Friday, April 17, 2009

NHỮNG "CÁI LỖ CAO CẤP" Ở VIỆT NAM

Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự
Số 306 - Ngày 12 tháng 4 năm 2009
Văn Quang

4/15/2009 9:18:27 PM
http://www.take2tango.com/?display=6689

Những "cái lỗ cao cấp" ở Việt Nam

Trước hết, tôi cần phải nói ngay rằng những "cái lỗ cao cấp" đó là lỗ sân golf. Tôi cũng không hề có ý chỉ trích hoặc mỉa mai những vị chơi golf ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhân tâm tuỳ thích, chơi thể thao hay giải trí, mỗi người có quyền chọn môn chơi và cách chơi tuỳ theo khả năng, tuỳ theo hoàn cảnh của mình. Song hầu hết các vị chơi golf đều là những "đại gia" và ở Việt Nam thì hầu hết "đại gia" và "đại quan" đều dính liền với nhau như hình với bóng. Không là "đại quan" thì khó trở thành "đại gia" và đã là "đại gia" thì phải chơi cùng "đại quan" mới sống được.

Người dân phải chui qua hàng rào sân golf để đi tắt
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%209/VQuang-01.jpg

Song không phải vì thế mà tôi ngán mấy ông ấy mà không dám chỉ trích, không dám mỉa mai. Có gì đáng ngán đâu nếu tôi là người sòng phẳng và dám nói thật. Tuy nhiên trong việc này họ không có tội, họ có quyền chọn lối chơi của mình. Đến đánh bạc còn có quyền, nếu không thì các nước lập ra casino làm gì?

Nhân ngày 29-4 hàng năm đã được chọn làm "Ngày thế giới không có golf", trong bài này tôi đặt vấn đề khác: ở Việt Nam có bao nhiêu dự án xây dựng sân golf và những cái lỗ golf ấy mang lại những gì cho người dân?

Môn thể thao cao cấp
Kể từ khi nền kinh tế VN "mở cửa", khó mà xác định được thời gian "mở cửa" bắt đầu từ năm nào, bởi cánh cửa khi thò ra khi thụt vào, nay mở cái này, mốt thấy lạnh cẳng lại đóng. Mai lại mở tí ti, mốt mở thêm tí nữa. Một thí dụ nhỏ như chuyện cho Việt kiều mua nhà, cứ ý kiến ý cày hoài, nay thấy lợi, mai thấy hại nên cho đến nay dường như chẳng có gì dứt khoát khiến mấy ông bà Việt kiều có ý mua nhà ở VN, hay chỉ muốn "nghe qua rồi bỏ" cũng chẳng biết đường nào mà lần.
Thôi thì cứ cho "đại" là sự mở cửa diễn ra khoảng hơn 10 năm nay (tất nhiên là mở có giới hạn). Không nên phủ nhận vai trò của môn "thể thao cao cấp" này trong thời phát triển và hội nhập. Gọi là môn "thể thao cao cấp" vì trên thực tế chỉ những vị có tiền, có khá nhiều của ăn của để, đô la tiêu như tiền Việt, mới có đủ khả năng bước vào sân golf. Mỗi lần cầm gậy là mỗi lần đi đứt từ 100 USD trở lên, chưa kể những thứ tiền linh tinh khác. Người chơi được hầu hạ đến nơi đến chốn, ngay cả việc mang theo những dụng cụ của môn thể thao này cũng có người lẽo đẽo vác theo hầu như lính lệ và các quan thời xưa. Như thế thì ở Việt Nam, mấy ông công tư chức còm, ngay cả những anh trưởng phòng, trưởng sở, những doanh nhân cỡ trên trung bình cũng không thể nào với tới được. Nó "cao cấp" vì thế chứ chẳng vì cái gì khác. Và nói khác đi, đó là môn thể thao dành cho các vị cấp cao. Dĩ nhiên không phải vị cấp cao nào cũng thích chơi golf, nhiều vị thích chơi những cái khác thú hơn nhiều.

Kết quả tổng hợp của các địa phương và đoàn công tác liên ngành về việc rà soát các dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf cho thấy cả nước đang có tổng số 144 dự án kinh doanh sân golf.

Dân đi làm về qua cửa phụ sân golf
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%209/VQuang-02.jpg

Tổng số diện tích đất sử dụng cho các dự án nói trên là hơn 26,17 ngàn ha, riêng diện tích cho sân golf khoảng 8 ngàn ha; diện tích đất nông nghiệp sử dụng cho xây dựng các dự án sân golf là gần 6.000 ha trong đó cần chuyển đổi hơn 1,63 ngàn ha trồng lúa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, các dự án đầu tư có mục tiêu là sân golf thường chiếm một diện tích đất rất lớn, bình quân mỗi dự án chiếm khoảng 374 ha; trong đó diện tích đất sử dụng đầu tư cho sân golf chỉ chiếm tỷ lệ bình quân là 29,6% diện tích một dự án.
Tại một số địa phương, có hiện tượng một số dự án chiếm diện tích đất nông nghiệp rất lớn, như các dự án chiếm nhiều diện tích trồng lúa (như sân golf xã Sài Sơn tại Hà Tây, sân golf tại huyện Thủ Thừa - Long An, sân golf Văn Giang tại Hưng Yên, sân golf Lương Sơn tại Thái Nguyên...)
Tính tổng số thì có tới 70,4% diện tích các dự án được sử dụng cho các mục đích không phải là sân golf (như biệt thự để bán và cho thuê, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu cây xanh, rừng cảnh quan...). Hiệu quả chủ yếu mà chủ đầu tư các dự án sân golf này trông đợi để sớm thu hồi vốn chính là từ các mục tiêu bất động sản đi kèm với sân golf mang lại. Nói rõ hơn là các dự án xin xây dựng sân golf rất rộng nên trong đó các nhà kinh doanh, ngoài việc làm sân golf, còn "tranh thủ" làm nhiều thứ hái ra tiền khác

Những nguy hại về môi trường do sân golf mang lại
Hiện nay tại Việt Nam chưa có quy hoạch phát triển chính thức, sử dụng đất ngoài mục đích, đặc biệt là chưa có đánh giá đầy đủ về tác động đối với môi trường... đó là một loạt tình trạng báo động về các dự án sân golf.
Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy việc xây dựng và bảo trì sân golf gây tổn hại và thoái hoá môi trường ở mức độ cao.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các dự án sân golf hiện nay ở Việt Nam đang sử dụng một lượng nước rất lớn cho việc tưới, bảo dưỡng và duy trì mặt sân. Bình quân lượng nước sử dụng cho một sân golf 18 lỗ là vào khoảng 5.000m3 nước mỗi ngày. Việc khai thác nước ngầm tuy hiện nay được cấp phép khai thác, song về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng lún nền đất. Ngoài ra, các sân golf đều sử dụng một lượng lớn các loại hoá chất để nuôi cỏ và diệt trừ nấm, sâu bệnh... Các loại hoá chất này đều thuộc nhóm hoà tan và ngấm theo đường nước thải xuống đất và nguồn nước ngầm, có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt chung của dân cư khu vực xung quanh dự án sân golf. Đây là một trong các nhân tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao mà hiện nay chưa có đánh giá cụ thể tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện còn có một số dự án sân golf không có khu vực hoặc công trình xử lý nước thải riêng mà thải trực tiếp ra môi trường sau khi đã được xử lý sơ qua các hồ lắng nội bộ như: dự án sân golf Phan Thiết - Bình Thuận, dự án sân golf Đồi Cù - Đà Lạt.

Không chỉ thoái hoá môi trường còn có hại cho sức khoẻ
Để có một sân golf đạt tiêu chuẩn, nhất thiết cần phải có những thảm cỏ xanh mướt mắt và mịn cho đường bóng lăn. Muốn vậy thì định kỳ là một lượng hoá chất khá lớn được đổ xuống để trừ sâu bệnh gây hại, nấm mốc.

Nguồn nước dân sử dụng thường có mùi hôi thuốc trừ sâu
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%209/VQuang-03.jpg

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), trên mỗi hecta sân golf, người ta phải sử dụng khoảng 1,5 tấn hoá chất mỗi năm, tức là gấp khoảng 3 lần so với một khu canh tác nông nghiệp cùng diện tích. Hoá chất đổ xuống trôi theo đường dẫn của nước tưới, nước mưa và hoà tan xuống tầng nước ngầm. Các chất độc hại này là căn nguyên của khá nhiều căn bệnh hiểm nghèo cũng như làm mất đi sự đa dạng sinh học. Mạch nước ngầm khi đã ô nhiễm sẽ rất khó làm sạch.
Thuốc trừ sâu không chỉ gây tổn hại nguồn nước và môi trường nước mà còn có thể gây hại cho sức khoẻ con người. Trong thuốc trừ sâu có những thành tố có thể đe doạ cả con người lẫn động vật. Sau một lần sử dụng thuốc trừ sâu và phosphate hữu cơ, bất kỳ sự bay hơi nào của thuốc trừ sâu cũng được luân chuyển trong không khí và được hấp thụ ở các môi trường xung quanh. Thường thuốc trừ sâu trong không khí được hấp thụ qua phổi và da. Tiếp xúc liên tục có thể gây ra hàng loạt hậu quả cho sức khoẻ, nhẹ thì bị ngứa mắt, ngứa mũi, ngứa cổ, nhức đầu, choáng váng, còn nặng hơn thì bị tổn thương hệ thần kinh trung ương và thận, tăng nguy cơ ung thư và gây ra các vấn đề về tiêu hoá.

Sự thật về những sân golf ở Việt Nam
Nhiều nhà khoa học ở Việt Nam đã bày tỏ rất lo ngại về các tác hại do sân golf gây ra đối với môi trường. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó trưởng bộ môn Quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên (khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Đại học Cần Thơ), từng có nhiều năm nghiên cứu sân golf - cho biết ở các nước trên thế giới, sân golf phần lớn được xây dựng tại những vùng đồi núi khô cằn, xa dân cư và phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về môi trường. Về tác động của sân golf đến môi trường. Ông cho biết:
"Tác động đầu tiên là đa dạng sinh học bị phá vỡ gần như hoàn toàn. Vùng đất rộng lớn với đa dạng sinh thái bỗng chốc trở thành độc canh chỉ một loại cỏ. Cỏ trồng tại sân là cỏ đặc thù cần tưới nước liên tục nhưng không chịu được ngập úng. Muốn mặt cỏ luôn xanh, người chăm sóc phải thường xuyên bón phân, phun thuốc.
Tại những vùng đất đồng bằng màu mỡ, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long dùng cho sân golf là quá uổng. Sân golf sau khi sử dụng, đất trả lại không thể làm nông nghiệp mà chỉ có thể trồng rừng. Hiện nay một vài tỉnh ở đồng bằng lại có chủ trương làm sân golf ở các cù lao với lý do thưa dân, chi phí bồi thường thấp.

Phun hoá chất tại sân golf ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%209/VQuang-04.jpg

Sân golf hình thành tại các cồn, cù lao thì các sông sẽ lãnh đủ bởi chất thải tống xuống trực tiếp. Vì thế, sự ô nhiễm nguồn nước sẽ càng nhanh và nghiêm trọng hơn. Đứng về góc độ cá nhân, tôi không ủng hộ việc thực hiện một cách đại trà các dự án sân golf tại Việt Nam. Hoạt động của sân golf còn gây thêm bất
bình đẳng xã hội.
Bởi, hàng trăm ha đất và hàng triệu tấn nước sạch bị hy sinh chỉ để cho nhóm rất ít người hưởng thụ. Người nông dân mất đất vì dự án cũng khó kiếm được nhiều việc làm từ sân golf. Các sân golf đóng góp cho ngân sách nhà nước rất ít nhưng tổn hại gây ra cho môi trường và sức khoẻ người dân thì quá nhiều".

Cụ thể là mất đất, mất đường và… thất học.

Xin lấy một địa phương đã thực hiện xây dựng sân golf làm thí dụ điển hình. Chính quyền tỉnh Hoà Bình, năm 2004 đã ra lệnh cho trên 300 gia đình dân xã Lâm Sơn, H.Lương Sơn rời bỏ nơi họ đã sinh sống hơn nửa thế kỷ để nhường lại hơn 300 ha đất nông, lâm nghiệp cho việc xây dựng một sân golf 54 lỗ do Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) đầu tư. Đổi lại, không phải là một cuộc sống sung túc ấm no như họ từng hy vọng mà là thất nghiệp, là ô nhiễm môi trường, là bất trắc...
Lúc này muốn đến xóm Thung Dâu (thuộc xã Lâm Sơn), nơi cư ngụ của khoảng 20 gia đình dân với gần 100 người phải đi qua cửa chính của sân golf 54 lỗ mang tên Phượng Hoàng.
Con đường vừa nhỏ, vừa dốc, lại trơn tuột. Nhiều đoạn xe máy không thể đi được, phải xuống xe, cài số một rồi dắt vượt lên đoạn dốc ngược kéo dài cả trăm mét. Mất cả tiếng đồng hồ mới vào được xóm.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, trưởng xóm Thung Dâu, cho biết con đường trước kia đến Thung Dâu từ quốc lộ 6 chỉ chừng 2 cây số và rất dễ đi, nhưng từ sau khi sân golf được xây dựng, Thung Dâu trở thành một “ốc đảo”. Con đường cũ bị chủ sân golf cho chặn lại, muốn ra vào Thung Dâu người dân chỉ còn cách đi theo con đường mòn kéo dài gần 10 km vòng vèo qua núi. Ông Lộc kể: "Đi lại giờ khó khăn lắm, người dân xóm mỗi lần thu hoạch nông sản đem xuống xã bán phải gồng gánh đến 2-3 tiếng đồng hồ vượt dốc núi mới đem được dăm ba buồng chuối xuống Lâm Sơn để bán. Nhiều cháu ở xóm này đã phải bỏ học vì đường đi quá xa. Đứa nào học sáng phải dậy từ 3 giờ để ăn uống, chuẩn bị sách vở đến trường; cháu học chiều thì gần 7-8 giờ tối mới về đến nhà, mà bố mẹ phải bỏ công việc đi đón vì sợ không an toàn".

Không chỉ cuộc sống của người dân Thung Dâu gặp những khó khăn, mà khoảng 20 trang trại của người dân trong xã đến vụ thu hoạch cũng không có cách nào vận chuyển ra ngoài. Anh Lê Trung Dũng, người xóm Rổng Vòng, chủ một trang trại ở Thung Dâu, cho biết vì không có đường nên hàng trăm gốc keo, luồng của anh vẫn đành bỏ phí mà không thể khai thác được. Anh Dũng cám cảnh nói: "Chúng tôi là dân vùng 3, nói là được ưu tiên đấy, nhưng không hiểu là ưu tiên nỗi gì. Làm được củ khoai củ sắn gánh xuống đường bán được bao nhiêu đâu mà khốn khổ quá. Có người đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền vào trang trại mà đến giờ vẫn chưa thu được tiền. Có khi phá sản đến nơi".
Không chỉ gặp khó khăn trong việc đi lại, khoảng 4 năm nay tình trạng thiếu nước sinh hoạt là vấn đề mà người dân khu này thường xuyên phải đối mặt.
Chị Hoàng Thị Thuận, xóm Rổng Tằm, cho biết sau khi được đưa đến khu tái định cư, chính quyền và nhà đầu tư cam kết sẽ bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho dân. Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn ngủi được dùng “nước Hàn Quốc” (cách người dân địa phương gọi nước do ban quản lý sân golf cung cấp), sau đó người dân phải tự xoay xở tìm nguồn nước do sân golf bơm nước theo kiểu “bố thí”, dân kêu thì bơm, không kêu thì thôi, có khi cả tuần không bơm. Chị Thuận cũng cho biết nước do sân golf bơm cho người dân thực ra cũng chỉ là nước lấy từ suối Rổng Tằm chứ không hề được xử lý. Nhiều hôm nước rất đục, có cả váng, nhiều nhà phải dùng bình lọc nước mà vẫn không yên tâm. Chị Thuận nói: "Những nhà không có bình lọc nước đành phải dùng trực tiếp hoặc phải đi lấy ở khe núi về dùng. Hồi đầu họ nói nước đó chỉ bơm phục vụ xây dựng sân và tưới cỏ nhưng sau lại bơm trực tiếp cho dân ăn, tôi từng làm nhặt cỏ trong sân golf nên tôi biết rõ chuyện này”.
Bác Nguyễn Xuân Hoàng, ở xóm Rổng Tằm, lo lắng: "Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hoà Bình đã cử chuyên viên về đo đạc kiểm tra mức độ ô nhiễm của khu vực này, nhưng chưa thấy công bố kết luận gì. Hằng ngày phải dùng nước sinh hoạt có mùi thuốc trừ sâu, nhiều người dân ở đây luôn bị ám ảnh đến một lúc nào đó sẽ phát bệnh ung thư".
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh, Phó chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, cũng xác nhận hiện hơn 3.000 dân thuộc các xóm Dốc Phấn, Rổng Tằm, Rồng Vòng, Rổng Cấn, Đồng Gạo và xóm 8 vẫn đang phải sử dụng nguồn nước này. Bà Nhinh nói: “Biết là ô nhiễm, biết là có nguy cơ bệnh tật rất cao nhưng người dân ở đây không còn cách nào khác”.

Nỗi lo thất nghiệp
Không chỉ mất đất, mất đường và thất học..., những người dân nhường đất cho nhà đầu tư xây sân golf Phượng Hoàng đang phải đối mặt với nỗi lo thất nghiệp - điều mà hàng chục năm qua họ chưa bao giờ nghĩ tới...
Trước đây khi sân golf chuẩn bị được xây dựng, phía nhà đầu tư hứa hẹn sẽ ưu tiên tạo công ăn việc làm cho bà con Lâm Sơn. Thời gian đầu, trong giai đoạn xây dựng cơ bản có rất nhiều lao động địa phương được nhận vào làm việc. Nhưng sau đó với lý do người lao động không đáp ứng được yêu cầu, chủ sân golf đã cho nghỉ việc hàng loạt. Hiện tại chỉ có khoảng dăm bảy chục người còn "trụ" lại được với những công việc nhặt bóng, bảo vệ, chăm sóc cỏ.

Phun thuốc trừ sâu trên một sân golf
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%209/VQuang-05.jpg

Nhưng người trụ lại cũng không biết được bao lâu. Chị Hoàng Thị Thuận, người là cỏ tại sân golf này kể: "Công việc ở sân golf rất vất vả, cả ngày phải làm đến mười mấy tiếng dưới cái nắng gay gắt, mà đồng lương họ trả không bằng chúng tôi làm ruộng trước kia. Cứ như thế kéo dài triền miên nhiều người không chịu được đã phải tự động bỏ việc chứ chưa cần họ cho nghỉ".
Về phía chính quyền, thực tế khi thực hiện dự án sân golf cũng tính đến chuyện giúp nông dân chuyển đổi nghề. Thế nhưng, đến nay việc chuyển đổi nghề hoàn toàn phá sản. Trước đây người dân Lâm Sơn cũng từng rất hy vọng vào chuyện sẽ được học nghề để kiếm sống, thế nhưng các lớp mây tre đan xuất khẩu tổ chức được có một khoá cho hơn 30 chục chị em nông dân xã. Sau khoá học mặc dù đã rất cố gắng với nghề mới, nhưng do là nông dân vốn quen ruộng đồng từ trong máu, nên những sản phẩm thủ công của họ làm ra trên thực tế không thể bán được. Mà có bán được cũng chỉ thu chưa đầy hai chục ngàn mỗi ngày.

Sau ti vi xe máy là trắng tay
Bởi vậy mới có chuyện, sau đợt nhận tiền đền bù đầu tiên hồi năm 2004, chỉ trong một ngày người dân Lâm Sơn sắm tới hơn 300 chiếc xe máy! Rồi hàng loạt ngôi nhà tầng mọc lên tạo cho khu tái định cư một vẻ ngoài hào nhoáng giả tạo. Một anh cán bộ xã ngao ngán: "Nhìn những ngôi nhà cao tầng bề thế, rồi ti-vi, dàn máy hát xập xình, xe máy đẹp lượn vòng vòng khắp xã, nhiều người đã tưởng dân ở khu tái định cư của xã Lâm Sơn là những "nhà giàu mới nổi". Thế nhưng, nhiều nhà chạy ăn từng bữa đấy.
Một người dân chua chát: "Tiền bồi thường đem xây nhà, sắm xe, tiêu hết rồi, không còn ruộng đồng, không còn nương rẫy, không nghề nghiệp, giờ là tay trắng". Quanh những xóm tái định cư, thanh niên không có nghề nghiệp, loanh quanh đầy mấy quán trò chơi điện tử, bi-a... Không có việc làm, không có thu nhập, nên từ ngày sân golf được xây dựng đã có tệ nạn nảy sinh…

Không nên học mót văn minh của những nước giàu
Những hệ luỵ trước mắt không biết có là lời cảnh báo cho những địa phương tham cái lỗ sân golf mà bỏ bê đời sống thiết thực của người dân?
Việc phản đối xây dựng sân golf đã xuất hiện từ nhiều năm qua tại nhiều quốc gia. Năm 1993, các tổ chức "Mạng lưới toàn cầu hành động chống các sân golf của Nhật Bản", "Mạng lưới du lịch châu Á của Thái Lan", "Mạng lưới con người và môi trường châu Á - Thái Bình Dương của Malaysia" đã đồng tài trợ một hội nghị tại Malaysia, quy tụ 20 đoàn đại biểu các nước tham dự.

Sân golf Đồi Cù chiếm vị trí đẹp nhất Đà Lạt nhưng không đóng góp gì đáng kể cho địa phương
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%209/VQuang-06.jpg

Hội nghị đã ra tuyên bố kêu gọi thành lập "Phong trào chống sân golf toàn cầu". Từ năm 2000 đến nay, phong trào chống việc xây dựng sân golf đã lan rộng ra nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ.
Trong khi đó ở Việt Nam, người dân còn thiếu ăn, thiếu việc làm, thiếu cả kiến thức thì các sân golf vẫn cứ phơi phới mọc lên khiến người dân ở nhiều địa phương có cái "lỗ cao cấp" ấy lãnh đủ các món ăn chơi từ thất nghiệp đến bệnh tật và tệ nạn xã hội. Lúc này chưa phải là lúc du nhập những những món hàng xa xỉ, những nếp sống quá ư "thời thượng", học mót những món văn minh của những nước có nền kinh tế vững vàng.
Chúng ta cũng không nên quên: Ngày 29-4 hàng năm đã được chọn làm "Ngày thế giới không có golf".


No comments: