Sunday, April 5, 2009

NÔNG DÂN MẤT ĐẤT

Xây sân golf: Cây mất đất, người mất việc
Lao Động Cuối tuần số 14 Ngày 05/04/2009 Cập nhật: 5:54 AM, 05/04/2009
http://www.laodong.com.vn/Home/Xay-san-golf-Cay-mat-dat-nguoi-mat-viec/20094/132740.laodong
(LĐCT) - Trào lưu đầu tư quá "nóng", bất bình thường vào sân golf, trong một năm qua đã trở nên đáng báo động. Người dân mất 49 nghìn hécta đất canh tác, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quy trình xây dựng, duy trì sân golf...
Nguồn lợi từ do đầu tư kinh doanh và phát triển thể thao đâu chưa thấy, nhưng cái hại thì đã rõ rệt.

Bất cập ngay từ đầu

Hiện nay, cơ sở pháp lý để chính quyền các địa phương xem xét cấp giấy phép đầu tư hay cấp chủ trương thực hiện dự án sân golf trên địa bàn là căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Kế hoạch này đã được phê duyệt và quy hoạch; bên cạnh đó, kế hoạch sử dụng đất cũng được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Ngoại trừ một số dự án lớn, thường là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, ở các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Long An, Bắc Giang..., hồ sơ mới được chính quyền địa phương gửi lên lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ TNMT và Bộ KHĐT, trước khi cấp giấy phép cho chủ đầu tư.
Trước đây, theo Luật Đầu tư nước ngoài, các dự án sử dụng đất đô thị từ 5ha trở lên hoặc đất khác từ 50ha trở lên, đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các sân golf, do sử dụng diện tích đất rất lớn, nên đều thuộc nhóm phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi cấp phép. Thế nhưng hiện nay, quy định này không còn, nên dẫn tới các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận đầu tư chỉ căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch sử dụng đất để cấp phép.
Song, do lĩnh vực đầu tư sân golf chưa hề được quy hoạch phát triển và chưa có quy hoạch sử dụng đất dành riêng cho mục đích kinh doanh sân golf, dẫn tới quỹ đất sử dụng cho sân golf hiện nay, chính quyền các địa phương phải... "cấu, véo" trong nhóm đất quy hoạch phát triển du lịch, hay công viên cây xanh đã được duyệt.
Thậm chí, có trường hợp chưa có trong quy hoạch, chính quyền địa phương vẫn đưa luôn vào Tờ trình xin điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trình Chính phủ phê duyệt, cốt kiếm bằng được đất cho đầu tư sân golf.
Một chuyên viên trong lĩnh vực đầu tư nói thẳng: "Vì quá chạy theo thành tích, tin tưởng hứa hẹn của các chủ đầu tư, mà có không ít lãnh đạo địa phương cố gắng bằng mọi cách, thậm chỉ chỉnh sửa cả chủ trương, chính sách để tìm đất cho sân golf".
Đó là những bất cập khiến cho làn sóng đầu tư sân golf nương theo đó mà tới tấp xin chủ trương, xin dự án làm sân golf; dù rằng, có không ít dự án, sau khi "xí phần" đất xong, là rơi vào tình trạng... "treo" dài dài. Đơn cử ở TPHCM, trong tổng số 7 dự án sân golf, chỉ có 1 dự án đi vào hoạt động, còn lại 6 dự án... bất động suốt thời gian qua.

Được và mất

Người ta thống kê trong 78 dự án sân golf đã được cấp phép, có 13 dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho 5.219 lao động. Phần lớn số lao động trên là người địa phương, với thu nhập bình quân từ 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Các dự án golf này nộp ngân sách cho Nhà nước trong năm 2007 là 336,3 tỉ đồng. Các địa phương đều cho rằng, các dự án sân golf giống như các dự án khu du lịch cao cấp đã góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch của địa phương.
Ông Suk Tae Jung - Tổng GĐ Cty XD Jinsung (Hàn Quốc) - đang đầu tư khu nghỉ dưỡng - sân golf Bảo Lộc (Lâm Đồng), thì lạc quan rằng: "Với golf, mới xuất hiện ở VN, sẽ là điều kiện tốt để mọi người có cơ hội tham gia tiếp cận môn thể thao này nhiều hơn, qua đó nhằm nâng cao số lượng và trình độ chuyên môn của những người chơi golf".
Ông Jung còn khẳng định: "Người VN cũng sẽ dần dần có nhu cầu chơi golf, khi nền kinh tế ngày càng phát triển". Riêng với dự án sân golf Bảo Lộc, chủ đầu tư tin chắc: Sau khi hoàn thành, trong 2 năm đầu sẽ đón khoảng 100.000 lượt khách chơi golf/năm và 100.000 lượt du khách khác. Doanh thu mỗi năm ước tính khoảng 6 triệu USD. Kể từ năm thứ ba trở đi, dự án đón khoảng 120.000-150.000 lượt khách chơi golf và khoảng 150.000 lượt du khách khác. Doanh thu đạt khoảng 8 triệu USD/năm v.v...
Những con số có cánh trên tưởng như sắp trở thành hiện thực đến nơi, thế nhưng trên thực tế, cả dự án sân golf này, chỉ giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động mà thôi; trong khi đó, hàng ngàn người dân trồng chè đã phải ra đi, chưa biết sẽ làm gì để nhường lại 250ha đất cho dự án golf.
Ông Lư Thanh Phong - Phó GĐ Sở KHĐT TPHCM - từng phải thừa nhận: "Ở TPHCM có 7 dự án golf, thì mới có 1 dự án sân golf Hoa-Việt hoạt động. Mặc dù dự án giải quyết việc làm cho 1.000 lao động, đóng góp ngân sách cho TP hàng năm từ 20-25 tỉ đồng; song, việc tuân thủ bảo vệ môi trường còn nhiều vấn đề...".
Trong khi đó, Sở KHĐT TPHCM từng cảnh báo: "Sự phát triển các dự án sân golf, thế giới đang cảnh báo những hậu quả tai hại về môi trường và xã hội, mà trước đó, các nước Đông Nam Á đã trải qua, do hoá chất ngấm xuống đất và nguồn nước ngầm. Quy mô sân golf càng lớn, thì môi trường xung quanh càng hứng nhiều hoá chất lan ra theo nước tưới cỏ, chưa kể lượng tiêu hao nước để tưới một sân golf 18 lỗ tiêu thụ khoảng 5.000m3 nước/ngày, tương đương tổng lượng nước cho ít nhất 20.000 hộ gia đình sử dụng".
Ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TPHCM - nói: "Các sân golf đều sử dụng một lượng lớn các loại hoá chất để nuôi cỏ và diệt trừ nấm, sâu bệnh... Các loại hoá chất này đều thuộc nhóm hoà tan và ngấm theo đường nước thải xuống đất và nguồn nước ngầm, có khả năng ảnh hưởng lớn nguồn nước sinh hoạt chung của dân cư... Đây là một trong các nhân tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao mà hiện nay chưa được đánh giá cụ thể ở VN".
Rõ ràng, cái được chưa thấy đáng là bao cho cộng đồng, nhưng cái mất của người dân, cái mất cho môi trường từ các dự án sân golf bùng phát tràn lan là không nhỏ, một khi chính quyền các địa phương vẫn mãi cuốn theo sân golf, bất chấp hậu quả!

Thông tin liên quan
>>
Giải trình hiện tượng nở rộ sân golf
>> Đầu tư sân golf: Cần một cái nhìn tỉnh táo
>> Hiệu quả thu được từ sân golf rất thấp!
>> Tốn nhiều đất, không hiệu quả
>> Đừng ném trăm tỉ đồng "qua cửa sổ"
>> Ngừng xem xét cấp phép đầu tư các sân golf


Cứ mất đất thế này...
Chủ Nhật, 05/04/2009, 16:32
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=157248&ChannelID=2
TP - Giáo sư - Viện sỹ Đào Thế Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, trao đổi với Tiền Phong về tình trạng nông thôn Việt Nam, đặc biệt là vùng ngoại thành Hà Nội mà Tiền Phong đề cập trong loạt bài “
Đua nhau ôm đất lập dự án”...
“Nếu không giải quyết được mối quan hệ nông thôn và thành thị mà cứ ép nông dân như thế này, cuối cùng sẽ thất bại thôi”- Ông nói
Tôi có làm mô hình mô phỏng phát triển của Việt Nam đến năm 2020, thì thấy rằng, khi đó nông thôn Việt Nam vẫn còn trên một nửa lực lượng lao động.
Có đô thị hóa, công nghiệp hóa đến đâu đi nữa cũng không nuốt hết được số lao động nông thôn hiện nay đang tăng lên. Ngay Trung Quốc đến năm 2020 cũng còn tới 35 phần trăm lao động ở nông thôn.
Gần đây, thế giới đã thống nhất quan điểm, dù có công nghiệp hóa mấy đi nữa, ở các nước đang phát triển, tỷ lệ dân cư ở nông thôn vẫn còn cao. Tức là, không thể chạy theo mô hình của các nước đã phát triển.
Viện Chiến lược và Chính sách NN&PTNT gần đây có ra mấy cuốn sách cho rằng, mô hình chúng ta cần đi theo là của các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Viện trưởng Đặng Kim Sơn ca ngợi mô hình này ghê lắm. Nhưng một giáo sư Hàn Quốc vừa sang đây đã nói với tôi, Việt Nam đừng bắt chước họ, bởi trong quá trình phát triển, Hàn Quốc gần như không còn nông nghiệp, nay muốn sửa cũng không kịp! Bây giờ ai nuôi Nhật Bản?- Chính là vùng đông bắc Trung Quốc.
Như vậy để thấy, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá phải bảo vệ bằng được nông nghiệp ở mức hợp lý. Hiện nay, ba nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới đều là những nước phát triển (Mỹ, Pháp, Hà Lan). Tức là không phải cứ tiến lên công nghiệp là nông nghiệp càng ngày càng giảm đi. Đó là một quan niệm sai lầm.

Trở lại vấn đề Tiền Phong đã phản ánh, tình trạng doanh nghiệp về Hà Tây (cũ) ôm dự án hàng nghìn hécta đất nông nghiệp, Giáo sư suy nghĩ gì về điều này?
Hà Nội vốn là kẻ chợ (một cái chợ lớn), là trung tâm của đồng bằng sông Hồng. Theo tôi, không nhất thiết cứ đô thị hóa thì Hà Nội phải mở rộng ra các tỉnh lân cận.
Mở rộng như vậy, sẽ tạo cơ hội cho quá trình đầu cơ ruộng đất. Thực tế nhiều quan chức ở Hà Nội đều có đất ở Hà Tây, và dư luận từng cho rằng Hà Tây nhập về Thủ đô vô tình hoặc hữu ý giúp hợp thức hóa.
Em trai tôi là Đào Hùng, làm Phó Tổng biên tập tờ Xưa và Nay, có phối hợp với Viện Kinh tế Sinh thái làm mô hình làng sinh thái người Dao ở chân núi Ba Vì. Vừa rồi, cậu ấy lên thăm, về nói với tôi rằng, những miếng đất tốt nhất ở đó đều của các quan chức.
Tôi cho rằng quá trình đang xảy ra hiện nay là quá trình đầu cơ ruộng đất. Tôi có một số người bạn Trung Quốc mới sang, không phải là những giáo sư nói theo sách vở, mà là những người dám nói thật. Họ nói rằng, đừng tưởng Trung Quốc lo tam nông (nông nghiệp - nông dân - nông thôn) sớm, mà thực tế là nông thôn Trung Quốc đã bị bần cùng hóa, không giải quyết sớm thì sẽ bất ổn ngay. Thực tế ở Trung Quốc là bài học cho Việt Nam. Nếu tình hình không được cải thiện thì nông thôn Việt Nam cũng bất ổn vì nông dân không thể sống cực khổ mãi được.

Vậy theo Giáo sư, quá trình đô thị hóa nông thôn của Hà Nội phải theo hướng nào?
Đô thị hóa vùng ven đô không chỉ có đô thị mà vẫn phải phát triển nông nghiệp ở mức hợp lý. Thậm chí, ở các nước châu Mỹ La tinh, phát triển nông nghiệp ngay trong thành phố, gọi là nền nông nghiệp đô thị.
Phát triển nông thôn không phải là đô thị hóa tập trung mà phải theo mô hình phi tập trung. Đây là vấn đề tôi đã đề xuất nhiều lần nhưng chẳng ai chú ý cả. Người ta cứ nghĩ đô thị hóa là làm theo kiểu Hà Nội, ồ ạt xây nhà cao tầng.
Đô thị hóa phi tập trung là xây dựng những thị trấn, mà mỗi thị trấn là trung tâm để phát triển nông nghiệp xung quanh đó. Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có 110 triệu dân, mà không xây dựng một thành phố nào lớn cả.
Những thành phố nhỏ được bao quanh bởi vành đai nông nghiệp, đẩy nông nghiệp lên rất mạnh, tăng 5- 6 phần trăm/năm. Trong khi Việt Nam nỗ lực xuất khẩu thì nông nghiệp cũng chỉ tăng được hơn ba phần trăm/năm. Nông nghiệp được chứng minh là tấm lá chắn hữu hiệu để chống lại khủng hoảng và suy thoái kinh tế.

Ông có lo ngại nông thôn Hà Nội sẽ là điểm nóng đầu tiên khi doanh nghiệp ồ ạt lấy đất để chuyển sang đô thị mà không lo cho hàng triệu lao động Hà Tây trước đây, không lo phát triển nền nông nghiệp đô thị?
Nếu làm như thế này, Hà Nội sẽ đi vào cuộc khủng hoảng mới, giống như cuộc khủng hoảng nhà ở của Mỹ. Mỹ đã trả giá do việc ồ ạt xây nhà giá rẻ dưới tiêu chuẩn. Dân vay mua nhà, lấy tiền đâu mà trả nợ. Kết cục là ngân hàng sụp đổ.
Bây giờ, lấy hầu hết ruộng đất của nông dân, họ không còn ruộng đất, có xây nhà ở giá rẻ thì nông dân cũng làm gì có tiền mà mua? Nếu không chuẩn bị để nông dân ở lại nông thôn thì sẽ mất nông thôn. Hệ thống giáo dục hiện nay đang thúc đẩy thanh niên bỏ nông thôn.
Ngay sinh viên Đại học Nông nghiệp học xong cũng không về nông thôn. Rồi đây, nông thôn không còn trí thức giỏi, vậy ai ở nhà để xây dựng nông thôn? Lãnh đạo nông thôn lúc đó sẽ toàn là những anh không học hành, không đi đâu được.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói rằng, Hà Tây đã về Hà Nội thì phải ưu tiên phát triển đô thị, phải chờ quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng thì mới có quy hoạch vùng nông nghiệp cho Thủ đô. Nhưng chúng tôi lo ngại rằng chờ đến lúc đó thì đất nông nghiệp của Hà Nội đã bị băm nát?
Hai quy hoạch lớn nhất là quy hoạch đất đai và quy hoạch lao động thì không ai làm cả. Quy hoạch đất đai thì Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ làm ở đô thị, còn ở nông thôn thì giao cho Bộ NN&PTNT.
Nhưng Bộ NN&PTNT có làm không? Viện Quy hoạch & Thiết kế Nông nghiệp bây giờ thất nghiệp. Con dâu tôi trước làm ở Viện này đã bỏ sang cơ quan khác bởi mấy năm nay không có việc gì làm cả.
Bộ NN&PTNT bây giờ chỉ lo đi xuất khẩu thôi mà. Một ông thứ trưởng vừa sang Ai Cập để lo xuất khẩu cá. Mà trong xuất khẩu thực tế doanh nghiệp ăn hết chứ nông dân có được gì đâu.

Đáng ra Bộ NN&PTNT phải có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này, xác định những vùng đất nông nghiệp bất khả xâm phạm để phát triển bền vững vùng nông thôn ngoại thành, thưa ông?
Tôi cho là Bộ NN&PTNT không dám làm những chuyện như vậy. Dường như, hiện chưa có một cơ quan đủ quyền lực và trách nhiệm để phát triển nông thôn Việt Nam.

Theo Giáo sư, đối với hiện trạng Hà Nội hiện nay, phải sửa như thế nào để phát triển đúng mục tiêu ban đầu?
Phải quy hoạch lại. Không phải là Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT làm việc này, mà Thành ủy, UBND TP Hà Nội phải đứng ra làm. Phải phát triển một hệ thống đô thị nhỏ xung quanh Hà Nội không kể địa giới hành chính, xây dựng ở cả Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam…
Nếu phát triển được hệ thống đô thị này thì đỡ phải tiêu tốn hàng trăm triệu dollar xây dựng, cải thiện hệ thống giao thông nội đô, tất yếu hệ thống giao thông nội thành được giảm tải.
Cần quy hoạch đồng bộ nông thôn và thành thị. Một số nước họ thành lập một đơn vị trên tỉnh, thành phố là vùng, đây không phải là một cấp hành chính mà vùng chỉ lo về quy hoạch. Cứ 5- 6 tỉnh thành lập một vùng. Đây là bộ máy để làm công tác quy hoạch cho cả vùng đó.

Cảm ơn Giáo sư.

Hà Nhân thực hiện


No comments: