Friday, April 10, 2009

MỘT PHÁC HOẠ VỀ TRỊNH CÔNG SƠN

NHÂN CHUYỆN BÀI VIẾT CỦA TRỊNH CUNG:
THÊM MỘT PHÁC HỌA VỀ TRỊNH CÔNG SƠN TRONG GIỚI TRẺ HIỆN NAY

Trọng Phúc
http://www.viet-studies.info/TrinhCongSon_TrongGioiTre.htm
Những ngày qua, dư luận xôn xao về bài viết của Họa sĩ Trịnh Cung: “Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị”. Đa số những người yêu nhạc Trịnh cũng như bạn bè thân hữu đều tỏ thái độ bất bình và phản đối họa sĩ Trịnh Cung, cho rằng ông “ngậm máu phun người”, bôi nhọ thanh danh và xuyên tạc xuyên tạc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhiều phương tiện truyền thông đồng loạt đăng bài lên tiếng bênh vực Trịnh Công Sơn, chê bai họa sĩ Trịnh Cung về tư cách và đạo đức… Có thể những điều mà Trịnh Cung viết trong bài báo là dối trá và xuyên tạc thật, nhưng xét ở một khía cạnh nào đó bài viết của Trịnh Cung có một tác động tích cực đến hình ảnh của người nhạc sĩ đang bị giới trẻ lãng quên.

Trong giai đoạn phong trào sinh viên học sinh sôi nổi nhất vào thập niên 60-70, hình ảnh người nhạc sĩ gầy với cặp mắt kính tròng lớn trở nên thần tượng của giới trẻ, và nhạc của ông cùng với giọng hát Khánh Ly là thứ thức ăn tinh thần không thể thiếu đối với họ. Từ những bài ca phản chiến như Hát trên những xác người, Ngày dài trên quê hương hay Người nô lệ da vàng… cho đến những bản tình ca u uẩn, đậm tính triết lý về đời sống và tình yêu theo quan niệm nhân sinh của riêng ông. Thuở ấy, giới trẻ yêu nhạc Trịnh, ủng hộ nhạc Trịnh và hát nhạc Trịnh vì các lẽ: Trong hoàn cảnh chiến tranh, tâm trạng của họ trở nên chán nản, chỉ thích tìm niềm vui qua cà phê, khói thuốc và một loại âm nhạc mang thứ triết lý khó hiểu nhưng để lại nhiều cảm xúc khiến họ quên đi những ngày dài buồn bã (xin lưu ý là trong khoảng thời gian này Trịnh Công Sơn chưa có nhiều ca khúc mang sắc thái vui tươi và lạc quan). Thứ hai, tập Ca Khúc Da Vàng cùng các tác phẩm phản chiến nói lên đúng thực trạng bi đát của đất nước và sự vô nghĩa của chiến tranh nên được những người trong phong trào phản chiến (mà đa số là học sinh, sinh viên) nhiệt liệt ủng hộ. Và thứ ba nó hợp với những người trốn lính. Có người trốn lính vì phản đối chiến tranh nhưng đa phần là sợ chết vì từ sau năm 1968, chiến tranh trở nên ác liệt và thương vong rất nhiều. Nhạc Trịnh khi ấy được xem là lời biện hộ cho chính ông cũng như những người trốn quân dịch.

Vào những năm đầu giải phóng, nhạc tình của Trịnh Công Sơn bị xếp vào hàng lãng mạn ủy mị. Riêng tập Ca khúc da vàng bị cấm lưu hành cho tới nay. (Theo nhà thơ Đỗ Trung Quân, mỗi lần tổ chức chương trình văn nghệ vào ngày giỗ nhạc sĩ thì những ca khúc da vàng được đưa “chui” vào chương trình, có khi trót lọt và có những lúc ban tổ chức bị mời lên “làm việc”). Trịnh Công Sơn đã cố gắng sáng tác cho hợp thời để rồi ra đời những ca khúc mau chóng rơi vào lãng quên như Gánh rau ra chợ và Máy kéo nông trường. Tuy vậy, lượng thính giả trung thành và yêu mến nhạc Trịnh vẫn còn nhiều nhưng không bằng giai đoạn trước giải phóng nữa, chủ yếu là do sự hạn chế lưu hành nhạc ông của nhà nước.

Từ sau những năm đổi mới, đặc biệt là hai thập niên gần đây phong trào hát nhạc Trịnh và nghe nhạc Trịnh bắt đầu phát triển trở lại. Những nhà sản xuất hay đồng nghiệp của nhạc sĩ cố gắng xây dựng lại hình ảnh một Trịnh Công Sơn thần tượng trong lòng khán giả trẻ nhưng có vẻ không mấy thành công. Riêng Trịnh Công Sơn cũng có nhiều sáng tác mới như Ở trọ, Sóng về đâu… nhưng loạt ca khúc này không để lại ấn tượng sâu sắc cho người nghe bằng những sáng tác trước năm 1975 của ông. Trịnh Công Sơn cũng tìm được nữ ca sĩ mà ông cho là có chất giọng phù hợp với sáng tác mới của mình là ca sĩ Hồng Nhung, nhưng giọng ca Hồng Nhung không thể thay thế được Khánh Ly. Có thể chia thành ba nhóm những người yêu nhạc Trịnh: Nhóm 1 là những người bạn và những người nghe trung thành từ trước năm 1975. Nhóm hai: những bạn trẻ thực sự yêu mến nhạc Trịnh vì cảm được những ca từ mượt mà trau truốt hay những mối tình đẹp trong bài ca của ông. Nhóm 3: Những người nghe theo trào lưu, chóng mê chóng chán. Hiện nay nhóm 1 và nhóm 2 đang vơi dần và nhóm 3 thì tăng lên. Một điều rõ ràng là các bạn trẻ ngày nay không còn hâm mộ nhạc Trịnh nhiều như trước nữa. Các trào lưu nhạc trẻ mang nặng ảnh hưởng của âm nhạc và điện ảnh Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản… ngày càng cuốn hút giới trẻ nhiều hơn. Những Show diễn của các ca sĩ thuộc dòng nhạc này đầy ắp các khán giả tuổi “teen” và thị trường băng đĩa luôn tạo những cơn sốt ảo khiến các bạn trẻ luôn luôn tìm kiếm và thay đổi một thần tượng âm nhạc cho riêng mình để hợp mốt và hợp phong cách. Những nhạc sĩ trẻ không ngừng “sáng tạo” để sàn xuất ra những ca khúc thật “hot” lôi cuốn các bạn trẻ. Ngày xưa khi các phương tiện truyền thông chưa nhiều cũng như thời trang chưa nở rộ thì nghe nhạc chỉ đơn thuần là nghe và cảm nhận, còn ngày nay nghe nhạc còn kèm với cả xem nhạc nữa. Khán giả đến sân khấu hay bật băng đĩa ngoài việc nghe hát còn xem ca sĩ thần tượng của mình nhảy nhót và vận những bộ phục trang không đụng hàng, thế nên những ca khúc chỉ đơn thuần để nghe và thưởng thức như nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên… không đủ để chiều lòng những khán giả trẻ. Có một số ca sĩ nhạc trẻ như Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Hồng Ngọc… thử nghiệm hát nhạc Trịnh nhưng thực sự thì những ca khúc đó chẳng lôi kéo khán giả được bằng nhạc của các nhạc sĩ trẻ.

Kể từ ngày mất của Trịnh Công Sơn, có vẻ như mỗi năm các chương trình về nhạc ông ngày càng vơi đi. Nhạc Trịnh thực sự không phải là một kho vàng vô tận, và nó chỉ phù hợp vào một thời điểm nhất định, đối với một lượng người nghe nhất định. Các nhà sản xuất cũng đã nghiệm ra điều đó nên nhạc ông trong những show của họ thưa dần. Chương trình ca nhạc tưởng niệm ông hàng năm do nhóm nghệ sĩ gia đình thân hữu tổ chức ở quán Hội Ngộ - Bình Quới cũng có vẻ trầm lắng hơn. Cái tên Trịnh Công Sơn ngày càng ít xuất hiện trên môi miệng những bạn trẻ cũng như trên bìa đĩa của họ, còn các phòng trà “chuyên trị” nhạc Trịnh chỉ lôi cuốn được những khán giả trung niên và thiểu số sinh viên trẻ mà thôi. Những năm gần đây vào ngày giỗ của Trịnh Công Sơn, báo đài và phương tiện truyền thông thưa hẳn những tin bài viết về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông. Thế nên vào dịp giỗ năm nay, bài viết của họa sĩ Trịnh Cung đã khuấy lên dư luận khiến người ta chú ý nhiều hơn, nhớ đến nhiều hơn và nhắc đến nhiều hơn người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh.

Thực tế đã chứng minh âm nhạc không phải là vĩnh cửu. Những loại nhạc từng một thời mê đắm lòng người như Ả Đào, Quan Họ ngày nay gần như đi vào quên lãng. Bản thân âm nhạc cũng mang sứ mệnh lịch sử của nó, nó phù hợp với thời gian, không gian, hoàn cảnh, con người. Âm nhạc chính là bức tranh xã hội sinh động và chân thực nhất được lãng mạn hóa bằng âm điệu. Khi xã hội đổi thay, các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, văn hóa, trí tuệ con người đổi thay thì thứ âm nhạc cũ sẽ được thay thế bằng một thể loại âm nhạc khác phù hợp hơn. Nói như thế không phải để phủ định nền âm nhạc trữ tình lãng mạn của Trịnh Công Sơn và các nhạc sỹ thế hệ trước mà để mở ra hướng suy nghĩ cho mỗi chúng ta rằng, khi thứ nhạc thị trường lai căng hiện nay đang chiếm lĩnh thị hiếu giới trẻ thì ta có thể đánh giá được trình độ và đạo đức xã hội ngày nay xuống cấp và tha hóa đến mức độ nào rồi. Nếu chưa thể tìm được thứ âm nhạc nào tốt hơn, hay hơn và trí tuệ hơn để thay thế thứ âm nhạc ấy thì những dòng nhạc như nhạc Trịnh Công Sơn xin hãy cố gắng bảo tồn.

9-4-09

No comments: