. Phố Bảo Lộc nằm giữa. Rồi đến Tân Thanh, Tân Phát. Xa vào tận buôn Thượng còn thêm Tân Rai và Tân Lú. Tôi chưa đến đó bao giờ. Chỉ đọc thấy trên bản đồ hành chánh.
Mỗi xứ đạo do một cha xứ cai quản, cả phần hồn lẫn phần xác. Phụ tá có các ông trùm. Xứ có lực lượng vũ trang riêng để tự vệ an ninh và đánh trả Việt Cộng. Chung quanh xứ bảo bọc bởi hàng rào tre kiên cố. Kẻ lạ muốn vào xứ phải có người trong xứ quen và hướng dẫn. Xứ được xây dựng theo đồ hình bát quái. Trung tâm là nhà thờ. Dưới mỗi nhà đều có đường hầm ăn thông với đường hầm chính dẫn tới nhà thờ. Đường hầm được đào và xây dựng rất rộng rãi, chắc chắn. Suốt những năm ông Diệm chấp chánh, không một tên du kích nào dám bén mãng đến quấy rối. Nghe nói lúc đầu cũng có vài tên cố thâm nhập nhưng đều bị giáo dân tóm cổ tức khắc. Trong khi đó, tại trung tâm phố, khu tập trung đông đảo dân Nam, Ngãi, Bình, Phú, Thừa Thiên theo đạo Phật đa số thì Việt Cộng lại dễ dàng trà trộn rải truyền đơn và treo cờ. Kể từ năm 1964, khi chúng tôi dạy học tại đây, trở về sau, những chính quyền kế tiếp không chú trọng đến kế hoạch ấp chiến lược nữa, thu hồi toàn bộ vũ khí của các xứ, nên vấn đề an ninh lỏng lẻo dần.

Trở lại chuyện chúng tôi đi tìm nhà trọ. Suốt mấy ngày, Sơn và tôi lang thang khắp ngõ để tìm nhà thuê, nhưng không nơi nào vừa ý. Nhất là nhà vệ sinh thì khiếp quá. Tất cả các nhà đều đào hố xí sau vườn. Gác ngang miệng hố là hai thanh gỗ. Che chung quanh bằng những tấm cót tre. Không có mái che. Ngày mưa phải đội nón lá mà ngồi. Nhặng xanh hằng ngàn con bay vù vù từ dưới hố lên, bu cả vào người. Dòi bọ trắng nhởn to bằng đầu đũa, bò lổn nhổn khắp mặt đất. Eo ơi! Còn những ngày nắng oi nồng, cái mùi xú uế từ dưới xông lên càng khiếp đảm.
Trong lúc loay hoay tìm nhà, có ai đó mách chúng tôi, ở về phía Ty Công Chánh có ngôi biệt thự vừa xây xong, chủ nhà muốn cho thuê nhưng hơi đắt. Sơn và tôi đến ngay. Nhà rất đẹp, tọa lạc trên một khu quang đãng, thoáng tầm nhìn. Chung quanh hàng rào bao bọc, phía trước có cổng. Nhà có ba phòng ngủ, một phòng khách. Nhà bếp rộng chia làm hai, một nửa là bếp, một nửa là phòng tắm và vệ sinh. Chủ nhà là một người đàn bà tuổi trạc độ ba mươi, người mảnh dẻ. Bà hiện là Trưởng Phòng Kế Toán của Ty Công Chánh Lâm Đồng. Bà sống với đứa con gái nhỏ sáu tuổi tên Đào. Chồng bà đang làm việc ở Sài Gòn, bà cho biết. Sau khi nói chuyện độ dăm phút, chúng tôi bằng lòng thuê toàn bộ căn nhà, trừ một phòng cho bà và đứa con gái để ở, với giá 1.200 đồng. Nếu muốn ăn cơm tháng thì bà nấu luôn cho. Ngày ba bữa, mỗi người trả thêm ba trăm đồng. Chúng tôi ra về với lòng thơ thới vì đã tìm được nơi ăn ở vừa ý. Trên đường về Sơn cứ lẩm bẩm: Đàn bà mà tên Phi lại lót Thị, Thị Phi... Thị Phi!
Sơn tủm tỉm cười một mình. Tôi biết Sơn đang nghĩ gì về bà chủ nhà trẻ, sống một mình.
Chúng tôi rủ thêm hai người bạn nữa để chia bớt phòng và chia bớt tiền. Hai anh Nguyễn Hảo Tâm và Nguyễn Văn Ba đến xem nhà và đồng ý ngay. Sơn và tôi có công tìm nhà, nên được ưu tiên ở căn phòng trước, có cửa sổ quay ra mặt đường. Tâm và Ba ở căn kế. Bà chủ nhà căn trong cùng. Ba phòng ăn thông ra phòng khách. Phòng khách có cửa hông thông với nhà bếp. Từ lúc chúng tôi về ở, trừ những lúc dọn cơm cho chúng tôi hay những lúc đi làm chạm mặt ở phòng khách, bà chủ cùng đứa con gái đóng cửa im ỉm, nói chuyện rầm rì ở trong buồng, ít khi ló mặt ra ngoài.
Mấy tháng sau, bà thuê được một cô người làm. Cô này độ chừng hơn hai mươi, có da thịt, tính tình hiền hậu, hơi quê mùa nhưng dễ thương. Cô giúp bà chủ đi chợ nấu ăn cho chúng tôi. Cô ngủ ở nhà bếp.

Nhớ lại một mẫu chuyện vui


Có lần bà chủ nghỉ phép nửa tháng về Sài Gòn với gia đình, bà yêu cầu chúng tôi tìm chỗ ăn tạm trong thời gian này. (lúc đó chưa có cô giúp việc) Bốn chúng tôi thay phiên nhau đi chợ nấu ăn mỗi người một ngày. Sở dĩ chúng tôi không đi ăn tiệm là vì hai lý do. Thứ nhất là làm biếng đi xa. Từ nhà đến tiệm ăn xa hơn đến chợ. Thứ hai, có cơ hội để thử mình có khả năng tự lực cánh sinh hay không? Đầu tiên, tôi xung phong trước. Bữa ăn có cá chiên dầm mắm tỏi ớt, chấm với dưa leo, rau sống, xà lách. Hội đồng chấm điểm: Tạm được! Ngày thứ hai, Nguyễn Văn Ba. Thịt ba chỉ kho hột vịt ăn với dưa cải và cà pháo muối mặn. Điểm: Khá. Đêm đó chúng tôi lục đục thức dậy uống nước và đi tiểu suốt. Nguyễn Hảo Tâm người Sài Gòn, giả giọng Bắc của Ba, ngâm ư ử chọc Văn Ba:
Em ơi! Mở cửa cho anh ra!
Kẻo anh chết khát trong vại cà nhà em!
Ngày thứ ba, Hảo Tâm vác chiếc bụng phệ đi chợ. Vậy mà thoáng cái đã về, xăn tay áo vào bếp. Trưa hôm đó chúng tôi được thưởng thức món hột vịt luộc, dầm xì dầu ớt chanh, chấm với giá chua, rau sống. Sơn rên rỉ: Chắc cái rô-bi-nê nước của bà chủ nhà đêm nay hư quá! Văn Ba được dịp trả thù câu chọc tối qua của Hảo Tâm:
- Này ông Tâm! Cái câu "Kẻo anh chết khát trong hủ giá chua nhà em" tối nay đọc nghe trúc trắc quá, ông ráng sửa lại nghe cho êm tai nhá!
Tâm cười giả lả:
- Nè... nè tráng miệng với chuối bồ hương đi! Ngon lắm đó.
Ngày thứ tư đến lượt Sơn. Anh rủ tôi đi cho có bạn. Hóa ra anh chàng mắc cỡ. Anh thủ sẵn trong túi hồi nào không hay một cái bao bằng giấy xi măng. Miệng ngậm ống vố phì phèo, tay chắp sau đít, anh lững thững vào chợ như người đi dạo cảnh. Tôi theo sau không ý kiến, mắt đảo quanh đám người Thượng, xem họ mua bán đổi chác những thổ sản mang từ trên núi xuống. Nhiều nhất là phong lan. Nhưng chỉ là những loại thường như hoàng lan, hoàng điệp, hàm rồng, long tu, địa lan... Mấy thứ này rẻ tiền. Chỉ năm, mười đồng một nhánh. Tháng đầu tôi ham, mua về treo đầy trong phòng. Song nó cứ rũ ra, chết dần. Có người bày cách, phải treo nó ngoài trời cho có đủ sương và nắng gió nó mới sống. Tôi làm theo. Nhưng mấy chục nhánh cũng lần lượt héo sầu, đổi sang màu vàng rồi chết khô. Có lẽ nó nhớ bạn, nhớ rừng chăng?Sơn xăm xăm đi tới hàng đồ khô, gia vị và nói với bà bán hàng:
- Bà cho tôi một chục trứng gà, một ít củ hành và tỏi. Tính hết bao nhiêu?
Bà bán hàng nói giá tiền và hỏi lại:
- Cậu có cái gì đựng không? Đi chợ mà đi hai tay không vậy?
Sơn nhanh nhẹn rút trong túi quần ra cái bị giấy xi măng đưa cho bà bán hàng và nói:
- Bà bỏ hết vô đây là được rồi.
Trả tiền xong, Sơn quành qua hàng thịt mua một miếng thịt ba chỉ. Trở lại hàng rau mua thêm mấy trái cà chua.
- Xong! Ông thấy tôi có nghề không? Sơn hỏi tôi mà không cần câu trả lời.
Vừa về đến nhà đã thấy hai chàng Tâm và Ba chờ sẵn.
- Nào! Bữa nay coi anh chàng nhạc sĩ của mình nấu nướng ra làm sao!
Sơn cười hì hì:
- Được rồi! Mấy ông vô hết trong này coi tôi trổ tài nghe.
Sơn vào bếp chỉ huy ba chúng tôi, người này lột vỏ hành, tỏi, người kia rửa cà, thái lát mỏng, người nọ cắt thịt ba chỉ thành sợi như chiếc đũa. Chúng tôi làm theo răm rắp. Mọi việc đâu vào đấy. Và giục Sơn ra tay vì trời đã khá trưa rồi. Sơn bắt đầu đổ dầu chiên vào chảo. Trong khi chờ đợi dầu nóng, Sơn giảng giải cách làm các món:
- Các ông sẽ được thưởng thức món hột gà "ốp la" và hột gà đổ chả nghe! (Sơn thường đệm tiếng "nghe" ở cuối câu rất nhẹ và rất dễ thương) Phải đợi dầu thật nóng, bốc khói, rồi khử dầu bằng vài tép tỏi đập dập cho thơm - Sơn nói tiếp:
- Bây giờ mấy ông coi nghe!
Sơn cầm lấy một trứng gà bằng hai tay, vừa làm vừa giảng tiếp:
- Mình phải cầm trứng bằng tám ngón tay như thế này, từ ngón trỏ đến ngón út, hai ngón tay cái bấm vào trứng để bóp quả trứng. Nè! Chú ý nè!
Chúng tôi ngó theo bàn tay Sơn, những ngón tay thuôn dài đang ôm lấy quả trứng. Những ngón tay khô, xương và da. Phải cho có thêm một ít thịt thì bàn tay Sơn chắc đẹp không thua gì bàn tay con gái. Sơn bóp mạnh hai ngón tay. Lòng trắng, lòng đỏ trứng gà thay vì lọt vào chảo, lại vọt xuống đất đánh "bạch" một tiếng. Một trứng đi đời. Sơn bào chữa:
- Tại tôi bóp mạnh quá!
Chúng tôi khuyến khích:
- Làm lại! Làm lại!
Sơn làm thêm hai lần nữa, tình trạng vẫn y như cũ. Một đống trứng nhầy nhụa dưới chân. Ba la lên:
- Thôi! Thôi! Ông Sơn ơi, làm ơn tránh ra cho chúng tôi làm. Mà ông có biết làm không thì bảo?
Sơn nói:
- Hồi nhỏ tôi thấy má tôi làm như vậy mà!
Tâm hỏi lại:
- Mà ông đã làm thử lần nào chưa?
- Chưa!
- Vậy mà cũng bày!
Tôi chọc quê Sơn bằng cách hát nhại "Dã Tràng Ca": "Thôi! Còn gì nữa đâu! Còn gì nữa đâu! Mà không ăn rau..."
Sơn nổi cáu, xì nẹt:
- Thôi cha! Cha sửa lời làm hư hết bản nhạc của tôi đó cha.
Sau đó chúng tôi đập hết những trứng còn lại vào trong một cái tô lớn. Trộn thêm đường, hành củ, cà chua, thịt ba chỉ, tiêu, xì dầu đánh đều lên thành một món hổ lốn, đổ vào chảo thành hai lượt cho mau chín và không bị cháy phía dưới. Không ngờ bữa cơm ấy lại vui và ngon ra phết. Ai nấy vừa ăn vừa nhắc lại cảnh Sơn bóp trứng mà cười. Dứt bữa ăn, Sơn trịnh trọng đứng lên tuyên bố:
- Bắt đầu chiều nay đi ăn cơm tiệm!
Không ngờ cái lệnh vô tình ấy lại hợp cả cho chúng tôi. Không ai bảo ai, cả ba chúng tôi đồng thanh vừa cười, vừa hô to:
- Ăn cơm tiệm! Đả đảo đi chợ!
Những ngày chúng tôi sống chung với nhau trong "ngôi biệt thự" của bà Trần Thị Phi thật là vui nhộn. Cũng chính trong căn phòng có khung cửa sổ ngó ra con đường đất đỏ của căn nhà này, Trịnh Công Sơn đã sáng tác các nhạc phẩm để đời: Chiều Một Mình Qua Phố; Lời Buồn Thánh; Vết Lăn Trầm và Ca Khúc Da Vàng.

Ngày Lãnh Lương Đầu Đời:

Mới ngày nào vừa trình diện để nhận nhiệm sở, thoáng cái đã đến cuối tháng lãnh lương. Ngày lãnh lương đầu tiên trong đời, chúng tôi ai nấy đều háo hức đến Ty thật sớm để được ký tên vào sổ lương. Tôi ký tên và nghĩ đến một món tiền lớn do chính tay mình làm ra. Món tiền mà từ xưa tới nay, tôi chưa hề được cầm trong tay. Hai năm trọ học ở Qui Nhơn, cha mẹ tôi phải khó nhọc lắm mới chắt chiu được sáu trăm đồng hàng tháng gửi cho tôi chi tiêu. Có tháng chậm tới ngày thứ mười mà tôi vẫn không dám viết thư dục vì tôi hiểu rõ hoàn cảnh của tôi: Con nhà nghèo.
Trong khi chúng tôi nôn nao chờ đợi được gọi tên vào phòng kế toán để lãnh tiền thì anh Thành, phát ngân viên, cứ đủng đỉnh hút thuốc lào. Tiếng kêu rít rít của cái nỏ cầy càng thêm sốt ruột. Lại thêm mấy ngụm trà Tàu khề khà nữa chứ.
Tiếng Nguyễn Đức Tín, giáo viên trường Cộng Đồng Thượng, một tay lâu năm trong nghề, rất hoạt kê và lém lỉnh vang lên:
- Bố Thành ơi! Ra tay làm phúc cho chúng em nhờ tí! Cả tháng nay chưa có hột cơm nào trong bụng cả. Hôm nay em về trễ, có mà vào nhà bằng đít.
Giai thoại về anh chàng Tín này rất nhiều. Chuyện nào cũng cười vỡ bụng. Có dịp sẽ kể. Khi mọi người đã cầm trong tay cái phong bì dày cộm có ghi tên mình, Tín thòng thêm một câu chót trước khi ra khỏi cửa Ty:
- Này bố Thành! Em bảo nhé! Cứ thuốc lào nhiều vào! Hai cái má hóp như hai cái hố ấy. Người cứ quắt như cái tăm, bà Thành không cho tí chút thì đừng bảo Tín này không nói trước nhá!
Nói xong, Tín cười hềnh hệch. Ra khỏi Ty, Sơn sải chân đi thật lẹ. Sơn cao, chân dài. Tôi thấp, chân ngắn, nên phải nhảy ba bước một mới kịp. Vừa thở, vừa kêu:
- Ông Sơn! Về nhà chớ đi đâu mà ông đi như ma đuổi vậy! Từ từ chờ tôi với chứ!
Sơn không đáp cứ cắm đầu đi thẳng. Vừa vào phòng, Sơn khóa trái cửa lại. Tôi ngạc nhiên chờ xem anh chàng làm cái gì đây. Sơn để nguyên quần áo, giày vớ, nằm vật ngửa ra đi văng, tay rút trong túi quần ra cái phòng bì tiền lương lúc nãy, xé phong bì, nắm hết xấp tiền 5.200 đồng, gồm giấy năm đồng, mười đồng, năm chục đồng tung lên trên trần nhà. Giấy bạc mới tinh, phát ngân viên Thành vừa lãnh từ Kho bạc ra, rơi lả tả xuống người Sơn, rơi xuống đi-văng. Sơn hốt lên, tung trở lại. Sơn cười sằng sặc. Sơn cười ha hả. Tiếng cười nghe là lạ. Nó pha lẫn niềm vui và nỗi phẫn hận. Rồi Sơn chửi thề:
- Đù mạ mi! Đù mạ mi! Tiền! Tiền!
Đó là lần đầu tiên tôi nghe Sơn chửi thề. Và cũng là lần duy nhất suốt ba năm sống chung với nhau.Tôi để mặc Sơn được tự do trong những giây phút ấy. Tôi không muốn gây một tiếng động nào để quấy rầy Sơn đang đắm chìm trong thế giới riêng của mình.
Tôi yên lặng đếm tiền của mình một cách chậm rãi. Từng tờ, từng tờ. Tôi để cho mười đầu ngón tay của mình cảm nhận hoàn toàn cái cảm giác đê mê, sung sướng đang run lên từng chập với những tiếng kêu sột soạt của những tờ bạc mới tinh nguyên chạm vào nhau. Cái âm thanh nghe sao mà hấp dẫn. Cái mùi giấy bạc mới sao mà quyến rũ thế! Đầu tôi phác họa ra một chương trình mau lẹ: Hãy trích ra ba ngàn đồng, ra ngay Bưu điện mua một cái "măng đa" gửi liền về cho Má để Má mừng. Chắc Má sẽ vui lắm khi nhận được tiền do thằng con gửi về. Thằng con do bà nuôi nấng, chắt chiu, dành dụm từng đồng, từng cắc của gánh hàng đè nặng lên vai bà ngày ngày, cho con ăn học. Hôm nay có lẽ bà sẽ sung sướng và hãnh diện âm thầm, không tỏ lộ cùng ai: Con bà đã trở thành ông giáo!
Chiều hôm đó tất cả chúng tôi không ăn cơm nhà. Phải tự khao cho mình một chầu linh đình mới được. Tại nhà hàng Ngọc Hương (bây giờ ông bà chủ quen mặt chúng tôi quá rồi) có mặt đông đủ các ông giáo trẻ vừa mới có được một thành tích: Một tháng công vụ; Chúng tôi uống bia. Tín gọi nhà hàng ơi ới:
- Này ông bà chủ! Cho một két bia "ông Tây Cà lồ" nhé! Bia thật lạnh đấy!
Bia "ông Tây Cà lồ" mà Tín gọi là bia Con Cọp, loại chai lớn. Tín có những từ ngữ thật đặc biệt để gọi các vật hay những việc nghe rất buồn cười. Có lần anh ta mời Sơn và tôi đến nhà chơi. Anh ta nói oang oang giữa đám đông đang bù khú:
- Này! Xin thưa với các cụ! Hôm nay em xin phép các cụ cho em "rước" hai ông anh này đến "am" em chơi, làm mấy "ve". Xin các cụ đừng "à uôm" gì cả nhớ!
Đêm đó chúng tôi ăn uống tưng bừng. Cười nói hả hê. Chín giờ, điện cúp. Chúng tôi ra về, bá vai nhau đi khệnh khạng, xiên xẹo giữa phố vắng, dày đặc sương mù. Đến cuối dốc cầu, xếp hàng ngang, vạch quần, vừa đi, vừa tè, vẽ thành rồng rắn, loang lỗ trên mặt đường nhựa.
Ôi một thời tuổi trẻ vô tư, hồn nhiên!
Một Thầy, Một Cô, Một Con Chó Cái!
Tôi không hình dung được lúc ông Cao Bá Quát làm giáo thụ ở Quốc Oai cái cảnh nó ra làm sao, mà ông tả oán bằng những câu thê thảm:
Một thầy, một cô, một chó cái,
Học trò dăm đứa, nửa người,
nửa ngợm, nửa đười ươi!
Nhưng cái cảnh ông trưởng giáo Sơn ngồi dạy học ở ngôi trường Sơ cấp Thượng thì thật bi hài. Mỗi buổi sáng, cái hoạt cảnh ông đi dạy đã là buồn cười rồi. Tôi và Sơn có điểm giống nhau là không thích đeo đồng hồ. Tôi dạy buổi chiều nên tha hồ nằm nướng trên giường. Sơn dạy buổi sáng, phải dạy sớm lúc bảy giờ để đến trường. Những ngày có mặt trời thì nhìn bóng nắng, độ giờ mà đi.
Những ngày sương mù hay mưa dầm thì lắng nghe tiếng kèn đồng chào cờ của một đồn lính nào đó, rất xa vọng lại văng vẵng. Te te... tò tí te... tò tí te... là Sơn xỏ vội chiếc áo sơ mi ka ki vàng cụt tay, (Chiếc áo này tôi thấy từ lúc còn ở trường Sư phạm) đôi giầy Ba-Ta màu nâu. Nách kẹp cuốn vở soạn bài cuộn tròn, miệng ngậm ống vố, chân sải bương bã đến trường. Trường không xa lắm. Cách nhà non nửa cây số. Sơn lội bộ hàng ngày trên con đường đất đỏ, càng lúc càng lên dốc. Ngày nắng thì bụi đỏ mù trời. Ngày mưa đất nhão, nhèm nhẹp. Đi một lúc thì phải tìm một khúc cây hay hòn đá bên đường để gạt bớt lớp đất nhão dính vào đế giày càng lúc càng nặng. (Quảng đường này ông Trịnh Cung tưởng tượng ra dài đến mấy cây số, Sơn phải gò lưng đạp xe đạp đến trường).
Có hôm, Sơn ngồi chờ mãi vẫn không nghe thấy tiếng kèn đồng giục giã tò te, tí te, cứ ôm đàn tìm nốt nhạc. Đến khi sương tan, mặt trời ló ra thì đã trưa rồi. Ba chân bốn cẳng, Sơn phóng như ngựa phi đến trường. Nửa giờ sau, thấy anh ta đủng đỉnh ra về. Tôi hỏi:
- Ủa! Không dạy à?
- Học trò đâu mà dạy? Sơn trả lời tỉnh khô. Tôi vẫn chưa hết thắc mắc:
- Vậy thì chúng nó không đi học à?- Không biết! Nhưng có lẽ chúng nó thấy không có thầy nên tự động ra về. Tôi đoán vậy.
- Nè ông Sơn! Trường ông sát nách Ty. Coi chừng Thanh tra Lương đi kiểm soát bất tử thì chết không kịp ngáp đó nghe! Tôi nhắc chừng. Sơn vẫn nói cứng:
- A! Tôi đâu có cho phép. Chúng nó tự động về là lỗi của chúng. Đâu phải lỗi tại tôi.
Đến nước này thì tôi chào thua, hết cãi.
Một hôm, tôi bỗng nảy ý định đến xem ngôi trường của ông trưởng giáo Sơn nó ra làm sao.
Leo hết con dốc ngắn, ngôi trường hiện ra trên một khoảng đất trống. Xung quanh trơ trọi, không một cây cối gì cả. Trường được ngăn đôi thành hai lớp học. Mái tranh, vách đất, không cửa nẻo. Trong lớp một bàn vuông cho Thầy, sáu bộ bàn ghế dài cho trò. Trên vách treo một tấm bảng đen đã bạc thếch chính giữa. Chắc trải nhiều năm tháng không ai buồn sơn lại. Bụi đỏ bám khắp nơi. Từ vách đến bàn ghế thầy lẫn trò. Tôi đến đó khoảng mười giờ. Học trò hầu hết là các em bé người Thượng. Chỉ xen lẫn vài em người Kinh. Có lẽ là con em của những gia đình lính đóng đồn gần đó. Tất cả đều bẩn thỉu. Có đứa ở trần, đánh độc một chiếc quần xà lõn. Có đứa cũng đủ bộ. Nhưng màu đất đỏ đã nhuộm từ ống quần trở lên, lâu ngày không còn nhận ra màu gì nữa.
Có lẽ là giờ ra chơi. Thầy Sơn đang ngồi tư lự. Miệng ngậm ống vố, mắt nhìn lơ đãng về cánh rừng xa xa. Mặc cho đám học trò nhỏ làm gì thì làm. Một túm đang gò lưng trên bàn, méo mồm, méo miệng nắn nót viết bài. Một tụm đang bò lê bắn bi dưới đất. Cuối lớp có vài đứa đang dựa lưng vào vách, há mồm ngủ.
Thấy tôi vào, Sơn cười méo miệng:
- Tới đây chi cha?
- Tới coi ông trưởng giáo làm ăn ra sao cho biết! Tôi cười cười.
- Còn ông già Thống đâu?
- Ông Thống dạy buổi chiều.
- Trường có mấy lớp anh Sơn?
- Ba. Tôi dạy lớp ba. Ông Thống lớp một và hai.
- Học sinh đông không?
- Thì ông thấy đó. Bữa nào không đi hái trà thì được hai chục. Bữa nào cha mẹ nó cần thêm nhân công thì lớp mươi, mười lăm đứa.
Những đứa học trò thấy người lạ thì trố mắt nhìn. Sơn gõ gõ cây thước lên bàn làm hiệu. Đám học trò ngưng hẳn cuộc chơi, chờ lệnh thầy. Sơn nói:
- Hôm nay thầy có khách. Cho các em về sớm.
Đám trẻ con hớn hở ra mặt, vội thu sách vở, ùa ra cửa. Trong giây lát, tất cả trở về trong yên lặng. Sơn ngồi trầm ngâm, nán lại thêm một chút nữa, đão mắt nhìn quanh một vòng, rồi tặc lưỡi đứng lên. Hai chúng tôi yên lặng xuống đồi. Trong thâm tâm, có lẽ mỗi người đang theo đuổi những ý nghĩ khác nhau. Sơn nghĩ gì? Tôi không biết. Riêng tôi thì nghĩ: May cho ông thi sĩ họ Cao ngày xưa. Ngồi dạy học ở nơi khỉ ho cò gáy, còn có một cô, một chó cái an ủi. Ngày nay ông nhạc sĩ họ Trịnh cũng ngồi dạy học ở một nơi y như vậy mà không có gì bầu bạn, ngoài một nỗi buồn cô quạnh!
Trên đường về, tôi gợi ý với Sơn, nên nhập hai buổi thành một, để có thêm ông già Thống cho vui. Sơn cho là ý hay.
Chiều nay tôi phải bàn với ông Thống mới được.

Ông Già Thống: Con Ngựa Già Của Trưởng Giáo Trịnh.

Sau khoảng vài tháng đầu niên khóa 64-65, ông Trương Cảnh Ngôn về hưu. Ông Lê Cao Lợi, một vị thanh tra kỳ cựu, có tu nghiệp ở Mỹ một thời gian, được Bộ đề cử chức Ty Trưởng thay ông Ngôn. Thời gian này là thời kỳ vàng son của Trịnh Công Sơn. Ông Lợi, người trung niên, có tâm hồn văn nghệ, thích thơ, nhạc, nên đối với một nghệ sĩ như Sơn, Ông dành cho nhiều dễ dãi. Đôi lúc nhắm mắt làm ngơ cho Sơn dùng thì giờ dạy học làm việc riêng của mình. Điều này đã khiến cho một vài giáo viên già, lâu năm trong nghề, so bì.
Khi chúng tôi đặt chân lên Bảo Lộc, trời đã vào thu. Những tháng đầu còn lạ nước, lạ cái, không biết đi đâu, làm gì cho hết thì giờ. Vì chỉ dạy có một buổi, chúng tôi có suốt những buổi chiều lang thang. Cứ hết "những bước chân âm thầm" trong khuôn viên trường Nông Lâm Súc, im lìm vắng vẽ với những tàn cây sao, cây gõ, cây gụ... cao vút tận trời xanh, lại đến đoạn đường Quốc Lộ chạy xuyên qua con phố Bảo Lộc lèo tèo vài quán ăn dọc đường ngắn củn. Chúng tôi lại đi vòng vòng bờ hồ cho đến khi chiều xuống hẳn. Sương mù bắt đầu xuất hiện trên mặt hồ. Ban đầu mỏng rồi đầy dần, đầy dần cho đến lúc che khuất hẳn một chòm cây giữa hồ. Chỉ còn thấy một thân cây chết khô với những cành khẳng khiu vươn lên trơ trọi giữa trời mây. Đến lúc đó, ai cũng cảm thấy mỏi chân. Và muốn vào quán ngồi nhâm nhi cà phê hoặc làm vài chai bia, nghe nhạc, chờ tối để về nhà tìm giấc ngủ. Trong cái không gian và thời gian đó, Trịnh Công Sơn đã cảm hứng sáng tác nhạc phẩm "Chiều Một Mình Qua Phố".
Một điều đặc biệt rất lạ là suốt thời gian ba năm làm nhạc tại Bảo Lộc, những nhạc phẩm "Chiều Một Mình Qua Phố", "Lời Buồn Thánh", "Vết Lăn Trầm", "Tiếng Hát Dạ Lan" và tập "Ca Khúc Da Vàng" Sơn đều đi mượn đàn của bạn. Mặc dù đã có tiền nặng túi, Sơn vẫn không có nổi cây đàn. Hay Sơn không muốn mua? Cây đàn đã giúp Sơn ghi lại những nốt nhạc mà Sơn thai nghén trong lúc đi dạy hoặc lang thang với chúng tôi ban ngày. Tối về chúng tôi say trong giấc ngủ thì Sơn say sưa ôm đàn dò lại những âm thanh chập chờn ẩn hiện trong đầu. Đó là cây đàn ghi ta của cô giáo Đỗ Thị Nghiên.
Sau những đêm như thế, Sơn phờ phạc hẳn. Sáng ra, giỏ rác đầy tràn những giấy nháp. Sơn chép vội những dòng nhạc vừa xuất hiện trong đầu rồi chợt biến. Vo tròn, ném, lại dò tìm. Sơn sợ làm ồn giấc ngủ của tôi, nên phải chận phím để tạo những âm thanh câm.
Như trên đã nói, trước đó, Sơn đã có nhiều nhạc phẩm hay nhưng chỉ chuyền tay nhau hát trong chốn bạn bè. Có lẽ không có điều kiện hay vì lý do nào đó, Sơn không thể xuất bản để phổ biến rộng rãi. Cho đến khi ở tại Bảo Lộc, sau khi hoàn chỉnh nhạc phẩm "Chiều Một Mình Qua Phố", Sơn quyết định mang đứa con của mình về Sài Gòn, tìm nhà xuất bản.
Sơn ở rịt tại Sài Gòn gần ba tuần lễ.
Ông giáo già Tạ Văn Thống chạy chiếc xe gắn máy hiệu Sach, cũ kỹ, già nua không thua gì tuổi đời của ông, đến chỗ chúng tôi trọ, tìm thầy Sơn.
- Thầy ơi! Thầy có biết thầy Sơn ở đâu không? Ông hỏi tôi.
Ông ấy về Sài Gòn rồi! Ông ta không nói gì với ông sao? Tôi đáp. Ông Thống không trả lời tôi, chỉ ôm đầu rền rĩ.
- Ối giời ôi! Tôi chết mất! Thế này thì tôi chết mất! Một mình tôi phải ôm ba lớp suốt ba tuần nay.
Ông lại hỏi tôi:
- Thầy có biết lúc nào ông ấy về không?
- Không! Không thể nào biết được bác Thống ạ!
- Thế thì tôi chết mất!
Ông vừa chào tôi, vừa rền rĩ, thất thểu dắt xe ra ngõ. Tôi nhìn theo, ái ngại cho tuổi già của ông. Vài năm nữa là về hưu, nên ông cố gắng đeo cái nghề này trong chốn đèo heo, hút gió để mong được chút tiền hưu, an hưởng tuổi già. Tình trạng này sẽ còn tái diễn dài dài. Và ông vẫn sẽ phải ôm ba lớp mà ca cẩm, rên rĩ như mọi bận. Chúng tôi gọi đùa sau lưng ông là "Con Ngựa Già Của Trưởng Giáo Trịnh". Nhại lại nhan đề một truyện ngắn.


No comments: