Wednesday, April 15, 2009

TRỊNH CÔNG SƠN - MỘT THIÊN TÀI ĐỒNG LOÃ VỚI TỘI ÁC

NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN
MỘT THIÊN TÀI ĐỒNG LÕA VỚI TỘI ÁC
BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU,
hoalong1@att.net
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews1/bandocviet/dangvanau/TRINH%20CONG%20SON%20-%20BANG%20PHONG.htm
Nhiều năm nay, có khá đông người viết về Trịnh Công Sơn. Tôi cũng có một số ít kỷ niệm với Trịnh Công Sơn, nhưng không viết ra vì ngại bị độc giả hiểu nhầm mình muốn kiếm chút hơi hướm tên tuổi nơi một thiên tài nổi tiếng. Mới đây họa sĩ Trịnh Cung – Nguyễn văn Liễu – viết một bài có nhan đề “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị” đăng trên trang mạng Da Mầu, rồi sau đó có một số người viết “phản bác” về nội dung bài viết vừa nêu và chê bai nhân cách của tác giả Trịnh Cung, tôi bèn mạo muội tham gia để bày tỏ đôi chút cảm nghĩ cá nhân vể một thiên tài từng xem tôi là bạn.

Cuộc chiến tranh giữa Tự Do và Cộng Sản bằng súng đạn đã chấm dứt hơn 30 năm, nhưng vết thương vẫn còn rướm máu, mặc dầu bản thân đã có ý muốn chôn vùi quá khứ đau buồn để hướng tới tương lai. Những gì tôi sắp sửa trình bày dưới đây không hề có ý định làm tấy lên vết thương cũ. Vì dù sao, Trịnh Công Sơn đã trở về với Cát Bụi.

Sau khi tình hình chiến sự Tết Mậu Thân 1968 Đợt I đã lắng dịu, Đại tá Lưu Kim Cương phái phi công Nguyễn Qúi Chấn bay ra Huế đón Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn. Tôi gặp lại Sơn tại Câu lạc bộ Mây Bốn Phương trong căn cứ Tân Sơn Nhất sau hơn 5 năm xa cách. Hồi tôi gặp Sơn lần đầu tại trường Sư phạm Quy Nhơn, Sơn chưa nổi tiếng. Thật đáng mừng cho Sơn đã may mắn thoát khỏi sự lùng kiếm của Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nếu lúc bấy giờ Sơn bị sa vào tay của hai nhà cách mạng Xuân, Tường có thành tích “phủ khăn sô lên đầu dân Huế” và bị dẫn lên núi theo chân Lê văn Hảo hoặc bỏ xác nơi Bãi Dâu, thì chắc chắn sự nghiệp sáng tác nhạc của Sơn sẽ không có “bề dày” như vào thời điểm 1975. Phải chăng Trịnh Công Sơn thoát khỏi bàn tay Việt Cộng là nhờ được hưởng phúc đức từ bà mẹ nổi tiếng thờ Phật kính Tăng mà người dân Huế nào cũng biết?

Từ sau ngày gặp lại Sơn, tôi thường lui tới chơi với Sơn tại ngôi nhà nằm trên đường Công Lý, đối diện Chùa Vĩnh Nghiêm. Sơn là người hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ. Mặc dầu là người có tài và có tiếng tăm, nhưng Sơn khiêm tốn, chưa bao giờ tôi nghe Sơn bình phẩm hay chê bai nhạc sĩ khác. Tôi từng lái máy bay chở Sơn ra Phú Quốc uống rượu với bạn Nguyễn văn Mãng Thiếu tá Quân Cảnh, Phạm Thọ Trung tá Hải Quân; lên Đà Lạt thăm chị Sâm vợ anh Tốn; ra Huế nhậu với bạn hữu của anh chị Hồ Đăng Lễ. Qua Sơn, tôi giáp mặt với các nghệ sĩ khác như Trịnh Cung, Đinh Cường, Bùi Giáng, nhà báo Phùng thị Hạnh, Trùng Dương, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, Bửu Tôn … Ngoài ra, còn có Bửu Ý từ Huế vào tá túc ở nhà Sơn để lánh nạn … đi lính!

Bạn bè nào cũng qúy mến Sơn, ngay cả những người lính đang ngày đêm hy sinh mạng sống của mình để cho bọn ngụy hòa như ni sư Huỳnh Liên, thầy chùa Nhất Hạnh, giáo gian Nguyễn Ngọc Lan hoặc bà Ngô Bá Thành được quyền biểu tình, lên tiếng đòi chấm dứt chiến tranh.

Tôi kể cho Sơn nghe câu chuyện của ông anh tôi – Đặng văn Châu, Giám đốc Đoàn hoa tiêu (pilotage) sông Sài Gòn kiêm Giám đốc trường Hàng Hải thuộc Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ – là người rất ái mộ Sơn, nhân chuyến đi công du Pháp quốc tình cờ gặp cô cháu gái từ Hà Nội sang tu nghiệp tại Âm Nhạc Viện Paris. Hai chú cháu mừng rỡ khôn xiết. Anh Châu tôi bèn lấy ra hai cuộn băng cassette nhạc của Sơn để tặng. Cô cháu gái liền ném ngay hai cuộn băng vào thùng rác và nói: “Thưa chú, cháu rất yêu qúy chú nhưng rất ghét nhạc Trịnh Công Sơn. Ở Hà Nội chúng cháu không thèm nghe loại nhạc ủy mị than thân trách phận ấy!”. Anh Châu quá bẽ bàng trước phản ứng bất ngờ của cô cháu. Nghe xong, nét mặt Sơn lộ vẻ thất vọng. Tôi nói để như an ủi: “Sơn ạ! Những ca khúc gọi là ‘phản chiến’ của Sơn không hề làm lay chuyển hay nhụt chí những người lính như bọn moa, vì bọn moa ý thức tại sao phải cầm súng chống lại chủ nghĩa chuyên chính vô sản. Bọn moa có thể vừa nghêu ngao những câu ca thuộc loại “anh trở về trên đôi nạng gỗ hoặc trong cỗ quan tài cài hoa” mà vẫn thản nhiên lao mình vào lửa đạn vì tự biết mình đang trừ gian diệt bạo, chứ không phải vì lòng hận thù. Chính vì thế mà có nhiều anh em quân nhân đánh giặc rất chì vẫn lui tới chơi với Sơn mà không hề bị cơ quan an ninh của chế độ làm khó dễ. Hà Nội không bao giờ chấp nhận Sơn gọi cuộc chiến này là Nội Chiến, vì họ rất tự hào là đội tiền phong đang thi hành nghĩa vụ quốc tế để hoàn thành cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới. Chỉ có cán binh cộng sản mới bị Hà Nội cấm nghe nhạc của Sơn”.

Một hôm, ngồi nhậu rượu với Sơn, không hiểu nguyên do nào đưa đẩy câu chuyện liên quan đến Phong trào Nhân dân Cứu quốc do bác sĩ Lê Khắc Quyến lãnh đạo, tôi bực bội nói: “Thú thực với Sơn, moa rất khinh miệt bọn ‘trí thức rởm’ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân. Ở Phương Tây, bọn trí thức khuynh tả thiên cộng vì chúng chưa từng nếm mùi cộng sản. Còn ở Việt Nam, tự nhận mình là trí thức mà không hiểu nguyên nhân vì sao hàng triệu người Miền Bắc phải lìa bỏ tài sản, mồ mả tổ tiên để vào Miền Nam hưởng một chút không khí tự do, là ngu si, đần độn. Những nhà ái quốc, văn nghệ sĩ danh tiếng đi theo Việt Minh vì chống Thực dân Pháp, nhưng sau chiến thắng Điện Biên phủ, gông cùm cộng sản xuất hiện với chủ trương đào tận gốc trốc tận rễ thành phần thuộc trí phú địa hào thì dẫu những ai từng lập chiến công với Đảng cũng hết đường cựa quậy. Bộ bọn tranh đấu không hề biết chiến dịch Phóng tay phát động quần chúng, cải cách ruộng đất ở Miền Bắc hết sức tàn bạo dã man hay sao? Một Trần Dần làm bài thơ Nhất Định Thắng có câu ‘chỉ thấy mưa sa trên nền Cờ Đỏ’ và yêu cô gái tiểu tư sản ở lại Miền Bắc là tan nát cả cuộc đời, đến nỗi phải cắt gân máu tay tự vẫn. Một Phùng Quán chỉ làm hai bài thơ Lời Mẹ Dặn và Chống Tham Ô Lãng Phí là bị bầm dập. Một Văn Cao phải ngưng sáng tác âm nhạc mà chỉ còn vẽ vời lăng nhăng để tránh bị quy cho cái tội mất lập trường giai cấp. Một Nguyễn Hữu Đang có công dựng lễ đài ở Quảng trường Ba Đình để Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập cũng không thoát khỏi tù tội. Phải chăng bọn trí thức chủ trương tờ báo Đứng Dậy đòi hỏi công bằng là để cho nhân dân Miền Nam này cũng phải chịu chung số phận tôi đòi như nhân dân Miền Bắc lầm than, khốn đốn thì mới hả dạ?”

“ … Bọn trí thức phương Tây có xu hướng tả khuynh là một kiểu làm dáng thời thượng không nguy hại cho nền an ninh của nước họ, vì những định chế dân chủ của các nước đó đã vững vàng. Còn nước ta đang đối diện một cuộc chiến một mất một còn chống lại kẻ xâm lăng, mà bọn trí thức bắt chước làm dáng tả khuynh là nhắm tố cáo với thế giới rằng công cuộc tự vệ của Miền Nam là phi chính nghĩa nghĩa và nhằm tiếp tay tuyên dương kẻ địch có chính nghĩa giải phóng dân tộc. Hoa Kỳ giúp Việt Nam ngăn chặn làn sóng đỏ, trí thức là “cái đầu” của Đất Nước, mà thiên về phía Cộng Sản thì nhân dân Hoa Kỳ không còn có lý do để giúp chúng ta. Vì vậy, phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ mới có cơ phát triển dữ dội. Sơn có ý thức điều đó hay không? Sơn có biết Miền Nam sẽ trở thành trại lính hoặc nhà tù như Miền Bắc không, nếu cộng sản cai trị toàn bộ Đất Nước?”


Trịnh Công Sơn nghe tôi đặt ra những câu hỏi dồn dập, vẫn thản nhiên hút thuốc lá và chậm rãi nâng ly nhắp từng ngụm rượu đắc tiền của bọn “đế quốc xâm lược”. Bửu Ý liếc nhìn tôi, rồi liếc nhìn Sơn, miệng tủm tỉm cười. Lúc bấy giờ tôi không hiểu ý nghĩa cái cười tủm tỉm của Bửu Ý. Và cho đến nay, khi viết những dòng chữ này, tôi cũng chưa hiểu vì sao Bửu Ý tủm tỉm cười. Thật bí hiểm! Tôi đoán có lẽ Bửu Ý cười tủm vì cho rằng tôi là một anh võ biền, chẳng có kiến thức gì lại cố gắng thuyết phục Trịnh Công Sơn đừng mơ tưởng cộng sản?

Không, tôi biết cả hai người, Trịnh Công Sơn và Bửu Ý, chẳng thể nào trở thành cộng sản được, như chuẩn mực Hồ Chí Minh xác quyết: “Phải là con người xã hội mới yêu chủ nghĩa xã hội”. Mà Sơn và Ý không phải là mẫu người xã hội! Sơn và Bửu Ý là người đọc nhiều sách vở, nhưng không nhìn thẳng vào thực tế đang diễn ra trước mắt, lại sống trong tháp ngà, hưởng thụ rượu nồng, dê béo.

Trịnh Công Sơn mô tả cuộc sống hàng ngày của mình là “Đêm Không Ngủ, Ngày Bất Tỉnh” mà bất cứ ai đã từng gần Sơn đều nghe Sơn nói câu đó. Nghĩa là uống rượu, nhậu nhẹt từ khi đêm chưa xuống cho đến ba bốn giờ sáng; ban ngày thì ngủ vùi bất tỉnh nhân sự. Sơn là một người có biệt tài viết nhạc với những ca từ “phù thủy” làm mê hoặc những tâm hồn mơ mộng và Sơn cũng là người cực kỳ thông minh vì biết khai thác đề tài “chiến tranh – thân phận giống da vàng” phù hợp xu hướng thời đại để làm cho mình nổi tiếng. Sơn biết lợi dụng sự “thông thoáng” của chế độ Miền Nam và biết bám vào những người có quyền như Lưu Kim Cương, Hoàng Đức Nhã để trốn tránh nghĩa vụ quân dịch; đồng thời nghiêng về nhóm “tranh đấu đểu” loại Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường”, nghĩa là bắt cá hai tay, dù ai thắng thì mình cũng hưởng lợi. Nói tóm lại, Sơn là mẫu người có tài, ham thụ hưởng, không hề biết thương xót kẻ khốn cùng và không có lòng lân tuất đối với kẻ sa cơ. Xin chứng minh:

- Nữ danh ca phản chiến trứ danh của Hoa Kỳ là Joan Baez sau khi chứng kiến những thuyền nhân Việt Nam chết chìm ngoài biển Đông, bà đã tỉnh ngộ, bèn tập hợp được một nhóm người nổi tiếng (celebrities) cùng ký vào bản lên án chế độ độc tài chuyên chính cộng sản. Đó là hành động xứng đáng của người trí thức khi biết mình sai lầm thì phản tỉnh và chống lại sự tàn bạo dã man. Chỉ có riêng Trịnh Công Sơn không một chút mảy may động tâm thương xót người chết đuối ngoài biển cả, nên đã viết thư cho bà Joan Baez để bào chữa cho chế độ bất nhân bằng câu: “Có thể nào chị và những người bạn Mỹ cùng ký tên trong một lá thư ngỏ ấy không hiểu rằng sau một cuộc cách mạng đất nước nào cũng phải chịu đựng những khó khăn, bề bộn và bối rối nhất định?..” Hàng trăm ngàn thuyền nhân chết đuối ngoài biển đã thức tỉnh lương tâm nhân loại, riêng Trịnh Công Sơn – người nhạc sĩ được chế độ Ngụy đùm bọc – lại đi bênh vực bạo quyền mà dám gọi đấy là cuộc cách mạng! Chỉ có thiên tài với tấm lòng lạnh giá như băng mới mô tả đời sống nhân dân cả nước phải nhai bo bo, dáo dác đi tìm đường vượt biên bằng mấy câu ca mô tả cảnh thanh bình: “Em ra đi nơi này vẫn thế, lá vẫn xanh trên con đường nhỏ, vườn xưa vẫn có tiếng Mẹ ru, có tiếng em thơ, có chút nắng trong tiếng gà trưa …” . Trong khi những bằng hữu từng cưu mang mình, từng rót không biết bao nhiêu hồ rượu thượng hảo hạng cho mình như Phạm Thọ, như Lê Kim Lợi, như Hồ Đăng Lễ đang rũ tù trong trại khổ sai … thì Trịnh Công Sơn hân hoan “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” để tới lui khề khà với những người bạn “cách mạng” có vây có cánh! Nhờ đâu Sơn đã có nhiều niềm vui đến thế? Từ ông Võ văn Kiệt chăng?

– Trịnh công Sơn viết báo cộng sản nhục mạ những anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, những người từng che chở cho Sơn, khiến cho ông anh tôi – Đặng văn Châu – không là quân nhân cũng phải nổi sùng. Năm 1994 về VN tình cờ gặp Trịnh Xuân Tịnh, em Sơn, ở sân bay Tân Sơn Nhất, anh tôi đã nhắn: “Anh Tịnh về nói với Sơn rằng Sơn là một con Số Không, là kẻ vong ân bội nghĩa”.


– Anh XYZ (nhân vật yêu cầu tôi dấu tên), một người anh em ăn ở hết lòng với Sơn và bạn bè, đi tù khổ sai về bị tai nạn gãy chân, phải vào nằm bệnh viện. Sơn làm ngơ như không hề hay biết. Mẹ Sơn hỏi con trai: “Tại sao con không vào nhà thương thăm anh XYZ một chút cho có tình?”. Sơn đáp: “Đi ra Givral uống rượu còn thú hơn là đi thăm anh XYZ”. Chính bà mẹ Sơn là người thuật lại cho anh XYZ nghe câu nói phũ phàng của Sơn. Anh XYZ là người đàn anh của nhóm bạn văn nghệ ở Huế, rất được bằng hữu kính trọng và yêu thương, hiện sinh sống tại Hoa Kỳ.

Theo quan điểm của tôi, một người nghệ sĩ được đánh giá là chân chính thì không bám vào kẻ quyền thế để mưu lợi riêng, thủy chung với bạn bè, biết xót xa với nỗi bất hạnh của kẻ yếu để không bênh vực cho kẻ gieo TỘI ÁC. Lời phản bác của Sơn đối với bức thư của ca sĩ Joan Baez lên án chế độ vô nhân đạo là sự đồng lõa, a tòng với TỘI ÁC, mà một con người bình thường có nhất điểm lương tâm không bao giờ làm. Phải chăng nhờ bức thư phản bác ca sĩ Joan Baez của Sơn mà Võ văn Kiệt cứu Sơn thoát khỏi bàn tay Trần Hoàn và phe nhóm Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Huế?

Nhờ sống với “Ngụy Quyền” Miền Nam, Trịnh Công Sơn nổi tiếng cả thế giới và được hàng triệu thính giả ái mộ. Nếu Sơn sống với “Chuyên Chính Vô Sản” Miền Bắc thì Sơn – một thiên tài – có rất nhiều khả năng trở thành Tố Hữu – nhà thơ thổi ống đu đủ – thăng quan tiến chức nhờ xu phụ quyền lực. Nhưng Sơn sẽ khổ sở vô cùng, vì Miền Bắc không có rượu thượng hảo hạng để uống mỗi ngày!

Tôi không chắc Trịnh Công Sơn có tham vọng chính trị như Trịnh Cung viết. Nhưng năm 1974, có nhóm tranh đấu đòi hòa bình (bịp) mời Sơn tham gia phong trào ca hát để vận động chấm dứt chiến tranh thì anh em bạn hữu khuyên Sơn đừng nhận lời, Sơn đáp thẳng thừng: “Mình phải tham gia để nếu họ thắng lợi thì mình có tiếng nói”. Lời bày tỏ của Sơn biểu hiện bản chất của con người biết tính toán để mưu cầu lợi ích bản thân. Qua bức thư Sơn viết cho Ngô Kha vào năm 1974 có đoạn như sau: “Hôm nay những thành thị miền Nam đang vươn vai đứng dậy. Trời đất được cơ hội thoát ra không khí ô nhiễm để thở bằng sinh lực mới cùng tập thể nhân dân yêu nước, yêu hòa bình và tự do. Phải chăng hồi chuông báo tử đã được gióng lên để những gì cần phải tàn tạ hãy tàn tạ nhanh chóng.”. Đó là luận điệu dồi trá, bịp bợm của người nghệ sĩ có tên tuổi nhưng thiếu nhân cách, bởi vì trong thực tế nơi nào bị cộng sản tấn công thì nhân dân nơi đó bồng bế nhau chạy về phía Việt Nam Cộng Hòa, chứ không chạy qua vùng “giải phóng”. Người nào đọc thư Sơn viết cho Ngô Kha mà bảo rằng Sơn không hề có chủ tâm đứng về phía cộng sản là người đó mắc chứng “phương trệ tinh thần” (down syndrome).

Ba mươi Tháng Tư năm 1975, nằm ở đảo Guam tôi nghe đài BBC loan tin Trịnh Công Sơn ôm đàn lên đài phát thanh Sàigòn ca bài “Nối Vòng Tay Lớn” thì tôi dự đoán cuộc đời của Sơn sắp tiêu ma. Bởi vì cái bản chất đố kỵ của người cộng sản không bao giờ chấp nhận người ngoài đảng được phép nổi đình nổi đám được quần chúng hoan hô! Quả nhiên chẳng bao lâu sau Sơn bị cộng sản đe dọa tính mạng, nên Sơn phải chạy về Huế để mong được bạn bè che chở. Không ngờ những người bạn của Sơn như Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân đã quay lưng làm ngơ để cho Sơn bị Trần Hoàn đày đi lao động thực tế! Tình nghĩa bạn bè của cộng sản là như thế đấy!

Trịnh Công Sơn, một người nghệ sĩ tài hoa, được bạn hữu Miền Nam qúy mến, bảo bọc lại bí mật rấp tâm thông đồng với bọn sát nhân nhằm giật sập chế độ Việt Nam Cộng Hòa, để rồi bị khốn đốn vì bọn sát nhân. Con người một dạ hai lòng, dù có tài đến mấy đi nữa, thì vẫn đáng khinh.

Bài viết của Trịnh Cung về Trịnh Công Sơn đã khiến cho một số người lên tiếng bênh vực “thiên tài”. Chúng ta không ngạc nhiên chút nào, bởi vì ngay như tội ác của Hitler, Staline, Mạo Trạch Đông vẫn có kẻ bênh vực và tôn thờ. Nhưng những ý kiến phản bác bài viết của Trịnh Cung đều có luận điệu mạt sát và bôi nhọ Trịnh Cung, mà không hề thấy có lời lẽ nào lên án hành vị “một dạ hai lòng ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” của Trịnh Công Sơn khiến cho chúng ta thấy được tác giả của những ý kiến phản bác đều thuộc phe … xã hội chủ nghĩa, chứ không phải sự lên tiếng là vì SỰ THẬT. Sự Thật đó là Trịnh Công Sơn có ngả về phía cộng sản.

Trong số những người lên tiếng bênh vực Trịnh Công Sơn trên Thanh Niên Online có hai Việt Cộng khá tên tuổi. Đó là hai “tội phạm chiến tranh” Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân từng chôn sống hàng ngàn người dân Huế vô tội vào năm Mậu Thân 1968. Hai tên tội phạm đó đã ra cái điều trí thức, lấy danh nghĩa chống Mỹ cứu nước để đẩy cả nước xuống hầm tai họa. Từ tháng Tư năm 1975 cho đến nay chưa ai nghe thấy hai kẻ đó có một lời nói hay hành động sám hối.

Ngày xưa sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, hai ông Việt Cộng này hung hăng chống độc tài quân phiệt tay sai đế quốc ngoại bang. Ngày nay sống với Xã hội Chủ Nghĩa chủ trương đàn áp nhân dân biểu tình tỏ bày lòng yêu nước chống lại Trung Cộng cướp đất, cướp biển; dân oan khiếu kiện nằm la liệt dải gió dầm sương; các nhà tôn giáo bị đàn áp, các nhà dân chủ bị bịt miệng, bị cầm tù thì hai ông Việt Cộng này ngậm miệng giống như câm, như điếc. Họa sĩ Trịnh Cung tung ra một bài viết tiết lộ một chút xíu bí mật về Trịnh Công Sơn thì hai ông Việt Cộng Tường, Xuân hăm hở nhào ra bảo vệ uy tín thiên tài có quá trình đi đêm với cộng sản! Tình trạng đạo lý suy đồi, quan chức ăn cắp từ trên xuống dưới, nhân quyền bị xếp hạng chót trên thế giới là những thành quả to lớn của Cộng Sản Việt Nam mà hai ông Tường, Xuân đã dày công đóng góp. Cho nên, ngày trước tôi nói với Trịnh Công Sơn rằng tôi rất khinh bỉ bọn trí thức tranh đấu là một lũ bịp bợm, lưu manh quả không sai. Khi chuyên chở tù binh cộng sản từ chiến trường, tôi biếu họ điếu thuốc lá, cái kẹo vì tôi thương và tôi kính trọng người lính khác chiến tuyến bị sa cơ. Nhưng tôi khinh bỉ những kẻ được ăn sung mặc sướng ở phần đất tự do lại ngấm ngầm tư thông với giặc.

Thật đáng tiếc cho Trịnh Công Sơn, một thiên tài nhưng đốn mạt. Sơn không xứng đáng là một người nghệ sĩ được đa số khán thính giả ngưỡng mộ, vì Sơn cũng chẳng khác với hai ông Việt Cộng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân bao nhiêu.

Mới đây, đọc “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải, tôi không hề coi khinh tác giả, trái lại rất kính trọng bởi vì dám nhận mình hèn. Tác giả phải sống dưới chế độ độc tài toàn trị có kỹ thuật hủy hoại người thẳng thắn, người cương trực một cách dã man khủng khiếp, khiến cho ai nấy đều trở nên hèn. Đọc hồi ký của nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh kể lại những “cái hèn” của những văn nghệ sĩ Miền Bắc, tôi vô cùng xót xa cho họ và càng thù ghét chính sách cai trị phi nhân của cộng sản. Lặp lại, nhạc sĩ Tô Hải dám nói lên cái hèn của mình, tôi xin ca ngợi ông là người có khí phách.

Ở Miền Nam có chủ trương đề cao nhân tài, dù sản phẩm nhân tài làm ra nhằm làm suy giảm tinh thần chiến đấu của quân sĩ, vẫn được tự do phổ biến, mà nhân tài vẫn tư thông với địch mới là đáng khinh. Hai ông Việt Cộng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân dùng đạo lý tình bằng hữu để miệt thị họa sĩ Trịnh Cung lừa thầy phản bạn là một hành vi đạo đức giả. Hai ông Việt Cộng từng phản lại khát vọng tự do của nhân dân Miền Nam để dẫn “Bộ Đội Cụ Hồ” về chôn sống người Huế vô tội, thì hai ông không có tư cách gì để nói đến tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa con người. Hơn ba mươi năm qua, Đất Nước đắm chìm trong nghèo đói, áp bức, bất công, hai ông Việt Cộng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân không tỏ bày một chút ân hận, lại còn lên mặt đạo đức giả mới là kẻ hèn, đáng khinh bỉ.

Đọc bài “Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê” của họa sĩ Đinh Cường viết từ Virginia từ ngày 16 tháng 4 năm 2001, tôi không khỏi đem lòng hoài nghi cung cách ứng xử với nhau giữa các ông nghệ sĩ tên tuổi. Nhờ sự tiết lộ của Trịnh Cung, tôi mới hiểu vì sao Đinh Cường viết những lời ưu ái với ông Việt Cộng Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác giả bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã không ngần ngại ca ngợi nhà thơ Tố Hữu bằng câu văn như sau: “nó đột khởi thành sức mạnh phục sinh của tâm hồn, trong thơ Tố Hữu”. Nhắc lại: Tố Hữu là nhà thơ dùng quyền lực của Đảng làm khốn đốn, điêu đứng nhiều anh em nghệ sĩ Miền Bắc.

Còn ông Việt Cộng Nguyễn Đắc Xuân bây giờ là nhà nghiên cứu! Chắc chắn nhà nghiên cứu này còn bám lấy chủ nghĩa Marxist – Léninist thì sẽ ngụy tạo ra những bài nghiên cứu theo đường lối “duy vật sử quan” cho phù hợp lập trường của Đảng để được Đảng cho đi Mỹ, đi Tây khua môi, múa mép.

Các cụ nhà ta thường nói: “Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Hai ông Việt Cộng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân càng nỗ lực bênh vực Trịnh Công Sơn và miệt thị Trịnh Cung bao nhiêu, thì tội trạng Trịnh Công Sơn tư thông với kẻ thù càng rõ nét bấy nhiêu.

“Thời Của Những Kẻ Giết Người” biết đến bao giờ mới được lương tri soi sáng để can đảm nói một lời sám hối với những vành khăn tang trắng xóa đất Thần kinh thì chúng ta mới hy vọng Đất Nước có ngày hồi sinh.

Bằng Phong Đặng văn Âu,
hoalong1@att.net
Ngày 12 tháng Tư năm 2009.


No comments: