Sunday, April 5, 2009

NẾU MỘT KẺ LỪA ĐẢO TRỞ THÀNH HIỆU TRƯỞNG ĐHQG

Điều gì sẽ xảy ra nếu một kẻ lừa đảo trở thành Hiệu trưởng Đại học Quốc gia ?
Zung’s Website
March 29th, 2009 6:28 am
http://zung.zetamu.com/?p=331

Nguy cơ “đồ giả bóp chết đồ thật”

Trong khoa học cũng như trong xã hội, việc có trình độ hạn chế (về chuyên môn, hay về một vấn đề nào đó) không phải là một tội lỗi. Không thể đòi hỏi ai cũng phải giỏi như Einstein. Và cũng không nhất thiết phải có bằng cấp cao mới có thể cống hiến được nhiều cho xã hội. Tuy nhiên, việc lừa đảo là một tội lỗi.
Trong giáo dục và khoa học có nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, ví dụ: gian lận trong thi cử, mua bán bằng cấp danh hiệu, ăn cắp công trình, tự thổi phồng kết quả của mình lên quá mức để bịp người không trong ngành, v.v. Những hiện tượng này trên thế giới ở đâu cũng có thể xảy ra. Có điều, ở những chỗ ít được khuyến khích thì nó ít xảy ra, còn ở đâu mà cơ chế hay môi trường khuyến khích nó thì nó dễ xảy ra.
Ở Việt Nam, có những người trình độ khoa học có thể coi là zero, nhưng đã mua được các bằng cấp khoa học từ Tiến sĩ đến “Viện sĩ” (chuyện rất hay xảy ra ở Nga và các nước Đông Âu những năm 1980-1990). Họ là những kẻ lừa đảo, tội lỗi. Nếu họ chỉ mua cái bằng Tiến sĩ về treo trong nhà, để khoe với con cái bạn bè thôi, thì cái tội “hám danh” nhưng không làm hại ai đó nhẹ, có thể dung thứ. Nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng, khi có những kẻ lừa đảo trong khoa học lại lên nắm quyền lãnh đạo, và những người làm khoa học chân chính thì lại phải chịu cảnh làm việc dưới trướng của họ. Đây là hiểm họa thực tế đang diễn ra ở Việt Nam.
Tôi muốn phân tích qua sư hệ trọng của hiểm họa đó bằng câu hỏi: những gì sẽ xảy ra khi một kẻ lừa đảo trong khoa học nắm quyền lãnh đạo khoa học, ví dụ như là làm hiệu trưởng một trường đại học quốc gia ?
Một kẻ lừa đảo trong khoa học mà làm lãnh đạo trong khoa học, sẽ dẫn theo:
Sự mất uy tín của tổ chức khoa học rơi vào tay kẻ đó lãnh đạo đối với các cơ quan trong nước và đối với quốc tế
Tạo ra một hệ thống khuyến khích lừa đảo và tham nhũng, bởi trong những hệ thống đàng hoàng hơn thì kẻ đó khó có chỗ đứng
Những người làm khoa học nghiêm chỉnh bị o ép, coi thường, chán nản, khó phát huy khả năng.
Sự lây truyền căn bệnh lừa đảo đến các thế hệ tiếp sau
Các giá trị xã hội bị đảo lộn
v.v.
Khó có thể tính hết được tai họa cho xã hội mà một kẻ lừa đảo gây ra nếu nắm vị trí lãnh đạo cao. Nhưng theo nguyên tắc “xây thì khó, phá thì dễ”, chúng ta có thể hình dung là công lao đóng góp xây dựng của 10 nhà khoa học nghiêm chỉnh và tâm huyết có khi không bù lại được sự phá hoại của một kẻ lừa đảo. Những người nước ngoài có nhiệt tình muốn giúp Viêt Nam, những Việt kiều muốn về nước cống hiến, khi thấy “viễn cảnh” như vậy không khỏi có những “suy nghĩ lại”: tại sao lại phải nai lưng ra giúp những kẻ lừa đảo, đục khoét ?
Nếu để cho một kẻ lừa đảo làm hiệu trưởng một trường ĐHQG, thì dù nhà nước có đổ một trăm triệu USD vào trường đó, thì nhiều khả năng là uy tín của nó vẫn cứ sẽ kém, hệ thống của nó vẫn sẽ cứ “chim chuột”, và lãng phí đầu tư có thể tính ra ít nhất vài chục triệu USD. Nguy hiểm hơn nữa, là khi kẻ lừa đảo lại lấy Trường ĐHQG làm bàn đạp để lên chức cao hơn, thì khi đó sự phá hoại của kẻ đó đối với đất nước sẽ còn lớn hơn. Theo luật bù trừ, khi người ta “kém” về mặt này thì “giỏi” mặt khác. Kẻ lừa đảo trong khoa học không có hiểu biết thực sự gì về khoa học, không dành thời gian cho khoa học, nhưng lại “phất” về lừa đảo, giỏi về thủ đoạn mánh khóe, mà càng giỏi thủ đoạn mánh khóe thì càng dễ ngoi lên, nếu như chế độ khuyến khích chuyện đó. Và khi kẻ đó càng ngoi lên cao, thì càng có hại cho xã hội.
Bởi vậy, giới khoa học VN cần chống lại những kẻ đó, gạt ra khỏi các vị trí lãnh đạo khoa học, khi còn chưa muộn. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực và sự dũng cảm của các nhà quản lý và các nhà khoa học chân chính.

Làm sao để nhận biết đâu là kẻ lừa đảo ?

Trước hết, cần phân biệt giữa “kẻ lừa đảo” với người “trình độ hạn chế”. Bản thân việc “trình độ còn hạn chế” không phải là tội lỗi gì cả. (Và cũng không nhất thiết phải có bằng cấp này nọ mới có thể làm việc tốt, nếu làm đúng vị trí). Chỉ khi nào vơ vào mình những chức danh hay, thành thích không có thực, thì mới lài tội lừa đảo. Vậy làm sao để phân biệt đâu là “bằng cấp thật, thành tích thật” còn đâu là “bằng cấp giả, thành tích giả” ? Sự phân biệt này có những lúc dễ dàng, “rõ như van ngày”, nhưng cũng có những lúc khó hơn, nếu không cẩn thận có thể bị nhầm lẫn, và cũng có những trường hợp nằm trên gianh giới giữa thật và giả, tùy theo xã hội có chấp nhận như vậy hay không.

Tôi xin lấy một số ví dụ cụ thể.
Ông Nguyễn Cảnh Toàn là Tiến sĩ thật, Giáo sư thật, nhưng chuyện ông ta là viện sĩ thì “giả”. Thời ông NCT làm Tien si, thì ở VN hiếm ai biết đến toán cao cấp và có thể coi ông NCT là một trong những người hiểu biết nhiều nhất về toán ở VN vào thời đại đấy, tuy rằng điều đó sau nay không còn đúng nữa. Sai lầm của ông NCT có lẽ xuất phát từ việc đánh giá chủ quan quá cao các kết quả toán học của ông ta, và tin tưởng hoàn toàn rằng ông ta có “trình độ viện sĩ”. Bởi vậy ông ta khi được mời tham ra các viện hàn lâm này nọ đã nhận lời, mà không nghi ngờ rằng đấy là các viện hàn lâm “rởm”, với mục đích kinh doanh (thu tien của các “viện sĩ” — gọi là hội thì đúng hơn, thu tiền của các hội viên, nhưng người ta cứ tự xưng là viện hàn lâm cho “oai” tuy chẳng có uy tín gì về khoa học):
http://en.wikipedia.org/wiki/American_Biographical_Institute
http://en.wikipedia.org/wiki/International_Biographical_Centre

Khi tôi học ở Nga (cách đây 20 năm) có một ông thầy dạy học trò một “võ” này: có một kết quả thì đem “chẻ” ra thành mấy bài báo, viết đi viết lại. Làm thế thì số bài báo có thể được nhân lên gấp đôi gấp ba, và nếu “tính điểm công trình” sẽ rất cao. Bản thân tôi hơi “dị ứng” với võ đó nên tránh không làm vậy tuy được “truyền”, nhưng cũng không ngạc nhiên khi thấy một số đồng nghiệp làm như vậy. Có nhiều lý do để làm như vậy, trong đó có cả những lý do chính đáng: như làm khoa học cũng cần quảng cáo, viết nhiều thì khả năng được người khác quan tâm đọc đến nhiều lên, xin tiền khoa học dễ lên để còn lấy tiền “nuôi” các công trình “lớn”, hay là khi viết lại thì sáng sủa hơn, tốt hơn cho người đọc, etc. Giới khoa học cũng cần phải làm “quảng cáo, PR” (một cách lành mạnh) để cho những người khác biết mình làm gì, có ý nghĩa ra sao, thì mới có được kinh phí cho khoa học, mới được xã hội đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, những quảng cáo thái quá, thì có thể chạm đến gianh giới giữa thật và giả.

Ông Đào Trọng Thi là một ví dụ về “quảng cáo thành công” ở VN. Tôi biết ông ĐTT là người rất giỏi, và có bài báo của ông ĐTT (thời còn làm “candidat”) có được trích dẫn trong 1 quyển sách khá nổi tiếng của Helgason về hình học. Tuy nhiên, khi các báo chí tâng bốc luận án TSKH (doktor nauk) của ông ĐTT về mặt cực tiểu (gọi là bài toán Plateau) là đã “giải được bài toán thế kỷ”, thì điều đó đã “đi hơi xa” sự thật.
Nếu nói về “khoa học rởm”, ông Nguyễn Đình Đức có thể là một ví dụ tiêu biểu

Nguyễn Đình Đức là ai ?

Bài báo “Chế tạo viện sĩ” được một tác giả bên Nga viết năm 2000 và lưu truyền trên internet, về hiện tượng viện sĩ “rởm” của VN, có dành cả một đoạn dài viết về “viện sĩ” NĐĐ. Những ai chưa xem bài đó có thể xem tại đây là lai lich của “viện sĩ” đó (xem từ giữa bài, từ “Thư số 6″):
http://zung.zetamu.com/chetaoviensi.pdf
Tôi thời gian đó không còn ở Nga, chưa có điều kiện kiểm chứng hết những gì viết trong bài đó, nhưng những điều tôi trực tiếp biết về NĐĐ thì không sai so với trong bài: đi học nghiên cứu sinh nhưng thuộc loại kém, thi tối thiểu bị trượt, bị thầy đuổi, xin thi lại, tìm được thầy “dễ mua”, thời gian làm NCS thì chủ yếu là đi buôn, luận án do người khác làm …
Thời gian thấm thoát trôi qua. Nay “bỗng chốc” “PGS TSKH” Nguyễn Đình Đức là ứng cử viển trở thành Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ thuộc ĐHQGHN thay thế GS Nguyễn Hữu Đức (được chuyển lên chức cao hơn), sau một thời gian làm trưởng ban khoa học công nghệ ĐHQG rồi phó hiệu trưởng ĐHCN. Quả là “lên như diều gặp gió “. Và trong những năm tới, “viện sĩ N Đ Đức” sẽ có thể ứng cử vào chức Hiệu trưởng ĐHQGHN hoặc thậm chí những chức cao hơn thế.
Tìm hiểu qua về NĐĐ “thời nay”, tôi được thông tin sau:
http://vietphd.org/showthread.php?t=2351
Ông ta rất lắm chức tước, và vơ tất cả những thứ linh tinh tính thành “công trình khoa học”. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Đây là 1 đoạn viết thú vị về việc “thầy Đức” hướng dẫn SV (chép lại nguyên văn):

Hà hà, hay quá, đây là thầy dạy cũ của em mà. Bằng cấp thì em không biết thật giả thế nào, chỉ biết một chuyện rất lố bịch như sau mà em chứng kiến:
- Năm 2006 thầy có hướng dẫn tốt nghiệp under 2 SV về nanocomposite: độn hạt cầu cỡ nano vào ống kim loại và tính toán tính chất cơ học của nó. Kết quả là khi báo cáo thì 1 bạn dùng 1/2 tg để giảng giải thế nào là vật liệu composite với nanocomposite. Một bạn thì trước khi báo cáo một tuần mới biết là mình nhầm giữa biến dạng phẳng và ứng suất phẳng, mọi kết quả tính toán trong luận văn hoàn toàn sai. Mặc dù vẫn thường xuyên được thầy này check!
Đây là hai trường hợp em thấy củ chuối nhất lần bv năm đó! Nói chung là rất củ chuối!

Điều trên có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Vậy có gì đáng ngạc nhiên ? Có lẽ chẳng có gì. Chuyên ông ta lên làm hiệu trưởng hiệu phó cũng chẳng đáng ngạc nhiên nốt, nếu như hệ thống ở VN có nhiều sơ hở để cho “khoa học rởm bóp chết khoa học thật”. Nhưng có phải điều đó có nghĩa là chúng ta dửng dưng ngồi nhìn nó mà không làm gì cả ? Điều này, tôi dành cho các đồng nghiệp ở VN suy nghĩ, vì tôi không thể can thiệp trực tiếp đươc. Tôi chỉ có thể kiến nghị những người có trách nhiệm ở VN phải làm cho sáng tỏ vụ này.
Chuyện “khoa học giả bóp khoa học thật” là một trong những chuyện chướng tai gai mắt ở VN. Tôi biết rằng tôi có viết lên đây cũng khó thay đổi được gì, và đôi khi tôi thấy mình như Don Quixote đánh nhau với cối xay gió. Tuy nhiên xã hội vẫn cần những người dám nói, dám làm, vì lợi ích chung, chứ không phải vì cái ghế của bản thân. Hy vọng rằng ở VN vẫn còn đủ nhiều những người như vậy.
Nguyễn Tiến Dũng

--------------------------------------------

Chân dung “viện sĩ” PGS TSKH Nguyễn Đình Đức
Zung’s Website

March 30th, 2009 8:39 pm
http://zung.zetamu.com/?p=351
Các đây ít năm, Trường ĐHSPHN tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, có mời cả Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến dự. Về phía ĐHQGHN có hai quan khách đến dự, là ông Đào Trọng Thi và ông Nguyễn Đình Đức. Khi người dẫn chương trình giới thiệu đến ông Nguyễn Đình Đức, là viện sĩ viện làm lâm khoa học tự nhiên của Nga, thì hội trường vỗ tay rào rào. Và ban giám hiệu ĐHSPHN sau đó cũng tiếp đón ông Đức niềm nở, một cách ngưỡng mộ. Không ai biết ông Đức xuất xứ ra sao, làm cái gì trong khoa học, nhưng ai cũng tự hào vì được tiếp đón một nhà khoa học trẻ hàng đầu Việt Nam, viện sĩ của nước Nga. Ông Đào Trọng Thi mới “chỉ là” viện sĩ Viện Hàn lâm thế giới thứ ba, mà Thế giới Thứ ba ắt hẳn còn thua xa Nga về mặt khoa học.
Quả là vinh dự cho Việt Nam khi có một viện sĩ khoa học trẻ. Tốt quá ! Nhưng như người Anh thường nói “too good to be true”. Cái gì có vẻ tốt quá thì đáng ngờ. Không phải là không có một số người ở buổi kỷ niệm trên đã có ý nghi ngờ chuyện có một viện sĩ, một nhà khoa học trẻ Việt Nam lẫy lừng như vậy mà tại sao đến giờ mình mới nghe tên, nhưng rồi lại tự nhủ “tại ông ta làm ngành khác mình không biết đến”.

Nhưng cũng có những kẻ “rỗi hơi, thọc mạch” đi tìm hiểu xem chức danh viện sĩ của ông Đức ra sao. Theo CV của ông Đức (được treo trên trang web của ĐHQG:
http://news.vnu.edu.vn/CV-N%5B1%5D.D.Duc-chuan-tiengviet.doc - tôi có bản copy), thì ông Đức là “member of the Russian Academy of Natural Sciences” từ năm 1999. Dịch sang tiếng Việt thành viện sĩ viện Hàn lâm khoa học tự nhiên của Nga, quả là “chuẩn”. Chỉ có điều có một chi tiết nhỏ: cái Viện hàn lâm đó không phải là RAN (Russkaia Academia Nauk), tức là viện hạn lâm khoa học Nga (trước là Viện hàn lâm khoa học Xô Viết) – viện hàn lâm “xịn” của Nga, mà các giáo sư Nga khi được bầu làm “chlen cor.” (corrsponding member) đã có thể rất tự hào. Vậy thì cái “Viện hàn lâm khoa học tự nhiên của Nga” (http://www.raen.ru/) đó là gì ?
Theo trang web của RAEN (
http://www.raen.ru/academy.php), thì những năm đầu thành lập (quãng 1990-1992) RAEN “chỉ có” dưới 1000 “chlen” nhưng nay đã có đến 4000 “chlen”, và họ tự hào về sự phát triển nhanh chóng của hàng ngũ “chlen” của họ. Thử hỏi có viện hàn lâm khoa học lừng danh nào, mà vào đó phải qua bầu bán khắt khe, lại tự hào là phát triển nhanh về đội ngũ, lên từ 1000 đến 4000 thành viên trong vòng mười mấy năm (và cứ theo đà phát triển này thì trong những năm tới có thể có cả 10 nghìn thành viên) không ? Tăng nhanh như vậy thì chỉ có cách “khuyến mại”, kết nạp thật nhiều, chứ lại cứ phải đợi “có suất” mới bầu thành viên mới trong số những người đã có cống hiến lẫy lừng thì lấy đâu ra.
Nói RAEN là “của rởm, hàng nhái” của RAN thì có lẽ hơi oan vì RAEN không cạnh tranh với RAN mà có mục đích “đại chúng”. RAEN hoạt động như là một hiệp hội, với nhiều phân hội hay trong tâm khoa học con, và ai thuộc vào cái hiệp hội đó thì gọi là chlen. Gọi các thành viên của RAEN là viện sĩ, thì cũng tương tự như gọi các thành viên của Hội cơ học Huế hay của Viện Di truyền nông nghiệp là “viện sĩ Viện hàn lâm khoa học tự nhiên Việt Nam”. Nếu tính như vậy thì Việt Nam cũng có đến hàng nghìn viện sĩ, kể cả những người chưa có bằng tiến sĩ !

Cái danh “viện sĩ” của ông Đức là như vậy. Nhưng có lẽ cái danh đó, cùng với những danh hiệu khoa học khác chêm vào như “Giáo sư LB Nga”, trong con mắt những người không biết rõ thực hư đầu đuôi câu chuyện, thì thật là lớn. Có lẽ một phần nhờ vậy mà ông Đức đã được ai đó giới thiệu vào chức Ủy viên Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc khóa 5 khi còn ở Nga (1999-2004), rồi sau đó khi về VN nhảy vào các vị trí lãnh đạo khoa học trong ĐHQGHN, và hiện là Hiệu phó ĐH Công nghệ thuộc ĐHQGHN. Ông Đức còn là một trong 2 ứng cử viên vào chức hiệu trưởng ĐHCN vào 02/2009.

Các “thành tích” của ông Nguyễn Đình Đức khi được giới thiệu vào Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam đã được FPT đưa tin như sau:
“Là giáo sư danh dự của Đại học Tổng hợp châu Âu, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên Liên bang Nga, Viện Hàn lâm phát minh sáng chế quốc tế, Nguyễn Đình Đức là một trí thức trẻ được biết đến nhiều ở Nga….
-Vậy còn công trình khoa học giúp anh giành bằng phát minh số 120 và huy chương Kapixư cao quí của Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên LB Nga…?
- Nói nôm na đó là công trình nhằm chứng minh: nếu bổ sung một cách hợp lý những hạt cầu vào vật liệu hai pha có cấu trúc không gian trước đây, sẽ thu được một vật liệu mới ba pha bền hơn khi chịu lực, chịu nhiệt, độ bền tăng theo thời gian sử dụng, giảm được sự tập trung ứng suất và những khuyết tật bên trong, tăng khả năng chịu đựng khi có vết nứt….”
Những chức danh “Giáo sư danh dự Đại học Tổng hợp Châu Âu” hay “Giáo sư LB Nga” cao quí mà ông Đức có từ năm 1999 ra sao ? Mấy ai ở VN đã được làm GS danh dự của một đại học ở châu Âu hay GS ở Nga ? Nước VN “thật chả biết dùng người”, chả nhẽ một GS của Liên Bang Nga, viện sĩ, về VN cống hiến mà mãi 10 năm sau (2009) vẫn mới chỉ là PGS ở VN ?! Nghe ra kể cũng hơi mâu thuẫn.
Tôi đã từng ở Nga nhiều năm, chưa nghe thấy cái chức danh “Giáo sư LB Nga” bao giờ. GS là giáo sư MGU, giáo sư Tổng hợp Novosibirsk, v.v., chứ còn “Giáo sư LB Nga” thì tôi chịu. Thế còn cái trường “Đại học Tổng hợp châu Âu” ? Chịu nốt ! Ở nước Mỹ tư bản, thượng vàng hạ cám cái gì cũng có. Có những trường như Stanford, thì cũng có những University mà khuôn viên bằng một cái garage ô tô, nơi người ta có thể mua bằng tiến sĩ danh dự mà chẳng cần đi học ngày nào. Sau khi Liên Xô xụp đổ năm 1991, thì ở nước Nga “tân tư bản” người ta cũng “trăm hoa đua nơ” chẳng kém gì Mĩ, và cái trường “Đại học Tổng hợp châu Âu” được người ta vẽ ra ở ngoại ô Matxcơva trong hoàn cảnh đó. Ai cũng có thể thành GS danh dự, miễn là có “quyên góp” !
Thế còn các bằng cấp và “thành quả khoa học” khác đạt được khi còn ở Nga, mà ông Đức ghi trong CV, từ bằng tiến sĩ cho đến cái “bằng phát minh số 120 của RAEN” thì sao ? Về lai lịch những thứ này, có một bài viết (với tên chetaoviensi) của một người đã từng sống bên Nga cùng thời với ông Đức lâu năm, viết vào năm 2000. Tôi xin trích lại vài đoạn trong bài chetaoviensi đó ở phía cuối bài này để bạn đọc tham khảo (đoạn chữ nghiêng). Những đoạn về lúc ông Đức còn làm “candidat” thì tôi có biết trực tiếp (vì tôi cũng ở Nga, cùng nơi với ông Đức, cho đến năm 1991), và có thể đảm bảo là những chuyện như ông Đức thi tối thiểu bị trượt do quá kém, suýt bị đuổi, là có thật.
Từ khi về VN, ông Đức cũng có rất nhiều “thành tính khoa học”. Không còn ai “đứng đằng sau” trong khoa học nữa, mà ông Đức vẫn sản xuất được cả chục công trình ghi trong CV của ông ta. Nhưng xem kỹ thì thấy tất cả các công trình đó đều kiểu báo hội nghị, từ Đồ Sơn đến Thái Nguyên, hoặc là bài trong chính cái tạp chí của ĐHQG mà ông ta làm biên tập chứ không phải là bài báo trong một tạp chí quốc tế nào. Một người, hiện là tổng biên tập 1 tạp chí khoa học ở VN, có kể cho tôi là có lần Tạp chí của ĐHQG có gửi bài đến yêu cầu ông ta phản biện, nhưng chưa kịp phản biện gì thì bài báo đã được đăng !

Vì sao ông Đức có đứng tên chung một quyển sách với ông Nguyễn Hoa Thịnh (xem
http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Hoa_Th%E1%BB%8Bnh), theo như trong CV của ông Đức viết, thì tôi cũng lấy làm khó hiểu.

Từ khi ông Đức trở thành “thầy Đức” ở ĐHQG thì đào tạo SV ra sao ? Cái này có lẽ phải hỏi các SV đã từng “qua tay” thầy. Trên diễn đàn vietphd có đoạn bình luận khá thú vị về 2 đề tài tốt nghiệp do thầy Đức hướng dẫn. Tôi không dám chắc thực hư ra sao, nhưng xin copy nguyên văn lại đây làm tư liệu (nguồn:
http://vietphd.org/showthread.php?t=2351), để nếu ai cần có thể đi tìm hiểu, kiểm chứng:
Hà hà, hay quá, đây là thầy dạy cũ của em mà. Bằng cấp thì em không biết thật giả thế nào, chỉ biết một chuyện rất lố bịch như sau mà em chứng kiến:
- Năm 2006 thầy có hướng dẫn tốt nghiệp under 2 SV về nanocomposite: độn hạt cầu cỡ nano vào ống kim loại và tính toán tính chất cơ học của nó. Kết quả là khi báo cáo thì 1 bạn dùng 1/2 tg để giảng giải thế nào là vật liệu composite với nanocomposite. Một bạn thì trước khi báo cáo một tuần mới biết là mình nhầm giữa biến dạng phẳng và ứng suất phẳng, mọi kết quả tính toán trong luận văn hoàn toàn sai. Mặc dù vẫn thường xuyên được thầy này check!
Đây là hai trường hợp em thấy củ chuối nhất lần bv năm đó! Nói chung là rất củ chuối!

Có điều thú vị là chẳng nhẽ ở VN không ai biết chuyện ông Đức là “khoa học rởm” hay sao, mà ông ta lại lên như diều gặp gió thế ? Tôi có đi hỏi mọi người, thì mới vỡ nhẽ ra là quả thật rất nhiều người trong giới khoa học không biết. Người ta chỉ nghe tiếng, thấy oai, thế là kính nể, thấy xứng đáng lên chức. Nhưng không phải là không ai biết. Có điều cho đến nay, những người biết chỉ “bàn tán sau lưng” hoặc thậm chí chẳng thèm bàn gì, vì người ta ngại, người ta sợ đụng chạm, người ta còn có nhiều việc khác để quan tâm, người ta còn thấy nhiều “chướng tai gai mắt” khác mà người ta chẳng làm gì được. Ông Hoàng Tụy (tôi không biết cụ Tụy có biết gì về chuyện này không, nhưng ắt hẳn cụ biết nhiều chuyện) từng phải thốt lên “chưa bao giờ ở VN có nhiều Xuân Tóc Đỏ như bây giờ”.

Trong một xã hội, khi mà một thầy giáo THPT Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực thì chẳng được gì mà chỉ mang vạ vào thân, thì cũng chẳng dám trách mọi người tại sao không chống tiêu cực, và cũng hiểu được tại sao nhiều người tử tế cũng phải lao vào vòng tiêu cực. Tuy nhiên, có một người phải biết chuyện về ông Đức (nếu không biết thì là do “cố tình không biết”), và hoàn toàn có thể gạt ông Đức ra khỏi bộ máy lãnh đạo, nhưng lại nâng đỡ ông Đức. Đó là ông Đào Trọng Thi. Tôi không biết vì sao ông Thi làm như vậy (có thể có những lý do uẩn khúc), nhưng dù lý do là gì chăng nữa, thì cũng đáng thất vọng.

Dưới đây là một số trích đoạn từ bài chetaoviensi về ông Nguyễn Đình Đức:

Tai tôi được nghe chính ông Đức kể là sau khi nghe thấy có cái bằng phát minh này, người Mỹ ngỏ lời mời ông Đức sang Mỹ thử tay nghề với mức lương khởi điểm cho người có bằng tốt nghiệp đại học là 42.000 đôla/năm. Nhưng ông Đức rất muốn đem kiến thức về nước thực hành, nên ông từ chối sang Mỹ. Chao ơi, tinh thần yêu nước của ông thật đáng khâm phục, chả thế mà tháng 9-1998 ông phủ phục ở khách sạn Viện Hàn lâm gần nửa ngày để xin gặp ông Đặng Vũ Minh, Giám đốc Trung Tâm công nghệ quốc gia để kiếm việc, dù ông biết rõ lương nhận được tại nước nhà chỉ nhỉnh hơn 1% mức lương Mỹ mời chào - không quá 500 USD/năm.
Tại sao ông Đức lại nghĩa khí đến vậy. Té ra là ông Đức đã khôn khéo bằng tiền đổi xanh, thu vàng từ hồi thực tập ở Đại học tổng hợp Mátxcơva xoay được cái bằng phát minh, để cái bằng đó mang tên mình và loè mấy ông quan ù ờ, nhưng sính bằng cấp. Thế nhưng người Mỹ lại khác, vốn thực dụng, nghe thấy “tài năng” ông Đức đã đánh tiếng mời ông sang . Xin nhắc lại đấy là theo lời ông Đức kể chứ tôi chưa nhìn thấy giấy mời.
Thừa hiểu sang Hoa kỳ “thi thố tài năng” thì lộ mặt thật, thế là “chàng Đông Quách tiên sinh thời hiện đại” khôn ngoan cài số lùi, lẹ rút, không quên buông những lời “thiết tha yêu nước” sau khi đã “lại quả” cho “chú T.” chiếc danh hiệu viện sĩ, như Đức kín hở khoe khéo với anh em trong trường Đại Học Tổng hợp Mátxcơva. Ông C.T. một người từng làm việc khá lâu ở Viện nghiên cứu hạt nhân Dubna kể cho tôi nghe rằng ông đã vào thư viện đọc và được biết trong thời gian 68 năm (1917-1985) nhà nước Xô Viết mới chỉ cấp 108 bằng phát minh.
Bằng phát minh của Liên Xô được cấp cho những công trình phát hiện những nguyên lý mới của thế giới vật chất mà trước đấy chưa ai phát hiện ra, và nó khác hẳn với bằng sáng chế, chỉ thuần tuý là một giải pháp mới cho một vấn đề cụ thể, người Mỹ thường gọi là “know-how” (bí quyết). Do vậy bằng sáng chế nhiều vô kể, nhưng bằng phát minh rất hiếm hoi.
Về cái bằng phát minh số 120 mà ông Đức khoe, cơ quan nào cấp và nó có phải là bằng … thật hay không, đến nay vẫn là một câu hỏi. Câu hỏi của tôi không phải là không có cơ sở khi xem xét quá trình học hành của ông Đức.
… Ông [Đức khi làm NCS] ham mê đổi xanh và thâu vàng hơn là học. Được một năm thì ông Đức xuýt mất mạng. Chả là hôm đó ông Đức mua vàng của một người Việt. Lấy cớ mua bán, tên này xông vào định giết ông Đức để cướp vàng và tiền. May mắn thay, ông Đức chống cự được và vớ được chai sâm-panh góc nhà đập vào đầu tên kẻ cướp, đồng thời la lối to. …
… Khoa Toán cơ sắp xếp ông Lenxky làm thầy hướng dẫn. Thầy trò gặp gỡ nhau, ông Lenxky đưa bài toán để kiểm tra trình độ ông Đức. Chả hiểu ông Đức giải thế nào mà ông Lenxky chê dốt và không nhận. Ông Đức sợ hãi tìm gặp ông Việt và ông Công, là hai trong số những người giỏi toán của Việt Nam đang học tại đó. Ông than:
- Nếu không được nhận học tiếp mà phải về nước thì tao chết mất!
Thương ông Đức, hai ông Việt và Công gặp ông Chương, phụ trách bộ phận quản lý lưu học sinh của Đại sứ quán để nhờ ông Chương viết giấy xuống khoa Toán Cơ xin cho ông Đức được học tiếp.Nhận giấy của Sứ quán, ông Trưởng khoa Toán-Cơ nghĩ rằng ông Đức chắc hẳn thuộc diện được phía Việt Nam cố muốn đào tạo, nên đành chấp thuận. Ông Lenxky dứt khoát từ chối nhận Đức, do vậy khoa Toán-Cơ cử người khác hướng dẫn thay.
Sau khi bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ, ông Đức biết khó mà sờ được cái bằng tiến sĩ ở ĐHTH Mátxcơva, ông xin chuyển sang Viện máy công nghiệp. Rất may cho ông Đức lãnh đạo cái viện này “thức thời và xôi thịt” nên ông Đức đã bảo vệ thành công và nhân đà ông kiếm luôn hai cái danh hiệu viện sĩ như trên. Danh hiệu viện sĩ Viện hàn lâm New York ông Đức cũng có, chính ông kể với tôi ông đóng lệ phí bao nhiêu đôla… và chê bai đó là câu lạc bộ khoa học vô bổ. Ông Đức biết tỏng vở “viện sĩ” Viện hàn lâm New York ở Việt Nam đã hết thiêng, thành ra chẳng dại xui FPT dán thêm vào nữa . Nhân đà, ông Đức kiếm luôn cái hàm giáo sư ở trường Đại học Tổng Âu Châu nhưng đóng ở… ngoại ô Mátxcơva (!!!) tựa như “Hồng Công bên hông Chợ Lớn” vậy. Cũng rất nực cười là cái trường này lại do cái gọi là “Viện hàn lâm khoa học tự nhiên Nga” đẻ ra, không thày, không thợ và ông Đức cũng chẳng dạy giờ nào vì còn bận rửa đít thay tã cho đứa con thứ hai mới chào đời. Ông Thạc, người mà hai mươi năm làm từ điển không xong, đã lăng xê cái tít “giáo sư” của ông Đức lên báo để vừa lòng quan trên.
Ông Đức cũng từng ôm cái luận án tiến sĩ và 30 biểu bảng từ Viện thiết kế máy sang bên trường Đại học tổng hợp Mátxcơva hy vọng được bảo vệ lấy tiếng thơm của trường này. Các giáo sư khoa Toán cơ sau khi nghe đã bác bỏ; ấy thế mà nhoằng một cái đã thấy đẻ ra cái bằng phát minh số 120, mang tên ông. Về cái bằng phát minh số 120, bạn đọc có thể tự giải đáp được. Hoặc ông Đức là một bậc kỳ tài của thiên hạ, hoặc là một trò lừa của một nhóm người có tổ chức tại Mátxcơva, sinh ra nhằm thoả mãn nhu cầu bổ xung “lực lượng kế cận” tại nước nhà, nhằm mưu đồ cá nhân trong chính trường. Mấy ai ở Mátxcơva nhìn thấy cái bằng sáng chế đó, hoạ chăng chỉ “chú T.” và mấy anh báo chí cung đình.

Ông Nguyễn Cảnh Nam, ốp Xaliut 2 thuật lại lời ông Tùng, Viện trưởng viện Vật liệu xây dựng:
- Tôi nhận được cú điện thoại của “trên” gọi xuống nói là có một người bên Nga tài giỏi về vật liệu học, phải tìm cách “sử dụng”.
Theo ông Tùng kể lại thì “Đông Quách tiên sinh” nhà ta cũng đành thú trước ông Tùng là không biết gì nhiều về vật liệu học. Thế mà thoắt một cái “Nguyễn Đình Đức tiên sinh” trở thành Uỷ viên Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Theo tôi biết thì trong Mặt trận tổ quốc Việt Nam không có bộ phận nào nghiên cứu vật liệu.

Sau khi học xong, ông Đức lúc thì buôn bán thực phẩm ở chợ Niculino, lúc thì nhận làm giấy tờ hải quan giả (gọi né là dịch vụ hải quan) thế mà cũng kịp mua được bộ mũ mãng: viện sĩ 3 viện hàn lâm thế giới và một cái gọi là bằng phát minh số 120.(Xin nhắc lại là đến hôm nay chúng tôi chưa tìm thấy tên ông Đức và nhiều ông “viện sĩ” khác trong danh sách cái gọi là “Viện hàn lâm khoa học tự nhiên Nga, đồng thời cũng được anh em ở Hà nội bàn tán về cái bằng phát minh số 120- theo họ cho là giả mạo) Nếu ông Đức tài năng thật, thì “chú T.” nâng đỡ để ông Đức có điều kiện “phục vụ đất nước” thì đi một nhẽ. Đằng này”chú T.” lại dùng dấu son (chứ không phải thỏi son) mông má ông Đức để “đem tài năng giả” leo cao các “địa vị chính trị thật”, thật là tai hại. Đó là những mưu ma chước quỷ để lừa nhân dân Việt Nam, những người vốn tôn trọng trí thức, khác hẳn với “giáo sư Xasa” bên Nga, anh ta không lừa ai cả, chỉ làm nhiệm vụ thực hiện điều mà hãng hàng không không làm được như ghi trong vé bán cho người việt : quyền được bay. Đơn giản thế thôi.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, trong truyện ngắn “Bài học nông thôn” xuất bản năm 1989 đã viết:
“…Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân. Vì sao? Vì chúng giả hình. Chúng nhân danh lương tâm, đạo đức, mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa…”

Ông Nguyễn Đình Đức nói là đã nhận huy chương cao quý Capixư. Nhưng trong danh sách 5 người của RAEN nhận huy chương này [đến năm 2000] thì không thấy ai mang tên Nguyễn Đình Đức. Năm người đó là:
- Nhà vật lý Prokharôp
- Nhà hoá học Prigorin
- Phó chủ tịch RAEN S.P Kapixa (con trai viện sĩ Kapixa)
- Phó hiệu trưởng ĐHTH Mátxcơva, Sađovichi
- Nhà sinh học Khavinson
Trong 2881 thành viên Viện hàn lâm khoa học tự nhiên Nga (RAEN) công bố [năm 2000] thì chỉ có tên 4 người Việt Nam là Đặng Vũ Minh, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Thanh Nghị, Phan Hồng Khôi.
Tất cả những người khác như ông Nguyễn Đình Đức, Ngô Tất Tố, Trần Văn Cơ, Võ Đại Lược, Nguyễn Minh Hải… đều không thấy có tên. Mặc dù những người này làm lễ ăn mừng đã hai năm rồi. Chẳng lẽ tên tuổi lẫy lừng nhận huy chương Kapixư mà lại không có tên hay sao???
Ông Đức nói đã nhận bằng phát minh số 120. Nơi cấp thì rất mập mờ, lúc thì nói là của Nga, lúc thì nói là của Viện hàn lâm phát minh và sáng chế quốc tế (!) Theo tôi biết Uỷ ban phát minh sáng chế Nga không cấp cho ai tên là Nguyễn Đình Đức chiếc bằng này. Còn RAEN (dù là một tổ chức xã hội) không thấy nói người tên là Nguyễn Đình Đức có bằng phát minh. Còn cái gọi là “Viện hàn lâm phát minh và sáng chế quốc tế” có lẽ chỉ còn cách lên trời mà hỏi.
Về cái luận án tiến sĩ của ông Đức, cái cơ sở để ông có “bằng phát minh số 120″ xin có đôi lời: Ông Đức kéo “sư phụ” của mình (chắc là để gây áp lực) mang luận án sang ĐHTH Mátxcơva để xin bảo vệ tại đó. Ông Podbeđra, thày cũ của ông Đức sau khi nghe ông Đức trình bày đã gạt đi. ấy thế mà chẳng hiểu bằng cách nào mà ông Nguyễn Đình Đức lại xuất hiện như ngôi sao sáng chói vài năm sau đó, mặc dù ông không thông thạo gì máy tính.
Anh em trí thức đang sống ở Nga, những người có tâm huyết đang phải vật lộn với thương trường cũng biết đến sự lừa đảo của bọn “lưu manh trong khoa học” nhưng để hiểu cặn kẽ và minh triết thì không phải ai cũng có điều kiện. Thêm nữa trong cộng đồng người việt, thông tin thiếu thốn, chỉ còn trông vào mấy tờ báo “nhân danh cộng đồng” nhưng lại phục vụ cho một nhóm người có mưu đồ không tốt. Trong bối cảnh ấy, không gì bằng tung màn hoả mù tại Mátxcơva làm dư luận hoang mang, nghi hoặc, đồng thời nhằm bịt miệng những người muốn nói lên sự thật. Tôi chỉ lạ một điều là: tại sao cho đến nay người ta không chịu tổ chức giám định “công trình xuất sắc” của nhà khoa học Nguyễn Đình Đức, một điều có thể làm được tại Hà nội một cách dễ dàng?
Cho đến nay (9 năm sau bài viết), cái câu cuối cùng (mà tôi in đậm) vẫn chưa có lời giải đáp !

Nguyễn Tiến Dũng



No comments: