Thursday, April 9, 2009

TÂY NGUYEN - NHIỀU NƯỚC NHƯNG VẪN KHÁT

Nhiều nước nhưng vẫn khát
Chủ Nhật, 5/4/2009, 11:47 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/17105/
(TBKTSG) - Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào. Mức bảo đảm nước tính theo đầu người đến 11.100 mét khối/năm (theo báo cáo môi trường quốc gia 2006). Nhưng nếu không có biện pháp quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý và hiệu quả, thì khả năng thiếu nước vẫn có thể xảy ra mà Tây nguyên là một ví dụ.

Tây nguyên không phải là khu vực nghèo tiềm năng về nước. Trái lại, đây lại là một trong những nơi được Cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá là vùng giàu nước, nhất là nước ngầm. Thế nhưng, khu vực này lại luôn đối mặt với tình trạng khô hạn và thiếu nước vào mùa khô. Đây chính là hậu quả của việc khai thác quá mức và sử dụng nguồn nước lãng phí trong một thời gian dài.
Tình trạng thiếu nước bắt đầu xuất hiện trên diện rộng ở khu vực Tây Nguyên khi phong trào chặt phá rừng để trồng cà phê lên cao trào cách nay hơn 15 năm. Mật độ che phủ của rừng giảm khiến cho tài nguyên nước ngầm, thành tố quan trọng nhất tạo nên sự cân bằng nguồn nước trong khu vực, suy giảm. Đồng thời, diện tích cây công nghiệp mà chủ yếu là cà phê, tăng mạnh làm nhu cầu nước tưới tiêu gia tăng nhanh chóng, góp phần phá vỡ sự cân bằng.

Theo một số kết quả nghiên cứu được công bố vào năm 2002, tình trạng mất cân đối nguồn nước ở Tây Nguyên đã trở nên nghiêm trọng. Mức bảo đảm nguồn nước ở một số vùng chỉ đạt 90% và dự báo đến năm 2010 tỉ lệ này có thể còn tụt xuống 60-80%, trong đó, riêng vùng Bắc Tây Nguyên thuộc các tỉnh Kontum, Gia Lai, vùng có nhu cầu sử dụng không nhiều bằng Daklak nhưng lại có nguồn nước mặt dồi dào, nước đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp có thể thiếu trên 350 triệu mét khối. Nghiêm trọng nhất là từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, thời điểm có mưa rất ít và nước bốc hơi nhiều.
Cho đến nay, đến 90% nguồn cung cấp nước chủ yếu cho nhu cầu tưới tiêu, sản xuất công nghiệp, chăn nuôi… ở khu vực Tây Nguyên là nước ngầm. Cục Địa chất và Khoáng sản cho rằng, sử dụng nước ngầm như một nguồn chính để phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp là sai lầm, vì nguồn nước này quý hiếm và ít có quốc gia nào sử dụng như vậy.

Việc khai thác quá mức khiến cho hệ thống nước ngầm ở đây không kịp phục hồi và đang suy giảm nhanh chóng. Trong 15 năm gần đây, mức nước ngầm bình quân toàn vùng giảm 0,2-0,3 mét, nhiều khu vực giảm đến 2-4 mét và sắp tới có thể còn nặng nề hơn do nhu cầu sử dụng nước đang tiếp tục gia tăng, đồng thời việc triển khai các dự án bauxite sẽ phải bóc đi hàng ngàn héc ta thảm thực vật để lấy quặng bên dưới và nhu cầu sử dụng hàng triệu mét khối nước để phục vụ cho việc sơ chế quặng.

Hơn một thập niên qua, đã có nhiều chương trình điều tra, nghiên cứu riêng rẽ về vấn đề chống hạn vào mùa khô cho vùng Tây Nguyên và giải pháp đề xuất gần như thống nhất hoàn toàn.

Các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng, không thể tiếp tục sử dụng nước ngầm như nguồn chính để phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp như hiện nay. Theo Cục Địa chất và Khoáng sản, để khôi phục lại nguồn tài nguyên nước ngầm ở Tây Nguyên, cần một thời gian tương đối dài để bổ sung lại bằng các biện pháp tự nhiên và nhân tạo. Để vừa có thể khôi phục và bảo tồn sự cân bằng của nguồn nước ngầm, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt là tưới tiêu trong nông nghiệp, giải pháp hiệu quả nhất là khai thác nguồn nước mặt.

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Đoàn Văn Cánh thuộc Đại học Mỏ - Địa chất, đề xuất trước mắt nên đắp đập, xây dựng hồ chứa nước và tận dụng các công trình thủy điện trên các lưu vực sông ở Tây Nguyên để trữ nước. Giải pháp này hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nước cho nhu cầu của ngành nông nghiệp vào mùa khô hạn. Về lâu dài, cần xem xét đến khả năng xây dựng những kho chứa nước ngầm dưới lòng đất để lưu giữ nước mưa.

Bên cạnh đó, cũng cần phải rà soát lại quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp cho phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước. Tài nguyên nước ở Tây Nguyên khá dồi dào, nhưng lại phân bố không đồng đều, nên các kế hoạch phát triển phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng khai thác của từng vùng. Những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước, như sơ chế quặng bauxite, cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở lợi ích tổng thể. Việc hạn chế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ loại cây có nhu cầu tưới nhiều như cà phê sang những cây cần ít nước hơn, khôi phục lại diện tích rừng tự nhiên bị mất… là điều cần phải làm sớm. Cuối cùng là giải pháp khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tóm lại, giải pháp chống hạn, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn nước ở Tây Nguyên không khó. Nhưng từng người dân ở khu vực thì không thực hiện được, mà phải có sự tham gia của Nhà nước để hình thành những công trình thủy lợi lớn và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, nhất là hai ngành điện và nông nghiệp, nhằm dung hòa lợi ích giữa sản xuất điện và bảo đảm nguồn nước trong mùa khô.
TẤN ĐỨC

No comments: