Tuesday, April 21, 2009

VỀ HIỆN TƯỢNG SUSAN BOYLE

Trông Mặt Mà Bắt Hình Dong
Tuấn Minh

4/20/2009 2:49:13PM
http://www.take2tango.com/?display=6733

Khuôn mặt và hình dáng bề ngoài của chị Susan Boyle khiến mọi người đều sững sờ kinh ngạc trước giọng ca thiên phú và tuyệt vời của chị.
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%2012/TuanMinh-01.jpg

Vào tối thứ Bảy tuần trước, chị chỉ là một phụ nữ trung niên người Tô Cách Lan, với nhan sắc nếu không tầm thường thì cũng chẳng có gì mặn mà đáng nói đến, chắc chắn đi ngoài đường những người đàn ông chợt nhìn thấy ngang cũng chẳng ai thèm ngoái cổ để nhìn lại một lần nữa. Chị xuất hiện trên sân khấu để tham dự một cuộc thi tuyển lựa tài năng với vóc dáng sơ sài và trang phục bình dị chẳng thể nào có sức lôi cuốn khán giả. Khuôn mặt gần như vuông vắn với đôi lông mày quá rậm rạp thay vì tỉa gọn gàng đã khiến nhiều người tự hỏi không biết chị xuất hiện ở nơi này để làm gì. Mái tóc và chiếc váy của chị có thể được xếp vào hạng hợp thời trang nếu như người mặc đang sống vào thời kỳ ông Eisenhower còn làm
tổng thống nước Mỹ. Cái dáng đi đứng của chị khiến nhiều người liên tưởng đến những cuốn phim chiếu hình ảnh những người phụ nữ ở thôn quê tại Anh, sửa soạn ra đồng làm việc hơn là bước lên sân khấu của một rạp hát to lớn và được thu hình cho một chương trình truyền hình chiếu trực tiếp trên toàn nước Anh.

Đã thế, những câu chị đối đáp với giám khảo trước khi trình diễn cũng khiến khán giả chưa nghe mà cũng đã chê bai và dè biểu ra mặt bằng những ánh mắt trợn tròng hoặc bĩu môi đến lộ liễu. Mà chương trình chị ghi tên tham dự cũng không phải là một chương trình thi ca hát tầm thường ở tỉnh lẻ mà là chương trình tuyển lựa tài năng hàng đầu của Anh Quốc. Đó là chương trình có tên là Britain Got Talent, được bắt chước theo khuôn mẫu của show America Got Talent, nhằm tuyển lựa tất cả những tài năng không phân biệt tuổi tác trên vương quốc Anh có thể biểu diễn tài nghệ xuất sắc của mình trên nhiều bộ môn khác nhau từ ca múa đến kể chuyện hài hước hay biểu diễn khác lạ. Người nào thắng cuộc sẽ được lãnh giải thưởng 100,000 bảng Anh (tương đương gần 150,000 Mỹ-kim) và được vinh dự trình diễn tại Rạp hát Hoàng gia để cống hiến cho những thành viên trong hoàng gia đến thưởng lãm.

Việc chấm điểm dựa vào phần lớn là sự bỏ phiếu của dân chúng trên toàn quốc sau khi đã xem màn trình diễn của các thí sinh. Thế nhưng ban giám khảo gồm 3 người cũng góp phần phê bình của mình để nói lên cảm nghĩ thực sự của họ cho thí sinh cũng như mọi người cùng biết. Và những vị giám khảo này đã không ngần ngại dùng những lời lẽ nặng nề hay cay nghiệt để phê phán thẳng thừng nếu như họ thấy tài năng trình diễn đáng được phê chuẩn như vậy, chứ không cần phải giữ phép lịch sự tối thiểu như nhiều người lầm tưởng. Trong số 3 vị giám khảo có ông Simon Cowell nổi tiếng nhất và được coi như là một ‘hung thần’ đối với những thí sinh nào yếu bóng vía hay không có tài năng nổi bật, hoặc trình diễn không xuất sắc trong đêm dự thi. Thật ra có lẽ những lời phê bình “khá tàn nhẫn” của vị giám khảo này góp phần tạo cho những chương trình tuyển lựa tài năng thêm phần hấp dẫn vì dân chúng cũng tò mò muốn biết các thí sinh sẽ qua được “cửa ải” của ông Cowell thế nào. Chính vì vậy mà Simon Cowell đã được mời để làm giám khảo trong chương trình tuyển lựa nổi tiếng tại Hoa Kỳ là American Idol và góp phần tạo nên sự thành công của nó trong 7 năm qua.

Lần này, ông Cowell cũng đã không tha nạn nhân trong phần tra hỏi của mình trước khi cho thí sinh trình diễn. Với một giọng nhẹ nhàng nhưng không che dấu nét coi thường của kẻ cả, ông mở đầu với câu hỏi: “Này, tên gì vậy, cô bạn.” Chị trả lời tên mình là Susan Boyle và cho biết đến từ thị trấn Blackburn tại Tô Cách Lan. Chị còn cho biết là mình đang thất nghiệp, hiện ở nhà một mình trong căn nhà nhỏ của mẹ để lại với một con mèo có tên là Pebbles hủ hỉ làm bạn và vẫn còn là gái trinh nguyên (“chưa có anh nào được hôn” vào chị). Những chi tiết và cách nói của chị cũng chẳng đáng để mọi người phải đặc biệt chú ý. Đến khi chị xì ra cái tin về tuổi tác của mình (47 cái xuân sanh) thì khán giả trong rạp đã bắt đầu trợn mắt và trề môi, nhất là khi chị lại còn để một tay bên hông và lắc qua lắc lại trong một điệu bộ làm dáng chỉ khiến nhiều người còn trề môi hơn nữa. Hầu như mọi người trong rạp đều nghĩ bụng chắc lại phải chứng kiến một nhân vật dị hợm muốn tìm cách nổi tiếng theo đường tắt giống như anh William Hung. (Anh này
là sinh viên gốc Á học tại trường Đại học UC ở Berkeley, với khuôn mặt xấu xí và giọng hát lạc tông khi lên trình diễn trong chương trình American Idol. Anh đã bị giám khảo Simon Cowell dũa te tua sau khi ca dứt bài “She Bangs” của Ricky Martin, nhưng lại trở thành nổi tiếng có lẽ vì nhiều người tội nghiệp và tò mò
muốn xem anh ca dở đến mức nào. Thậm chí, anh cũng còn được hãng dĩa Koch Entertainment ký giao kèo để thu băng và dĩa nhạc cũng bán ra thị trường được trên nửa triệu đô-la.) Trước đó, trong lúc đứng chờ trong cánh gà, khi được hỏi là chị mong muốn điều gì khi xuất hiện đêm nay, chị phát biểu một cách thành thật: “Tôi từ lâu đã ao ước được trình diễn trước một cử toạ đông đảo như thế này. Và tôi sẽ làm cho họ nhảy dựng lên đêm nay.”

Giám khảo Cowell hỏi giấc mơ của chị là gì và hy vọng đạt được gì sau khi tham dự cuộc tuyển lựa tài năng này thì chị Boyle cho biết là mình ước mơ được trở thành giống như một thần tượng là Elaine Page, một nữ danh ca nổi tiếng trong làng ca kịch tại Anh. Chị nói tiếp: “Tôi muốn mình trở thành một ca sĩ nhà nghề. Tôi chưa bao giờ có được cơ hội để làm chuyện đó. Nhưng giờ đây tôi hy vọng là tình thế sẽ thay đổi.” Đến lúc này thì cả 3 vị giám khảo và nhiều khán giả đã há mồm, trợn mắt lớn hơn vì kinh ngạc hay trề môi dè bĩu, không phải vì tin tưởng vào niềm tin lạc quan của chị mà có lẽ vì sợ cái tính cả gan làm liều của chị mà không tự liệu sức mình. Ống kính truyền hình chiếu gần cho thấy là giám khảo Piers Morgannhíu mày thấy rõ, còn giám khảo Amanda Holden thì kể lại là “chúng tôi đang cười về chị ta vì chị trông có vẻ hơi kỳ lạ, chắc là đang hồi hộp và không biết mình phải nói gì.” Bài ca mà chị chọn lựa để trình diễn có tên là “I Dream a Dream” (Tôi mơ một giấc mơ) được trích từ trong vở ca kịch “Les Misérables” (Những kẻ khốn nạn). Bản nhạc có nội dung nói về những giấc mơ và niềm ngây thơ đã mất và sự lạc quan tin tưởng ở đời.

Đến khi ban nhạc trổi giọng đàn thì chị Boyle cũng bắt đầu cất tiếng “I dreamed a dream in time gone by/ When hope was high/ And life worth living/ I dreamed that love would never die/ I dreamed that God would be forgiving” (Tôi mơ giấc mơ về thời gian đã qua rồi/ Khi niềm hy vọng còn dâng cao/ Và đời sống này đáng sống biết bao/ Tôi mơ tình yêu sẽ không bao giờ chết/ Tôi mơ Thượng đế sẽ tha thứ). Chỉ mới ngay trong câu đầu tiên của bài hát thì khuôn mặt của giám khảo Simon Cowell đã hoàn toàn đổi khác vì kinh ngạc và khán giả khắp trong rạp còn đang có vẻ như khinh khỉnh bỗng chuyển sang há hốc tức thời trước một giọng hát thiên phú cất cao giọng một cách tài tình và rung cảm tuyệt vời. Những tiếng vỗ tay đã đồng loạt nổi lên tức thời và nhiều người đã bật dậy tán thưởng như khi một danh ca vừa chấm dứt. Đến khoảng hơn 10 câu tiếp theo khi giọng ca của chị cất vang lên “Then I was young and unafraid/ And dreams were made and used and wasted/ There was no ransom to be paid/ No song unsung, no wine untasted” thì cả rạp im lặng trong sững sờ và thán phục vì ngạc nhiên như chưa bao giờ nghe được một giọng ca tuyệt vời như vậy trong đời họ.

Và đến khi chị sửa soạn chấm dứt ở đoạn “I had a dream my life would be/ So different from this hell/ I’m living/ So different now from what it seemed/ Now life has killed the dream I dreamed” (Tôi mơ thấy đời mình/ sẽ khác hơn với cảnh địa ngục này/ Tôi đang sống/ Trong một cuộc đời khác hẳn/ Nhưng giờ đây cuộc sống đã giết chết giấc mơ của tôi) thì mọi người trong rạp cùng đứng bật dậy để vỗ tay vang rền như chưa bao giờ được dịp hoan nghênh nhiệt tình và sung sướng như vậy và trên khuôn mặt các vị giám khảo vẫn còn giữ nguyên vị thế kinh ngạc và há hốc như không tin những gì mình vừa chứng kiến.

Sau khi cám ơn lời vỗ tay của mọi người, chị Susan Boyle đã vui vẻ tiến vào cánh gà để nhường chỗ cho người khác mà quên rằng mình còn phải ở lại theo đúng thủ tục để nghe phần bình luận và chấm điểm của ban giám khảo. Nên khi ông Cowell đã gọi lại mà chị không nghe vì tiếng vỗ tay còn vang dội và phải nhờ những người đứng kéo màn trong cánh gà nhắc nhở thì chị mới trở lại giữa sân khấu để nghe lời phê bình. Anh Piers Morgan nói rằng đây là sự ngạc nhiên to lớn nhất mà anh có được kể từ khi làm giám khảo cho chương trình này trong 3 năm qua. Anh cũng tự thú nhận là các giám khảo và khán giả đều tỏ vẻ rất nghi ngờ về khả năng của chị từ lúc đầu nhưng sau đó thì đã chuyển qua thán phục và ngưỡng mộ không thể
diễn tả nổi. Lời phê bình chấm điểm Yes của anh là cái Yes to lớn nhất chưa giành cho một thí sinh nào khác từ trước đến giờ. Đến phiên giám khảo Amanda Holden cũng nói lên sự kinh ngạc và thán phục của mình sau khi cũng thú nhận về những cảm nghĩ đầy nghi ngờ của mình giống như anh Piers. Quay sang hai người đồng nghiệp ngồi hai bên, chị Holden nói rằng màn trình diễn của Susan Boyle là một tiếng chuông thức tỉnh (wake-up call), ý nói đánh thức sự mê muội của họ coi thường người khác vì lầm tưởng vào bề ngoài. Chị nói là khán giả đêm nay đã có được niềm vinh hạnh rất lớn để thưởng thức được giọng hát tuyệt vời như vậy. Họ không giấu nỗi sự kinh ngạc vì trước đó không ai ngờ là chị có thể hát hay và tài tình đến như vậy. Chỉ có vị giám khảo hung thần Simon Cowell là người cuối cùng đã nhanh trí pha trò bằng cách nói rằng khi vừa thấy chị Susan xuất hiện trên sân khấu thì ông ta đã linh cảm ngay rằng màn trình diễn của chị sẽ rất đặc biệt khác người. Nhưng ông Cowell cũng đã đưa ra lời phê bình ủng hộ của mình một cách chân thành và vinh dự nhất khi phát biểu: “Susan, đêm nay, chị có thể trở về quê nhà và ngẩng cao đầu để hãnh diện.” Thế là Susan Boyle được 3 lá phiếu Yes to lớn nhất mà không ai có thể phê bình khác hơn được.

Điều đáng nói ở đây là sự thay đổi không ngờ của mọi người, kể cả các giám khảo, được thấy lộ liễu trước và sau khi chị Susan Boyle cất lên giọng ca, có lẽ vì không ai ngờ được là đằng sau cái bề ngoài tầm thường, có phần nhà quê và thô kệch đó, cộng với trang phục và nhan sắc chẳng được tô điểm để xứng đáng cho một ca sĩ đi dự thi tuyển lựa, lại có một giọng ca thiên phú quá tuyệt vời ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Nhà báo Tanya Gold trong phần nhận định đăng trên tờ báo Guardian tại Anh đã chua chát nhận định rằng “không phải ca sĩ Susan Boyle xấu xí trên chương trình Britain Got Talent mà chính cái phản ứng của cử toạ mới là điều xấu hổ”. Sự kiện về thái độ và phản ứng hoàn toàn bất ngờ này của cử toạ cũng như ban giám khảo đã được giới truyền thông tại Anh cũng như nhiều nơi trên thế giới đem ra bình luận sau ngày đó để phân tích về sự thành công của chị Susan Boyle ngoài dự kiến lúc ban đầu của mọi người. Nói theo lời của bà Gold thì “tại sao chúng ta kinh ngạc khi thấy những phụ nữ xấu xí có thể làm được nhiều điều tuyệt vời, thay vì phải an phận thủ thường ngồi trong nhà để khóc than cho số phận hẩm hiu của mình? Trong khi đó thì người đàn ông được xã hội chấp nhận là tuy xấu xí nhưng có thể có những tài năng khác.”

Nhưng nhờ vào kỹ thuật hiện đại của Internet nên thành quả của Susan Boyle đã được loan truyền rộng rãi và nhanh chóng khắp năm châu. Đến ngày thứ Tư, đoạn phim video độc đáo dài hơn 7 phút chiếu phần trình diễn của chị được đưa lên màn ảnh YouTube thu hút được hơn 5 triệu người bấm máy vào xem. Qua đến ngày thứ Năm hôm sau, nó đã tăng lên thành hơn 13 triệu người. Và đến ngày thứ Sáu số người vào xem đã thành hơn 22 triệu người, đến ngày thứ Bảy đã lên gần 30 triệu và nhiều phần là sẽ còn tăng cao hơn nữa, và có thể sẽ qua kỷ lục 43 triệu người đã xem một tài năng khác là Paul Potts cũng là một giọng ca thiên phú đã đoạt giải trong năm đầu tiên của chương trình Britain Got Talent.

Xin mời hãy vào xem You Tube:
Susan Boyle - Singer - Britains Got Talent 2009 (With Lyrics)
http://www.youtube.com/watch?v=9lp0IWv8QZY

Tên tuổi của Susan Boyle một sớm một chiều đã trở thành đề tài nóng bỏng nhất cho nhiều chương trình truyền hình lớn của Mỹ đến thu hình và phỏng vấn như CBS Early Morning Show, và dường như nữ hoàng của các chương trình truyền hình vào buổi chiều là Oprah Winfrey cũng đang tìm cách để chiêu dụ chị xuất hiện trong chương trình talk show nổi tiếng hàng đầu của mình. Và có lẽ chính anh Simon Cowell là người đầu tiên nắm bắt cơ hội may mắn này để khai thác sớm nhất vì công ty sản xuất dĩa nhạc của anh là BMG đang sửa soạn để ký giao kèo với chị Susan Boyle, tương tự như trường hợp đã ký với thí sinh Paul Potts bất ngờ thắng trong kỳ tranh giải đầu tiên.

Điều lý thú hơn trong lần này, như hai nhà báo Scott Collins và Janet Stobart đã nhận định trong bài viết đăng trên tờ nhật báo Los Angeles Times đề ngày 17-4, có lẽ là phần trình diễn của chị Susan Boyle đã cho người xem chứng kiến được toàn bộ những tình cảm và phản ứng khác nhau -- đầu tiên là cợt đùa có vẻ như xem thường, rồi sau đó là sững sờ và kinh ngạc, để rồi sau đó phải thán phục -- và tự hỏi lòng tại sao chúng ta lại có thể lầm lẫn đến mức chưa gì đã suy đoán về tài năng của người khác khi chỉ mới nhìn qua hình dáng bên ngoài.

Chính vì thế mà câu tục ngữ “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon” nhiều khi cũng bị sai lầm trầm trọng khiến mọi người phải kinh ngạc là vậy.

Tuấn Minh
Tuanminh1956@yahoo.com
Houston, Texas 18-04-2009

No comments: