Wednesday, April 1, 2009

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ MAO (3)

Những điều chưa biết về Mao (III)

16-10-2007

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=4022

Bùi Tín - phỏng dịch và tóm tắt


Tiếp theo: Phần I II

Phần III: Mao trong cuộc Vạn lý Trường Chinh

1-. Tháng 5-1932, Tưởng mở cuộc càn quét lớn thứ tư với nửa triệu quân, vào lúc nội bộ vùng đỏ đang rắc rối to. Mao với tham vọng lớn gây chia rẽ nội bộ. Một mặt Mao lấn lướt Chu Đức và Bành Đức Hoài, lôi kéo Lâm Bưu, lại còn ngang bướng với Trung ương ở Thượng Hải. Bành ngay thẳng bao nhiêu thì Lâm lắm tính toán riêng tư và thấp hèn bấy nhiêu. Lâm thành kẻ thân tín của Mao. Mao còn cho tay chân thu lượm nhiều của cải quý hiếm cất giấu trong dân làm thành của riêng được bộ hạ trong đó có em ruột là Mao Trạch Đan chuyển vào các kho mât trong hang đá.

Nhiều đảng viên ngay thẳng tỏ ra không hài lòng, dân thường kêu ca, thế là Mao mở ra những cuộc thanh trừng có tính khủng bố. Ai cũng có thể bị kết tội là ''A.B. ''(anti Bolchevik) theo kiểu Liên xô. Trong tra tấn, Mao để mặc, gần như là khuyến khích bộ hạ dùng các kiểu cực hình treo người, cắt tai, cắt gân gót chân. Sau khi thẩm tra tình hình, Chu Ân Lai buộc phải bào cáo cho Quốc tế Cộng sản (CS) và Staline là Mao đã trở thành 100% là ''phần tử cơ hội hữu khuynh'', ''đi ngược lại những chỉ thị của Quốc tế Cộng sản'', mặt khác Chu lại sợ Mao bất mãn có những hành động phá phách tệ hại hơn, Chu đành phong cho Mao cái chức ''tổng Chính uỷ '' Hồng quân, như Mao đòi hỏi.

Đầu tháng 10-1932, Chu triệu tập và chủ toạ cuộc họp 8 người lãnh đạo ở Ninh Đô. Mao bị lên án là không tôn trọng lãnh đạo, thiếu ý thức tổ chức. Cuộc họp quyết định Mao thôi không được dính gì với Hồng quân, trở về công việc điều hành khu đỏ. Trong cuộc họp Chu Ân Lai vẫn cứ tỏ ra do dự không dám có biện pháp mạnh với Mao. Thế rồi lại Staline cứu Mao, cho rằng dù cho có khuyết điểm và sai lầm, Mao vẫn cần thiết cho uy danh Hồng quân và Khu đỏ.

Cuộc càn lớn thứ tư của Tưởng vẫn thất bại nặng. Tháng 12-1932 Liên Xô khôi phục quan hệ ngoại giao với Tưởng, có điều kiện gửi thêm nhiều tình bào viên dưới danh nghĩa nhà ngoại giao, nhà báo, và Trung ương ở Thượng Hải lại nhận được những tin tức quý về mọi kế hoạch cụ thể hành quân của quân Tưởng. Tưởng bị thất bại thêm vào cuối tháng 2- 1933 khi Nhật tuyên bố thành lập Nhà nước Mãn Châu Quốc.

2-. Tháng 9-1933, Tưởng lại huy động nửa triệu quân tiến công thẳng vào khu vực Thuỵ Kim ở phía Nam tỉnh Giang Tây, được coi là thủ đô của vùng đỏ, sau khi Tưởng đạt được một cuộc ngừng bắn với Nhật. Staline liền cử chuyên gia quân sự người Đức Manfred Stern (lấy tên là tứơng Kléber) sang Thượng Hải bên cạnh Trung ương của đảng CS Trung quốc. Một sỹ quan Đức là Otto Braun được cử thẳng đến Thuỵ Kim. Braun lấy bí danh là ''Lý Đức '', được cấp một bà vợ Tàu, sinh một cậu con trai kháu khỉnh nhưng da vàng mũi thấp, Mao nói đùa rằng: ''trong trường hợp này, chất thượng đẳng của chủng tộc German không được chứng minh''.

Tình hình Hồng quân trở nên bi đát vì quân Tưởng quá đông lại trang bị mạnh, hiện đại, súng máy và pháo binh rất nhiều. Hồng quân tính chuyện rút lui. Ý định là di chuyển xa lên phía Tây Bắc, nếu có thể lên tận vùng giáp giới với Liên Xô. Tổng số người tham gia khi khởi hành vào tháng 10-1934 là 80.000 người, chia làm 3 bộ phận: 2 đạo quân do Lâm Bưu và Bành Đức Hoài chỉ huy, Bộ tham mưu cùng cơ quan trung ương gồm 5 ngàn người đi giữa.

Đã có nhiều tư liệu, sách báo, tranh ảnh, hồi ký về cuộc Vạn lý trường chinh. Jung và Jon nay cho độc giả một cách nhìn mới mẻ, đôi khi lạ lùng, nhưng lại có độ chính xác cao. Vì 2 tác giả đã trở lại con đường vạn dặm ấy, tìm hằng trăm nhân chứng còn sống, một số trên dưới 90 tuổi, khui sâu các hồ sơ chưa từng biết ở Bắc kinh và Moscow. Vì quá nhiều chi tiết, chỉ xin lược qua một số điều lý thú nhất dưới đây:

3-. Điều ít ai biết là chính Tưởng đã để cho Hồng quân rời đi xa vào nội địa, với tính toán rằng dùng Hồng quân để tiễu phỉ đang hoành hành cát cứ khắp vùng rừng núi phía sâu, theo quan điểm ''thượng sơn quan hổ đấu'' (lên núi xem hổ đánh nhau), để rồi sau đó sẽ cho quân vào khi cà 2 đối tượng ấy đã suy yếu và kiệt quệ. Cho nên Tưởng theo dõi rất sát cuộc di chuyển lớn, máy bay quan sát bám theo nhưng thường là không ném bom, không bắn phá. Chỉ khi nào đội quân di chuyển sai hướng ý muốn của mình thì Tưởng mới tìm cách can thiệp.

Hơn nữa Tưởng để cho Hồng quân gần như tự do di chuyển lên Tây Bắc với ý nghĩ rằng địa hình, thời tiết, thiếu thốn, gian khổ sẽ làm kiệt quệ, sứt mẻ quy mô lớn mà không cần đánh phá làm gì cho mất công, lại là món quà cho Liên Xô về thiện chí của mình - vì Hồng quân Trung hoa được coi là con đẻ của Liên Xô cộng sản -, trong lúc Tưởng rất cần đến sự ủng hộ của Liên Xô để chống Nhật.

Cho nên nói Hồng quân đánh hàng trăm trận để mở đường trường chinh là thổi phồng quá đáng. Sự thật là gần như chỉ có những trận đánh nhau với thổ phí và vài trận nhỏ với bọn quân phiệt cát cứ địa phương.

4-. Đầu năm 1935 đến tỉnh Quý Châu, Hồng quân chỉ còn 40 ngàn người, hao hụt một nửa, chủ yếu là do kiệt sức, ốm đau, bỏ ngũ và cả thanh trừng nội bộ. Mao và số lãnh đạo nằm trên võng, đọc sách, nghiền ngẫm kỹ mưu mẹo mới. Người số 1 hiện là Bác Cổ (Tần Bang Hiến) từng học ở Moscow và thường trực đảng ở Thượng Hải, là mục tiêu hạ bệ của Mao. Mao cố tranh thủ Vương Gia Tường, còn có bí danh là ''Giáo sư đỏ'' và Lạc Phủ (Trương Văn Thiên) thành bộ ba quyết làm một cuộc đảo chính trong lãnh đạo. Họ đề ra việc làm báo cáo tổng kết về những thất bại nặng nề, vùng đỏ thu hẹp, Hồng quân bị tiêu hao, mất căn cứ, để gửi cho Quốc tế CS và chấn chỉnh lãnh đạo. Họ rắp tâm đổ tội cho Bác Cổ tổng bí thư đang quyền thay Cù Thu Bạch bị loại vì ốm (sau đó Cù ở lại Thuỵ Kim bị Quốc dân đảng bắt và giết) nhóm ba người còn đổ lỗi cho Chu Ân Lai người đứng đầu về quân sự, cũng như cho Otto Braun là cố vấn quân sự.

Ngày 17-1-1935 dừng chân ở thị trấn Tuân Nghĩa (Quý Châu) cuộc họp Bộ chính trị mở rộng gồm 20 người diễn ra trong không khí nội bộ căng thẳng sát phạt nhau, theo tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm ngặt. Qua hội nghị Tuân Nghĩa, Lạc Phủ (Trương Văn Thiên) trở nên nhân vật số 1, đứng đầu đảng thay Bác Cổ, Mao được là uỷ viên Ban Bí thư, còn nài thêm được chức '' phó cho đồng chí Chu Ân Lai trong lãnh đạo công tác quân sự ''. Vương Gia Tường được vào Bộ chính trị. Mao tuy vẫn ở vị trí thấp nhưng sẽ dễ dàng chi phối Lạc Phủ. Chu Ân Lai tuy gượng lại được ở nguyên chức nhưng càng trở nên e ngại với Mao, một kẻ tỏ ra lắm tham vọng và nhiều mưu đồ thâm hiểm.

5-. Trên đường hành quân bỗng xuất hiện Trương Quốc Đào. Quốc Đào từng chủ toạ Đại Hội thứ nhất của Đảng CS Trung Quốc. Lúc này Quốc Đào chỉ huy một đạo Hồng quân lớn ở phía Bắc tỉnh Tế Xuyên. Đào là uỷ viên Bộ chính trị, uỷ viên Ban bí thư từ khi Lạc Phủ chưa vào đảng, lại còn là uỷ viên ban chấp hành Quốc tế CS sau khi ở khá lâu ở Nga và gặp Staline nhiều lần. Quốc Đào nhận trách nhiệm lập căn cứ đỏ trên đất 3 tỉnh Hồ Nam, Hà Bắc và An Huy từ năm 1934 đã rộng 40 ngàn kilômet vuông, có 3 triệu rưỡi dân và 45 ngàn quân. Nay quân của Trương Quốc Đào lên đến 80 ngàn, được trang bị và huấn luyện tốt, đang tìm cách liên lạc và hợp nhất với Hồng quân trung ương trên còn đường di chuyển lên Tây Bắc.

Mao không mảy may vui mừng còn lo sợ sự hợp nhất với Quốc Đào vì đội quân này quá đông, mạnh, Đào có chức vụ cao lại nhiều tham vọng và mưu mô. Thế là Mao trì hoãn cuộc hợp nhất, cho quân đi loanh quanh, có lúc quay hẳn lại phía sau để có thời gian bàn mưu với Lạc Phủ, Vương Gia Tường, cả với Chu Ân Lai và Bác Cổ, để ngăn chặn việc Quốc Đào đòi quyền lực. Cuộc hợp nhất diễn ta tẻ nhạt vì Hồng quân trung ương kiệt quệ lê lết tiều tụy, mất tư thế, quân của Quốc Đào tuy cũng bị tổn thất nặng do bị Mao buộc phải hành quân qua những vùng hiểm trở sụt lở, quanh co, nay vẫn phải san sẻ cưu mang. Để xoa dịu, nhóm Lạc Phủ nhường cho Đào chức ''phó tổng chỉ huy quân sự '' nhưng Đào không hài lòng.

6-. Sau khi đến căn cứ ở Ninh Hạ và Thiểm Tây, tháng 10-1936 Mao và Lạc Phủ chơi khăm cử quân của Quốc Đào hành quân sang sát vùng Ngọai Mông xa xăm, thọc qua phòng tuyến quân Tưởng dày đặc nhằm mở liên lạc tiếp nhận viện trợ của Liên Xô; 21 ngàn 8 trăm quân bị đẩy vào tình cảnh nguy khốn, sa lầy, tiêu hao lớn. Moscow lại yêu cầu chuyển hướng hành quân sang phía Tân Cương với lộ trình dài 1500 kilômet qua sa mạc và dân vũ trang theo đạo Hồi hung dữ chống cộng, có trận hơn 1 ngàn hồng quân bị bắt và bị tàn sát, cả chôn sống; tháng 4- 1937, tàn quân về được căn cứ chỉ còn chừng 400. Trương Quốc Đào cay đắng ôm hận, vừa bị Mao chơi cho một vố sạch túi, rời căn cứ Diên An, về Vũ Hán, tuyên bố rời đảng CS để sang hàng ngũ Quốc Dân Đảng. Về sau, Quốc Đào sang sống ở Đài Loan rồi sang Canada sống ở Toronto đến khi chết năm 1979, thọ 82 tuổi. Sau khi Quốc Đào rời khỏi đảng CS, 200 bộ hạ của Đào ở Diên An bị Mao thanh trừng bằng tàn sát thẳng tay.

7-. Mao từng kể cho nhà văn Edgar Snow tỷ mỷ về cuộc Trường Chinh, đặc biệt về trận đánh oanh liệt, rực lửa cháy suốt đêm, cũng rực lửa anh hùng là trận vượt qua cầu Đại Độ. Cầu Đại Độ là cầu treo bằng 13 xích sắt dài 101 mét lót ván, được xây dựng từ thế kỷ 18 trên con đường từ Thành Đô thủ phủ Tế Xuyên đi Lhasa thủ phủ Tibet (Tây Tạng). Sông Đại Độ nước lớn chảy xiết vào lúc tuyết tan từ Tibet đổ về. Theo Mao kể quân Tưởng bố trí bên kia sông có nhiều ổ súng máy và pháo, quân Mao vẫn vượt qua bất chấp hy sinh, bất chấp lửa cháy rợp trời, bò trên xích sắt nóng bỏng, các chiến sỹ rơi xuống sông nối tiếp vẫn tiến lên cắm cờ chiến thắng. Đây là trận tiêu biểu của cuộc Trường chinh.

Jung và Jon cho chúng ta biết: đó là từ tưởng tượng của Mao. Không có một trận nào ở cầu Đại Độ cả. Quân Tưởng bất động, ở cách cầu hơn 20 dặm.

Hồng quân mượn dân ở quanh đó một số cánh của ván giường để đặt trên xích sắt rồi đi qua. Năm 1997 Jung đã đến tận nơi hỏi chuyện bà già 93 tuổi, theo đạo Công gíao, năm 1935 là cô bán đậu phụ ở ngay đầu cầu. Bà cụ kể lại không hề có nổ súng đánh nhau. Có một số hồng quân còn vào nghỉ chân trong nhà bà. Hiện có một nhà bảo tàng ở gần cầu; viên cán bộ giữ bảo tàng cũng phải cải chính là cầu không hề cháy.

Năm 1982 khi gặp Zbigniw Brzezinski, được hỏi về chiến công cầu Đại Độ, Đặng Tiểu Bình thú nhận là: việc qua cầu rất dễ dàng; quanh đó chỉ có lính bọn quân phiệt địa phương, súng ống lạc hậu. Đó không có gì là chiến công, nhưng phía chúng tôi cứ phóng lên để cổ vũ tinh thần quân lính.

8-. Một nét được Jung và Jon nêu bật là khác với lời tả của Edgar Snow trong cuốn sách ca ngợi Mao và cuộc trường chinh: Red Star over China (Sao đỏ trên nước Trung hoa) rằng trong cuộc hành quân hồng quân rất kỷ luật, thương yêu nhau, rất bình đẳng, nhưng thật ra Mao, Bác Cổ, Lạc Phủ, Chu Ân Lai, Vương Gia Tường... đều được nằm võng có dân công và quân lính gánh đi. Riêng Mao thì quanh năm nằm võng, còn có người gồng gánh sách theo để Mao đọc kể cả những tiểu thuyết cổ.

Mao thỉnh thoảng lắm mới xuống võng cho thư giãn, chống gậy đi như ngao du ngắm cảnh. Chỉ có Chu Đức, Bành Đức Hoài và ít sỹ quan cấp cao khác là có chia sẻ gian khổ với quân lính. Có lúc 3, 4 võng đi sát nhau để các ngài bàn chuyện chung, cả những âm mưu để liên kết và hại nhau. Ăn uống cũng một trời một vực. Hàng vạn quân ốm nặng, kiệt sức, dày dép rách nát, bỏ chết bên đường.

9-. Ngày 18-10-1935 cuộc hành quân có tên là ''Vạn lý Trường chinh '' kết thúc trên đất Thiểm Tây, số quân còn lại sau đúng 1 năm là gần 4.000 (khi xuất phát là 80 ngàn). Mao không mảy may tỏ ra buồn nản khi trong tay chỉ có một đội quân tiều tuỵ, suy nhược, không khí thế. Ngay sau khi lập một số căn cứ phía Tây tỉnh Thiểm Tây, nhiều nhóm vũ trang từ Hồ Bắc, Hà Nam, Tứ Xuyên... di chuyển đến hợp sư, nổi nhất là đoàn quân của Hạ Long có đến hàng vạn quân gia nhập Hồng quân từ tháng 10-1936. (Hạ Long sau này trở thành một trong 10 nguyên soái của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, rồi bị thất sủng, bị tra tấn rồi chết trong tù tháng 7-1969, chỉ vì sau khi Liên Xô hạ Khrouchtchev tháng 9-1964, Brejnev và Bộ chính trị đảng cộng sản Liên Xô cũng muốn Trung Quốc hạ bệ Mao và qua nguyên soái Malinopski bắn tin này cho Chu Ân Lai và Hạ Long khi 2 vị này sang Moscow dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga ngày 7-11-1964).

Điều an ủi lớn nhất đối với Mao là trên đường hành quân Mao đã giành lại được vị trí tuy còn thấp trong bộ máy lãnh đạo, nhưng thoát khỏi nguy cơ bị Trương Quốc Đào đẩy xuống. Dọc đường, Lạc Phủ và Mao đã cử Trần Vân trong Ban bí thư sang Moscow nộp bản báo cáo về tình hình cho Quốc tế CS và Staline vào ngày 15-10-1935. Cuối tháng 10 báo Pravda (Sự Thật) đăng tin về cuộc Trường chinh với một bức ảnh Mao với chú thích ''Nhà lãnh đạo của nhân dân Trung Hoa''.

Giữa tháng 11, một phái viên của Quôc tế CS đóng vai nhà buôn mặc áo lông cừu vượt sa mạc Gôbi mang theo mật mã học thuộc lòng dùng cho liên lạc rađiô giữa Moscow và căn cứ của Mao. Theo yêu cầu khẩn cấp của Mao, Staline và Dimitrov gửi gấp sang cho Mao nhiều chuyến vũ khí và 550 ngàn Đôla (giá trị hiện nay là gần 2 tỷ) do bà Tống Khánh Linh, vợ nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, chị ruột Tống Mỹ Linh vợ của Tưởng Giới Thạch chuyển số tiền lớn này đến cho Mao vì gia đình lớn họ Tống có quan hệ rộng với giới tư bản và ngân hàng quốc tế ở Hồng kông, Áo Môn, Thượng Hải, Luân đôn, New York... Mao có thêm điều kiện để xây dựng lực lượng và mở rộng căn cứ đỏ. Sau khi toàn thắng, Mao đưa bà Tống Khánh Linh lên làm phó chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

(Còn tiếp)


Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ

No comments: