Wednesday, April 1, 2009

LỘ TRÌNH 5 BƯỚC CHO NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN

Lộ trình 5 bước cho dự án nhà máy điện hạt nhân

PGS. TS Đào Tiến Khoa
Viện Khoa Học và Kỹ Thuật Hạt Nhân

10:06-31/03/2009

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&CategoryID=3&News=2752

Mặc dù đã phục vụ nhân loại hơn nửa thế kỷ và trải qua một quá trình phát triển với nhiều thăng trầm khác nhau, điện hạt nhân (ĐHN) lại đang thu hút sự quan tâm của chúng ta như một nguồn năng lượng quan trọng của nhân loại với hai lý do chính sau:

· Với sự phát triển kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt là ở một số nước đang phát triển ở châu Á trong đó có Việt Nam, nhu cầu năng lượng nói chung và điện năng nói riêng đang ngày càng trở nên cấp bách. Tình trạng thiếu hụt điện, nhu cầu xăng dầu tăng nhanh… cho ta thấy rằng các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống đang ngày một cạn kiệt và chắc chắn sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu của kinh tế và đời sống. Trong tình hình này, năng lượng hạt nhân được coi như một trong những giải pháp tất yếu cho nhu cầu năng lượng đang tăng của nhân loại.
· Tiêu thụ điện, xăng dầu cùng các sản phẩm năng lượng khác có nguồn gốc hóa thạch đã được khẳng định là nguồn đã và đang phát ra một lượng khí thải khổng lồ vào khí quyển gây hiệu ứng nhà kính (green house effect) làm nóng dần hành tinh, với những hệ quả rất nguy hại đến cuộc sống của loài người (đặc biệt Việt Nam sẽ là một trong những điểm bị ảnh hưởng tồi tệ nhất của hiệu ứng nhà kính). Trong khung cảnh này, ĐHN (nuclear power), với mức thải khí CO2 gần bằng không so với các nguồn nhiệt điện dùng nhiên liệu than hoặc dầu khí… (xem Hình 1 dưới đây), là một giải pháp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, giữ được một môi trường sống thân thiện và an toàn cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai.

Hình 1: So sánh lượng khí thải (tương đương số g CO2 /kWh) bởi các nguồn sản xuất điện khác nhau. Ô màu sẫm tương ứng với CO2 thải trực tiếp từ dây chuyền đốt nhiên liệu than và khí dầu.

http://www.tiasang.com.vn/Portals/0/thang%204%2009/HINH%201.gif

Tình trạng thiếu điện cho sản xuất và đời sống cùng với sự ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây đã cho thấy nhu cầu phát triển điện hạt nhân cũng đã trở nên rất sát thực đối với đất nước ta. Do đó mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình trong năm 2006, và Quốc hội đã thông qua Luật năng lượng nguyên tử trong năm 2008 với mục đích xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam từ sau năm 2020. Tuy nhiên, với nhiều nguồn thông tin khác nhau về ĐHN có thể dễ dàng cập nhật trên báo chí trong nước và quốc tế, đặc biệt là qua Internet, dư luận xã hội Việt Nam hiện vẫn đang có khá nhiều nghi ngờ và lo lắng xung quanh những yếu tố rủi ro tiềm ẩn của ĐHN. Gần đây nhất là những phản ứng từ nhiều bạn đọc trên mạng sau bốn bài báo bàn về điện hạt nhân của tác giả Nguyễn Quốc Anh đăng trên báo điện tử Tuần Việt Nam[1]. Trong giai đoạn hiện nay, khi ĐHN đã trở thành mục tiêu hiện thực của chiến lược năng lượng Việt Nam, những bình luận ủng hộ hoặc phản đối ĐHN với các luận điểm định tính chung chung phải được thay thế bằng những bình luận khách quan kèm những thông tin định lượng tin cậy, góp phần mang lại những kiến thức thiết yếu cần thiết về ĐHN cho đông đảo các tầng lớp xã hội (đặc biệt là đối với một số đồng bào ở Ninh Thuận, địa điểm được chọn để xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên, những người đang tìm cách bán đất và nhà cửa để đi định cư nơi khác vì những lo lắng về rủi ro tiềm ẩn nguy hiểm của ĐHN). Dưới đây tác giả cố gắng trình bày một cách khách quan các thông tin tham khảo về ĐHN thế giới nói chung và những suy nghĩ của mình về công cuộc phát triển ĐHN ở Việt Nam.

I. Hiện trạng ĐHN trên thế giới và những đánh giá rủi ro tiềm ẩn:

ĐHN sử dụng năng lượng sinh ra từ phản ứng phân hạch các hạt nhân Uran-235 (ký hiệu là 235U) và Plutonium-239 (239Pu) trong lò phản ứng hạt nhân (LPUHN) để sinh tạo áp lực hơi nước chạy các turbine phát điện. Năng suất của các nhà máy ĐHN trên thế giới hiện đang chiếm hơn 16% toàn bộ lượng điện được sản xuất toàn cầu, giúp nhân loại tránh được từ 2,6 đến 3,5 tỷ tấn khí thải CO2 hằng năm. Hiện tại có hơn 400 nhà máy ĐHN dựa trên các LPUHN thiết kế khác nhau đang được vận hành trên thế giới, trong đó khoảng 90 là ở châu Á (tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...). Trong số gần 200 nhà máy ĐHN đang vận hành ở châu Âu, một số không nhỏ LPUHN đã cũ và đang được chuẩn bị nâng cấp hoặc thay mới. Nhân dịp này dư luận xã hội ở các quốc gia như (Bỉ, CHLB Đức, Hà Lan, Thụy Điển…) đã từng có những phong trào đòi đóng cửa hoàn toàn những cơ sở ĐHN này để tránh những nguy cơ rủi ro nguy hiểm của LPUHN. Tuy nhiên từ 2 năm trở lại đây, những phong trào phản đối trên có khuynh hướng dịu dần do giá dầu thô đã có lúc leo thang kỷ lục cũng như là việc thay thế những nhà máy ĐHN bằng nhà máy nhiệt điện chạy năng lượng hóa thạch là việc không thể chấp nhận được vì nó chắc chắn sẽ đưa đến vi phạm mục tiêu của EU về giảm lượng khí thải CO2 theo tinh thần của Nghị định thư Kyoto. Trong một tình thế giằng co giữa quan điểm nên hay không nên tiếp tục triển khai ĐHN ở châu Âu, Hội Vật lý châu Âu EPS (đại diện cho hơn 100 nghìn nhà vật lý đang nghiên cứu, triển khai ứng dụng và giảng dạy vật lý ở hơn 40 quốc gia châu Âu) đã xuất bản trong năm 2008 một bài báo khuyến cáo quan điểm của EPS về ĐHN như một lựa chọn năng lượng của tương lai [2]. Tài liệu này được coi như một nguồn tham khảo quan trọng trong EU và hiện nay người ta đã bắt đầu thấy những thay đổi sang chiều hướng ủng hộ ĐHN (thí dụ như Italia đã từ bỏ luật cấm sử dụng ĐHN để ký với Pháp hiệp định hợp tác xây dựng một số nhà máy ĐHN với LPUHN thế hệ mới). Tại châu Á, quá trình phát triển ĐHN cũng đã bước sang một giai đoạn mới với việc chuẩn bị đưa vào sử dụng nhiều LPUHN thế hệ mới trong tương lai gần. Thí dụ như Trung Quốc đã có kế hoạch tới 2020 tăng công suất ĐHN của mình lên 4 lần, với 8 nhà máy mới đang được xây dựng theo công nghệ ĐHN hiện đại nhất của Pháp. Hoa Kỳ, quốc gia có nhiều nhà máy ĐHN nhất thế giới cũng đang tích cực tiếp tục phát triển công nghệ ĐHN như một nguồn năng lượng sạch, với hỗ trợ tài chính đáng kể từ gói kích cầu kinh tế do Tổng thống Obama vừa mới ban hành trong tháng 2/2009. Với sự phát triển ĐHN hiện nay, một trong những câu hỏi băn khoăn là liệu ĐHN còn triển vọng lâu dài không khi mà trữ lượng quặng Uran trên thế giới chỉ còn đủ cho vài chục năm nữa cho công suất hiện nay của ĐHN toàn cầu [1]. Trong thực tế, thống kê chính thức về trữ lượng của các mỏ quặng Uran đang được khai thác là 4,7 triệu tấn, trữ lượng ngầm đánh giá từ những điều tra các vùng lãnh thổ có tiềm năng khai thác trong tương lai là hơn 10 triệu tấn. Tổng trữ lượng khoảng 14,8 triệu tấn quặng Uran sẽ đủ đảm bảo nhu cầu toàn cầu về Uran (67 nghìn tấn trong năm 2005) ít nhất hơn 200 năm nữa. Ngoài ra, thiết kế của một số LPUHN thế hệ mới đã được chuyển sang chu trình nhiên liệu khép kín với các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng được đưa vào qui trình tái chế thành nhiên liệu tiếp tục dùng vận hành LPUHN [3], khi đó trữ lượng quặng Uran trên được đánh giá là sẽ đủ cho nhiều nghìn năm [2].

Hình 2: Kết quả phân tích đại lượng “Số ngày mất đi trong đời sống con người” của tác giả B.L. Cohen [4]. Đáng chú ý là rủi ro gắn với việc sống gần nhà máy ĐHN thấp hơn nhiều nghìn lần so với rủi ro gắn với thói quen nghiện hút thuốc lá...

http://www.tiasang.com.vn/Portals/0/thang%204%2009/HINH%202%20mang.jpg

Về khía cạnh kinh tế, ĐHN hiện vẫn đang có giá thành khá cao so với các nguồn điện dùng nhiên liệu hóa thạch. Giá bán điện từ nhà máy ĐHN [1] thường được tính để bù dần khoản chi phí đầu tư ban đầu trong nhiều thập kỷ, chi phí mua nhiên liệu và vận hành nhà máy. Nếu tính hết tất cả các chi phí cho các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và xử lý chất thải phóng xạ thì giá thành ĐHN chắc chắn cao hơn giá khuyến cáo của các nhà cung cấp. Vì thế, một thách thức quan trọng đối với việc thiết kế và triển khai LPUHN thế hệ mới (thế hệ 3 và 4) là làm sao cho giá thành của ĐHN phải rẻ hơn trước nhưng công nghệ LPUHN lại phải an toàn hơn.
Tuy nhiên, điều mà bạn đọc quan tâm hơn cả vẫn là độ rủi ro, xác suất sự cố kỹ thuật nguy hiểm của ĐHN hiện nay ra sao. Nói chung, việc đánh giá độ rủi ro của ĐHN cần phải được tập trung vào hai khía cạnh: Khả năng (xác suất) của các sự cố có thể xảy ra với nhà máy ĐHN; Tất cả những hậu quả nguy hiểm của những sự cố đó.
Xác suất rủi ro của nhà máy ĐHN phải thực hiện bằng các tính toán mô phỏng qui mô lớn sử dụng máy tính hiệu năng cao hoặc dựa trên các phương pháp khoa học phân tích kết hợp số liệu sự cố trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Một trong những kết quả phân tích như vậy của Giáo sư Cohen [4], thực hiện tại Trường đại học tổng hợp Pittsburgh, Hoa Kỳ (xem hình 2), đã cho thấy khả năng rủi ro nguy hiểm cho tính mạng con người gây bởi sự cố của nhà máy ĐHN thấp hơn nhiều nghìn lần so với bệnh tật hiểm nghèo hoặc tai nạn giao thông (ở Việt Nam thì chắc chắn con số gắn với tai nạn giao thông phải khác). Từ hình 2 ta thấy mặc dù khả năng rủi ro gắn với nhà máy ĐHN lấy từ phân tích của các lực lượng phản đối ĐHN cao hơn số liệu lấy từ phân tích chính thức của Chính phủ Mỹ khoảng 20 lần, con số “phản đối” này vẫn nghìn lần thấp hơn khả năng rủi ro gắn với thói quen nghiện thuốc lá của đàn ông. So sánh giữa các công nghệ sản xuất điện khác nhau, ĐHN cũng được khẳng định là có tỉ lệ tai nạn gây tử vong thấp nhất. hình 3 trình bày kết quả phân tích của Viện Paul Scherrer (Thụy Sỹ) [5] dựa trên tổng số các sự cố tai nạn gây tử vong tại các nhà máy điện trên thế giới từ năm 1969 đến 2000 và ta thấy là ĐHN (bao gồm cả 50 ca tử vong trực tiếp trong sự cố nhà máy ĐHN Chernobyl năm 1986) có tỷ lệ “số người tử vong trực tiếp vì tai nạn trên một Gigawatt-năm điện” thấp nhất (gần 0.1 so với trên dưới 10 của các nhà máy nhiệt điện). Tuy nhiên, nếu như xét đến khía cạnh thứ hai của việc đánh giá rủi ro thì sự cố nhà máy ĐHN Chernobyl lại có những hậu quả rất lớn đối với cộng đồng dân cư và môi trường trong một thời gian dài sau đó. Theo báo cáo chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, gần 4000 người đã phải chịu ảnh hưởng khác nhau của phóng xạ phát táng ra từ sự cố ĐHN Chernobyl và có khả năng mắc các loại bệnh ung thư cao hơn các nhóm dân cư bình thường, trong số này 9 trẻ em được khẳng định là đã chết vì ung thư vòm họng do nhiễm xạ [6]. Mặc dù con số này ít hơn nhiều so với những đánh giá ban đầu tới hàng trăm nghìn người bị nhiễm xạ Chernobyl, nó sẽ luôn là một bài học cảnh báo đối với hàng vạn nhân lực đang vận hành các nhà máy ĐHN trên thế giới. Ở đây tác giả nhấn mạnh “nhân lực” bởi vì thảm họa Chernobyl xảy ra hoàn toàn do lỗi của các kỹ sư vận hành nhà máy lúc đó. Theo báo cáo chính thức của đại diện Liên Xô tại Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thì có 6 quy định an toàn vận hành ĐHN đã bị vi phạm tại Chernobyl mà nghiêm trọng nhất là việc tắt hệ thống làm nguội khẩn cấp (emergency cooling) lõi LPUHN.

Cho đến nay, hơn 20 năm sau sự cố ĐHN Chernobyl, 12 LPUHN kiểu RBMK với thiết kế tương tự LPUHN Chernobyl vẫn đang được vận hành phát điện tại LB Nga và Lithuania. Khả năng xảy ra một tai nạn tương tự Chernobyl đã gần như được loại trừ trong thiết kế các LPUHN thế hệ 3 và đặc biệt là LPUHN thế hệ 4. Các tính toán mô phỏng qui mô lớn đã khẳng định là sẽ không có khả năng thoát phóng xạ ra ngoài ngay cả khi lõi LPUHN bị phá hủy và nóng chảy (meltdown) bởi những nguyên nhân khác thường như khi LPUHN bị máy bay hành khách loại lớn nhất đâm vào hoặc khi LPUHN bị các phần tử khủng bố phá hoại [2]. Nhân đây cũng phải nhấn mạnh với bạn đọc là nhờ sự phát triển không ngừng của công nghệ máy tính, các phương pháp tính toán mô phỏng trong công nghệ năng lượng hạt nhân trên siêu máy tính (supercomputer) đã đạt được độ tin cậy cao chưa từng thấy [7]. Thí dụ như một vụ nổ bom hạt nhân đã có thể được thực hiện hoàn toàn bằng mô phỏng trên supercomputer loại lớn nhất của IBM. Việc tính toán mô phỏng khí tượng thủy văn trên siêu máy tính cũng cho phép dự báo mưa với độ chính xác trong khoảng 5 mm (chỉ tiếc là Việt Nam vẫn chưa có những công nghệ mô phỏng siêu cao này nên đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề qua mưa bão và lũ lụt trong năm vừa qua do dự báo khí tượng kém). Tóm lại, ta có thể tin tưởng rằng thiết kế của LPUHN thế hệ 3 và trong tương lai là thế hệ 4 có khả năng đảm bảo tăng sự an toàn của nhà máy ĐHN lên mức cao nhất.

Hình 3: Thống kê số người tử vong trực tiếp vì sự cố nhà máy trên một Gigawatt-năm tại các cơ sở sản xuất điện dùng nhiên liệu than (coal), dầu, khí (oil, gas), khí lỏng (LPG); nhà máy thủy điện (hydro) và ĐHN (nuclear) trên thế giới từ năm 1969 đến 2000 [5].

http://www.tiasang.com.vn/Portals/0/thang%204%2009/clip_image002.gif


Khả năng rủi ro thứ hai gắn với việc vận hành ĐHN là khả năng sự cố gắn với việc xử lý nhiên liệu ĐHN đã qua sử dụng (còn được nhắc đến như chất thải phóng xạ) với độ phóng xạ cao nguy hiểm đối với con người và môi trường. Hàng năm khoảng 10500 tấn chất thải phóng xạ sinh bởi các nhà máy ĐHN trên thế giới phải được xử lý. Nếu như nhà máy ĐHN dùng nhiên liệu theo chu trình một lần (once-through cycle) như ở Hoa Kỳ thì chất thải phóng xạ phải được vận chuyển đến những kho chứa ngầm sâu dưới lòng đất để giữ gìn, bảo quản cẩn thận ít nhất 170 nghìn năm (đến khi độ phóng xạ giảm đến mức an toàn). Để đảm bảo môi trường an toàn cho thế hệ tương lai, ngày nay kỹ thuật xử lý chất thải phóng xạ trước khi đem đi bảo quản đã được triển khai dùng các phương pháp phản ứng hạt nhân tách những đồng vị phóng xạ có chu kỳ rã lâu để đưa vào quá trình tái chế làm thanh nhiên liệu mới [3] và thời gian cất giữ dưới đất của chất thải phóng xạ còn lại được giảm xuống chỉ còn khoảng 300 năm [2]. Việc xây dựng và duy trì lâu dài những kho chứa chất thải phóng xạ ngầm sâu dưới lòng đất là rất tốn kém, đặc biệt đối với những vùng đất thấp và có nhiều mạch nước ngầm lớn nhỏ (như ở Việt Nam) hoặc ở những địa điểm có khả năng động đất cao. Ngoài ra, tất cả các qui trình cất giữ hoặc tái chế chất thải phóng xạ phải được tiến hành trong một chế độ nghiêm ngặt tuyệt đối, đảm bảo không có bất kỳ rò rỉ đồng vị phóng xạ nào ra ngoài. Bất kỳ một rò rỉ chất phóng xạ ra ngoài sự kiểm soát của cơ quan pháp qui đều có thể có những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống dân cư, môi trường, an ninh và uy tín quốc gia. Tóm lại, công nghệ ĐHN là một công nghệ đặc biệt phức tạp và tốn kém, tuy nhiên với vai trò quan trọng của một nguồn sản xuất điện không sinh khí thải CO2 đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững, ĐHN đang dần trở thành một lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, một khi hạ tầng cơ sở kinh tế, nhân lực chuyên môn và khả năng vốn cho phép.

II. Phát triển ĐHN ở Việt Nam:

Với việc thành lập Viện Nghiên cứu hạt nhân từ cuối những năm 70 thế kỷ trước mà là tiền thân của Viện Năng lượng Nguyên tử (NLNT) Việt Nam ngày nay, việc xây dựng nhà máy ĐHN ở Việt Nam luôn được coi là một dự án chiến lược lâu dài trong công cuộc phát triển kinh tế nước ta. Tuy nhiên, sau gần 30 năm tiến hành các công việc chuẩn bị, nghiên cứu khảo sát độ khả thi của dự án quan trọng này, cùng với việc Luật NLNT đã chính thức được Quốc hội thông qua, vẫn còn nhiều câu hỏi “chất vấn” dự án ĐHN của nước ta [1] mà không phải dễ dàng có được trả lời thích đáng từ phía các nhà chức trách. Có thể nói đa số các câu hỏi do tác giả Nguyễn Quốc Anh đặt ra là rất đáng chú ý, đặc biệt là sự thiếu chuyên nghiệp trong cách tiếp cận và xây dựng dự án đầu tư nhà máy ĐHN của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Với tầm quan trọng của một dự án công nghệ đặc biệt phức tạp, tốn kém và nhạy cảm trong những tiểm ẩn rủi ro, thiết nghĩ các cơ quan liên quan (EVN, Viện NLNT, Cục An toàn bức xạ hạt nhân…) phải có những trả lời công khai trên báo chí cho các câu hỏi trên.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận

http://www.tiasang.com.vn/Portals/0/thang%204%2009/Dienhatnhan-hut-edu-vn.jpg

Là một nhà khoa học nghiên cứu trong Vật lý hạt nhân cơ bản gần 30 năm, tôi có một vài suy nghĩ băn khoăn về dự án ĐHN, tóm tắt trong hai điểm chính sau:

* Nếu như mục tiêu chiến lược là khởi động vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam vào năm 2020 (khoảng 10 năm nữa) thì một chương trình khảo sát chi tiết và nghiêm ngặt nhất lẽ ra đã phải được bắt đầu chính thức cách đây từ 3 đến 5 năm. Và đây phải là một dự án tầm cỡ quốc gia, có đầu tư thích đáng và được thực hiện cùng với một đối tác quốc tế (hoàn toàn độc lập với nhà cung cấp nước ngoài sau này) có trình độ chuyên môn cao. Đối với một quốc gia lần đầu tiên xây dựng ĐHN, những công việc khảo sát nghiêm ngặt như vậy là vô cùng quan trọng và phải được thực hiện rất chuyên nghiệp bởi các chuyên gia quốc tế trình độ cao để đảm bảo mọi chuẩn bị tối ưu nhất cho dự án ĐHN. Thí dụ như các nghiên cứu khảo sát, tính toán mô phỏng vận hành nhà máy ĐHN trong các điều kiện địa vật lý, khí tượng thủy văn phức tạp nhất phải được thực hiện để có được một lựa chọn địa điểm tối ưu cùng với loại LPUHN thế hệ mới thích hợp nhất đối với Việt Nam. Những công việc như vậy nằm trong chương trình các hoạt động RD&D (research, development and demonstration) [2] mà thường phải được bắt đầu tiến hành vài năm trước khi dự án lớn chính thức khởi động. Nhân đây cũng phải khẳng định rằng lực lượng nhân lực ít ỏi và yếu kém của chúng ta [1] chắc chắn không có đủ khả năng và tiềm lực chuyên môn để thực hiện các hoạt động RD&D này. Việc báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy ĐHN đã được EVN chính thức trình trước hội đồng thẩm định Nhà nước cho thấy là Việt Nam đã rút ngắn tiến độ, bỏ qua giai đoạn RD&D khảo sát trên. Ai đó có thể nghĩ rằng việc đốt cháy giai đoạn này cũng không có gì nghiêm trọng lắm vì nhà cung cấp nước ngoài tương lai thế nào cũng sẽ có những hoạt động RD&D riêng của mình cho nhà máy ĐHN Việt Nam. Khi đó chúng ta nên tự hỏi tại sao Philippines đã không thực hiện chương trình RD&D của mình trước khi quyết định lựa chọn nhà thầu nước ngoài (Westinghouse) để tin cậy chi 2,3 tỉ USD xây dựng nhà máy ĐHN Bataan công suất 621 MW năm 1976 để rồi phải đóng cửa năm 1984 khi chưa có một giờ vận hành phát điện nào vì lý do không an toàn đối với động đất. Chính phủ Philippines đã khởi kiện nhà thầu Westinghouse vì hành vi kinh doanh thiếu minh bạch với những dấu hiệu hối lộ và ép giá quá cao cho LPUHN của nhà máy ĐHN Bataan, tuy nhiên đơn kiện mức chính phủ này đã bị Tòa án tối cao Hoa Kỳ bác. Đầu năm 2008, một cuộc thanh tra của IAEA đã kết luận rằng phải tiến hành một cuộc khảo sát kỹ thuật chi tiết với một đội ngũ chuyên gia trình độ cao nhất thì mới có thể xác định dự án nhà máy ĐHN Bataan có thể khởi động lại được hay không [8]. Bài học đắt giá này phải là một cảnh báo đối với các nhà quản lý dự án ĐHN Việt Nam, đặc biệt những ai đang đặt quá nhiều tin tưởng vào nhà thầu nước ngoài.
* Trong bối cảnh phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay, người viết bài này cùng nhiều đồng nghiệp thực sự có cảm giác bất yên khi thấy dự án nhà máy ĐHN đặc biệt phức tạp, tốn kém và nhạy cảm trong những tiềm ẩn rủi ro lại đang nằm dưới sự quản lý chồng chéo bởi đa cơ quan Nhà nước như hiện nay. Có gì đó không ổn lắm khi EVN làm chủ đầu tư xây dựng nhà máy ĐHN còn Viện NLNT và Cục An toàn bức xạ (ATBX) thay mặt Bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) lo gánh vác trách nhiệm hỗ trợ, thẩm định kỹ thuật... Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế nếu xét đến tất cả các khía cạnh phức tạp của công nghệ ĐHN, chỉ riêng việc hỗ trợ và thẩm định kỹ thuật dự án thật nghiêm túc đã là khó khả thi đối với đội ngũ nhân lực ít ỏi yếu kém của ta hiện nay (một chuyên gia của Bộ KH&CN đã từng ví việc này như bắt một đứa trẻ 2 tuổi gánh một tạ thóc!). Ai cũng hiểu là nhân lực trình độ cao là chìa khóa thành công của dự án ĐHN (xin một lần nữa nhắc lại rằng những sự cố lớn của ĐHN đã xảy ra trên thế giới đều do lỗi con người gây ra chứ không phải do nguyên nhân khách quan từ thiên nhiên hoặc từ lỗi nghiêm trọng trong thiết kế LPUHN…) nên trong thời gian hiện nay EVN đã có chương trình đào tạo nhân lực ĐHN riêng của mình, Viện NLNT và Cục ATBX cả hai cũng đều có những chương trình đào tạo tương tự. Ngoài ra, Bộ KH&CN đang tiến hành kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn bị các chương trình tuyển chọn và đưa nhân lực ĐHN tương lai đi đào tạo ở nước ngoài... Hơn thế nữa, việc đào tạo “chay” chuyên ngành công nghệ hạt nhân vẫn đang được tiến hành tại một số trường đại học với những người thầy chưa bao giờ được đào tạo chính qui về công nghệ hạt nhân cũng như ĐHN và không có bất kỳ kinh nghiệm thực tế nào trong việc vận hành nhà máy ĐHN. Liệu bằng cấp “kỹ sư công nghệ hạt nhân” cấp ra từ những cơ sở trong nước này có thể là “giấy thông hành” tin cậy để tham gia hỗ trợ kỹ thuật hoặc trực tiếp vận hành nhà máy ĐHN tương lai được không? Giáo sư Pierre Darriulat, một nhà vật lý Pháp nổi tiếng hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội đã có lần gửi tới lãnh đạo Viện NLNT những nhận xét và đề nghị của ông cho chương trình ĐHN Việt Nam. Trong đó, ông khẳng định việc quan trọng nhất trong những năm này là phải lo xây dựng và đào tạo gấp một đội ngũ nhân lực chuyên môn cao cho dự án ĐHN và việc đó phải được sự quan tâm lớn và lãnh đạo trực tiếp từ phía Chính phủ Việt Nam. Cách tiếp cận manh mún hiện nay của các cơ quan Việt Nam đối với vấn đề hệ trọng này theo ông là hoàn toàn chưa thỏa đáng. Có thể nói cơ chế quản lý đa cơ quan đối với một dự án rất phức tạp và nhạy cảm như ĐHN đang tiềm tàng chứa trong mình những bất cập lớn. Năm ngoái, các đại biểu Quốc hội đã phải bật cười khi chứng kiến “quả bóng trách nhiệm” về an toàn vệ sinh thực phẩm được đá qua đá lại giữa các lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT… Đối với vấn đề an toàn nhà máy ĐHN tương lai, việc đá bóng trách nhiệm như vậy là một kịch bản mà chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận được.

***

LỘ TRÌNH 5 BƯỚC CHO DỰ ÁN NHÀ MÁY ĐHN

Rõ ràng dự án ĐHN Việt Nam còn khá nhiều bất cập và việc phiên bản đầu tiên của dự án đầu tư xây dựng nhà máy ĐHN do EVN trình lên Hội đồng thẩm định Nhà nước đã chưa được thông qua là một minh chứng. Đã đến lúc cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam nên tích cực đóng góp những ý kiến tâm huyết của mình cho dự án tầm cỡ quốc gia này. Từ những suy nghĩ đã trình bày trên, xin mạnh dạn đề nghị một chiến lược cụ thể với lộ trình 5 bước sau đây cho dự án nhà máy ĐHN của đất nước:


a) Thành lập ngay một cơ quan Nhà nước duy nhất chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý, điều phối thống nhất tất cả các hoạt động liên quan đến dự án nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam (Tổng cục ĐHN hoặc Ủy ban Năng lượng hạt nhân quốc gia…). Thủ trưởng cơ quan này phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ cũng như Quốc hội về tiến độ của dự án. Tầm quan trọng của dự án phải luôn được duy trì ở mức độ cao nhất, với an ninh quốc gia và lợi ích của các thế hệ mai sau được đặt lên trên tất cả các tư duy kinh doanh của kinh tế thị trường. Nên để mở khả năng thuê chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm lâu năm trong xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN tham gia thành phần lãnh đạo hoặc làm cố vấn đặc biệt cho ban lãnh đạo cơ quan để đảm bảo việc điều hành dự án ĐHN quốc gia được tiến hành với trình độ chuyên nghiệp nhất. Các chuyên gia Việt Nam cao tuổi (kể cả Việt kiều) trong lĩnh vực LPUHN nên được mời vào tham gia Hội đồng khoa học & kỹ thuật của cơ quan này.

b) Cơ quan a) phải tiến hành ký kết với một đối tác quốc tế (tốt nhất chọn từ các quốc gia có ĐHN phát triển nhưng không nằm trong danh sách các nhà thầu tương lai như CHLB Đức, Thụy Điển, Phần Lan…) hợp đồng liên kết tiến hành chương trình RD&D khảo sát dự án nhà máy ĐHN của Việt Nam trong thời gian 2-3 năm, với những tiêu chí chuyên môn khắt khe nhất. Kinh phí cho hợp đồng này phải ít nhất bằng (hoặc cao hơn) kinh phí chi cho việc khảo sát các dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của quốc gia. Kết quả chính của hợp đồng phải là một dự thảo chi tiết cho việc xây dựng nhà máy ĐHN (gồm những đề nghị tối ưu nhất cho địa điểm nhà máy ĐHN, kiểu LPUHN cùng công nghệ ĐHN đi kèm, địa điểm bảo quản và phương pháp xử lý chất thải hạt nhân hợp lý với điều kiện địa vật lý của nước ta…). Hợp đồng này sẽ phải được nghiệm thu trên cơ sở những báo cáo phản biện khách quan nhất bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế (do IAEA giới thiệu nếu có thể).

c) Song song với quá trình b), cơ quan a) phải trực tiếp chỉ đạo triển khai giai đoạn 1 của chương trình đào tạo nhân lực đồng bộ cho ĐHN, dựa vào các chương trình hợp tác quốc tế đã ký với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, IAEA…, với kinh phí huy động từ ngân sách Nhà nước và viện trợ ODA. Chương trình đào tạo này phải bao gồm tất cả các hướng hoạt động xung quanh công cuộc xây dựng, vận hành, hỗ trợ kỹ thuật… nhà máy ĐHN tương lai. Ngoài việc chọn lọc và đưa nhân lực trẻ đi đào tạo ở nước ngoài, các khóa đào tạo trong nước phải được tiến hành đồng bộ, nghiêm túc nhất bởi các chuyên gia trong lĩnh vực LPUHN với đủ thời lượng thực hành trên LPUHN nghiên cứu ở Đà Lạt hoặc tại các cơ sở ĐHN quốc tế. Ngoài các chuyên gia quốc tế, lực lượng chuyên gia trong nước cho chương trình đào tạo nên dựa vào đội ngũ chuyên gia đã và đang tham gia vận hành an toàn LPUHN Đà Lạt trong 25 năm qua, tránh hiện tượng đào tạo chay như đã bàn ở trên. Cơ quan a) phải cùng với Bộ Nội vụ thông qua được một chế độ đãi ngộ, hợp đồng lao động ưu đãi đặc biệt đối với tất cả các đối tượng nhân sự làm việc trong chương trình ĐHN quốc gia (dựa trên kinh nghiệm quốc tế) để thực sự thu hút được nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước cho chương trình này.

d) Sau khi hợp đồng b) được nghiệm thu, cơ quan a) với tư cách là chủ đầu tư phải tiến hành ngay các công việc đấu thầu quốc tế cho nhà máy ĐHN. Toàn bộ quá trình đấu thầu phải được diễn ra công khai, minh bạch và đảm bảo nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam phải được xây dựng với công nghệ an toàn và hiện đại nhất, với giá cả hợp lý nhất. Với mục đích đó, Chính phủ cần thành lập ngay vào cuối giai đoạn b) một cơ quan pháp quy trực thuộc Chính phủ hoặc thanh tra Nhà nước, với chức năng thanh tra, giám sát toàn bộ các công việc gắn với việc xây dựng nhà máy ĐHN. Với tầm cỡ một công trình trọng điểm quốc gia, cơ quan thanh tra này phải có trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối không có bất kỳ sai phạm nào (tham nhũng, thất thoát trong xây dựng…) xảy ra.

e) Sau khi trúng thầu, nhà thầu quốc tế phải được sự hỗ trợ cao nhất của các cơ quan hữu quan trong nước trong mọi giai đoạn của quá trình xây dựng. Song song với việc xây dựng, việc đào tạo nhân lực ĐHN giai đoạn 2 phải được triển khai khẩn trương qua hợp tác chặt chẽ giữa nhà thầu quốc tế và các Bộ KH&CN, Bộ Công thương, Bộ LĐTB&XH để chuẩn bị được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề tham gia việc vận hành nhà máy ĐHN tương lai. Sau khi việc xây dựng và bàn giao nhà máy ĐHN cho đối tác Việt Nam hoàn tất theo các điều kiện chi tiết của hợp đồng thầu, cơ quan a) vẫn phải tiếp tục quản lý thống nhất tất cả các công việc liên quan với việc vận hành nhà máy ĐHN trong vòng 12 tháng. Chỉ sau đó mới xét đến việc bàn giao nhà máy cho một tổ chức Nhà nước chính thức kinh doanh ĐHN và Chính phủ lúc đó sẽ cân nhắc khả năng tiếp tục duy trì hay giải thể, sáp nhập… đối với cơ quan a). Sự tồn tại của cơ quan thanh tra pháp qui bàn ở mục d) phải được duy trì tiếp tục theo các chuẩn quốc tế, với quyền lực thanh tra cao nhất (như toàn quyền được phép ra lệnh ngừng hoạt động của LPUHN khi thấy có những vi phạm tiêu chí an toàn ĐHN…).

Có thể chiến lược với lộ trình 5 bước nêu trên cũng có những điểm phải nghiên cứu lại, nhưng hi vọng đây sẽ là những thông tin đáng được tham khảo bởi lãnh đạo chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan trong cách tiếp cận vấn đề và xây dựng dự án phát triển ĐHN. Nhằm bảo đảm mỗi một công đoạn trong quá trình xây dựng nhà máy ĐHN của Việt Nam được diễn ra với độ tin cậy tuyệt đối và ưu tiên cao nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước, sự an ninh và thịnh vượng của các thế hệ mai sau của dân tộc Việt Nam.

PGS. TS Đào Tiến Khoa
Viện Khoa Học và Kỹ Thuật Hạt Nhân


------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Bốn bài báo bàn về điện hạt nhân của tác giả Nguyễn Quốc Anh đăng trên tuần báo điện tử TuanVietnam.net, từ 11 đến 15/03/2009 (
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6329/index.aspx)
2. EPS position paper. “Energy for the future-the nuclear option”, Europhysicsnews, vol. 39, No 2 (2008) 5; (
http://www.eps.org/about-us/position-papers)
3. S. David, E. Huffer, H. Nifenecker. “Revisiting the thorium-uranium nuclear fuel cycle”, Europhysicsnews, vol. 38, No 2 (2007) 24.
4. B.L. Cohen. “Catalog of risks extended and updated”, Health Physics, vol. 61, No 3 (1991) 317; (
http://www.ecolo.org/documents/documents_in_english/Bernard.Cohen.rankRisks.htm
5. Paul Scherrer Institut (PSI), Technology Assessment/GaBE, (http://gabe.web.psi.ch/research/ra/)
6. WHO report. “Chernobyl: the true scale of the accident” (
www.who.int/mediacentre/news/releases/2005/pr38/en/index.html)
7. CEA News. “Nuclear Energy Simulation Codes”, French Atomic Energy Comm. Intern. Magazine, No 3 (2008) 16.
8. From Wikipedia. “Bataan Nuclear Power Plant” (
http://en.wikipedia.org/wiki/Bataan_Nuclear_Power_Plant)

No comments: