Wednesday, April 15, 2009

THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VỀ THĂM ĐẢO KUKU

Thuyền nhân Việt Nam trở về thăm đảo Kuku lần đầu tiên
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
2009-04-13
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/A-first-time-ever-return-trip-to-indonesian-island-kuku-by-a-group-of-vn-boat-people-tquang-04132009214842.html
Một nhóm cựu thuyền nhân Việt Nam từ Hoa Kỳ, Úc và Âu Châu đang trở về thăm đảo Kuku ở Indonesia lần đầu tiên kể từ mấy thập niên qua, nơi từng có hàng ngàn thuyền nhân tá túc.
Chuyến hành hương về một trong những nơi được coi là “Thánh Địa Thuyền Nhân” này sẽ diễn ra trong khoảng một tuần, bắt đầu từ 10 tháng Tư vừa rồi. Thanh Quang có bài viết về chuyến đi đó như sau:
Thưa quý vị, tâm trạng những cựu thuyền nhân trở về thăm chốn cũ thường là rất xót xa, nhất là trở lại nơi có người thân không may nằm lại vĩnh viễn.

Thuyên nhân Việt Nam đã bắt đầu rời trốn khòi cộng sản từ những năm 1975
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Latest-development-of-belated-vn-boat-people-in-indonesia-03172009120529.html/BoatPeople200.jpg

Tìm mộ người thân

Trong số những người trở lại thăm đảo Kuku lần này, có anh Triệu muốn tìm lại mộ người yêu ngày nào, như anh mô tả nỗi niềm đó sau đây:
Anh Triệu: Trước đây tôi có ở Kuku một thời gian, khoảng chừng 2 tháng. Tôi trở lại để tìm mộ của người thân, đó là bà xã trước đây mà trong chuyến vượt biên đã chết ngay tại đảo Kuku. Nay, sau 27-28 năm tôi cố gắng trở lại để tìm mộ phần.
Hay anh David Le trở lại để tìm tông tích của mẹ hiền:
Anh David Le: Tôi đi kiếm mộ của mẹ. Mẹ mất 1979 tại đảo Kuku.

Thanh Quang:
Thưa quý vị, anh Trần Đông, Giám Đốc Văn Khố Thuyền Nhân VN trụ sở tại Úc, có mặt trong chuyến đi lần này, cho biết thêm chi tiết như sau:
Ông Trần Đông: Hiện giờ trong đoàn chúng tôi có 22 người, gồm các thành viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Thanh Quang: Đoàn thuyền nhân đang ở đâu, thưa anh?
Ông Trần Đông: Vẫn tập trung với chúng tôi, gồm có hai điểm, một là Tanjung Pinang, hai là Singapore. Phần lớn các anh chị em từ các nơi đến Singapore. Ngày hôm qua chúng tôi từ Singapore đến thủ phủ của Indonesia gọi là Tanjung Pinang. Tanjung Pinang là thủ phủ nằm trên đảo Bintan. Đảo Bintan ở gần đảo Batan và đó là nơi mà cách trại Galang xưa khoảng chừng 50-60 cây số. Đồng thời từ Tanjung Pinang cách phía Nam của Singapore cũng khoảng 50-60 cây số.

Kuku, vùng đất tự do đầu tiên

Thanh Quang: Theo kế hoạch thì đoàn sẽ làm gì?
Ông Trần Đông: Chúng tôi đến Tanjung Pinang từ tối hôm qua và sáng ngày hôm nay nguyên đoàn chúng tôi sẽ đón máy bay để từ Tanjung Pinang đi tới một khu vực khác ở giữa Biển Đông, đó là khu vực của quần đảo Anambas và địa điểm chúng tôi đến là Terempa. Trưa hôm nay chúng tôi sẽ đến Terempa và dừng chân lại ở đây. Sáng ngày mai nguyên đoàn chúng tôi sẽ đến khu vực Letung là nơi mà ngày xưa có rất nhiều thuyền nhân chúng ta đến ở trên một đảo cũng khá nổi tiếng ngày xưa là đảo Kuku. Xung quanh Kuku có những đảo như đảo Ariya. Trong khoảng 4 ngày lưu lại tại Letung thì chúng tôi có 2 ngày ở tại Kuku và 2 ngày đi các đảo chung quanh Kuku.
Chuyến đi này là chuyến đi mà Văn Khố Thuyền Nhân đã ấp ủ từ nhiều năm nay và đã liên lạc nhiều nơi để tìm con đưòng đi đến Kuku. Đường đi thì xa xôi tại vì Kuku là nơi cách Singapore khoảng 300 cây số về hướng Đông, và cách Tanjung Pinang cũng khoảng 300 cây số. Vì cách đất liền xa như vậy cho nên phương tiện di chuyển rất khó. Hai đảo này cũng nằm ở xa cho nên rất là khó đi. Do đó chúng tôi mất 3-4 năm nay để tìm ra con đường cho chuyến đi của một nhóm như vậy.
Mục tiêu của những chuyến đi trở về khu vực này là tại vì nguyên khu Anambas và Natuna, trong đó có Kuku này kia nọ, thì Kuku chỉ là một địa danh thôi. Ngày xưa có rất nhiều thuyền nhân đến các khu vực đó. Càng về sau này chúng tôi cũng có nhiều nguồn tin là có lúc các trại ở tại quần đảo này có số người lên đến khoảng 10 ngàn người, và số người đến rồi bị bệnh tại địa phương do sơn lam chướng khí mà chết, nhiều nhứt là do bệnh sốt rét. Có một con tàu đến khoảng 500 người mà các anh chị nói chết đến khoảng 200 người cũng vì căn bệnh sốt rét đó.
Trong đoàn chúng tôi đi có một gia đình đến từ Sydney (Úc), một gia đình đến từ Melbourne (Úc), và một gia đình đến từ Mỹ. Ba gia đình này mục tiêu của họ là đến tìm mộ của thân nhân. Và chúng tôi cũng dự trù là nếu mà tìm được thì cũng sẽ lấy cốt rồi hỏa táng để mang tro trở về. Cho nên mục tiêu thứ nhứt là tìm mộ thân nhân trong chuyến đi này. Thứ hai là Văn Khố Thuyền Nhân qua đó sẽ tìm các mồ mả thuyền nhân ở các khu vực mà trong chuyến đi này chúng tôi có thể tới được, đồng thời cũng thu thập những dữ kiện tin tức này kia của người địa phương cũng như những di vật của thuyền nhân mình còn ở lại để chuẩn bị cho một bảo tàng viện hoặc là phòng trưng bày về thuyền nhân của mình sau này.

Bồi hồi, xúc động, nao nức

Thanh Quang: Nói chung thì anh với tư cách là Giám Đốc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, anh nhận thấy xúc cảm của những thuyền nhân trong chuyến hành hương này như thế nào?
Ông Trần Đông: Thưa các anh chị, các anh em chúng tôi đến từ nhiều quốc gia, từ Hoa Kỳ, từ Pháp, từ Đức, từ Thụy Điển, từ Việt Nam, từ Úc. Nhìn chung thì tất cả các anh chị em, dù là những thành viên cũ của Kuku hoặc không phải là thành viên cũ của Kuku, tất cả mọi người đều có sự nao nức được trở về và cái nao nức đó rất là mãnh liệt trong lòng của những thành viên của Kuku ngày trước, nhất là của những người đến để tìm kiếm mồ mả thân nhân của mình, thí dụ gia đình anh Triệu ở tại Melbourne.
Anh Triệu khi rời Việt Nam thì anh Triệu và chị Minh là vợ của anh Triệu, hai người cưới nhau mới có một tháng thôi. Khi đến đảo thì chỉ có 2 tuần sau thì chị Minh bị bệnh sốt rét cấp tính và bệnh kéo dài một tuần sau thì chị Minh qua đời tại đảo. Trong ngày mai táng cũng là ngày anh Triệu rời đảo, cho nên lễ mai táng cũng chỉ được thực hiện vội vàng. Dù là cách nay cũng đã 35 năm rồi, anh Triệu bây giờ cũng có gia đình khác, nhưng trong lòng cũng tưởng nhớ đến người vợ đầu tiên của mình, cho nên ba mươi mấy năm nay ảnh rất muốn trở về. Đây là tâm sự ba mươi mấy năm mà đến bây giờ thì đây là lần đầu tiên anh thực hiện được, cho nên ảnh là một trong những người rất là nao nức trong chuyến đi này.
Đồng thời một gia đình khác đi tìm mộ của người mẹ, đó là anh David Le có nhà hàng ở tại Georgia (Hoa Kỳ) đi tìm mộ người mẹ. Và một gia đình khác đi tìm mẹ ở tại Kuku nữa. Nói chung là 3 gia đình này là ba gia đình mang tâm trạng rất là nao nức trở về.
Các anh chị khác, thí dụ như anh Vinh, chị Vân Hải ở tại Paris, thì anh Vinh và chị Vân Hải nguyên gia đình đi trên một con tàu đến tại đây. Bây giờ cũng đã ba mươi mấy năm rồi. Đến mặc dầu ở Kuku một khoảng thời gian không dài lắm, chỉ một vài tuần ở Kuku thôi, nhưng mà cũng đã có một ấn tượng rất là sâu đậm trong lòng của cả gia đình. Cho nên nguyên gia đình anh Vinh chị Hải và các cháu đều ở Đức, ở Pháp thì cũng cùng trở về trong chuyến đi này để mà xem lại, nhìn lại, sống lại những kỷ niệm đẹp mà gia đình đã đặt chân lần đầu tiên đến vùng đất tự do.

Thanh Quang:
Vừa rồi là anh Trần Đông, Giám Đốc Văn Khố Thuyền Nhân VN. Thưa quý vị, tâm trạng trở về thăm chốn cũ của những cựu thuyền nhân mà anh Trần Đông vừa nhắc tới ra sao? Trong chương trình phát thanh kế tiếp, quý vị sẽ nghe họ trình bày về những nỗi niềm đó của mình.

Website Văn Khố Thuyền Nhân :
http://www.vnbp.org/vietnamese/index2.htm

-----------------------------------

Video: Boat People

September 20, 2008
http://www.cbsnews.com/video/watch/?id=4462053
CBS News Video
60 MINUTES
June 24, 1979: Boat People
Ed Bradley's first report on 60 Minutes looks at the plight of the "boat people"-refugees from the Vietnam War.
http://www.cbsnews.com/video/watch/?id=4462053


No comments: