Wednesday, April 1, 2009

PHÁ SẢN TẠO CƠ HỘI LÀM LẠI

Thời sự kinh tế: Phá sản tạo cơ hội làm lại

Ngô Nhân Dụng
Tuesday, March 31, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92870&z=7

Cuối tuần qua, ông Steven Rattner đã mời ông Rick Wagoner, chủ tịch tổng giám đốc công ty General Motors tới văn phòng của mình ở Bộ Tài Chánh. Ông Rattner, người phụ trách vấn đề cứu các công ty sản xuất xe hơi từ Tháng Hai vừa qua, báo tin cho ông Wagoner biết nếu muốn chính phủ tiếp tục nghiên cứu việc cứu công ty, thì ông cùng với nhiều thành viên trong hội đồng quản trị công ty phải từ chức để người khác lên thay và đổi cách điều hành công ty sản xuất xe hơi lớn nhất nước Mỹ, và trước đây vài năm còn lớn nhất thế giới.

Năm ngoái, có lẽ không ai tưởng tượng nổi chính phủ Mỹ có thể yêu cầu những người lãnh đạo một công ty kỹ nghệ nghỉ việc. Ðây là một hành động hoàn toàn trái ngược với một quy tắc trong kinh tế tư bản, là chính phủ không can thiệp vào nội bộ của một công ty tư nhân, quy tắc thiêng liêng như đã được ký kết “hợp đồng xã hội” của nước Mỹ, giữa chính phủ và dân, giữa các người làm chính trị và giới làm kinh tế.

Nhưng kinh tế tư bản ở Mỹ đang thay đổi. Từ Tháng Mười năm ngoái chính phủ Mỹ đã bổ nhiệm người đứng điều khiển đại công ty bảo hiểm AIG, quốc hội đã ứng 700 tỷ Mỹ kim cứu nguy các ngân hàng và công ty tài chánh, cũng như chính phủ đã cho 2 công ty General Motors và Chrysler vay hơn 17 tỷ đô la vào Tháng Mười Hai năm ngoái. Qua các hành động đó, hầu hết mọi người đồng ý là muốn cứu kinh tế tư bản thì nhà nước phải can thiệp.

Trong bầu không khí đó, hành động “can thiệp trắng trợn” của ông Rattner không khiến mọi người ngạc nhiên nữa. Các chuyên viên của ông đã nghiên cứu trong hơn một tháng chương trình cải thiện do 2 công ty này nộp, họ kết luận nếu tiếp tục như vậy thì cả 2 công ty vẫn chưa có lối thoát và người dân đóng thuế ở Mỹ sẽ còn phải đổ tiền vô cứu trợ không biết bao giờ ngưng. Bây giờ, chính phủ cho Chrysler một tháng, và General Motors sẽ có 2 tháng, để đưa ra những giải pháp mới để thuyết phục chính phủ đưa thêm cho họ gần 22 triệu nữa, nếu chính phủ vẫn chưa hài lòng thì cho cả hai phá sản. Nước Mỹ có 3 công ty xe hơi lớn, việc phá sản của General Motors và Chrysler sẽ để lại một công ty Ford, chính thức chấm dứt thế kỷ huy hoàng của thành phố Detroit, mà tình trạng suy yếu đưa tới sụp đổ đã bắt đầu từ hơn 30 năm nay.

Câu hỏi là: Chính phủ Obama sẽ cứu các công ty General Motors và Chrysler hay sẽ để cho họ phá sản? Ðối với vị tổng thống nhậm chức chưa được 100 ngày, cả hai lựa chọn này đều bất lợi cho ông về mặt chính trị - người Mỹ gọi là một tình trạng chỉ có thua, không có thắng (no win situation).

Nhưng chính vì quyết định cách nào cũng là chịu thua, cho nên có lẽ việc quyết định sẽ dễ dàng hơn. Vì ông Obama có thể không cần nghĩ tới lợi ích chính trị của chính mình nữa mà quyết định với một tiêu chuẩn khác. Ðó là bảo vệ quy tắc căn bản của nền kinh tế thị trường, trong đó mọi người và mọi tổ chức kinh tế chịu trách nhiệm về hành động của mình, khi thất bại thì chấp nhận khai phá sản, cải tổ cơ cấu để bắt đầu lại từ đầu.

Trường hợp công ty Chrysler có lẽ dễ nhìn thấy lợi hại hơn. Chính phủ Obama đang đề nghị công ty này bán một phần (khoảng 20%) cho công ty Fiat của Ý. Chính phủ sẽ cung cấp cho họ khoảng 6 tỷ đô la nữa để tiếp tục hoạt động. Người ta sẽ tính ra rằng họ phải bỏ 10 tỷ đô la, cũ và mới, các chủ nợ của công ty phải xóa nợ 7 tỷ đô la nữa, tất cả để bảo vệ công việc làm cho 50,000 công nhân của Chrysler, như thế là muốn cứu mỗi công việc làm phải chi 340,000 đô la, trong đó có 200,000 của dân đóng thuế ở Mỹ. Nếu dân chúng Mỹ quyết định, thì họ sẽ chọn cứu Chrysler hay cho phá sản?

Trường hợp General Motors phức tạp hơn, vì nhãn hiệu GMC đã từng có thời là nhãn hiệu của sức mạnh công nghiệp của cả nước Mỹ, và công ty này không đưa ra được một kế hoạch cải tổ thỏa đáng đến nỗi nhà nước phải can thiệp cũng vì nhiều nhóm quyền lợi trong đó không ai chịu nhường ai.

General Motors và các công ty xe hơi ở Mỹ nói chung có hai vấn đề lớn khiến họ bị các công ty ngoại quốc qua mặt khi đến Mỹ mở nhà máy sản xuất, thứ nhất là ban giám đốc họ nhắm vào những lợi ích ngắn hạn và chi phí về lao động quá cao. Những chiếc xe của công ty Honda hoặc Toyota sản xuất với giá thành rẻ hơn, vì họ chi phí về công nhân lao động thấp hơn. Các công ty Mỹ chịu những khoản chi lao động đặc biệt vì đã ký kết hợp đồng với Công Ðoàn UAW của các công nhân ngành xe hơi, nhiều hợp đồng ký từ hai ba chục năm trước khi xe Mỹ chưa bị xe các nước khác cạnh tranh gắt gao. Theo các hợp đồng này, nhiều khi công ty không có việc làm vẫn phải trả lương cho công nhân để họ ngồi ở nhà. Các công nhân về hưu được hưởng hưu bổng và bảo hiểm y tế rất cao, cho đến hết đời. Các công ty từ Ford đến General Motors đều nhìn ra rằng các xưởng máy của họ ở Canada sản xuất mỗi chiếc xe với giá thành rẻ hơn, vì bên đó mọi dịch vụ y tế đều do chính phủ đảm nhiệm.

Khi một công ty thua lỗ, các cổ đông, tức là những chủ nhân cổ phần của công ty phải chịu hy sinh, mất tiền, điều này ai cũng đồng ý. Nhưng còn hai thành phần liên hệ có quyền lợi khác nhau nữa là các chủ nợ, và các công nhân và nhân viên trong công ty. Ðể tránh cho công ty khỏi phá sản, cả hai thành phần này cũng phải chịu chia sẻ sự thiệt hại. Chính phủ Obama đã yêu cầu công ty General Motors phải đạt được sự thỏa thuận của các ngân hàng và chủ nhân các trái khoán chịu giảm bớt các khoản nợ tích lũy từ nhiều năm, cũng như Công Ðoàn UAW phải chịu bỏ bớt những quyền lợi của đoàn viên để giảm chi phí sản xuất.

Nhưng trong hơn ba tháng vừa qua, General Motors chỉ đạt được những nhượng bộ nhỏ của các trái chủ cũng như của nghiệp đoàn. Ðó là lý do ông Steven Rattner thấy kế hoạch cải tổ của họ không bảo đảm là công ty sẽ phát triển và đứng vững được trong những năm sắp tới. Trong bản kế hoạch của họ nộp cho ông Rattner, General Motors tiên đoán sang năm 2011 họ sẽ bán được 14.3 triệu chiếc xe, trong khi năm nay bán được 9 triệu xe. Những con số đó quá lạc quan. Ngày hôm qua công ty Honda ở Mỹ đã công bố sẽ giảm bớt hơn 200,000 đơn vị trong số sản xuất năm nay, chỉ còn chế tạo 1 triệu 250 ngàn chiếc xe hơi.

Nỗi khó khăn của General Motors là hai nhóm quyền lợi, chủ nợ và công đoàn bên nào cũng muốn bên kia phải chịu thiệt thòi thêm, còn mình thì đã nhượng bộ đủ rồi. Nếu trong 60 ngày tới ban giám đốc mới của công ty không thuyết phục họ đi tới một thỏa hiệp giảm bớt chi phí nữa, thì chính phủ Obama sẽ để cho phá sản.

Dân Mỹ đã quá chán ngán về các chương trình cứu giúp các ngân hàng của chính phủ, dùng tiền của người dân đóng thuế. Giúp 2 công ty General Motors và Chrysler thêm 21 tỷ đô la nữa không có gì hấp dẫn đối với dân Mỹ, nhất là lại giúp công ty Fiat trở thành chủ nhân một phần của Chrysler. Nhưng ông Barack Obama sẽ bị chỉ trích nếu không giúp 2 công ty xe hơi, sau khi chính phủ Mỹ đã dùng hàng ngàn tỷ để giúp các ngân hàng. Chính phủ có thể nghĩ khác người dân bình thường. Các công ty xe hơi chỉ ảnh hưởng trên các gia đình công nhân của họ và của các công ty bán xe và cung cấp bộ phận cho xe hơi. Còn các ngân hàng liên hệ đến tất cả mọi người, từ người kinh doanh đến người tiêu thụ ở khắp nơi. Người dân bình thường ở Mỹ không hiểu được những mạng lưới tài chánh phức tạp là lý do phải cứu các ngân hàng. Những người sẽ lên tiếng chỉ trích chính phủ nặng nhất sẽ là các công đoàn, trong đó có UAW, là thành phần đã ủng hộ Tổng Thống Obama từ lâu. Người ta sẽ nói chính phủ Obama chỉ cứu các nhà tư bản ở Wall Street mà bỏ rơi các công nhân.

Nhưng việc cứu giúp 140,000 đoàn viên của công đoàn UAW có thể khiến nhiều người lao động khác ở Mỹ có thể bất mãn. Hàng triệu công nhân làm việc ngoài Detroit đã bị mất việc, họ không được cứu. Công nhân làm việc tại các công ty Toyota, Honda cũng là người Mỹ, và họ đã chịu thiệt thòi vì lương bổng thấp hơn, nay lại bị thiệt thòi hơn. Chủ nhân các cổ phần của Honda, Toyota, Nissan ở Mỹ phần nhiều cũng là người Mỹ, họ sẽ thấy bị đối xử bất công.

Tóm lại, dù cứu hay không cứu hai công ty General Motors và Chrysler, Tổng Thống Barack Obama cũng sẽ bị chỉ trích. Nếu ông muốn chứng tỏ là người công bằng và chính trực, thì ông nên chọn giải pháp tôn trọng quy tắc của kinh tế tự do, là cho hai công ty khai phá sản qua chương 11 luật phá sản ở Mỹ. Khai phá sản không phải là chấm dứt hoạt động, mà là tạo cơ hội cho mọi người phải dứt khoát với quá khứ, bắt đầu làm lại. Có như vậy kỹ nghệ xe hơi ở Mỹ mới cải tổ được để cạnh tranh với các công ty ngoại quốc.

No comments: