Thursday, April 23, 2009

TIỀN VỆ và NGHỆ THUẬT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Tiền Vệ và tự do tư tưởng và diễn tả cho nghệ thuật Việt Nam đương đại
Hoàng Ngọc-Tuấn
23/04/2009 4:22 sáng
http://www.talawas.org/?p=3262

Dưới đây là bản dịch tiếng Việt của bài tham luận
“TIEN VE and Freedom of Thought & Expression for Contemporary Vietnamese Arts” do Hoàng Ngọc-Tuấn đọc tại hội nghị quốc tế “Echoes of a War” trong cuộc triển lãm NAM BANG!, tại Casula Powerhouse Arts Centre, ngày 17/04/2009. Bản dịch này đã được đọc trong cuộc toạ đàm “Thơ và Nhạc thời chiến ở Việt Nam”, tại Casula Powerhouse Arts Centre, chiều ngày 19/04/2009.

——————

Bất kỳ chế độ độc tài nào cũng sợ sự phản kháng. Vì sợ sự phản kháng, nó ra sức đàn áp tự do tư tưởng và diễn tả. Nó không chấp nhận bất kỳ ý nghĩ nào, tiếng nói nào, cách nói nào khác hay ngược lại với những gì nó cho phép. Nó muốn mọi công dân đều tin tưởng tuyệt đối vào nó, ca ngợi nó, hoặc chí ít, giữ im lặng và đi theo con đường nó đã vạch ra. Không ai được nghi ngờ. Không ai được thắc mắc. Với tham vọng duy trì sự tồn tại của nó một cách trường cửu, chế độ độc tài không chỉ muốn xoá bỏ mọi ý nghĩ phản kháng đương thời, mà, quan trọng hơn, nó còn muốn làm tác giả độc quyền của lịch sử. Đối với nó, lịch sử phải là một văn bản vĩnh cửu xác định rằng nó là chế độ tuyệt hảo nhất, và những gì nó đã làm, đang làm và sẽ làm là những gì đúng đắn nhất, tốt đẹp nhất. Với những tham vọng đó, nó ra sức xoá sạch mọi chất liệu có thể được dùng để viết bất cứ một lịch sử nào khác. Đó là lý do tại sao các chính phủ độc tài không chỉ kiểm duyệt những tin tức truyền thông hàng ngày, mà họ còn nỗ lực kiểm duyệt, sửa đổi hoặc huỷ diệt cả những văn bản hư cấu và những tác phẩm nghệ thuật, những thứ có khả năng tồn tại dài lâu hơn mọi chế độ chính trị.

Chính sách “đổi mới” và “mở cửa” ở Việt Nam đã bắt đầu cách đây hơn 20 năm, nhưng cho đến hôm nay, trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật sự “đổi mới” và “mở cửa” ấy vẫn không thực sự cho phép giới nghệ sĩ được tự do tư tưởng và diễn tả. Cho đến hôm nay, không một cá nhân nào ở Việt Nam được tự ý xuất bản hay trưng bày tác phẩm của mình nếu không có giấy phép của chính quyền. Ở Việt Nam không một nhà xuất bản tư nhân nào được cho phép thành lập. Mọi tác phẩm nghệ thuật, ngay cả một bài thơ ngắn hay một một bức tiểu hoạ, đều phải qua hệ thống kiểm duyệt trước khi được xuất bản hay trưng bày. Thậm chí những tác phẩm đã được phép xuất bản hay trưng bày vẫn có thể bị thu hồi và cấm đoán bất kỳ lúc nào.

Một số người cho rằng giới nghệ sĩ ở Việt Nam hôm nay “muốn làm gì thì làm, miễn đừng đụng đến chính trị.” Nói như vậy là quá lạc quan và không thực sự chính xác. Đã có rất nhiều tác phẩm không được xuất bản hay trưng bày, mặc dù các tác giả của chúng không hề muốn đụng đến chính trị. Điều nguy hiểm là mọi thứ đều có thể bị diễn dịch thành ý đồ chính trị. Nếu cuốn tiểu thuyết của bạn có quá nhiều đoạn kể về những hiện tượng xã hội tiêu cực như tham nhũng, hối lộ, đĩ điếm, v.v., thì có thể bạn không được phép xuất bản, bởi vì, dưới con mắt của các cán bộ kiểm duyệt, cuốn tiểu thuyết của bạn ám chỉ sự sai lầm và thất bại của nhà cầm quyền. Đảng và Nhà nước chỉ muốn thấy giới nghệ sĩ ra sức ca tụng chế độ và ra sức tô vẽ một hình ảnh giả tạo về một xã hội Việt Nam tuyệt vời, nơi đó nhân dân sống trong tự do, hạnh phúc và công bình, nơi đó không hề có sự đàn áp, bóc lột, bất công, tham nhũng!

Cái ước muốn này của Đảng và Nhà nước thì tất nhiên đi ngược lại bản năng sáng tạo và diễn tả của nghệ sĩ. Đảng và Nhà nước muốn hoàn toàn kiểm soát và điều khiển công việc sáng tạo của nghệ sĩ, nhưng nghệ sĩ lại luôn luôn muốn được tự do nhiều hơn. Sự xung đột này khiến Đảng và Nhà nước không ngừng cảm thấy bất an, và nghệ sĩ không ngừng cảm thấy bị ức chế. Trước kia, lúc Việt Nam chưa mở cửa ra trước thế giới, thì Đảng và Nhà nước dễ dàng siết chặt gọng kềm. Bây giờ thì khác: khi Việt Nam phải mở cửa, giao lưu kinh tế và thương mại với thế giới để đất nước có thể sống còn (và để tầng lớp lãnh đạo có thể làm giàu), thì Đảng và Nhà nước không thể quá dễ dàng siết chặt gọng kềm như trước, nên họ đành nương tay một chút. Thế nhưng, giới nghệ sĩ vẫn chưa có thể nhân cơ hội đó mà giành lại tự do, vì họ biết Đảng và Nhà nước vẫn có thể bất chấp dư luận thế giới để nhanh chóng nghiền nát bất kỳ cá nhân nào dám công khai đi ngược chiều. Tình hình này làm sinh ra một thứ thoả hiệp ngầm: chúng tôi thả lỏng một chút cho các anh, nhưng các anh phải biết đâu là giới hạn, và trong cái giới hạn đó, các anh có thể sáng tác và kiếm sống. Tất cả nghệ sĩ ở Việt Nam đều biết rõ cái giới hạn ấy, và hầu hết đành chấp nhận nó, để tránh nguy hiểm.

Nếu chúng ta quan sát những tác phẩm văn học được cho phép chính thức xuất bản, chúng ta sẽ thấy:
- Các ý tưởng bất đồng chính kiến, nếu có, đều được ẩn dụ hoá đến mức tối đa và cái thông điệp trở nên rất mơ hồ, có thể được diễn dịch theo nhiều cách khác nhau. Nếu tác phẩm bị cơ quan kiểm duyệt đặt vấn đề, thì tác giả có thể giải thích theo chiều hướng có lợi cho Đảng và Nhà nước.
- Những biểu hiện tiêu cực về văn hoá, những hành vi sai trái, nhũng lạm, bất công, tàn ác, nếu có, thì được phản ảnh một cách rải rác với chủ đích phê phán ở tầm mức cá thể, chứ không mang tính khái quát hoá về cộng đồng xã hội và guồng máy chính trị.
- Nhà văn được phép kể về đời sống đói khổ ở một mức độ nào đó, nhưng nguyên nhân gây đói khổ không phải là nhà cầm quyền đương thời. Tất cả đều do “hậu quả của chiến tranh” trước 1975, hay do chế độ “bao cấp” của giai đoạn 1975-1985 gây ra. Nhưng, “bao cấp” là gì? Đảng và Nhà nước muốn nhân dân hiểu đó là một biện pháp kinh tế sai lầm, nhưng nhân dân Việt Nam lại hiểu nó là chế độ độc tài dưới sự cai trị của Tổng bí thư Lê Duẩn. Đúng ra, đó là một chữ bí ẩn, vì chế độ “bao cấp” mặc dù do Đảng và Nhà nước tạo ra, lại không được Đảng và Nhà nước xem là sản phẩm của chính họ. Nó chẳng thuộc về ai cả, và chẳng ai chịu trách nhiệm về nó cả, tưởng như nó đã rơi từ trên trời xuống! Chế độ “bao cấp” thì hoàn toàn sai lầm và thậm chí bị Đảng và Nhà nước kết án, và nó giống như một cái thùng rác nơi tất cả những sai lầm có thể được vất vào, nhưng Đảng và Nhà nước không chịu trách nhiệm về cái thùng rác ấy, bởi vì Đảng và Nhà nước hoàn toàn đúng đắn, mãi mãi!
- Sự cách tân và thử nghiệm bút pháp, nếu có, thì rất ít ỏi và có chừng mực. Đa số tác phẩm đều dễ đọc, dễ hiểu, và mặc dù chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã bị âm thầm vứt bỏ, hầu hết nghệ sĩ vẫn còn sử dụng bút pháp hiện thực chủ nghĩa, vì đa số họ muốn tránh phiền phức khi xin giấy phép xuất bản, muốn tránh gây sốc khiến nhà cầm quyền khó chịu, muốn tránh bất kỳ sự diễn dịch nào có thể đem nguy hại đến sinh mệnh chính trị của bản thân, và muốn tác phẩm của mình dễ được tiêu thụ trên thị trường.
- Ngay cả những tác phẩm dịch thuật cũng phải qua hệ thống kiểm duyệt. Đem so với nguyên tác, ta sẽ thấy rất nhiều tác phẩm dịch thuật bị cắt bỏ, sửa đổi nhiều chữ, nhiều câu, thậm chí nhiều đoạn văn, để có thể phù hợp với đường lối chính trị của nhà cầm quyền. Nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới không bao giờ có cơ hội được dịch và xuất bản tại Việt Nam sau 1975, chẳng hạn, Trại Súc Vật và 1984 của George Orwell, hay những tác phẩm lớn của Alexandr Solzhenitsyn. Ngay cả tiểu sử của một số nhà văn lừng danh quốc tế cũng bị cắt sửa, chẳng hạn, vào tháng Tám 2008, khi Alexandr Solzhenitsyn qua đời, các chi tiết tiểu sử của ông đã bị báo chí Việt Nam viết lại. Solzhenitsyn, một nạn nhân của nước Nga thời Xô-viết và một nhà tranh đấu chống lại chế độ độc tài dã man của nước Nga thời Xô-viết, đột nhiên biến thành một “người thư ký trung thành của nước Nga thời Xô-viết”!

Câu “muốn làm gì thì làm, miễn đừng đụng đến chính trị” cần được hiểu như thế, và các tác phẩm được phép xuất bản và trưng bày chính thức đều nằm trong giới hạn đó.

Trong vòng 20 năm qua, hầu hết giới học giả ngoại quốc nghiên cứu văn học Việt Nam chỉ tiếp cận những tác phẩm được chính thức cho phép xuất bản ở Việt Nam, và họ dường như muốn tin rằng văn học Việt Nam đương đại chỉ có thế. Có thể vì họ không có cơ hội để tiếp cận với văn chương ngoài luồng ở Việt Nam. Có thể vì họ ngây thơ, tưởng rằng ở Việt Nam không còn văn chương ngoài luồng nữa. Nhưng cũng có thể vì họ cố tình chọn một lối tiếp cận mang tính ngoại giao để tạo sự giao hảo êm đẹp với Việt Nam, có lợi cho sự nghiệp nghiên cứu hàn lâm dài lâu của họ.
Các dịch giả cũng thế. Hầu hết họ chỉ chọn dịch những tác phẩm được chính thức cho phép ở Việt Nam. Chỉ có một số rất ít dịch giả “Việt kiều” chịu bỏ công dịch một số tác phẩm ngoài luồng ra ngoại ngữ để đăng vào một vài tạp chí, một vài tuyển tập ở nước ngoài.

Bây giờ nếu tôi hỏi quý vị — những người không phải là người Việt Nam đang hiện diện trong cuộc hội thảo này — kể cho tôi nghe những tên tuổi nhà văn và nhà thơ Việt Nam đương đại nào mà quý vị biết, thì tôi cam đoan rằng đại đa số quý vị sẽ kể ra một danh sánh gồm hầu hết, nếu không toàn là, những nhà văn và nhà thơ có giấy phép chính thức trong văn chương chính mạch ở Việt Nam. Thậm chí, cách đây chừng 10 năm, nếu tôi đặt cùng câu hỏi ấy cho đa số người Việt Nam ở hải ngoại, thì họ cũng chẳng thể biết nhiều hơn quý vị bây giờ.
Sự thật là văn học Việt Nam đương đại không chỉ có thế, mà phong phú hơn gấp ngàn lần. Nhiều nhà văn có thực tài và lòng dũng cảm đã không chấp nhận những giới hạn được cho phép đó. Họ đã tự ban cho họ sự tự do tư tưởng và diễn tả để tiếp tục viết, mặc dù họ biết rằng họ không bao giờ được phép xuất bản tác phẩm của mình. Họ không thể kiếm sống bằng tác phẩm, nhưng họ đã làm bất cứ nghề gì khác để sống. Họ đã sáng tác và cất giữ hàng đống trong hộc tủ, và chuyền tay cho bạn bè xem; và trước khi có internet ở Việt Nam, họ chỉ có thể gửi đăng rải rác trên vài tạp chí của người Việt Nam lưu vong ở hải ngoại. Họ hy vọng tác phẩm của họ có thể tạo nên dăm ba lời đồng vọng từ những nơi xa xôi nào đó trên trái đất. Họ hy vọng tác phẩm của họ, nhờ một phép lạ nào đó, sẽ tồn tại dài lâu để có thể đóng góp vào kho tàng nghệ thuật đích thực của một đất nước Việt Nam tự do trong tương lai.

Trước khi Việt Nam có internet, nhiều nhà văn và nhà thơ đã gửi hàng tá tác phẩm ra hải ngoại giống như nhét những thông điệp vào những cái chai và ném vào đại dương. Phần nhiều những tác phẩm ấy ra đi, và dường như biến mất trong thế giới bao la. Nếu những tác phẩm ấy có thể xuất hiện trên những tạp chí ở hải ngoại, thì những tạp chí ấy chưa chắc đã có cơ hội trở về đến tay của tác giả, vì tất cả những tạp chí tiếng Việt từ nước ngoài gửi vào Việt Nam đều có thể bị nhà cầm quyền Việt Nam kiểm duyệt và tịch thu.
Chúng tôi biết rất rõ sự kiện này trong thời gian chúng tôi thực hiện tạp chí Việt từ năm 1998 đến 2001.
Chúng tôi đã phát hành 8 số báo, và mỗi số báo đều đăng tải nhiều bài thơ, truyện ngắn và tiểu luận của những tác giả từ Việt Nam gửi sang. Sau khi in xong mỗi số báo, chúng tôi đã gửi hàng trăm copy về Việt Nam, nhưng hầu hết đã biến mất, không bao giờ đến tay các tác giả đã đóng góp những tác phẩm của mình.

Nhận ra những giới hạn của một tạp chí trong việc quảng bá, năm 2002, chúng tôi — một nhóm nhà văn, nghệ sĩ và học giả người Việt định cư tại Úc — quyết định thành lập website TIỀN VỆ. Trên trang mặt của website, chúng tôi xác định chủ trương như sau:
TIỀN VỆ là một trung tâm văn học và nghệ thuật trên mạng lưới thông tin toàn cầu, với hai hoạt động chính là phổ biến các tác phẩm mới và tiến hành các cuộc tranh luận về văn học nghệ thuật. Mục đích chủ yếu của TIỀN VỆ là nhằm góp phần xây dựng một khối Thịnh Vượng Chung của văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi, bất chấp những dị biệt về địa lý và chính trị, mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để trả công việc sáng tác trở về đúng nguyên nghĩa của nó: làm ra cái mới.

Bốn năm sau, năm 2006, Đinh Linh, nhà thơ Mỹ gốc Việt nổi tiếng, đã nhận xét về TIỀN VỆ như sau:
Dưới chế độ chính quyền kiểm soát toàn bộ việc phát hành ấn phẩm, các nhà thơ Việt Nam đã lên web để xuất bản và đọc tác phẩm của nhau. Một trang web duy nhất, Tiền Vệ, chịu trách nhiệm cho hiện tượng này. [...] Tiền Vệ là trang web độc đáo vì nội dung được cập nhật hàng ngày. Mỗi sáng, vừa thức dậy tôi đã tìm thấy ngay những bài thơ và những bản dịch mới để đọc, ngay cả một số bài của chính tôi vừa gửi cho ban biên tập trước đó một ngày hay một giờ. Tờ báo mạng này đang sống và phát triển trước mắt mọi người, và những cuộc thụ phấn liên thể loại giữa thơ và truyện là bằng chứng hùng hồn. [...] So với cái văn hoá chữ nghĩa chính thống ở Việt Nam, nơi những cây bút già bị bắt nạt phải viết loại thơ nhếch nhác như con nít, và những cây bút liều lĩnh hơn chỉ dám nhét một hai bóng ma vào bài thơ để khoe cái phẩm chất “siêu thực” của họ, thì Tiền Vệ nện cho một đá bể đít! Tiền Vệ có thể được coi là diễn đàn văn chương duy nhất, hay, đúng hơn, là cuộc chơi duy nhất trong vũ trụ (tiếng Việt), nên nhiều nhà thơ đã chọn nó làm thư khố cho toàn bộ tác phẩm của mình…
[1]

Thật vậy, từ lúc ra đời cho đến nay, TIỀN VỆ càng ngày càng trở thành một đối lực của hệ thống kiểm duyệt mang tính chính trị ở Việt Nam. Qua TIỀN VỆ, hàng trăm khuôn mặt văn nghệ mới và hàng tá tên tuổi văn nghệ sĩ bị bịt miệng ở Việt Nam đã xuất hiện dưới tên thật hay bút danh, với hàng ngàn tác phẩm mới sáng tác hay đã bị vùi lấp từ lâu. Qua TIỀN VỆ, nghệ sĩ ở Việt Nam có một không gian để hoàn toàn tự do suy nghĩ, tưởng tượng, tìm tòi và thí nghiệm mọi khả thể của việc cách tân nghệ thuật. Qua TIỀN VỆ, tác phẩm của họ nhanh chóng đến với độc giả tiếng Việt trên toàn thế giới. Qua TIỀN VỆ, họ đã tạo nên một nền văn chương Việt Nam khác, đối đầu với nền văn chương có giấy phép ở Việt Nam.

Qua những công việc của mình, TIỀN VỆ thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng:

1. Đề cao sự tự do tư tưởng và diễn tả, và cổ xúy mọi nỗ lực thí nghiệm và cách tân trong bút pháp và thẩm mỹ.

2. Quảng bá đến độc giả toàn cầu những tác phẩm mới và có giá trị của nghệ sĩ Việt Nam (trong nước và lưu vong), đặc biệt những tác phẩm bị cấm đoán và bị gạt ra ngoài lề ở Việt Nam.

3. Bảo tồn tất cả những tác phẩm ấy, với niềm tin tưởng rằng chúng hàm chứa những chất liệu chân thực để góp phần vào việc viết lại một lịch sử khác, trung thực hơn, cho Việt Nam trong tương lai.

Ngày 29/01/2004, tờ báo Thanh Niên, một trong những tờ báo mạnh nhất ở Việt Nam, đã biểu lộ sự lo ngại rằng TIỀN VỆ “muốn chiếm lĩnh nền thơ văn tiếng Việt trên mạng thông tin điện tử nhằm giành quyền ‘xây dựng một khối thịnh vượng chung của văn học nghệ thuật Việt Nam’.” Họ nhận ra rằng có những nhà văn trẻ đang “lao theo” TIỀN VỆ, và họ lo ngại vì “dường như cái ‘trung tâm văn học nghệ thuật trên mạng thông tin toàn cầu’ này đang thu hút sự tò mò của một số không ít người quan tâm tới văn chương nghệ thuật.” Họ cho rằng TIỀN VỆ là nơi quảng bá “những câu chữ lổn ngổn tối nghĩa”, “triết lý bí hiểm”, “vô số rác rưởi dơ bẩn”, “tục tĩu”… Họ xem TIỀN VỆ là một trong “các thế lực thù địch vẫn rêu rao những gì về nhân quyền, tự do dân chủ nhằm chia rẽ, phá hoại đất nước” Việt Nam. Họ kết án TIỀN VỆ có “một thái độ báng bổ Tổ quốc, đất nước, dân tộc và người cộng sản…” Và họ kết luận: “Cần có một biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn và xử lý tình trạng ô nhiễm độc hại nói trên.”

Ngay sau đó, một số nhà văn và nhà thơ ở Sài Gòn đã bị công an cảnh cáo và đe doạ.

Thế rồi, từ đó đến nay, những tờ báo khác ở Việt Nam thay phiên nhau tấn công TIỀN VỆ, cũng bằng những luận điệu tương tự. Gần đây nhất, ngày 06/02/2009, tờ báo Công An thành phố Hồ Chí Minh kết án TIỀN VỆ là “một trang web chuyên về thơ văn chống phá đất nước.”
Họ dán cho TIỀN VỆ cái nhãn hiệu “chống phá đất nước”, nhưng họ hoàn toàn không đưa ra bất cứ một bằng chứng nào cho thấy TIỀN VỆ đã “chống phá đất nước” cả. Cái nhãn hiệu này được sử dụng như một biện pháp đe doạ đối với các nghệ sĩ ở Việt Nam: ai gửi tác phẩm đến TIỀN VỆ thì có thể sẽ bị kết án là hợp tác với những âm mưu “chống phá đất nước”. Ở Việt Nam, tội “chống phá đất nước” là tội nghiêm trọng nhất.

Sử dụng cái nhãn hiệu này, họ khẳng định tham vọng đồng hoá cái ý nghĩa của chữ “Đất nước” với các chữ “Đảng” và “Chế độ”. Ở Việt Nam, điều này thật là đơn giản: nếu một người nào đi ngược lại đường lối của Đảng và chế độ, thì người ấy hiển nhiên là kẻ “chống phá đất nước”, và người ấy phải bị nghiêm trị.

Quý vị có thể thắc mắc: Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại phải cảm thấy lo ngại trước một website văn học nghệ thuật như TIỀN VỆ? Tại sao họ không thể làm ngơ?

Không, họ không thể làm ngơ được, vì nhiều lý do dễ hiểu:

1. TIỀN VỆ gây bất an cho giới nghệ sĩ chính thống ở Việt Nam. Hàng ngày, các nghệ sĩ chính thống ở Việt Nam vào đọc TIỀN VỆ, và họ nhận ra sự khác biệt to lớn giữa cái không khí tự do sáng tạo thực sự và cái không khí tù túng mà họ phải cam chịu. Họ cảm thấy họ bị lạc hậu, lỗi thời và hèn kém so với những nghệ sĩ chọn sự tự do. Mặc cảm thua sút này khiến họ không thể an tâm sống và làm việc dưới sự điều khiển của Đảng và Nhà nước. Từng chút và từng chút, họ cố gắng nhúc nhích để nới rộng cái không gian sáng tạo của họ.

2. TIỀN VỆ không chỉ ảnh hưởng đến văn giới chính thống ở Việt Nam trên phương diện thẩm mỹ mà cả về nhận thức chính trị. Đọc TIỀN VỆ, họ học định nghĩa lại tự do, công lý, nhân quyền, và trách nhiệm của nghệ sĩ đối với đồng bào dưới chế độ độc tài. Và một khi họ đã hiểu những định nghĩa mới này, họ cảm thấy xấu hổ để tiếp tục sống và viết như những kẻ nô lệ và những kẻ dối trá.

3. TIỀN VỆ là nơi dung dưỡng những tiếng nói đối kháng. Phần lớn các tác phẩm trên TIỀN VỆ là những tác phẩm chứa đựng những tiếng nói đối kháng. Chúng không phải là những khẩu hiệu dễ dãi và chóng quên, mà chúng là những tiếng nói được chuyên chở trong những tác phẩm nghệ thuật. Điều này khiến nhà cầm quyền độc tài lo ngại, vì, những tác phẩm ấy, được viết bởi những nghệ sĩ có lương tâm trước con người dưới những chế độ áp bức, bạo ngược, thì chính là nơi dung chứa những chất liệu cho một lịch sử khác hẳn với cái lịch sử giả mạo mà nhà cầm quyền đang ra sức tô điểm. Như chúng ta đều biết, những bài báo, những bản tin thời sự, những bài bình luận hay tranh cãi về chính trị có thể sẽ bị lãng quên theo thời gian, nhưng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị mới có thể còn lại, và trong những tác phẩm nghệ thuật ấy, hậu thế sẽ tìm thấy những chất liệu để viết một lịch sử khác.

Con người Việt Nam đang sống trong một không gian và thời gian phi lịch sử. Cái lịch sử hiểu như bản mô tả những sự kiện quá khứ từ ngày thống nhất đất nước đến nay là một lịch sử giả mạo. Trong đó không có hình ảnh và tiếng nói của hàng triệu người đã bị giam cầm trong những trại tập trung cải tạo và cưỡng bách lao động. Trong đó không có hình ảnh và tiếng nói của hàng triệu người đã bỏ xứ ra đi và hàng trăm ngàn người đã chết trong lòng biển hay trên đường vượt thoát. Trong đó không có hình ảnh và tiếng nói của hàng chục triệu người dân đã sống trong một bầu không khí tù hãm, đói khát, cơ cực, sợ hãi và tuyệt vọng. Trong đó không có một chữ nào mô tả sự áp bức, bạo ngược, bất công, tham nhũng, và sai lầm của Đảng và Nhà nước.

Những nghệ sĩ Việt Nam có lương tâm và trách nhiệm đã và đang viết không ngừng. Họ viết để lấp vào khoảng trống của không gian và thời gian phi lịch sử ấy. Và TIỀN VỆ đang hỗ trợ họ, quảng bá và bảo tồn những tác phẩm của họ. TIỀN VỆ là một trong những điều kiện tồn tại của họ — những nghệ sĩ bị guồng máy chính trị gạt ra bên lề và, đặc biệt, những nghệ sĩ như những người bất đồng chính kiến, ở Việt Nam hôm nay. Họ phải tiếp tục tồn tại để viết cho một tương lai khác — một tương lai mà nhân dân Việt Nam có thể giành lại lịch sử của mình, một lịch sử đầy thương đau, nhưng là một lịch sử mà chính họ đã trải qua bằng xương máu.
______________

[1]Đinh Linh, “Hãy để họ ăn pixels!”, Tiền Vệ, 22.11.2006.


No comments: