Về cuốn hồi ký của nhạc sĩ Tô Hải
Trà Bồng
23-04-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6240
Có lẽ phần lớn người đọc hải ngoại không biết Tô Hải là ai. Nhưng người Việt thuộc thế hệ đã trưởng thành trong thời chiến phía trên vĩ tuyến 17 thì ngược lại...
Một người Đà Lạt rất quen thuộc với độc giả hải ngoại hồi tưởng:
“Khoảng năm 1962-63, tôi đứng trong dàn hợp xướng của trường Ðại học Tổng hợp Hà nội, say sưa hát Tiếng hát Biên thùy của Tô Hải. Thế rồi bẵng đi mấy chục năm, trong biển đời mông mênh, đột nhiên tôi thấy lại tên người nhạc sĩ ấy (tác giả bài hợp xướng hùng tráng ngày nào) xuất hiện giữa đám biểu tình chống kẻ xâm lăng hải đảo của ta!”
Một cựu bộ đội người Hà Nội hiện sinh sống tại Úc cũng có ngay những kỷ niệm liên hệ tới ông để kể lại:
“Tôi chưa từng gặp nhạc sĩ Tô Hải nhưng tôi biết một số nhạc phẩm của ông từ hồi tôi còn bé tí. Cho tới khi vào lính rồi xa nhà biền biệt mấy năm, trong những lần mải miết hành quân giữa rừng già Trường sơn hay giữa những ngày đói lả không cơm không cả cháo,tôi vẫn cùng chiến hữu thường nhẩm hát ca từ của ông mà cho tới giờ tôi vẫn nhớ:
Chiều chiều dừng chân đỉnh non sườn núi
Ngó trông xa xa về phía chân trời...
Rừng cây xao xác lá, sương chiều dần dần buông Ðỉnh núi cao xa xa còn vang tiếng còng ngân nga...
Ðây là những câu ca trong tổ khúc gồm 4 chương ‘Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy’ nhưng thời đó chỉ được biểu diễn 2 chương vì bị phê phán là ủy mị. Khi vụ biểu tình chống Trung quốc nổ ra, tôi lại có dịp biết đến người lính già trong đám trai trẻ đã cao giọng chất vấn mật vụ...”
Hai người được hỏi không hề quen biết nhau. Nhưng khi nói đến nhạc sĩ Tô Hải đều nhắc đến cùng một nhạc phẩm trong thời chiến, và cùng một biến cố trong thời bình liên hệ tới ông.
Tô Hải có thể xa lạ với người Việt hải ngoại, nhưng gia đình của ông thì không. Sài Gòn thất thủ là một cơ hội đoàn tụ đối với ông, nhưng
“Cả gia đình tôi gồm 16 người đã lên một chiếc máy bay riêng, di tản sang Mỹ. Mẹ tôi què chân đã ngoài 70 nhưng cũng ‘bị’ ông con rể đeo lon trung tướng có tên Lâm Quang Thi rước đi đêm 29…”
Nhiều người Việt hải ngoại cũng sẽ chợt nhận ra mình đã đứng đâu đó trong đám đông có Tô Hải trong các biến cố mà Tô Hải đã trải qua. Đó là thời gian
“Chính phủ Trần Trọng Kim với các tên tuổi nổi danh ra mắt sau đàm phán Elysées giữa Ramadier và Bảo Đại để tiếp quản chính quyền từ tay quân Nhật đầu hàng. Không còn những tên sĩ quan Nhật lê những thanh kiếm dài sát đất đi khắp nơi, chém chẻ tre bất cứ ai. Không còn ông toàn quyền, thống sứ, không còn lính Tây, chủ Tây!” Lúc ấy ông đã hân hoan kêu lên “sướng quá đi chứ!”
Rồi cậu thanh niên 18 tuổi đã hoà nhập ngay vào với giòng chảy đau thương của lịch sử, cùng “ùa nhau ra đường tay cầm cờ quẻ ly, miệng hát câu ‘Xứng danh nòi giống Tiên Rồng’”.
Ông đã chứng kiến giờ phút dân tộc đứng trước ngã ba đường khi
“Hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra. Lá cờ vàng ba sọc đỏ bị giật xuống và diễn đàn bỗng chốc xuất hiện một vị quần nâu áo vải, hông đeo poọc hoọc, đăng đàn diễn thuyết kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh, đánh Pháp, đuổi Nhật, đòi lại cơm áo, tự do, xoá bỏ gông xiềng…”
Ông nhớ rất rõ hôm ấy “đúng cái ngày 17 tháng 8 năm 1945 khi chúng tôi đi mít-tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim là ngày chúng tôi chính thức bước vào cái bẫy cộng sản mà không biết!”
Đối với ông đó là ngày
“Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim.” Một cuộc cướp chính quyền mà theo ông “không một tiếng súng. Không một sự phản kháng từ bất cứ ai, từ đâu, dù trại lính Nhật ở cách đó khoảng 300 mét! Khởi nghĩa đã thành công, nhẹ nhàng và nhanh chóng như thế đó!”
Rồi ông thú nhận
“Sau này, những loại thanh niên ‘yêu nước hồn nhiên’ như bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự bốc mình lên để kể công với lịch sử rằng: ‘Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật dành Tự do, Độc lập cho đất nước!’”
Ông là người duy nhất ở lại miền Bắc trong khi cả gia đình ông di cư vào Nam. Một phần vì ông đã thản nhiên đi vào cái bẫy như ông đã kể. Phần khác có lẽ cũng vì
“Câu chửi của bố tôi bằng tiếng Pháp: ‘đi theo cộng sản, lúc thua, đừng có mà vác xác về đây, tao tống cổ ra đường đó!’ ”
Lúc đó ông cho rằng bố ông
“vì đọc quá nhiều sách hổ lốn (tôi dùng chữ hétéroclite với ông làm ông nổi nóng mà ném cả một bình trà vào mặt tôi) nên ông có định kiến với cái đảng mà ông ghét cay ghét đắng, chứ bao lâu nay tôi đi ‘lính cụ Hồ’ có thấy anh cộng sản nó mặt mũi thế nào đâu?”
Năm nay Tô Hải đã 83, đang sống ở Sài Gòn. Thể chất đã suy sụp nhiều, nhưng tinh thần còn rất minh mẫn. Dù sống gần như trọn đời với cộng sản, nhưng nhờ vẫn giử được suy tư độc lập nên ông có những định nghĩa rất thẳng thắn trong cuốn sách của ông.
Chủ nghĩa cộng sản
“chính là một tà giáo đại bịp nhất trong lịch sử loài người mà những tên lãnh tụ tối cao của chúng dựa vào đó để gây chiến tranh nồi da xáo thịt, để tiến hành âm mưu hiểm độc tiêu diệt mọi lòng tin khác, mọi nhận thức, mọi tình cảm, mọi tình yêu, kể cả lòng yêu nước của con người!”
Còn chiến tranh Việt Nam thì sao?
“Đây là một cuộc chiến của thế giới tiến bộ chống nạn cộng sản vô luân, vô đạo, vô lý, kẻ thù của loài người! Đây là sự hy sinh cực kỳ vô duyên cho một chủ nghĩa không tưởng, cho sự tiếm quyền của một lớp người đang âm mưu làm VUA của cái nước Việt Nam khốn khổ này bằng chiêu bài Độc Lập, Tự Do mà ở các nước người ta đã có từ nửa thế kỷ trước nay rồi vì người ta may mắn thay, đã không có Đảng Cộng Sản cầm quyền!”
Dù chỉ mới tiếp xúc với internet vào những năm đã trên 70 tuổi, nhưng ông rất mê đại dương thông tin vô tận này. Ngày nào ông cũng lướt nét cả 8 tiếng đồng hồ. Ngay cả những khi bị đau lưng không ngồi được ông vẫn nằm nghiêng để …truy cập. Vì thế ông biết rất rõ
“vào internet để xem phim ‘porno’ thì …thoải mái! Trái lại, muốn đọc một trang RFA, Người Việt, Exodus… thì bị mấy ông công an mạng chặn ngay bằng đủ kiểu firewall! Có thể nói thẳng ra rằng: để củng cố được quyền lực, người ta sẵn sàng cho cả một thế hệ thanh thiếu niên các thế hệ 8X, 9X… Việt Nam tự do …rơi xuống đáy của lương tri, của tư cách, của tâm hồn. Miễn là chúng mày đừng đả đảo tao là được!”
Không chỉ vào internet để đọc, Tô Hải cũng góp tiếng nói của mình trong không gian cyber bằng một blog riêng ở http://360.yahoo.com/toohair007
Ấy là với thế hệ 8X, 9X. Còn đối với giới văn nghệ sĩ thì cũng có cách làm họ không đả đảo đảng bằng “đủ kiểu ban phát để ngậm mồm… Nào là giải thưởng hàng năm, giải thưởng tổng kết, giải thưởng trung ương, giải thưởng địa phương, giải thưởng đoàn thể, giải thưởng Nghành, giải thưởng Bộ, thậm chí cả giải thưởng quận, giải thưởng phường.”
Lớn tuổi hơn một chút là những người chống đảng cũ hay thuộc nhóm Nhân Văn, thành phần mà ông cho là
“khó chịu nhất và đáng ngại nhất” đối với đảng thì đảng “lẵng lặng trả lương truy lĩnh, cho một căn nhà, thậm chí cho đi chơi cả sang Mỹ, sang Pháp…”
Thêm vào đó, đảng chỉ cần
“móc túi dân quẳng ra cho các vị vài trăm đô la với một mảnh giấy có kèm theo một huân chương là họ đã bịt miệng được không ít những bầu nhiệt huyết của mấy nhà thức giả gần đất xa trời.”
Về chuyện tham nhũng và lòng tin thì
“người dân thì chẳng còn đến một tí ti lòng tin vào bất cứ một trò ma giáo nào mà chính phủ gần, chính phủ xa đưa ra nữa. Họ nhìn vào ngôi nhà to tướng của ông chủ tịch xã, phường, của chú công an khu vực, bà thẩm phán, ông chánh án, bác hải quan, chị quản lý thị trường, kể cả các vị ‘đại biểu’ của dân ở các cơ quan lập pháp … Tất cả đều nói dối, ăn cắp, hối lộ, bao che, ô dù cho nhau để tổng giám đốc ngân hàng lấy tiền của ngân hàng, giám đốc xuất nhập khẩu thì móc ngoặc với các quan đầu tỉnh đi buôn lậu…”
Dĩ nhiên mọi thứ bắt đầu từ trên xuống, và, theo Tô Hải thì
“cái nguyên nhân của các cuộc vơ vét hết của cải, tài nguyên của đất nước vào tài khoảng của mấy thằng to đầu nhất gọi là cộng sản Việt Nam bắt nguồn từ những ngày chiếm được ‘viên ngọc Sài Gòn’ này!”
Ông thấy hướng thay đổi chắc chắn của đất nước chỉ xoay quanh chuyện xoáy cho hết tài sản quốc gia.
Ông viết
“chúng không tuyên bố như Gorbachov (Gorbachev - DCVOnline), như Elsine (Yeltsin - DCVOnline) mà làm thay đổi ngay ‘hạ tầng cơ sở’ trước, biến tất cả của công, tài sản quốc gia thành của tư trước khi thay đổi thượng tầng kiến trúc, thay đổi thể chế!”
Ông không chỉ nặng lời với bọn lưu manh cộng sản. Từ tên gọi cuốn sách “Hồi ký của một thằng hèn” cho tới nội dung, ông cũng chẳng nương tay với chính mình. Ông dùng cả một phân đoạn “cuộc đời tủi nhục của một kẻ bồi bút” để nói về chính ông. Hay là… xin trích một đoạn khá dài sau đây để người đọc có thể thấy rõ hơn.
“Điều đáng trách là chính tôi, một nạn nhân nhưng cũng là một kẻ tội đồ. Có lúc không phải là không ‘cuồng tín’ nhưng chủ yếu vẫn là phải cố bám vào cuộc sống, cố nuốt mọi cục phân thối hoắc mà vẫn phải cười… vì hèn nhát, cực kỳ hèn nhát. Hèn nhát trong xử thế và hèn nhát cả trong sáng tác. Thật xấu hổ khi đọc lại những gì tôi viết trong cải cách ruộng đất trong khi thâm tâm tôi thì coi đây là một cuộc nỗi dậy lưu manh, vô học và… ăn cướp nhất, giết người nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử! Thử hỏi xem: trước kia ở Việt Nam này, có thời đại nào mà làng xóm giết nhau, cha bị con đấu tố, vợ chỉ mặt chồng giữa sân đình gọi là ‘thằng kia!’… rồi đưa ra đầu làng bắn bỏ không? Vậy mà tôi và biết bao anh em không dám có lấy một lời kiến nghị, phản đối. Anh dũng lắm thì cũng đến ‘lờ’ đi, không viết lách gì về cái cuộc ‘cách mạng long trời lở đất’ do Đảng lãnh đạo ấy. Cuộc ‘phản tỉnh’ cuối cùng và khá muộn màng này có thể sẽ chẳng ai biết nếu tôi không viết ra để phản tỉnh cho chính mình, để có dịp ôn lại cả một con đường sai lầm liên tục của tôi. Nó đưa tôi đến cái kết cục đáng xấu hổ: Một anh công dân hạng bét về hưu, chết dần ở một xóm nghèo ven biển Nha Trang này…”
Hồ Ký Tô Hải. Nguồn: Tủ Sách Tiếng Quê Hương
http://www.dcvonline.net/php/images/042009/hoiky.jpg
Bên cạnh chuyện đời của Tô Hải người đọc có thể thấy bóng dáng của khá nhiều nghệ sĩ miền Nam trong những ngày Sài Gòn mới thất thủ, từ Thanh Lan tới Bạch Tuyết… dưới mắt ông nhạc sĩ giải phóng Tô Hải. Một chi tiết về Bạch Tuyết mà Tô Hải chỉ nghe kể và ghi lại có thể khiến người đọc thắc mắc vì nó nặng tính tuyên truyền. Đành rằng nàng là nữ hoàng cải lương, nhưng không lẽ Bạch Tuyết lại “cải lương” …tàn bạo đến thế sao! Độc giả cũng sẽ thấy tại sao loại nhạc mà dân chúng không thèm nghe, ca sĩ - như Thanh Lan - không thèm hát mà băng nhạc cách mạng lại phát hành không kịp để bán...
Cuốn hồi ký chứa đầy những nhận định không nhân nhượng về cộng sản từ xưa cùng rất nhiều khía cạnh của đời sống xã hội hiện nay. Một ví dụ nhỏ về công lý xã hội chủ nghĩa như ông đã chứng kiến là có kẻ tội phạm vẫn đi lại khơi khơi trong xóm sau khi đã bị án tử hình! Nếu cầm một cây bút mầu để làm nổi bật những câu nói, những nhận xét đáng chú ý khi đọc thì rất có thể nhiều người sẽ tô từ trang này đến trang khác cho tới hết cuốn sách.
Ông dự trù cuốn sách sẽ chỉ được công bố vào năm 2010, là năm mà ông tin rằng ông đã chết, hoặc đảng đã chết! Đó là một minh chứng cho cái hèn mãi đeo đuổi ông. Nhưng những biến chuyển trong năm 2006 đã làm ông đổi ý. Dù vậy ông biết một cuốn sách như thế này không bao giờ được in ở Việt Nam nên đã giao nó cho bạn bè ở hải ngoại chăm sóc. Nay cuốn sách đã được tủ sách Tiếng Quê Hương ở Virginia in và phát hành khi ông còn sống, và đảng cũng chưa chịu chết.
Mỗi người đọc đều có cảm nhận của riêng mình. Với riêng người viết bài này thì sau khi đọc để biết người đọc có thể sẽ thấy tiếc cho một tài năng, thấy thương một con người và thấy cảm thông hơn cho số phận những người ở lại, cho dù là ở lại miền Bắc sau 1954 hay Việt Nam sau 1975.
Tô Hải đã làm một điều chưa ai làm trong chuyện viết hồi ký: viết để mắng mỏ chính mình. Sau khi cuốn sách ra đời chắc chắn Tô Hải sẽ không còn là người xa lạ đối với một số lớn người Việt hải ngoại.
---------------------------------------------------------
Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
DCVOnline: Bấm vào đây để tải về máy bản hợp xướng ‘Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy’ (Lưu ý: mp3 nặng 17MB).
No comments:
Post a Comment